Ngày thứ Năm 10/04/2003 (theo giờ Los Angeles), VietCatholic đã hân hạnh đón vị khách thứ 3 triệu vào thăm Web site của VietCatholic. Tám tháng sau đó, ngày 5/12/2003, VietCatholic đã hân hạnh đón vị khách thứ 4 triệu. Hôm nay, ngày thứ Bẩy 24/04/2004, lúc 23h58'45" VietCatholic đã hân hạnh đón tiếp vị khách thứ 5 triệu.

Chính thức phát trên mạng lưới điện toán toàn cầu từ ngày lễ các Thánh 1/11/1996, VietCatholic đã được sự thương mến, ủng hộ và giúp đỡ trên mọi phương diện của quý Đức Hồng Y, quý Đức Giám Mục, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ và quý Anh Chị Em trong suốt thời gian qua. Nhờ đó, số người vào thăm VietCatholic mỗi ngày một tăng lên mạnh mẽ.

Hiện nay, mỗi ngày có trung bình từ 8000 đến 9000 lượt người vào xem các trang trên VietCatholic. Đồng thời, hàng mấy ngàn vị độc giả không thể truy cập trực tiếp vào Web site của VietCatholic cũng nhận được thông tin qua email. Thế rồi qua các emails này, quý vị cũng đã in ra và phân phát cho những người khác, như trường hợp một số đông các linh mục và giáo dân ở Việt Nam đã làm từ nhiều năm qua. Như vậy, tính chung có hơn một vạn người truy cập vào VietCatholic trong một ngày. Đây là con số mà các nhà truyền giáo trước đây một thập niên thôi nằm mơ cũng chưa thấy nổi.

Mừng biến cố quan trọng này nhắc nhở chúng ta về những lợi ích quan trọng và những thuận lợi từ góc độ tôn giáo mà phương tiện truyền thông Internet đem đến. Trỗi vượt trên tất cả các phương tiện truyền thông, Internet đang đem lại những ích lợi rất đặc biệt. Nó cho phép người ta trực tiếp và tức khắc tiếp cận những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng - những thư viện khổng lồ, những nhà bảo tàng và những nơi thờ phượng, những văn kiện giáo huấn của Huấn Quyền, những bài viết của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh và kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet cũng giúp chúng ta hòa nhịp vào những biến cố của Giáo Hội Hoàn Vũ qua những tin tức và hình ảnh được truyền đi gần như đồng thời với những gì đang diễn ra ở những nơi rất xa xôi. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng cách và sự cô lập, giúp con người có thể tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, những người gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo (virtual communities of faith) để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau. Giáo Hội có thể thực thi một sự phục vụ quan trọng cho người Công Giáo cũng như không Công Giáo bằng sự lựa chọn và truyền đi những dữ liệu hữu ích qua phương tiện truyền thông này.

Internet có liên quan đến nhiều hoạt động và chương trình của Giáo Hội - phúc âm hóa, bao gồm cả tái phúc âm hóa và tân phúc âm hóa và những hoạt động truyền giáo truyền thống, giáo lý và các hình thức giáo dục khác, tin tức và thông tin, hộ giáo (apologetics), chăn dắt và quản trị, và các hình thức tư vấn mục vụ và khải đạo tâm linh. Mặc dù thực tại ảo (virtual reality) của không gian điện toán (cyberspace) không thể thay thế cho cộng đoàn giao tiếp cá nhân thực sự, cho sự hiện diện của Chúa trong các phép bí tích và trong phụng vụ, hay cho sự công bố tức khắc và trực tiếp Tin Mừng, nó vẫn có thể bổ sung, lôi kéo người ta đến một kinh nghiệm đầy đủ hơn của cuộc sống đức tin và làm phong phú đời sống đạo của những người dùng nó. Nó cũng đem đến cho Giáo Hội một phương tiện để truyền thông cho những nhóm cụ thể - những người trẻ và những người mới thành niên, những người già và những người bị bó gối trong nhà, những người sống ở các miền xa xôi, các thành viên của các thực thể tôn giáo khác - những người mà nếu không có Internet rất khó có thể tiếp cận.

