Vấn đề tiến tới thiết lập bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và Trung Quốc

Tòa Thánh Vatican, ngoài tư cách là một Giáo Hội, còn là một quốc gia được quốc tế công pháp thừa nhận, có tên chính thức là Stato della Città del Vaticano, nằm trên đồi Vatican, ở tả ngạn sông Tiber, trong thành phố Roma. Mặc dầu đây là một quốc gia nhỏ nhất thế giới, diện tích chỉ có 0,17 square miles (0,44 cây số vuông), với dân số chỉ khoảng 900 người, và ngân sách hàng năm chỉ khoảng 190 triệu mỹ kim, nhưng lại được các quốc gia trên thế giới kiêng nể, vì có khoảng 1 tỷ 20 triệu tín đồ trên khắp thế giới và vì những đóng góp hữu ích của Giáo Hội cho nhân loại.

Hiện nay, Tòa Thánh Vatican đã thiết lập ngoại giao với 173 quốc gia trên thế giới và có đại diện tại hầu hết các tổ chức quốc tế quan trọng. Thế nhưng Tòa Thánh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với bốn nước cộng sản còn lại là Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba vì hai lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất: Bốn nước cộng sản này muốn duy trì quyền lực tối thượng của Đảng Cộng Sản, kể cả trên lãnh vực tôn giáo. Lý do thứ hai: Các nhà cầm quyền cộng sản lo sợ ảnh hưởng của Giáo Hội sẽ gây ra những bất ổn cho chế độ. Trường hợp của Ban Lan bao giờ cũng được xem như là một lời cảnh giác. Vì thế, Tòa Thánh đang phải đương đầu với hai khó khăn này khi muốn thiết lập bang giao với Trung Quốc.

NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA GIÁO HỘI TRUNG QUỐC

Dân số Trung Quốc hiện nay khoảng 1 tỷ 284 triệu người. Về tôn giáo, ngày xưa Trung Quốc có ba tôn giáo chính là Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Một tài liệu cho biết số người theo đạo Khổng và đạo Lão ở Trung Quốc hiện nay chỉ còn khoảng 20% và đạo Phật 15%. Chùa chiền chỉ còn là các trung tâm du lịch do các sư công an “trụ trì” và thu tiền bạc. Với Thiên Chúa Giáo, nhà cầm quyền đã áp dụng nhiều phương pháp khắc nghiệt, những không thanh toán được, vì có tổ chức chặt chẽ và có lãnh đạo.

Từ khi Mao Trạch Đông thiết lập chế độ công sản tại Trung Quốc vào năm 1949, Giáo Hội Công Giáo luôn bị bách hại, Khâm Sứ Tòa Thánh bị trục xuất. Vatican và Bắc Kinh cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Năm 1957, chính quyền Trung Quốc thành lập “Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc” như một thứ Giáo Hội tự trị, tách rời khỏi sự kiểm soát của Tòa Thánh Vatican, và buộc tất cả các tín hữu Công Giáo Trung Hoa phải gia nhập vào tổ chức này. Tổ chức này còn được gọi là “Giáo Hội Yêu Nước” (Patriot Church), nhưng các nhà báo Tây phương gọi là “Giáo Hội quốc doanh” (state-run church) hay Giáo Hội nhà nước. Các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trung thành với Tòa Thánh Vatican và Đức Giáo Hoàng không chấp nhận Giáo Hội này, vẫn tiếp tục sinh hoạt bí mật ngoài vòng luật pháp, nên thường được gọi là “Giáo Hội hầm trú” (Underground Church) hay “Giáo Hội thầm lặng”. Giáo Hội này đã bị đàn áp khốc liệt, nhất là trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa năm 1968. Nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ, các thành viên trong các hội đồng giáo xứ, thầy giáo hay giáo dân đã bị giết, bỏ tù hay bị trục xuất. Tuy nhiên, Giáo Hội tại đây vẫn tiếp tục phát triển.

