Xem thêm các hình ảnh khác

Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc một đoạn từ Tiên Tri Isaia và nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4:21), cộng đoàn trong hội đường Nazareth lẽ ra đã phải vỗ tay nồng nhiệt. Họ lẽ ra phải khóc vì vui mừng, như khi xưa dân chúng nghe các tư tế Nehemiah và Ezra đọc từ cuốn sách Luật được tìm thấy khi họ đang xây dựng lại các bức tường. Nhưng Phúc Âm cho chúng ta biết rằng người dân ở quê hương Đức Giêsu đã làm ngược lại; họ đóng cửa con tim mình, và xua đuổi Người. Lúc đầu, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (4:22). Nhưng sau đó một câu hỏi xảo quyệt bắt đầu được lan truyền: “Đây không phải là con trai của ông Giuse, người thợ mộc đó sao?” (4:22). Và sau đó, “họ đầy thịnh nộ” (4:28). Họ muốn xô ngài xuống vực sâu. Điều này ứng nghiệm lời tiên tri của ông Simeon nói với Đức Trinh Nữ Maria rằng Ngài sẽ là “dấu hiệu cho người đời chống báng” (2:34). Bằng lời nói và hành động của mình, Chúa Giêsu vạch trần những bí mật trong con tim mỗi người nam nữ.

Nơi Chúa loan báo Tin Mừng về lòng thương xót vô điều kiện của Chúa Cha cho những người nghèo, những người bị ruồng bỏ và bị áp bức, thì đó cũng chính là nơi chúng ta được kêu gọi hãy đứng dậy, để “thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin” (1 Tim 6:12). Trận chiến của Ngài không phải là nhằm chống lại con người, nhưng là chống lại ma quỷ (Eph 6:12), là kẻ thù của nhân loại. Chúa “đi qua giữa” tất cả những ai muốn ngăn chặn Ngài và “tiếp tục con đường của mình” (Lc 4:30). Chúa Giêsu không đấu tranh để xây dựng quyền lực. Nếu Ngài phá vỡ những bức tường và thách đố cảm thức của chúng ta về an ninh, Ngài làm điều đó để mở cửa cho cơn lũ lòng thương xót mà, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngài muốn tuôn đổ trên thế giới chúng ta. Một lòng thương xót ngày càng lan rộng; công bố và mang lại sự mới mẻ; chữa lành, giải thoát và công bố một năm hồng ân của Chúa.

Lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta là vô hạn và không thể diễn tả nổi. Chúng ta diễn đạt sức mạnh của mầu nhiệm này như một lòng thương xót “ngày càng to lớn hơn nữa”, một lòng thương xót đang chuyển động, một lòng thương xót mỗi ngày đều tìm cách tiến lên, từng bước tiến về phía trước đến những miền hoang vu, nơi thờ ơ và bạo lực đã ngự trị.

Người Samaritanô Nhân Hậu “đã thể hiện lòng thương xót” (x. Lc 10:37) như thế này: ông động lòng thương, đến gần người đàn ông bất tỉnh, băng bó các vết thương của người ấy, đưa ông ta đến quán trọ, qua đêm ở đó và hứa sẽ trở về và trả bất kì một khoản phí nào khác. Đây là đường lối của lòng thương xót, đó là bao gồm những cử chỉ tinh tế. Không hề giản lược, có thể nói lòng thương xót lớn lên với mỗi một dấu chỉ và hành động hiệu quả của tình yêu. Mỗi người chúng ta, khi nhìn vào những gì Chúa thực hiện trong chính cuộc đời mình, có thể cố nhớ lại Thiên Chúa đã xót thương chúng ta ra sao, Ngài đã xót thương nhiều hơn so với chúng ta nghĩ biết bao. Như thế, chúng ta có được can đảm để xin Ngài thực hiện một bước xa hơn và tỏ lộ nhiều hơn nữa lòng thương xót của Ngài trong tương lai: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con, lòng thương xót của Ngài” (Tv 85:8). Cái lối cầu nguyện ngược ngạo trước Thiên Chúa đã hằng luôn xót thương ngày càng nhiều hơn nữa này sẽ giúp chúng ta đạp đổ được những bức tường xây nên để cố hạn chế sự cao cả phong phú của tâm hồn Ngài. Thật là tốt lành cho chúng ta khi biết phá đổ những thành kiến của chúng ta, vì điều ấy phù hợp với Thánh Tâm của Thiên Chúa muốn tuôn đổ tràn đầy bằng sự dịu dàng, ngày càng nhiều hơn nữa những ân ban. Vì Thiên Chúa yêu thích một điều gì đó bị lãng phí hơn là một giọt lòng thương xót bị chặn lại. Ngài thích có nhiều hạt giống được chim trời lấy đi hơn là một hạt giống bị sót lại, bởi vì mỗi một trong những hạt giống này đều có khả năng để sinh hoa trái dồi dào, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, cả một trăm nữa.

Trong tư cách là tư tế, chúng ta là những chứng nhân và là những thừa tác viên của sự giàu có ngày càng dư dật của lòng thương xót của Chúa Cha; liên quan đến lòng thương xót nhập thể chúng ta có nghĩa vụ trao ban và an ủi, như Chúa Giêsu đã thực hiện, Đấng “đi tới đâu thì thi ân giáng phúc và chữa lành” (Cv 10:38) bằng hàng ngàn cách để lòng thương xót chạm được đến mọi người. Chúng ta có thể giúp hội nhập lòng thương xót, để mỗi người có thể đón nhận và cảm nghiệm lòng thương xót một cách cá vị. Điều này sẽ giúp tất cả dân chúng thực sự hiểu rõ và thực thi lòng thương xót một cách sáng tạo, bằng nhiều cách phù hợp với các nền văn hoá địa phương và các gia đình.

Hôm nay, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này của Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi muốn nói về hai lãnh vực mà trong đó Thiên Chúa thể hiện hào phóng lòng thương xót. Noi gương Ngài, chúng ta cũng không được chần chừ trong việc thể hiện sự hào phóng này. Lãnh vực đầu tiên tôi nói tới là sự gặp gỡ; lãnh vực thứ hai là sự tha thứ của Thiên Chúa, là điều làm cho chúng ta xấu hổ nhưng cũng mang lại cho chúng ta phẩm giá.

Lãnh vực đầu tiên mà chúng ta thấy Thiên Chúa thể hiện hào phóng lòng thương xót không ngừng nhiều hơn gấp bội của Ngài là sự gặp gỡ. Ngài trao ban chính Ngài hoàn toàn trong một cách thế khiến cho mọi cuộc gặp gỡ đều dẫn đến vui mừng. Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu chúng ta kinh ngạc khi thấy người cha chạy ra với người con, xúc động sâu sắc, và ôm lấy anh; chúng ta thấy cách ông ôm lấy cậu con trai, hôn cậu, xỏ nhẩn vào tay cậu, và rồi đưa giày cho cậu, qua đó cho thấy rằng cậu là con trai của ông chứ không phải là một người tôi tớ. Sau cùng, ông ra lệnh cho mọi người tổ chức tiệc mừng. Trong khi chiêm ngắm đầy ngỡ ngàng sự phong phú siêu đẳng của niềm vui nơi Người Cha òa ra không kềm chế khi con trai ông trở về, chúng ta đừng sợ hãi cường điệu hoá lòng tri ân của chúng ta. Thái độ của chúng ta phải là thái độ của người phong cùi nghèo khổ khi thấy mình được chữa lành, đã bỏ chín người bạn đang ra đi làm theo điều Chúa Giêsu truyền cho họ, mà quay lại để quì ở dưới chân Chúa, lớn tiếng tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa.

Lòng thương xót khôi phục mọi sự; nó khôi phục phẩm giá mỗi người. Thành ra lòng hân hoan biết ơn là một sự đáp trả thích hợp: chúng ta phải đi dự tiệc, mặc trang phục đẹp nhất, loại bỏ sự thù hận của người anh cả, để vui mừng và tạ ơn... Chỉ như vậy khi tham dự đầy đủ vào niềm vui mừng như thế, chúng ta mới dám thẳng thắn cầu xin sự tha thứ, và thấy rõ hơn cách đền bù những tội lỗi chúng ta đã phạm. Thật tốt lành để tự hỏi lại bản thân mình: sau khi đi xưng tội, tôi có vui không? Hay tôi lại ngay lập tức tiếp tục làm điều kế tiếp, như chúng ta thường hành động sau khi đi khám bác sĩ, khi chúng ta nghe thấy rằng kết quả xét nghiệm không quá tồi tệ và nhét chúng lại trong phong bì? Và khi tôi làm việc bố thí, tôi có dành thời gian cho người nhận của bố thí đó để họ thể hiện lòng biết ơn không, tôi có vui mừng với nụ cười và lời cầu chúc người nghèo tặng lại cho tôi không, hay tôi tiếp tục vội vã với những công việc của mình sau khi đã thẩy ra một đồng tiền?

Lãnh vực thứ hai mà trong đó chúng ta thấy Thiên Chúa hào phóng lòng thương xót không ngừng lớn hơn của Ngài là chính sự tha thứ. Thiên Chúa không chỉ tha thứ các món nợ không trả nổi, khi Ngài tha nợ cho một người tôi tớ là người cầu xin lòng thương xót nhưng rồi lại xử tệ với chính người mang nợ anh; Ngài cũng giúp chúng ta tiến thẳng từ tình trạng bất nghĩa đáng xấu hổ nhất tới phẩm giá cao nhất mà không cần trải qua những giai đoạn trung gian. Chúa để cho người phụ nữ đã được tha thứ rửa chân Ngài bằng nước mắt của cô. Ngay khi Simon thú nhận tội lỗi của ông và xin Chúa Giêsu xa lánh ông, Chúa đã nâng ông lên thành người chài lưới người. Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng phân biệt hai thái độ này: khi chúng ta xấu hổ về tội lỗi của mình, chúng ta che đậy chính bản thân chúng ta và cúi đầu đi quanh lầm lũi, giống như ông Adong và bà Evà; nhưng khi chúng ta được nâng lên phẩm giá nào đấy, thì chúng ta nỗ lực che đậy tội lỗi của chúng ta và lấy làm vui trong việc được người chiêm ngưỡng, tới độ khoe khoang.

Sự đáp trả của chúng ta trước sự tha thứ quá dư dật của Thiên Chúa phải luôn luôn duy trì sự căng thẳng lành mạnh giữa một sự xấu hổ có phẩm giá và một phẩm giá đáng xấu hổ. Đó là một thái độ của người tìm kiếm một vị trí khiêm tốn và thấp hèn, nhưng cũng là người có thể để cho Thiên Chúa vực mình dậy vì thiện ích của một sứ vụ, mà không tự mãn. Khuôn mẫu mà Tin Mừng xiển dương, và là điều có thể giúp chúng ta khi chúng ta xưng thú tội lỗi của mình, là Phêrô, là người đã để cho chính bản thân mình được chất vấn về tình yêu của ông dành cho Chúa, nhưng cũng là người lặp lại lời chấp nhận sứ vụ chăn dắt đoàn chiên Chúa đã uỷ thác cho ông.

Trưỏng thành trong “phẩm giá biết tự hạ mình” này, và tránh nghĩ rằng chúng ta cao sang hơn hay thấp hèn hơn giá trị của mình như ân sủng Chúa ban, có thể giúp chúng ta thấu hiểu những lời của tiên tri Isaia tiếp ngay sau đoạn mà Chúa đã đọc trong hội đường tại Nagiarét: “anh em sẽ được gọi là tư tế của ĐỨC CHÚA" (Is 61:6). Thiên Chúa biến đổi thành một dân tư tế chính những người nghèo, đói, tù nhân của chiến tranh, không có tương lai, bị gạt sang một bên và bị khước từ.

Trong tư cách là tư tế, chúng ta đồng hóa với dân bị gạt bỏ mà Thiên Chúa cứu vớt, và chúng ta nhớ rằng có vô số những người nghèo, người dốt nát, tù nhân; họ ở trong tình trạng ấy vì người khác áp bức họ. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng mỗi người chúng ta biết rõ mức độ bao nhiêu lần chúng ta mù quáng, thiếu ánh sáng đẹp đẽ của đức tin, không phải vì chúng ta không có sách Tin Mừng trong tầm tay, nhưng vì một sự thái quá của những thần học phức tạp. Chúng ta cảm thấy tâm hồn mình cần được giải khát bằng linh đạo, nhưng không phải vì thiếu Nước Hằng Sống - nước mà chúng ta chỉ uống vài ngụm, nhưng vì một sự thái quá của một thứ linh đạo “bong bóng”, “nhẹ nhàng”. Chúng ta cũng cảm thấy mình là tù nhân, không phải vì bị vây bủa như bao dân tộc bị bao vây bởi những bức tường đá, hoặc những hàng rào bằng thép, nhưng bởi một tinh thần trần tục ảo ảnh kỹ thuật số chỉ cần bấm một cái là mở ra và đóng lại. Chúng ta bị áp bức không phải vì những đe dọa và thúc đẩy, như bao nhiêu người nghèo, nhưng vì sự thu hút của hàng ngàn đề nghị tiêu thụ mà chúng ta không thể rũ bỏ để bước đi tự do trên những con đường dẫn đến tình yêu thương anh chị em chúng ta, dẫn đến đoàn chiên của Chúa, những con chiên đang chờ đợi tiếng nói của các vị mục tử.

Chúa Giêsu đến để cứu chuộc chúng ta, để sai chúng ta ra đi, để biến đổi chúng ta từ những người nghèo khổ, mù lòa, những tù nhân và những người bị áp bức, trở thành những thừa tác viên của lòng thương xót và ủi an. Ngài nói với chúng ta, dùng những lời của tiên tri Êdêkien nói với dân chúng là những người đã bán chính bản thân họ và phản bội Thiên Chúa: “Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Ngươi sẽ nhớ lại các lối sống của ngươi mà xấu hổ khi ngươi đón các chị và các em ngươi; Ta sẽ cho chúng làm con gái ngươi, nhưng chúng không được dự phần vào giao ước giữa Ta với ngươi. Còn chính Ta, Ta sẽ thiết lập giao ước giữa Ta với ngươi. Bấy giờ ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, để ngươi nhớ lại mà lấy làm xấu hổ và, trong lúc phải tủi nhục, ngươi sẽ không còn mở miệng nói gì được nữa, khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả những việc ngươi đã làm - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng” (Ed 16:60-63).

Trong Năm Thánh Thương Xót này chúng ta tôn vinh Cha chúng ta với những tâm hồn đầy lòng biết ơn, và chúng ta cầu nguyện cùng Ngài xin “Ngài nhớ đến lòng thương xót của Ngài đến muôn đời”; chúng ta hãy lãnh nhận, bằng một phẩm giá biết tự hạ mình, lòng thương xót được tỏ lộ trong thân xác chịu thương tích của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy xin Ngài thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi và giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ. Và cùng với ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy dấn thân một cách mới mẻ để mang lòng thương xót Chúa đến cho mọi người nam nữ, và thực hiện những công việc mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy bên trong mỗi người chúng ta vì thiện ích chung của toàn thể Dân Chúa.