Mừng biến cố quan trọng này cũng nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm khi Chúa đặt để vào tay chúng ta một phương tiện truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả như vậy:

Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28: 19-20).

Ðó là ủy nhiệm thư mà Chúa trao phó cho Giáo Hội và cho mỗi một người chúng ta khi chúng ta nhận lãnh bí tích rửa tội. Trách nhiệm thực thi ủy nhiệm thư đó không chỉ thuộc về hàng giáo sĩ, nhưng thuộc về mỗi một người trong chúng ta.

"Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" không phải chỉ là một lời hứa. Ðó là một thực tế. Chúa ở cùng chúng ta và đặt vào tay chúng ta những phương tiện cần thiết để thực thi ủy nhiệm thư của Ngài. Chúng ta đang thủ đắc trong tay một phương tiện vượt qua mọi biên giới và san bằng tất cả các rào cản về không gian và thời gian. Thành ra, chúng ta sẽ có lỗi nghiêm trọng trước mặt Chúa nếu chúng ta không tận dụng phương tiện này. Ðặc biệt trong hoàn cảnh mà hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta chưa biết Chúa và biết bao nhiêu những người tuy mang danh Kitô hữu nhưng với một lòng đạo mơ hồ và hời hợt, hậu quả của những yếu tố khách quan về lịch sử, xã hội mà không phải hoàn toàn do lỗi của họ.

Ý thức về sứ mạng quan trọng này, nên anh em linh mục tu sĩ và giáo dân, những các công tác viên, những chuyên gia của VietCatholic đã không ngừng cố gắng đáp ứng nhu cầu tinh thần và tài liệu Giáo Hội, hầu cung ứng những món ăn tinh thần cho tập thể Công Giáo Việt Nam tại quốc nội cũng như ở hải ngoại.

Trong tinh thần phục vụ này, chúng tôi không phải là không gặp những khó khăn, những cản trở và những thách đố phải đương đầu. Với những đóng góp xây dựng, chúng tôi đã cố gắng cải tiến. Còn đối với những chỉ trích vu vơ, những vu khống trắng trợn nhằm hạ giá cá nhân hay tập thể những người phục vụ với VietCatholic, thì chúng tôi không muốn phí thời giờ trả lời cho những lý luận mang tính chụp mũ, những hù dọa mang tính chất khủng bố và sẽ không dành chỗ đứng nào cho những con người bất mãn vì tính vị kỷ, hám danh, ghen tương hay bất cứ động lực không chính đáng nào đó, đã thôi thúc họ bịa đặt những truyện không đâu, với mục đích duy nhất là cản trở bước tiến của VietCatholic mà thôi.

"Hãy xem quả thì biết cây". VietCatholic đã hoạt động gần 10 năm nay với chủ trương và thành tích mà ai cũng đã thấy được, đọc được, hiểu được, nên chúng tôi không cần phải chứng minh hay thanh minh cho bất cứ những gì chúng tôi đang làm. Số độc giả to lớn thường xuyên viết thư khích lệ và ủng hộ chúng tôi, cũng như số đông các cộng tác viên thế giá và uy tín gồm các giám mục, linh mục, các chuyên gia, các người cộng tác đầy thiện tâm này đã đủ chứng minh cho lý tưởng và đường lối chúng tôi theo đuổi là đúng đắn... Điều này cũng nói lên sự hiệp nhất và tinh thần phục vụ cho một mục đích chung cao cả là Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

VietCatholic cũng chưa từng bao giờ có tham vọng là tiếng nói "chính thức" hay là tiếng nói của "Giáo Hội Công Giáo Việt Nam" hay bất kỳ "tổ chức" nào cả. Với danh nghĩa VietCatholic hoặc Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam, chúng tôi chỉ muốn xác định lập trường đây là một site Internet mang tính cách hoàn toàn "Công Giáo" và "Việt Nam". Đây là một tổng hợp của những người thiện chí với ý thức trách nhiệm, tự nguyện làm việc với nhau, để đưa những thông tin và những tài liệu cho nhu cầu cần thiết chung của tập thể Công Giáo Việt Nam.

