Trong ba dụ ngôn liên tiếp để nói đến một kết quả lòng nhân hậu của người cha, bài Tin Mừng Chúa Nhật 24 năm C, mùa quanh năm, Chúa Giêsu muốn bộc bạch tình yêu thương của cha đối với con người.

Mở đầu như những dụ ngôn khác, là vấn đề được đặt ra với luật sỹ và kinh sư cách thức suy tư của Thiên Chúa và cách suy tư của con người.

Mở đầu bằng một dụ ngôn nhẹ nhàng theo cách thường xem thấy trong nghề chăn nuôi. Một con chiên đi lạc giữa một bầy 100 con, để lại 99 con chiên để đi tìm một con chiên thất lạc.

Một hình ảnh khác trong dụ ngôn thứ hai về tình cảnh một người đàn bà goá nọ, có mười đồng đánh mất một đồng.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn khác, người cha có hai con.

Cách đặt vấn đề là đưa ra hai lập trường suy tư: Cách suy tư của Thiên Chúa và cách suy tư của con người.

Cách của Thiên Chúa: “Nước Trời sẽ vui mừng vì một người trở lại hơn là chín chín người không cần sám hối”. Tại sao có một vấn đề như thế, nước trời không vui chăng khi chín mươi chín người kia không cần sám hối? Trả lời câu hỏi này mới thấy được vấn đề “ai cần sám hối”, chẳng phải những ai nhận ra thân phận yếu đuối của mình cần lòng Chúa thương xót? Nếu không cần lòng Chúa thương xót thì còn cần gì ơn cứu độ. Như vậy, chúng ta thấy rõ chính mỗi người cần lòng Chúa thương xót, bởi vì “chẳng ai đủ sự công chính để tự nhủ không cần sám hối”.

Chín mươi chín con chiên không đi lạc nhưng đã chắc chín mươi chín kia đã là hoàn hảo? Nếu tự cho mình là hoàn hảo, người ta sẽ lên án con chiên đi lạc kia, hoặc là cầu mong cho nó chết ở xó xỉnh nào hoặc tự nhủ rồi đời sẽ dạy cho nó bài học nên thân. Tự cho mình là người công chính để lên án người khác là một hình thức không còn công chính. Tự nhủ với mình không cần sám hối là một sự tự lừa dối với chính mình hoặc thờ ơ với tội lỗi của mình.

Đối với mục tử, nghĩa là với vai trò lãnh đạo của kinh sư và biệt phái. Cách suy nghĩ của con người đại loại là giữ những gì trong tay chứ không giữ những gì ngoài tầm tay, ủng hộ những người chịu khép mình chứ không chấp nhận kẻ chống đối. Đi lạc là một hình thức chống đối lại sự ngoan ngoãn của bầy cừu. Một bầy cừu chịu sự chăn dắt của những mục tử giả danh: Loại trừ những con chiên đau bệnh, hoang đàng; ăn thịt và lấy sữa những con chiên béo tốt. Sự ngoan ngoãn của bầy cừu là một lợi thế cho những mục tử giả danh. Người ta chăn dắt bầy cừu bằng bạo lực, với sự chuyên chế, áp đặt…Xử tử và loại trừ là phương pháp dễ dàng nhất để áp dụng cho con chiên đi lạc.

Đi tìm con chiên đi lạc là một điều không có tính kinh tế. Nếu có tìm, tìm để diệt hay để nhốt chung vào một cũi nào đó để tách thành phần xấu ra khỏi một xã hội, chứ không phải là cõng trên vai, mở tiệc mừng như cách thức của Chúa làm. Con người đã không còn đủ thời gian để sống, để hưởng thụ làm gì còn thời gian để nghĩ đến việc chữa lành, băng bó hoàn trả hơn những gì đánh mất. Cách suy nghĩ của thị trường của kinh tế là còn vớt vát để tiếp tục lấy sữa được không chứ không phải là vấn đề nội tâm của cá nhân. Ở trong một định nghĩa nào đó, người ta nói: Con người là vốn quý của xã hội”. Là vốn quý có nghĩa là con người là sản phẩm của xã hội chứ con người không làm chủ nhân ông của xã hội. Từ định nghĩa sai lầm, xã hội là chủ nhân ông của con người, nếu con người là sản phẩm xấu, hay tồi tệ thì loại nó đi, bởi nó không là vốn quý mà là một thứ rác rưởi của xã hội. Xã hội phát triển lành mạnh không bao gồm những con người xấu. Người ta đã làm như thế thật.

