Sài Gòn: Trong số báo Tuổi Trẻ của Đoàn Thanh Niên đảng Cộng Sản ra ngày thứ Ba 15/6/2004, trong mục Tuổi Trẻ và Bạn Đọc ở trang 5 có đăng ý kiến của ông Khắc Khiêm là đoàn đại biểu Quốc Hội Komtum. Nguyên văn ý kiến như sau:

Chúng Tôi Có Ý Kiến

Biết Tìm Nơi Đâu?

Trong một thời gian khá dài, tôi đã cặm cụi đi tìm một số cuốn sách về chủ nghĩa Mác-Lênin (sách kinh điển). Tôi nhớ hồi ấy (năm 1998) tôi được đọc lướt qua một số tác phẩm kinh điển của Mác-Ăngghen, Lênin và Hồ Chủ Tịch. Tuy chưa đủ để tôi được hiểu nhiều về những tác phẩm ấy, nhưng quả thật tôi vẫn ao ước một ngày nào đó về Hà Nội đi tìm cho được vật báu ấy để tham khảo thêm cho công việc của mình.

Và vừa rồi tôi đã có được dịp may ấy! Song, dường như tôi đã cảm thấy tuyệt vọng thật sự vì càng đi tìm càng không thấy vật báu ấy ở đâu. Tôi đặt câu hỏi hay là mình chưa biết chỗ bày bán sách này. Tôi cố gắng vào tìm nhiều lần và nhờ cô bán sách của văn phòng Quốc Hội tìm giùm. Và tôi rất ngạc nhiên khi mà chính nơi đây cũng không có! Chưa nản, tôi tiếp tục nhờ một cô đang làm ở trung tâm phát hành sách quốc gia, vài ngày sau gặp lại tôi lại thất vọng vì nơi ấy cũng không có (!?)

Vì bản tính hay tò mò nên những thực tế trên không làm tôi nản chí. Tôi quyết định vào một buổi sáng ngày nghỉ sẽ đi xe buýt vòng quanh Hà Nội với hi vọng những quầy sách lớn sẽ mang lại may mắn cho tôi. Nhưng thật vô ích, mọi quầy sách lớn đều lắc đầu, một số cô bán sách có vẻ ái ngại nhìn tôi như một người ngoài hành tinh lạc vào Trái Đất!

Một số người bán sách đã nói với tôi: "Bây giờ ít người đọc và mua loại sách đó lắm, bán không chạy nên chúng tôi không đặt sách đó để bán. Vả lại bây giờ người ta chỉ mua những sách thực tế cho cuộc sống như từ điển, ngoại ngữ, các bộ đề thi, sách thiếu nhi, ca nhạc và một số sách tướng số, kinh dịch, đắc nhân tâm, bí quyết về kinh doanh, thành đạt.. "

Tôi cố gắng cắt công một ngày nữa trên vài chặng xe buýt, hi vọng cơ may sẽ đến nếu mình chịu khó đi tìm ở các hiệu bán sách cũ ven đường. Cuối cùng tôi đã may mắn tìm được một số hiệu sách ven đường. Láng với bảng quảng cáo rất to "sách giảm giá 30%". Sau khi tìm kiếm ở một số hiệu, tôi mới mua được vài ba cuốn sách không đủ bộ. Nhưng điều khiến tôi rất đổi ngạc nhiên là một số sách kinh điển đó lại bày bán ở hiệu sách cũ và được xếp vào chỗ "kín đáo" nhất, mặc cho bụi bặm, mối mọt. Tuy mua được vài ba cuốn nhưng lật trang sách thấy bị mối mọt ăn làm mất chữ.

Cầm cuốn sách của Mác-Lênin mà lòng tôi day dứt! Phải chăng việc chúng ta luôn đặt câu cửa miệng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta, trong khi mấy ai hiểu đầy đủ được chủ nghĩa ấy, tư tưởng ấy là gì!

Khắc Khiêm

(Đoàn đại biểu Quốc Hội Komtum)

Lời Bàn: Bài ý kiến trên của ông đại biểu Khắc Khiêm có ý nghĩa rất thâm sâu. NL đã đọc đi đọc lại 2, 3 lần, suy tư 5, 6 lần mới lột được ý nghĩa của nó.Thời kinh tế thị trường, in sách ra mà bán không được thì in làm gì. Không in vì biết có in cũng không bán được, vì chẳng ai đếm xỉa gì, nên người ta không in. Đó là nhìn vấn đề từ góc độ kinh tế.

Còn từ góc độ ý thức hệ, nếu tôi muốn tuyên truyền cho một tác phẩm mà không có phương tiện, thì đành chịu. Đằng này, mọi phương tiện tôi nắm trong tay, mà tôi không làm, có nghĩa là tôi không tin bao nhiêu vào những điều tôi từng bô bô hô hào với thiên hạ...

Đọc đi đọc lại vẫn thấy bài viết thật tuyệt vời !!