VietCatholic cũng không nhận được bất cứ sự tài trợ của tổ chức đạo đời nào cả. Sự hình thành và nguồn sống của VietCatholic là tinh thần muốn phục vụ lợi ích chung mà thôi. Chính các cộng sự viên đã phải tự bỏ giờ, bỏ tiền bạc và sức cố gắng đóng góp cho việc chung. Việc điều hành Website VietCatholic rất tốn phí cả thời giờ lẫn tiền bạc, nhưng chúng tôi đều nhờ vào sự đóng góp và giúp đỡ của một số anh em thiện chí chứ không nương tựa vào ai khác.

Những sản phẩm văn hóa và tôn giáo của VietCatholic được hoàn thành cũng là với mục đích đóng góp vào cộng tác chung, chứ thực sự không có lời lãi gì, bởi vì nếu có lời lãi thì các tổ chức khác đã khai thác, chứ chưa đến phiên VietCatholic thực hiện.

Cũng vì ý thức được những thiếu thốn về vật chất và tinh thần của một số anh chị em chúng ta ở quê nhà, nên đôi khi VietCatholic có phát động các chiến dịch cứu trợ cụ thể và thành quả tiền thu góp đã báo cáo công khai trên mạng Internet.

Về phương diện kĩ thuật thì VietCatholic đã không ngừng sáng tạo ra những nhu liệu tiện dụng cho các linh mục tu sĩ và giáo dân hầu đáp ứng nhu cầu mục vụ. Những nhu liệu này là những hành trang của người tông đồ.

Về phương diện phát triển, VietCatholic cũng là nhóm tiên phong sử dụng chữ Việt phông chữ Unicode với mục đích thống nhất phương tiện truyền thông.

Ý thức được ảnh hưởng của vai trò truyền thông với thế giới, nên từ ngày Tết năm nay, tức là từ ngày 10-2-2004, VietCatholic đã tiên phong làm trang tin tức về Giáo Hội Việt Nam bằng Anh ngữ hầu cống hiến thế giới những cái hay cái đẹp của Giáo Hội chúng ta và mở đường cho một cuộc đối thoại rộng lớn hơn.

Vào ngày Lễ Thánh Giuse 19-3-2004, kỷ niệm 400 năm Truyền Giáo tại Việt Nam, VietCatholic đã mở rộng thửa đất sinh hoạt bằng cách cống hiến miễn phí các trang Web cho các Giáo Phận, các giáo xứ Việt Nam, mà hiện nay đã có nửa số Giáo Phận tham gia, cũng như trên 500 giáo xứ góp mặt.

Sau cùng, mới đây, sau khi nhận được những đóng góp của các Giám Mục, Linh Mục và Giáo Dân ở Việt Nam, chúng tôi đã quyết định thay đổi một chút về nội dung trang VietCatholic, có nghĩa là chúng tôi sẽ không thường xuyên đưa tin lên 2 mục Tin Việt Nam và Tin Thế Giới, vì 2 lý do: ở Việt nam hay ở ngoại quốc hiện nay có nhiều trang Web cho nhu cầu này rồi, ai muốn xem tin tức hàng ngày có rất nhiều lựa chọn, nên chúng tôi sẽ dành thời giờ chú trọng về tính cách tôn giáo, tinh thần, tài liệu và giáo dục Công Giáo mà thội; lý do thứ hai là ngay cả tin Giáo Hội và những tài liệu Công giáo mỗi ngày cũng quá nhiều trên trang VietCatholic, nên việc gửi email về các địa chỉ tại Việt Nam cũng mất công và một số lượng thời gian dài cả gần một ngày mới gửi hết tin tức tới các emails (dầu hiện nay chúng tôi có một server riêng chỉ để làm công tác này một cách tự động, nhưng với số lượng chừng 3500 người nhận tại Việt Nam và trung bình mỗi người nhận bản tin ít nhất là từ 100 đến 150 trang mỗi ngày, đó là số lượng lớn cần phải cắt bớt phần tin tức. Thay vào 2 mục này, chúng tôi làm một mục mới là "Tin Đáng Chú Ý" dành cho những biến cố có tầm mức ảnh hưởng và quan trọng mà mọi người cần quan tâm đến.

