Suy niệm LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ C
Hằng năm, cứ đến Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Mặc dầu mãi tới ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI mới chính thức thiết lập lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, nhưng Kinh thánh đã từng gọi Chúa Kitô là vua, xin được đơn cử một vài trích dẫn sau đây:
Thứ nhất, khi các nhà chiêm tinh từ Phương Đông thấy ngôi sao lạ xuất hiện, họ cho rằng, có một vị vua mới sinh ra, họ đã lên đường tìm kiếm, và khi tới Giêrusalem họ hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (x. Mt 2,1-2).
Thứ hai, khi Philatô hỏi Đức Giêsu: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Đức Giêsu trả lời: Chính tôi là vua, nhưng Nước tôi không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36-37).
Thứ ba, ông Philatô truyền cho người ta viết tấm bảng trên đầu thập giá với hàng chữ: “Giêsu Nazareth Vua dân Do thái”(x. Ga 19,19).
Ngoài ra, cách này hay cách khác, Kinh thánh gọi Đức Giêsu là vua: Kẻ trộm lành xin Đức Giêsu rằng: “Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”(x. Lc 23,42); trong ngày phán xét chung, Đức Giêsu làm vua để phán xét kẻ sống và kẻ chết (x. Mt 25, 31-46).
Khi đề cập đến danh hiệu vua, chúng ta thường nghĩ ngay đến một người có quyền chức để thống trị thần dân, sai khiến quan quân, thậm chí là hưởng thụ tiền của, cung tần mỹ nữ…Nhưng đối với Vua Giêsu thì khác, Ngài là vua Tình Yêu, vua phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28). Ngài đã nói với các môn đệ rằng: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 25-27). Thật vậy, Ngài không chỉ dạy các môn đệ mà chính Ngài đã thực hiện lời đó một cách triệt để: Ngài là Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi; ba mươi năm sống ẩn dật, nghèo khó ở Nazareth; ba năm đi rao giảng Tin mừng, Ngài chữa lành biết bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền: kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại và rất nhiều người bị các thứ bệnh khác nhau nhờ Ngài mà được khỏi. Ngài còn gặp gỡ, tiếp xúc với những người tội lỗi để tha thứ cho họ. Trong bữa tiệc ly, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, một hành động hạ mình thẳm sâu nói lên lòng khiêm nhường và tinh thần phục vụ của Ngài. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận cho người ta bắt bớ, đánh đòn, đội mạo gai, vác thập giá, đóng đinh và chết như một tội nhân. Tất cả vì tình yêu, đúng như lời Ngài nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (x. Ga 15,13).
Cuối đoạn Tin mừng hôm nay, thánh Luca kể lại cuộc trao đổi ngắn gọn giữa kẻ trộm lành và Đức Giêsu. Dầu Ngài chỉ có một câu thôi, nhưng cũng đủ để nói lên Ngài thực sự là Vua Tình yêu. Người trộm lành thưa với Đức Giêsu rằng:“Lạy Ngài khi nào về nước Ngài, xin hãy nhớ đến tôi” (x. Lc 23,42). Ngay lập tức, Đức Giêsu đáp lại rằng: “Ta bảo thật anh, ngay hôm nay anh sẽ được lên Thiên đàng với Ta”(x. Lc 23,43). Việc Đức Giêsu cho kẻ trộm lành lên Thiên đàng ngay ngày hôm đó, đồng nghĩa với việc Ngài tha thứ tất cả tội lỗi cho anh. Không những tha thứ tội lỗi mà Ngài còn tha ngay cả hình phạt do tội lỗi của anh gây ra, đặc biệt là tội lỗi đức công bằng.
Trước tình yêu vô bờ bến của Vua Giêsu, chúng ta phải làm gì?
Trước hết, chúng ta phải tránh thái độ vô cảm, vô tâm, vô ơn, phủ nhận tình yêu của Thiên Chúa như các thủ lĩnh, lính tráng và dân chúng. Tin mừng kể lại: Khi Đức Giêsu bị đóng đinh, các thủ lãnh và dân chúng buông lời cười nhạo Đức Giêsu mà rằng: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (x. Lc 23, 35). Lính tráng thì chế giễu Người: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” (x. Lc 23, 37).
Thứ đến, chúng ta phải có lòng biết ơn Đức Giêsu bằng cách luôn yêu mến Ngài. Đồng thời noi gương cách cử xử của Ngài, khi chúng ta có trách nhiệm với những người khác, chúng ta không được dùng quyền để thống trị, nhưng hãy lấy đức yêu thương để phục vụ nhau: Linh mục có trách nhiệm yêu thương và phục vụ giáo dân; cha mẹ có trách nhiệm yêu thương và phục vụ con cái; thầy cô có trách nhiệm yêu thương và giáo dục học sinh…
Cuối cùng, để trở thành công dân nước trời, không phải chỉ lãnh nhận Bí tích Rửa tội là đủ, mà còn cần phải thực hiện những điều đã thề hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích đó. Đức Giêsu đã từng nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (x. Lc 7,21). Muốn được vào Nước Trời cần phải “thi hành ý muốn của Cha Thầy.” Ý muốn của Chúa Cha được thể hiện: qua Kinh Thánh; qua Giáo Hội; qua các Bề Trên hợp pháp trong các cộng đoàn. Ý muốn của Chúa Cha còn là việc thực hiện lời thề hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, và nếu lỡ sa ngã phạm tội như kẻ trộm lành kia thì cần có lòng thống hối ăn năn và cầu xin Chúa cho được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua Tình Yêu, xin làm vua ngự trị trong tâm hồn chúng con, xin đuổi ra khỏi chúng con những gì không phù hợp với công dân Nước trời, để ngày sau chúng con trở thành thần dân của nước Thiên đàng Vĩnh Cửu. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Hằng năm, cứ đến Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Mặc dầu mãi tới ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI mới chính thức thiết lập lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, nhưng Kinh thánh đã từng gọi Chúa Kitô là vua, xin được đơn cử một vài trích dẫn sau đây:
Thứ nhất, khi các nhà chiêm tinh từ Phương Đông thấy ngôi sao lạ xuất hiện, họ cho rằng, có một vị vua mới sinh ra, họ đã lên đường tìm kiếm, và khi tới Giêrusalem họ hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (x. Mt 2,1-2).