Vào cuối thập niên 1990, chính quyền các tỉnh tại Trung Quốc phát động một chiến dịch đàn áp các tổ chức tôn giáo mà họ cho là bất hợp pháp. Bất cứ người dân nào bị kết tội tham gia vào các hoạt động tôn giáo bị coi là bất hợp pháp, đều bị phạt tù và phạt vạ một số tiền là 500 đồng Nhân Dân tệ (tương đương với 60 Mỹ Kim).

Một tập tài liệu của nhà cầm quyền Trung Quốc có tên là “Quan tâm để củng cố các công việc của Giáo Hội Công giáo trong những tình huống mới” được ban hành ngày 16.8.1999, chỉ thị và hướng dẫn các chính quyền địa phương thiết lập “Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước” tại những nơi chưa có, trong lúc chuẩn bị thiết lập bang giao giữa Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican. Các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân không chịu tham gia tổ chức này thường bị khủng bố hay bị bắt.

Đức Giám Mục Su Zhimin của giáo phận Bảo Định, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt giam từ ngày 8.10.1997. Từ ngày đó, không ai còn biết tung tích ngài nữa. Mỗi lần Tòa Thánh, chính quyền cũng như các tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ hỏi về ngài, các viên chức nhà nước Trung Cộng đều trả lời rằng họ không hay biết gì về chuyện này. Năm 2003, giáo dân phát hiện ngài đang đang năm trong nhà thương Bảo Định, tỉnh Hồ Bắc. Ngài bị công an canh gác rất cẩn mật.

Ba linh mục không chịu gia nhập Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước tại Giáo Phận Hanzhong đã bị chính quyền quản thúc trong 5 tuần từ ngày 2 tháng 11 để học tập và buộc họ tham gia Hiệp Hội này. Cả ba linh đã khước từ nên bị cấm trở về giáo xứ và không được liên lạc với Đức Giám Mục Bartholomeo Yu Chengti, là vị Giám Mục không chịu gia nhập Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước.

Mùa Chay năm 2002, chỉ vài ngày trước lễ Phục Sinh, công an đã bắt Đức Giám Mục Julius Jia Zhiguo của giáo phận Zhending và 16 linh mục. Có linh mục đã bị đánh toé máu đầu ngay giữa sân nhà thờ.

Bản tin tháng 11 năm 2003 của Tổ chức Hồng Y Kung (CKF) cho biết hôm 21.6.2003, một nhà thờ giáo xứ ở tỉnh Hồ Bắc đã bị giật sập chỉ hai tuần sau khi nhà thờ này được xây lên. Giáo xứ này có khoảng 150 giáo dân, hầu hết là những người mới trở lại đạo Công Giáo. Hôm 20.10.2003, 12 linh mục và chủng sinh ở Shigiazhuang (tỉnh Hà Bắc, Đông Bắc Trung Quốc) đã bị nhà cầm quyền bắt vì tham gia các hoạt động tôn giáo không đăng ký ở Bắc Kinh, trong đó có Linh mục Li Wenfeng 31 tuổi, Linh mục Liu Heng 29 tuổi, Linh mục Dou Shengxia 37 tuổi, chủng sinh Chen Rongfu 21 tuổi, chủng sinh Han Jianlu 24 tuổi, và chủng sinh Zhang Chongyou, 23 tuổi. Tên tuổi các chủng sinh khác chưa được tiết lộ. Họ bị giữ tại nhà giam Goacheng.

Hôm 25.11.2003, các dân làng trong tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, đã lên tiếng tố cáo công an địa phương đã bắt giữ các Kitô hữu sở hữu Kinh Thánh và đưa họ vào các trại cải tạo. Đây là một phần của chiến dịch loại bỏ các tổ chức tôn giáo bị coi là bất hợp pháp. Trước đó, vào đêm 27.4.2003, 3 giáo dân của làng này đã bị bắt đi, nhưng mãi đến ngày 26.9.2003, công an quận Xilin mới tiết lộ rằng các giáo dân đó đã bị đưa vào trại cải tạo lao động. Sau nhiều lần xin phép, thân nhân của họ mới được vào trại thăm.

Lễ Giáng Sinh năm 2003 tại Bắc Kinh đã diễn ra rất huy hoàng lộng lẫy với những cửa hàng trang hoàng đèn đuốc sáng choang, những hang đá, những ông già Noel, những đèn đủ màu sắc, và người đi lại tấp nập. Nhưng một Linh mục mục ở Hangzhou cho biết: "Mọi người đang sợ hãi. Mùa Giáng Sinh này sẽ khó khăn hơn mọi khi". Thực vậy, nhà cầm quyền Trung Quốc thường có thói quen bắt giam các giáo sĩ khoảng một tháng trước các ngày lễ lớn như Giáng Sinh hay Phục Sinh, để phá các nghi lễ sẽ được tổ chức trong các dịp đó. Chẳng hạn như trước lễ Giáng Sinh năm 2001, trong tháng 11 cảnh sát đã bắt Đức Giám Mục Lucas Li Jingfeng và vị phụ tá của ngài, cả hai đã bị biệt vô âm tính từ đó. Công an cũng bắt luôn 12 linh mục đang tham dự một khóa học giáo dục tư tưởng, đóng cửa một tu viện nam và hai tu viện nữ, và đuổi các nam nữ tu sĩ về nhà.

Thông tấn xã Công Giáo Fides cũng cho biết Trung Quốc đã tiến hành một loạt các vụ bắt bớ trước lễ Giáng Sinh, nhưng không thể biết được chính xác những ai đã bị bắt. Một giáo dân bị bắt tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2003 đã bị chuyển tới một trại giam ở tỉnh Bắc Giang để chờ xét xử về tội tiết lộ những tin tức về chiến dịch bách hại tôn giáo tại Trung Quốc. Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Chủ, có trụ sở đặt tại Hồng Kông, cho biết ông Xu Yonghai, một giáo dân khác, đã bị bắt tại Bắc Kinh vào ngày 9.11.2003 và đã bị chuyển tới một trại giam ở thành phố Hàn Châu, tỉnh Chiết Giang. Một giáo dân tên là Liu Fenggang cũng đang bị giam tại đây. Cả hai người bị cáo buộc tội tiết lộ bí mật quốc gia. Ông Liu Fenggang bị bắt vào ngày 13.10.2003 sau khi ông đến tỉnh Chiết Giang để thu thập tin tức về chiến dịch phá hủy các nơi thờ phượng tại đây, gồm cả nhà thờ, đền thờ và chùa chiền. Chiến dịch này được chính quyền tỉnh Chiết Giang phát động kể từ tháng 7 năm 2003.

Hôm 10.3.2004, Tòa Thánh Vatican đã ra tuyên cáo phản đối và bày tỏ mối quan ngại và ưu phiền về việc Đức Giám Mục Wei Jingyi thuộc Giáo Hội thầm lặng bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt ngày 9.3.2004 khi Ngài ra phi trường đón 2 người khách ngoại quốc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã giữ kín vụ này và không ai biết rõ lý do nào ngài đã bị bắt.

Đức Giám Mục Wei Jingyi là Giám Mục Giáo phận Qiqihar, một giáo phận có khoảng hơn 50.000 giáo dân, thuộc Giáo Hội thầm lặng. Ngài là vị Giám Mục trẻ tuổi nhất tại Trung Quốc hiện nay. Ngài đã hai lần bị bắt, lần thứ nhất bị giam từ 1987 đến 1989 và lần thứ hai từ 1990 đến 1992. Cả hai lần đều bị cáo buộc là đã cử hành các nghi lễ phụng vụ không được chính quyền cho phép. Bản tuyên cáo của Tòa Thánh đòi hỏi nhà cầm quyền phải công bố lý do bắt giam Giám Mục Wei Jingyi.

Theo cơ quan thông tấn Asia News, hiện nay chính quyền Trung Quốc còn giam giữ khoảng 50 Giám Mục, Linh Mục và 20 nữ tu vì thi hành các mục vụ không được chính quyền cho phép.

