Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu

Một buổi chiều mùa hè, tôi đi qua khu vực Bình Thạnh, bên kia cầu Thị Nghè để tìm đến một căn nhà gỗ, nơi có những nữ tu dòng Tiểu Muội sinh sống.



Chỉ cần vài tiếng gõ cửa, một sơ đã ra chào đón. Tôi còn đang lớ ngớ quan sát căn nhà go và soạn kế hoạch chụp hình trong đầu thì được mời vào phòng khách. Phòng khách nhỏ, bày biện sơ sài, hình như cách trang trí cũng là sự giới thiệu về cách sống của nhà dòng. Ngồi được năm phút, tôi đã thấy nóng bức khó chịu, thế mà hai sơ vẫn tiếp tôi vui vẻ, giọng nói dịu dàng, ánh mắt long lanh. Sau khi được nghe giới thiệu về các hoạt động của nhà dòng, tôi được phép đi quanh nhà dòng.

Quả đúng như những gì tôi được nghe nói về nơi này. Căn nhà gỗ to đen, nằm giữa khỏang đất rộng chừng 300 mét vuông. Ở giữa nhà là một căn phòng có đặt Mình Thánh Chúa để các sơ có thể vào chầu bất cứ lúc nào trong ngày.. Chung quanh Nhà Chầu là giường ngủ của mười mấy sơ sống ở nơi này, đúng là “ Chúa ở bên con!” Phòng làm việc chung có một bàn dài vừa là nơi hội họp, học tập, ăn uống. Tôi trộm nghĩ, với cái nóng ngột ngạt của thành phố, làm sao có thể học tập, làm việc trí óc trong căn phòng ấy? Nói chung, chỗ nào cũng đơn sơ, không có tiện nghi, sang trọng.



Có lẽ nhiều người biết đến cha Charles de Foucauld, tôi chỉ nghe qua cái tên, không hiểu Cha là ai. Nay cầm một sấp tư liệu của sơ cho, tôi mới hiểu: Cha sáng lập dòng Tiểu Đệ(nam)và Tiểu Muội (nữ) Chúa Giêsu là một người cũng không “hiền lành” gì! Là một đứa trẻ bị thương tích trong tâm hồn vì lúc chưa đầy sáu tuổi đã mồ côi cha mẹ. Lớn lên gặp nhiều khó khăn và mất đức tin nên đã lao vào cuộc vui chơi trác táng. Sau nhờ một vị linh mục, anh được ơn hoán cải và nhận ra rằng : Bước theo Chúa Giêsu, say sưa yêu mến Ngài, giống như Ngài, phải tìm đến với những người xa nhất, bị bỏ rơi nhất. Sau khi được hụ phong linh mục, Cha đã làm bạn với những người dân du mục trong sa mạc và đã bị sát hại vì trung thành với những người bạn của mình, khi thế chiến I đang xảy ra.

Thật tình mà nói, theo cách tự nhiên, ai cũng thích có một đời sống tiện nghi để làm việc tốt hơn và thân xác con người dễ thích ứng với sự đầy đủ hơn là chấp nhận cảnh thiếu thốn, nghèo nàn. Nhìn vào cach sống của các chị nữ tu Tiểu Muội, người ta có thể nghĩ rằng các sơ đang đi lùi lại với văn minh và sự phát triển của xã hội loài người. Các chị làm các ngành nghề bình thường, có khi cuốc đất trồng khoai, có anh còn chạy xe ôm giữa phố thị, ai cũng chỉ đi xe đạp và xe bus, hạn chế sử dụng điện thoại và computer, làm gì, ăn gì cũng đơn sơ bé mọn. Tôi hỏi: “Đến với người nghèo mà các sơ không cho gì thì có “nhạt” lắm không? Các chị trả lời: “Chúng em chỉ có một tình yêu và sự cảm thông đối với các thân phận. Tình yêu của Chúa Giêsu làm chúng em có một sức mạnh… Nhiều người chưa đủ ăn đủ mặc, không có nhà cao cửa rộng, chẳng có xe hay vi tính, thì chúng em phải là những người chưa đầy đủ cùng với họ. Một sơ đưa cho tôi coi cái áo dòng màu” Phật tử”, đó là chiếc áo dài không được mới và một dây đeo có thánh giá gỗ nhỏ.





Tôi lặng im để trôi theo dòng suy nghĩ của mình: Ở Sài Gòn hiện nay nhiều người sống trong những căn nhà được thiết kế sang trọng như bên Au châu; ăn những bữa cầu kỳ, phương tiện đi lại là những chiếc xe đời mới cáu cạnh; những bữa tiệc họp mặt, sinh nhật đầy vẻ thịnh sọan và thừa mứa; cách ăn mặc kiểu cọ, hoang phí, sĩ diện… thế mà có những con người bước theo một Giêsu chấp nhận sống nghèo giữa lòng phố thị như thế ư?

Chắc chắn con người Giêsu được giới thiệu từ hơn hai ngàn năm qua phải đầy sức cuốn hút mới có thể biến những con người, vốn tiềm tàng sự kiêu hãnh, trở nên bé nhỏ, hèn mọn.

Tôi bước ra khỏi căn nhà gỗ, chưa đầy một phút lại đối diện với cái ồn ào, náo nhiệt của đường phố sài Gòn. Tôi trộm nghĩ, sau này lên Thiên Đàng; kẻ sống đời đầy đủ cũng như kẻ nghèo hèn, đều được” thưởng một đồng” thì có ai hiểu nổi, sự hy sinh sống nghèo kia, nhằm phác họa một chân dung nữa của Chúa Kitô ở trần thế này, đẹp và giá trị như thế nào trước mặt Thiên Chúa? Ôi con đường Tình Yêu huyền nhiệm biết bao! Trên đường về, tôi miên man chìm trong một niềm vui khó tả vì cảm nghiệm được rằng có biết bao nhiêu người đang âm thầm hy sinh và can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu trong mọi nẻo đường của cuộc sống.