Trước kia con người chỉ được đặt ở mức dưới những tổ chức những luật lệ, nhưng từ ngày con người được đặt làm trọng tâm, ở đỉnh cao, tình trạng đối xử với con người cũng không thấy khá hơn. Người ta lấy vấn đề nhân quyền để hạn chế các điều thuận lợi, lấy nhân quyền để chà đạp phẩm giá con người. Ai cũng biết thang cấp của con người ở Hoa Kỳ: Thứ nhất: Trẻ em, Thứ nhì Phụ nữ, Thứ ba súc vật, thứ tư đàn ông. Chẳng phải kể ra để bênh vực đàn ông nhưng xem bảng xếp ưu tiên có nhiều vấn đề làm mất nhiều giá trị trong cơ cấu của một gia đình. Trẻ em không thuộc quyền dạy dỗ của cha mẹ, phụ nữ không đòi buộc trách nhiệm với gia đình, những con vật nuôi phải tôn trọng hơn tôn trọng những con người…

Nhân quyền là lấy quyền tự do để xem thường tự do của người khác. Có lẽ cần nói như xưa: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Con người đang đánh mất con người trong nhiều khía cạnh, có lẽ cũng là một điều suy nghĩ từ bài dụ ngôn con chiên lạc.

Tìm con chiên lạc đúng nghĩa của một sự cần thiết là tìm lại giá trị phẩm giá của con người.

Phẩm giá của con người được định nghĩa:

“ Phẩm giá con người là một giá trị siêu việt, luôn luôn được nhìn nhận như thế bởi những ai chân thành tìm kiếm chân lý. Quả thực, tất cả lịch sử nhân loại phải được giải thích trong ánh sáng của điều chắc chắn này. Mỗi người đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26-28), do đó được quy hướng một cách triệt để về Đấng Tạo Hoá, và sống trong mối quan hệ thường xuyên với những ai có cùng một phẩm giá. Vậy thăng tiến lợi ích của cá nhân là phục vụ lợi ích chung. Chính lợi ích chung là nơi mà các quyền lợi và nghĩa vụ gặp nhau và tăng cường lẫn nhau”.

Từ nguyên tắc cơ bản đó, hình phạt do xã hội đề ra cho con chiên lạc dựa trên nguyên tắc, để chữa trị, băng bó và chữa lành :

“Mục tiêu đầu tiên của hình phạt mà xã hội áp đặt ra là "bù lại tình trạng vô trật tự do lỗi phạm gây nên. Công quyền phải sửa chữa lại sự vi phạm những quyền cá nhân và xã hội bằng cách bắt phạm nhân chịu một hình phạt thích đáng vì tội đã phạm, coi đó như điều kiện để phạm nhân thu hồi lại sự tự do của mình. Bằng cách đó, quyền bính cũng đạt được mục tiêu bảo vệ trật tự công cộng và sự an toàn cho mọi người, đồng thời động viên phạm nhân và giúp họ tự sửa đổi và cải thiện mình”.

Giáo huấn không loại trừ dựa trên nguyên tắc: “Để đạt tới các mục đích chữa trị, hiển nhiên là tính chất và mức độ của hình phạt phải được cẩn thận cân nhắc và xác định, và không được đi tới mức cuối cùng là xử tử phạm nhân ngoại trừ những trường hợp tuyệt đối cần thiết, tức là khi không còn cách nào khác nữa để bảo vệ xã hội. Tuy nhiên ngày nay, do tổ chức cơ chế hình sự không ngừng được cải tiến, những trường hợp như thế là rất hiếm hoi nếu không phải thực tế là không còn tồn tại”.

Tôn trọng quyền con người là tôn trọng phẩm giá của con ngừơi, từ đó tìm chiên lạc lối, chăm sóc những chiên lành mạnh, băng bó những chiên bị thương, nâng đỡ những chiên khổ đau. Đức Giêsu là mục tử nhân lành và đoàn chiên của Ngài là sống trong bình an và tự do đúng nghĩa.