Thứ hai, khi Philatô hỏi Đức Giêsu: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Đức Giêsu trả lời: Chính tôi là vua, nhưng Nước tôi không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36-37).
Thứ ba, ông Philatô truyền cho người ta viết tấm bảng trên đầu thập giá với hàng chữ: “Giêsu Nazareth Vua dân Do thái”(x. Ga 19,19).
Ngoài ra, cách này hay cách khác, Kinh thánh gọi Đức Giêsu là vua: Kẻ trộm lành xin Đức Giêsu rằng: “Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”(x. Lc 23,42); trong ngày phán xét chung, Đức Giêsu làm vua để phán xét kẻ sống và kẻ chết (x. Mt 25, 31-46).
Khi đề cập đến danh hiệu vua, chúng ta thường nghĩ ngay đến một người có quyền chức để thống trị thần dân, sai khiến quan quân, thậm chí là hưởng thụ tiền của, cung tần mỹ nữ…Nhưng đối với Vua Giêsu thì khác, Ngài là vua Tình Yêu, vua phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28). Ngài đã nói với các môn đệ rằng: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 25-27). Thật vậy, Ngài không chỉ dạy các môn đệ mà chính Ngài đã thực hiện lời đó một cách triệt để: Ngài là Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi; ba mươi năm sống ẩn dật, nghèo khó ở Nazareth; ba năm đi rao giảng Tin mừng, Ngài chữa lành biết bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền: kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại và rất nhiều người bị các thứ bệnh khác nhau nhờ Ngài mà được khỏi. Ngài còn gặp gỡ, tiếp xúc với những người tội lỗi để tha thứ cho họ. Trong bữa tiệc ly, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, một hành động hạ mình thẳm sâu nói lên lòng khiêm nhường và tinh thần phục vụ của Ngài. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận cho người ta bắt bớ, đánh đòn, đội mạo gai, vác thập giá, đóng đinh và chết như một tội nhân. Tất cả vì tình yêu, đúng như lời Ngài nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (x. Ga 15,13).
Cuối đoạn Tin mừng hôm nay, thánh Luca kể lại cuộc trao đổi ngắn gọn giữa kẻ trộm lành và Đức Giêsu. Dầu Ngài chỉ có một câu thôi, nhưng cũng đủ để nói lên Ngài thực sự là Vua Tình yêu. Người trộm lành thưa với Đức Giêsu rằng:“Lạy Ngài khi nào về nước Ngài, xin hãy nhớ đến tôi” (x. Lc 23,42). Ngay lập tức, Đức Giêsu đáp lại rằng: “Ta bảo thật anh, ngay hôm nay anh sẽ được lên Thiên đàng với Ta”(x. Lc 23,43). Việc Đức Giêsu cho kẻ trộm lành lên Thiên đàng ngay ngày hôm đó, đồng nghĩa với việc Ngài tha thứ tất cả tội lỗi cho anh. Không những tha thứ tội lỗi mà Ngài còn tha ngay cả hình phạt do tội lỗi của anh gây ra, đặc biệt là tội lỗi đức công bằng.
Trước tình yêu vô bờ bến của Vua Giêsu, chúng ta phải làm gì?
Trước hết, chúng ta phải tránh thái độ vô cảm, vô tâm, vô ơn, phủ nhận tình yêu của Thiên Chúa như các thủ lĩnh, lính tráng và dân chúng. Tin mừng kể lại: Khi Đức Giêsu bị đóng đinh, các thủ lãnh và dân chúng buông lời cười nhạo Đức Giêsu mà rằng: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (x. Lc 23, 35). Lính tráng thì chế giễu Người: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” (x. Lc 23, 37).
Thứ đến, chúng ta phải có lòng biết ơn Đức Giêsu bằng cách luôn yêu mến Ngài. Đồng thời noi gương cách cử xử của Ngài, khi chúng ta có trách nhiệm với những người khác, chúng ta không được dùng quyền để thống trị, nhưng hãy lấy đức yêu thương để phục vụ nhau: Linh mục có trách nhiệm yêu thương và phục vụ giáo dân; cha mẹ có trách nhiệm yêu thương và phục vụ con cái; thầy cô có trách nhiệm yêu thương và giáo dục học sinh…
Cuối cùng, để trở thành công dân nước trời, không phải chỉ lãnh nhận Bí tích Rửa tội là đủ, mà còn cần phải thực hiện những điều đã thề hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích đó. Đức Giêsu đã từng nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (x. Lc 7,21). Muốn được vào Nước Trời cần phải “thi hành ý muốn của Cha Thầy.” Ý muốn của Chúa Cha được thể hiện: qua Kinh Thánh; qua Giáo Hội; qua các Bề Trên hợp pháp trong các cộng đoàn. Ý muốn của Chúa Cha còn là việc thực hiện lời thề hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, và nếu lỡ sa ngã phạm tội như kẻ trộm lành kia thì cần có lòng thống hối ăn năn và cầu xin Chúa cho được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua Tình Yêu, xin làm vua ngự trị trong tâm hồn chúng con, xin đuổi ra khỏi chúng con những gì không phù hợp với công dân Nước trời, để ngày sau chúng con trở thành thần dân của nước Thiên đàng Vĩnh Cửu. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành