Giải đáp phụng vụ: Tại sao các bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Chay trong Năm A được gợi ý đọc trong các năm B và C nữa?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong khi sự tò mò có thể giết chết con mèo, nó có xu hướng nuôi linh hồn khi nó là sự tò mò về các điều của Giáo Hội! Tại sao Giáo Hội gợi ý các bài đọc Tin Mừng trong Năm A được đọc cả trong các năm B và C nữa? Con đã được cho biết rằng chúng đang liên kết với "các chọn lọc cẩn thận”, nhưng làm như thế nào? Câu chuyện người phụ nữ Samari bên giếng nước nói với chúng ta điều gì tốt hơn câu chuyện Chúa đuổi người buôn bán khỏi Đền thờ (Chúa Nhật III Mùa Chay), hay câu chuyện về việc chữa lành người mù từ thuở mới sinh nói với chúng ta điều gì tốt hơn chuyện Chúa Kitô giảng dạy ông Nicôđêmô về chính Ngài là ánh sáng (Chúa Nhật IV Mùa Chay)? Và làm thế nào chúng kết nối với "các chọn lọc cẩn thận”? Có manh mối nào chăng, thưa cha? - E. L., Lake Zurich, Illinois, Mỹ.


Đáp: Thật ra câu tục ngữ cũ đã có phần thứ hai: "Sự tò mò giết chết con mèo, thông tin làm cho nó béo".

Cái lý do chính tại sao các bài đọc từ chu kỳ A luôn luôn có thể được dùng trong Mùa Chay, đặc biệt tại các giáo xứ có người lớn chuẩn bị cho khai tâm Kitô giáo trong Đêm Vọng Phục Sinh sắp tới, là có tính chất lịch sử cũng như tính chất mục vụ.

Thời gian Mùa Chay từng bước phát triển trong Giáo Hội thời ban sơ. Trong suốt thế kỷ IV, Mùa Chay ở Rôma được phát triển, từ một sự chuẩn bị ba tuần lễ cho lễ Phục sinh, đến một thời gian 40 ngày, bắt đầu vào một ngày Chúa Nhật. Ngày Thứ Tư Lễ Tro được thêm vào một thời gian sau đó.

Lúc đầu, chỉ có ngày Chúa Nhật được cử hành có tính phụng vụ. Dần dần, các hình thức phụng vụ đặc biệt được thêm vào cho các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Điều này là bởi vì chúng là những ngày dành riêng để hướng dẫn các dự tòng chuẩn bị việc khai tâm. Các yếu tố cần thiết cho việc dạy này vẫn còn được tìm thấy trong phụng vụ cho các ngày đó, và nghi thức hiện nay giữ lại hầu hết các bài đọc Tin Mừng hàng ngày truyền thống, và một số các bài đọc Cựu Ước như là hình thức ngoại thường. Một số các cuộc thẩm vấn và nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn cũng được tổ chức vào các ngày trong tuần như thế. Khi việc rửa tội người lớn trở nên ít phổ biến hơn, các nghi thức ấy đã được đưa vào phần đầu của chính nghi thức rửa tội.

Một Thánh lễ mùa Chay đặc biệt cho các ngày thứ Ba và thứ Bảy đã được bổ sung thêm sau hai thế kỷ kế tiếp, trong khi chúng ta không tìm thấy một văn bản cụ thể cho ngày Thứ Năm cho đến thế kỷ VIII.

Chu kỳ A hiện nay về cơ bản là một sự chuẩn bị cho lễ rửa tội. Chúa Nhật I Mùa Chay sử dụng Tin mừng theo thánh Mátthêu (Mt) về việc Chúa Kitô chịu cám dỗ, Chúa Nhật II Mùa Chay sử dụng Tin mừng theo thánh Mátthêu về việc Chúa biến hình trên núi. Chúa Nhật III Mùa Chay sử dụng câu chuyện người phụ nữ Samari bên giếng nước, từ Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga) 4, 5-42, Chúa Nhật IV Mùa Chay sử dụng câu chuyện về việc chữa lành người mù từ thuở mới sinh, từ Ga 9, 1-41, và Chúa Nhật V Mùa Chay sử dụng câu chuyện Chúa làm cho ông Ladarô sống lại, từ Ga 11, 1-45. Chúa Nhật Lễ Lá kết luận chu kỳ Mùa Chay của các bài đọc Chúa Nhật, với việc đọc Bài Thương Khó.

Các bài đọc Chúa Nhật trong chu kỳ hàng năm duy nhất của hình thức ngoại thường là khác hẳn. Hai tuần đầu tiên là giống nhau. Chúa Nhật III sử dụng Luca 11, mà trong đó Chúa Kitô nói về việc trừ quỉ. Chúa Nhật IV được lấy từ Ga 6 - phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Chúa Nhật V, được gọi là "Chúa Nhật Thương Khó", Tin Mừng Ga 8, 46-59 được công bố. Đoạn Tin Mừng này nói về việc Chúa Giêsu hứa sự sống đời đời cho những người tuân giữ lời Ngài, và Ngài tuyên bố thần tính của Ngài khi nói rằng "Trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”. Chúa Nhật VI là Chúa Nhật Lễ Lá với việc đọc Bài Thương Khó.

