TRANH NHAU KỸ THUẬT

Thợ mộc nói : “Kỹ xảo của tôi là lợi dụng vào cái búa để làm nhà và các dụng cụ trong nhà, đúng là cao tay nghề”.

Thợ đá nói : “Việc của ông làm đều là gỗ có gì là khó chứ, cái tôi dùng để khắc toàn là đá cứng, ông dám so tài không ? Tài nghệ cao phải nói là tôi đây”.

Thợ sắt nói : “Bào gỗ khắc đá đều phải dùng các dụng cụ do tôi trui luyện mà có, nếu không có tôi giúp sức thì các ông làm được sao ? Không nên tranh luận uổng phí vì chuyện không đâu này.”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư :

Có một vài Kitô hữu thường tranh luận với nhau về những vấn đề xem ra chẳng có ích gì cho phần rỗi linh hồn của mình cũng như của người khác, họ tranh luận chữ này dịch làm sao cho đúng với nghĩa của nó, chữ kia dịch làm sao cho phù hợp với thời đại mà quên mất rằng chữ nghĩa không thể làm cho mình được sống đời đời, nhưng chỉ có tâm tình khiêm tốn và yêu thương thật, mới làm cho cuộc sống mình có ý nghĩa vượt lên trên mọi chữ nghĩa...

Các Tông Đồ đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả, Chúa Giêsu đã trả lời cho các ông là muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và phục vụ anh em (Mc 9, 33-37), chứ Ngài không trả lời ai tài giỏi hơn thì là người lớn hơn cả.

Tranh luận biện bác dù với ý tốt chăng nữa thì cũng là -một cách nào đó- mở đường cho thù hận ghét ghen đi vào trong tâm hồn, bởi vì chúng ta chưa làm thánh.

Đem kiến thức và tri thức của mình ươm vào mảnh đất yêu thương và khiêm tốn, thì chắc chắn tri thức và kiến thức ấy sẽ nở thêm nhiều bông hoa khiêm tốn yêu thương ngát hương mát lòng cho mọi người thưỡng thức...

Tranh nhau cái tài cao thấp trong chữ nghĩa để rồi oán giận nhau thì có ích lợi gì cho Giáo Hội nếu Thiên Chúa không chúc lành !?

.