TIẾN LÊN TRONG SỰ BÁCH HẠI

Trong bài nói chuyện hôm 28.11.2003 tại khóa hội thảo ở Fatima, Bồ Đào Nha, về chủ đề "Kitô Giáo tại Hoa Lục", Đức Giám Mục Arquiminio Rodriguez da Costa nói rằng nếu chế độ hiện tại vẫn tiếp tục nắm quyền tại Trung Quốc, ngài không thấy Giáo Hội Công Giáo tại đó có một tương lai nào khác hơn là một giáo hội bị bách hại. Chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát mọi sự, kể cả các hoạt động của các tôn giáo. Đức Giám Mục Costa đã sống tại Macao từ năm 1938 đến năm 1989. Macao trước đây là thuộc địa của Bồ Đào Nha và được trao trả lại chủ quyền cho Trung Quốc vào tháng 12 năm 1999.

Bất chấp những bách hại của nhà cầm quyền, Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh năm 2003, tại nhà thờ Nam Đường ở Bắc Kinh đã có trên 20.000 người tham dự thánh lễ.

Tại hội nghị về “Những Bách Hại Kitô Hữu Gánh Chịu Trong Thế Kỷ 20” do Population Research Institute tổ chức tại Washington hôm 6.3.2003, một nhân chứng sống là bà Catherine Ho, 68 tuổi, đã kể lại những gian khổ mà bà phải gánh chịu khi muốn theo đạo và giữ đạo tại Trung Quốc. Bà cho biết lúc còn nhỏ, bà đã theo học tại một trường trung học Công Giáo và đã xin với các sơ cho bà gia nhập đạo Công Giáo. Trước tình hình bách hại càng ngày càng quyết liệt, một sơ đã nói với bà rằng bà có thể gia nhập đạo sau này vào một lúc thuận tiện hơn. Nhưng bà đã trả lời: "Khi Chúa gọi con, con phải đáp lại và theo Ngài mãi mãi". Bà đã được chịu phép rửa tội vào năm 1950 khi được 15 tuổi, một năm sau khi Cộng Sản nắm quyền tại Hoa Lục.

Bà đã tham gia vào hội Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Mariae). Năm 1955, bà đã bị bắt cùng với hơn 100.000 linh mục và giáo dân khác trong hội Legio Mariae vì nhà cầm quyền cho rằng đây là một "đạo binh" của nước ngoài. Bà đã bị giam giữ 22 năm, nhưng vẫn nhất quyết không tham gia vào Hội Công Giáo Yêu Nước.

Năm 2003, Đức Giám Mục Giuse Meng Ziwen của Nam Ninh, cách thủ đô Bắc Kinh 2.050km về phía Tây Nam, đã 101 tuổi, nhưng vẫn còn thấy công việc rao giảng Tin Mừng là một niềm hạnh phúc và là một nhiệm vụ tối cần. Ngài vẫn thường xuyên đi thăm viếng anh chị em giáo dân để dạy bảo, an ủi và nâng đỡ họ, cũng như khám bệnh và bốc thuốc cho họ. Ngài trở thành một người rất nổi tiếng trong những người dân tộc Zhuang và những dân tộc thiểu số trong vùng núi non hiểm trở thuộc tỉnh Nam Ninh.

Là một Giám Mục trong Giáo Hội thầm lặng, cuộc đời ngài đã trải qua nhiều giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhất là trong 20 năm phải sống trong trại cải tạo của cộng sản. Tuy nhiên, trong một buổi nói chuyện với thông tấn xã UCAN, ngài luôn nhấn mạnh: “Mọi điều tôi có là hồng ân của Thiên Chúa”. Đề cập đến cuộc sống trong lao tù, ngài nói: “Tôi được phục vụ các bạn tù như một y sĩ, thành ra tôi cũng không thấy đó là một cực hình”. Ngài còn diễu cợt rằng nhờ ở tù mà ngài vẫn còn được mạnh khoẻ và sống dai như ngày nay.

Đức Giám Mục Giuse Meng Ziwen kể lại rằng ngài sinh ngày 19.3.1902, đúng vào ngày lễ Thánh Giuse, tại làng Hengling, trong một gia đình không có đạo. Ngài được chịu phép Rửa Tội vào năm 15 tuổi và được theo học giáo lý tại Nam Ninh trong ba năm trước khi được vào học tại Tiểu Chủng Viện Latin trong 8 năm. Sau đó, ngài được theo học 6 năm về Thần Học và Triết Học tại Đại Chủng Viện Penang, Malaysia. Đến năm 1935, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Ninh.