Chu kỳ được trình bày hiện nay trong hình thức thông thường có lẽ là chu kỳ cổ xưa nhất. Có bằng chứng rõ ràng cho nó trong các tác phẩm của Thánh Ambrôxiô (337-397), và có bằng chứng bản thảo cho việc sử dụng nó trong tất cả miền đất của Ý bên ngoài Rôma, cũng như ở Pháp và Tây Ban Nha. Sự thay đổi trong nghi lễ Rôma có thể được giải thích bởi một sự thay đổi trong việc thực hành các chọn lọc cẩn thận diễn ra tại Rôma, vào khoảng cuối thế kỷ VI. Tại Rôma, đã có ba chọn lọc cẩn thận vào Chúa Nhật III, Chúa Nhật IV và Chúa Nhật V của Mùa Chay. Khoảng giữa thế kỷ VI, các chọn lọc cẩn thận được nâng lên bảy bài từ ba bài, và tất cả đã được cử hành vào các ngày trong tuần. Do đó, các công thức Chúa Nhật cũ và các bài đọc liên kết với các chọn lọc cẩn thận này là đơn giản được thay thế bằng các bài khác, không bị ràng buộc đặc biệt cho sự chuẩn bị việc khai tâm.

Do đó, chu kỳ A chuẩn bị cho lễ Phục Sinh và lễ rửa tội với các chủ đề về vượt thắng cám dỗ. Trinh thuật Chúa biến hình cho thấy, theo Thánh Âutinh, rằng Tin Mừng tiếp nhận chứng tá của Luật và các ngôn sứ. Các ngày Chúa Nhật khác phản ánh sự mặc khải dần dần của Đức Kitô và sứ điệp Kitô giáo cho những người sẽ nhận được "nước hằng sống", "ánh sáng trần gian" và "sự sống lại và là sự sống."

Điều này không có nghĩa rằng các bài đọc của các chu kỳ khác không thể được thích ứng với một chủ đề rửa tội. Tuy nhiên, các bản văn truyền thống có trọng lượng của các thế kỷ đằng sau chúng, và được hỗ trợ bởi một sự phong phú của các bình giải từ các Giáo phụ, vốn còn thiếu trong các bản văn khác.

Các phản ảnh này sẽ giúp chúng ta hiểu được lời giải thích, vốn được cung cấp trong Phần dẫn nhập cho Sách bài đọc, liên quan đến các bài đọc Mùa Chay.

"A) Chúa Nhật

"97. Các bài đọc Tin Mừng được bố trí như sau:

"Các Chúa Nhật I và Chúa Nhật II duy trì trình thuật Chúa chịu cám dỗ và Chúa biến hình trên núi, tuy nhiên với bài đọc từ ba Tin Mừng Nhất Lãm.

"Trong ba Chúa Nhật tiếp theo, các Tin Mừng về người phụ nữ Samaria bên giếng nước, người đàn ông mù từ thuở mới sinh, và việc Chúa cho ông Ladarô sống lại đã được phục hồi trong năm A. Vì các Tin Mừng này có tầm quan trọng lớn trong vấn đề khai tâm Kitô giáo, chúng cũng có thể được đọc trong năm B và năm C, đặc biệt là ở những nơi có các dự tòng.

"Tuy nhiên, các bản văn khác được cung cấp cho Năm B và Năm C: cho Năm B, một bản văn từ Ga về vinh quang sắp tới của Chúa Kitô qua Thánh Giá và sự Phục Sinh của Ngái, và cho Năm C, một bản văn từ Lc về sự hoán cải.

"Vào Chúa Nhật Lễ Lá của cuộc Thương Khó của Chúa, các bản văn cho cuộc rước được lựa chọn từ các Tin Mừng Nhất Lãm liên quan đến việc Chúa long trọng vào thành Giêrusalem. Về Thánh Lễ, bài đọc là Bài Thương Khó của Chúa.

"Các bài đọc Cựu Ước là về lịch sử cứu độ, vốn là một trong các chủ đề phù hợp cho việc dạy giáo lý Mùa Chay. Các loạt bản văn cho mỗi năm trình bày các yếu tố chính của lịch sử cứu độ, từ đầu cho đến lời hứa của Giao Ước Mới.

"Các bài đọc từ các Thư của các thánh Tông Đồ đã được chọn cho phù hợp với bài đọc Tin Mừng và bài đọc Cựu Ước và, trong chừng mực có thể, để cung cấp một kết nối giữa chúng với nhau.

"B) Các ngày trong tuần

"98. Các bài đọc từ sách Tin Mừng và Cựu Ước đã được lựa chọn, bởi vì chúng có liên quan với nhau. Chúng bàn các chủ đề khác nhau của giáo lý Mùa Chay, vốn là phù hợp cho ý nghĩa thiêng liện của mùa này. Bắt đầu với thứ Hai của tuần IV Mùa Chay, có việc đọc bán liên tục của Tin Mừng theo thánh Gioan, bao gồm các bản văn tương ứng chặt chẽ hơn với các chủ đề riêng của Mùa Chay.

"Bởi vì các bài đọc về người phụ nữ Samaria bên giếng nước, người đàn ông mù từ thuở mới sinh, và việc Chúa cho ông Ladarô sống lại hiện đang dành cho các ngày Chúa Nhật, nhưng chỉ cho Năm A (trong Năm B và Năm C, chúng là tùy chọn), đã có dự liệu cho việc dùng chúng trong các ngày trong tuần. Như vậy vào đầu tuần III, tuần IV và tuần V Mùa Chay, các Thánh Lễ ngoại lịch với các bản văn này cho Tin Mừng đã được chèn vào, và có thể được sử dụng thay cho bài đọc của ngày bất kỳ trong tuần của tuần tương ứng.

"Trong các ngày đầu của Tuần Thánh, các bài đọc là về mầu nhiệm cuộc Thương khó của Chúa Kitô. Đối với Thánh Lễ Truyền Dầu, các bài đọc nêu ra sứ mạng Thiên sai của Chúa Kitô và sự tiếp tục của sứ mạng này trong Giáo Hội qua các bí tích". (Zenit.org 8-3-2016)

Nguyễn Trọng Đa