Hai năm sau khi thụ phong linh mục, ngài dùng kiến thức tự học về Đông Y để mở hai phòng phát thuốc Đông Y, qua đó ngài vừa chăm sóc y tế cho dân chúng vừa rao giảng Tin Mừng cho họ. Công việc phát triển đều đặn cho đến khi Cộng Sản chiếm được toàn bộ Hoa Lục vào năm 1949. Ít lâu sau, các nữ tu giúp ngài điều hành các phòng phát thuốc bị bắt. Mười ngày sau khi các nữ tu bị bắt, ngài cũng bị bắt và bị đưa đi cải tạo.

Năm 1957 ngài được thả ra, nhưng ngay năm sau đó, ngài bị bắt lại và bị đưa đi cải tạo tiếp cho đến năm 1970 mới được thả. Dù bị giam cầm và khủng bố, ngài vẫn tiếp tục âm thầm dâng lễ chui và thăm viếng anh chị em giáo dân đều đặn. Ngài đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Nam Ninh vào năm 1984 và được một Giám Mục thầm lặng từ tỉnh Gansu thuộc Tây Bắc Trung Quốc đến tấn phong, nhưng nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc không chấp nhận.

Với những khó khăn như trên, Giáo Hội Trung Quốc vẫn bất khuất. Khi nghe tin Tòa Thánh Vatican muốn thương lượng để thiết lập bang giao với Trung Quốc, ngày 3.7.1993, Hội Đồng Giám Mục Trung Hoa đã gởi đến Tòa Thánh Vatican và các Giáo Hội Công Giáo trên thế giới một bản Tuyên Ngôn nói về lập trường của Giáo Hội Trung Hoa đối với chính sách của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc và tuyên bố rằng Giáo Hội Trung Quốc, mặc dầu đã phải trải qua những cơn giông tố lớn lao, vẫn tiếp tục chiến đấu cho quyền tự do tôn giáo, nhất quyết không nhượng bộ nhà cầm quyền cộng sản và kêu gọi đừng vì những tính toán thiếu suy nghĩ khi thương thuyết với họ. Bản Tuyên Ngôn viết:

Thắng lợi của chúng tôi chính là đức tin của chúng tôi. Chúng tôi đã nhận lãnh được đức tin đó như một quà tặng và cũng là sự truyền dạy của Chúa. Để làm hài lòng phẩm giá con người, không gì hơn đức tin đó.

“Chúng tôi chiến đấu cho lý tưởng và chúng tôi sẽ chiến thắng. Chúng tôi không sợ hải bất cứ điều gì! Cũng như Chúa của chúng tôi đã không sợ hải, chấp nhận cuộc tử nạn trên thập giá để chiến thắng.

“Xin đừng làm cho chúng tôi bị thất thế trên bàn hội nghị đang khi chúng tôi đã thắng được trong lao tù, trong trại khổ sai và trong sự canh nhốt tại nhà. Bất kể mọi đau khổ, nhờ ơn Chúa, số tín hữu của chúng tôi ngày một tăng, đức tin của chúng tôi ngày một mạnh. Không phải cho danh vọng của chúng tôi, con người hèn yếu, nhưng mọi chúc tụng và vinh danh đều cho Danh Thiên Chúa...

“Những kẻ lợi dụng thời cơ: Những người này đã chơi trò lật lọng hai mặt. Đức hạnh của họ không thể thích hợp với tiêu chuẩn luân lý của sự thành tín và sự sáng của trái tim. Đó là những tiêu chuẩn truyền thống của Thiên Chúa Giáo trong đời sống thiêng liêng của chúng tôi. Những tiêu chuẩn này là những truyền thống tinh túy trong nền luân lý Á Đông cổ xưa của chúng tôi
.”

Bản Tuyên Ngôn kết luận:

Được thúc đẩy bởi giới răn Kitô giáo về lòng thương xót và lòng yêu thương, chúng tôi hoan nghênh các anh chị em lạc lối của chúng tôi trở về hợp nhất trong cộng đồng của chúng tôi.”.

Tờ New York Times số ra ngày 25.10.2001 đã ước lược tại Trung Quốc hiện nay có khoảng từ 4 đến 5 triệu người theo Giáo Hội quốc doanh, và khoảng 8 triệu người theo Giáo Hội hầm trú. Những thành phần theo Giáo Hội hầm trú thường bị khủng bố hay bắt bớ.

Tờ Tripod của một trung tâm nghiên cứu Thánh Thần tại Hồng Kông, trong số ra ngày 10.1.2003 đã cho biết hiện nay Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục có: 117 giám mục, 2.650 linh mục, 34 đại chủng viện, 2.470 tiểu chủng sinh và 4.900 nữ tu. Theo Linh mục Benoit Vermander thuộc Dòng Tên, Giám Đốc Trung Tâm Mateo Ricci ở Đài Loan, Giáo Hội quốc doanh có tất cả 79 Giám Mục, trong đó 49 vị được Tòa Thánh công nhận theo thể chế đương nhiên (de facto), còn 30 vị khác chưa được thừa nhận. Giáo Hội “hầm trú” có tất cả 49 Giám Mục do Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm. Nhưng Linh mục Vermander có lưu ý rằng phải luôn thận trọng đối với những con số thống kê về Giáo Hội Trung Quốc vì không kiểm chứng được.

Tại cấp giáo xứ, có nơi số tín hữu hoặc theo Giáo Hội hầm trú hoặc theo Giáo Hội quốc doanh. Có nơi các tín hữu được chia làm hai nhóm, một nhóm theo Giáo Hội hầm trú và một nhóm theo Giáo Hội quốc doanh. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hai nhóm Công Giáo này vẫn tồn tại bên nhau. Tình hình giao hảo giữa hai nhóm thân thiện hay kình địch là tùy ở mỗi địa phương, tùy ở nhà cầm quyền địa phương có dẽ dãi hay nghiệt ngã với các giáo dân trung thành với Đức Giáo Hoàng.

Về phần Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng luôn theo đuổi đường lối hợp nhất hai nhóm Công Giáo. Các giới chức cao cấp tại Tòa Thánh cho biết nhiều vị Giám Mục quốc doanh đã bí mật liên lạc với Tòa Thánh. Một nguồn tin cho biết trong năm qua, có khoảng hai phần ba (2/3) số Giám Mục quốc doanh đã âm thầm xin hòa giải với Tòa Thánh Vatican.

NHỮNG DẤU HIỆU MỚI?

Ngày 24.10.2001 đã có một cuộc họp tại Roma giữa các viên chức Tòa Thánh Vatican và chính quyền Trung Quốc để bàn về vấn đề thiết lập bang giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Sau cuộc họp, hôm 25.10.2001, ông Sun Yuxi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã tuyên bố:

Chúng tôi đã nói rõ từ lâu rằng chúng tôi muốn cải thiện bang giao với Vatican. Nhưng có hai nguyên tắc mà chúng tôi vẫn duy trì: Thứ nhất, Vatican phải chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và công nhận Bắc Kinh như một chính quyền duy nhất của Trung Quốc. Thứ hai, Vatican phải hứa rằng Giáo Hội không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, bao gồm cả sự can thiệp dưới danh nghĩa các hoạt động tôn giáo.”

Các nhà ngoại giao cho rằng điều kiện thứ nhất không có gì khó khăn. Vatican có thể dời tòa đại sứ của Tòa Thánh khỏi Đài Loan và chính thức công nhận Bắc Kinh, nhưng vẫn hoạt động tại Đài Loan như Hoa Kỳ và các nước Tây Phương đã làm. Một khi Tòa Thánh đã coi Bắc Kinh là “một thủ đô to lớn của Trung Quốc ngày nay” (a geat capital of modern China) thì sự thừa nhận Đài Loan như một chính phủ Trung Hoa không còn mang ý nghĩa gì nữa. Nhưng điều kiện thứ hai là một vấn đề khó uyển chuyển (intractable issue) được, vì Vatican vẫn nhất quyết dành thẩm quyền về việc chỉ định các giám mục và quyết định về các sinh hoạt khác của Giáo Hội, trong khi nhà cầm quyền cộng sản muốn bảo vệ quyền tối thượng của Đảng Cộng Sản và thường lo lắng về những bất ổn do các hoạt động tôn giáo có thể gây ra.

Các nhà ngoại giao cho rằng vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng một sự tương thuận như ở Việt Nam, một nước cộng sản khác. Tại đây, Tòa Thánh đồng ý chỉ bổ nhiệm các giám mục sau khi hỏi ý kiến của nhà cầm quyền Việt Nam. Giải pháp này đã giúp Tòa Thánh vẫn duy trì được thẩm quyền bổ nhiệm giám mục của mình mà không đụng chạm đến quyền tối thượng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sự đồng ý của nhà cầm quyền khi bổ nhiệm một giám mục mới cũng làm giảm bớt sự lo sợ của nhà cấm quyền về những bất ổn có thể xẩy ra cho chế độ.

Tháng 8 năm 2002, Tân Hoa Xã cho biết sau hơn nửa thế kỷ chiếm dụng, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã quyết định trao trả Giáo đường Hoàng Gia ở mạn Tây Bắc Cấm Thành lại cho Giáo Hội Miền Bắc thủ đô, và dời trường phổ thông cấp 2 số 39 ở đó đi nơi khác. Giáo đường Hoàng Gia và các cơ sở phụ thuộc rộng hơn 10.000 mét vuông được xây dựng từ năm 1887 ngay bên ngoài Cấm Thành, theo lệnh Triều đình Trung Hoa, nhằm thay thế cho Giáo đường Hoàng Gia cũ xây từ năm 1703 để cung ứng nhu cầu thờ phụng của các thành viên Hoàng Gia và Triều Đình. Đức Giám Mục Michael Fu Tieshan của giáo phận Bắc Kinh đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp Hội Công giáo Yêu Nước Trung Quốc, cho rằng diễn biến vô tiền khoáng hậu này sẽ mang niềm hân hoan đến cho trên 5 triệu tín đồ Công Giáo La Mã tại Hoa Lục.

Về phía Giáo Hội Công Giáo, trong tháng 2 vừa qua, một bài báo của Linh mục Benoit Vermander đăng trên tờ Civilta Cattolica, cơ quan ngôn luận của dòng Tên, cho biết Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận khoảng hai phần ba (2/3) số “Giám Mục quốc doanh” của Giáo Hội Trung Quốc. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong năm 2003, một nguồn tin cho biết đã có khoảng hai phần ba (2/3) số Giám Mục Trung Quốc được phong chức không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, đã âm thầm xin hòa giải với Tòa Thánh Vatican.

XÁC ĐỊNH LẠI VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI

Trước những lo lắng của các nhà cầm quyền cộng sản về những bất ổn do Giáo Hội Công Giáo có thể gây ra cũng như trước những đòi hỏi Giáo Hội phải dấn thân vào việc thực hiện những cuộc cách mạng giải phóng người nghèo và người bị áp bức do nhóm “thần học giải phóng” ở Nam Mỹ hay một nhóm giáo dân Việt Nam hải ngoại thường đưa ra, chúng tôi thấy cần phải xác định lại vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong thế giới ngày nay.

Hôm 24.5.2003, khi bế mạc một đại hội về “Giáo Hội và Trật tự Quốc tế,” được tổ chức tại Đại học Gregorian, Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, đã xác định: “Tòa Thánh là một quyền lực luân lý chứ không phải chính trị

Ngài nói tiếp:

Với tư cách là một quyền lực luân lý, có thể nói được rằng Tòa Thánh có một chiến lược lên tiếng với lương tâm của các nhân vị và các dân tộc, làm thành một thứ thân thể luân lý quốc tế”.

“Lý do tồn tại của Tòa Thánh trong trung tâm cộng đồng các quốc gia là mong chờ đến tiếng nói lương tâm, mà không làm giảm sút đi sự đóng góp của các truyền thống tôn giáo khác”.

“Tòa Thánh luôn luôn bênh vực tự do lương tâm và tôn gáo, không những sự tự do thờ phượng mà còn như một khả năng cho các tín hữu tham gia vào đời sống xã hội và chính trị của xứ sở mà họ là công dân”.


Ngài nhấn mạnh rằng Tòa Thánh bênh vực và cổ võ “đặc tính trung tâm của con người và các quyền con người, sự phát triển con người, sự bảo vệ hòa bình, và sự đánh giá cao nền dân chủ.” Ngài cho biết:

“Trong cuộc khủng hoảng Iraq, Tòa Thánh nói không đồng ý với nguyên lý “chiến tranh phòng ngừa,” và kêu gọi phải tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp-Quốc, đặc biệt Chương 7, thiết lập những tiêu chuẩn ứng xử trong trường hợp hòa bình bị đe dọa hay xâm phạm
.”

Đi vào ứng dụng cụ thể, có lẽ không ai có nhiều kinh nghiệm sống và những suy niệm sâu sắc các nguyên tắc mà Giáo Hội đã đưa ra bằng Đức Hồng Y Lucas Jaime Ortega Alamino, Tổng Giám Mục Havana ở Cuba.

Một ký giả đã hỏi ngài rằng “Khi một chính quyền hay một hệ thống chính trị trở nên một chế độ chuyên chế, lập trường của Giáo Hội và của người Công Giáo như thế nào và phải như thế nào”, Đức Hồng Y đã trả lời như sau:

“Trước những chế độ có thể trở thành toàn trị, chuyên chế hay độc đoán, lập trường của Giáo Hội và của những người Công Giáo phải phù hợp với hoàn cảnh mà chúng ta đã biểu hiện cho toàn thể sứ mạng của Giáo Hội ở đó hôm nay...

“Tôi đã nói lên quan điểm này khi tôi được phỏng vấn ở ngoại quốc, Giáo Hội không có sứ mạng trở thành một đảng chính trị đối lập, mà rất tiếc Cuba ngày nay không có đảng đối lập nào cả. Tôi muốn có một, hai hay ba đảng đối lập có những quan điểm khác nhau, nhưng đó chỉ là ước muốn của cá nhân tôi. Nhưng người ta không thể đòi hỏi Giáo Hội trở thành một đảng đối lâp.

“Giáo Hội cũng không thể bị đòi hỏi phải ủng hộ một chính phủ cách mạng nào. Trong trường hợp khác, họ phải luôn hiểu điều mà chúng tôi đã nói: Chúng tôi ở đây để rao giảng Nước của Thiên Chúa...

“Sức mạnh tinh thần mà Giáo Hội có, khỏi sự từ sứ mạng của mình, không được xử dụng bằng cách này hay cách khác tùy theo những đặc tính mà các xã hội hay quốc gia có thể có ở đó.

“Thông thường, điều mà chúng tôi phải làm là hiệp thông với mầu nhiệm thánh giá; trong mọi trường hợp, số phận của chúng tôi là chịu đau khổ, và chúng tôi có thể phải chịu đau khổ và chết. Nhưng không chết cho lý do này hay lý do kia, mà chết cho tình yêu, cho phục vụ, cho hòa giải, cho sự tốt lành của nhân loại.”


Đó là tiếng nói có thẩm quyền của một con người và một Giáo Hội đã từng bị bách hại vàø hiện đang lãnh đạo Giáo Hội Cuba qua khỏi sự bách hại.

Nắm vững được các nguyên tắc và các đường lối của Giáo Hội trong thế giới ngày nay và tại mỗi quốc gia, chúng tôi hy vọng rằng những sự thúc đẩy Giáo Hội đi vào các cuộc đấu tranh chính trị phiêu lưu và bất xứng sẽ không còn xẩy ra nữa.

Với sứ mạng của mình, Giáo Hội có nhiệm vụ kêu gọi thực hiện công lý, giải phóng người nghèo, đồng thời khuyến cáo và hướng dẫn người tính hữu giáo dân thực hiện những điều đó, nhưng Giáo Hội không thể làm thay họ được.