Tóm lại, anh chị em linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân cộng tác viên của VietCatholic luôn vững tin về sứ mạng của mình, cho nên không hề bị lay chuyển trước những âm mưu phá hoại, hay bất cứ những động lực nào khác nhằm cản trở con đường phục vụ của chúng tôi.

VietCatholic luôn luôn khích lệ sự cộng tác và tinh thần làm việc cho lợi ích chung, và chúng tôi thật vui mừng khi thấy có những nhóm, những cá nhân, những Website khác có những bài viết giá trị và những tin tức bổ ích. Mỗi một viên gạch đều là những đóng góp quan trọng cho việc hình thành ngôi nhà của Giáo Hội và cho kiến thức chung của gia sản tinh thần người Công Giáo Việt Nam chúng ta. Chúng tôi lại càng vui mừng hơn nữa, nếu có nhóm khác trổi vượt hơn chúng tôi, và niềm vui sẽ tràn đầy khi mà có những người, những nhóm có thể làm thay công tác và tiếp nối sứ mạng của chúng tôi. Chúng tôi luôn ý thức về một câu nói rất ý nhị sâu xa của một vị thừa sai kia là "Trong công tác truyền giáo thì mục đích cuối cùng của nhà truyền giáo là phải làm cho mình trở thành vô dụng, người ta không còn cần đến mình nữa. Lúc đó, việc truyền giáo đã thành công, vì đã có người khác đứng lên thay thế và trách nhiệm".

Mừng biến cố quan trọng một số đông độc giả trân trọng việc làm của VietCatholic, chúng ta cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta phương tiện truyền thông này và cám ơn lẫn nhau về tinh thần hợp tác giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, giữa trong nước và hải ngoại như Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đề cập trong lời giới thiệu CD VietCatholic 2001:

"Trong nhiều năm qua, VietCatholic đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong việc ứng dụng những kỹ thuật điện toán tân kỳ để loan báo Tin Mừng; quảng bá giáo huấn của Giáo Hội; bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; đồng thời tăng cường sự hiệp thông và tinh thần liên đới giữa các cộng đoàn dân Chúa Việt Nam hải ngoại. Thành quả lớn lao nhất của VietCatholic là sự phối kết các nỗ lực của hơn 150 linh mục, tu sĩ và anh chị em chuyên gia Công Giáo Việt Nam trên toàn thế giới, để đưa lên mạng lưới điện toán toàn cầu một số lượng rất phong phú các tài liệu Công Giáo bằng Việt Ngữ. Thành quả này còn lớn lao gấp bội khi số tài liệu quý giá này được chuyển sang một dạng khác để lưu trữ lâu dài và phổ biến rộng rãi hơn nữa đến quý linh mục và anh chị em giáo dân Công Giáo Việt Nam khắp nơi.

Điều làm tôi đặc biệt xúc động là sự hiệp thông, tinh thần đoàn kết và sự bền bỉ hy sinh vì công việc chung của hơn 150 linh mục, tu sĩ và anh chị em chuyên gia Công Giáo. Quý cha và anh chị em sống rải rác khắp nơi trên thế giới trong những hoàn cảnh và điều kiện làm việc khác nhau. Nhưng nhờ biết tận dụng các phương tiện liên lạc tân kỳ, quý cha và anh chị em đã làm việc chung với nhau như thể chúng ta đang sống chung trong một làng quê Việt Nam hiền hoà những năm tháng thanh bình hiếm hoi. Quý cha và anh chị em mỗi người đều có những trọng trách phải chu toàn trong đấng bậc mình. Tuy nhiên, vì lòng yêu mến Thiên Chúa và quê hương đã hy sinh những giờ phút nghỉ ngơi để tạo ra những của ăn tinh thần quý giá và đậm đà tình tự dân tộc. Quý cha và anh chị em là tấm gương sống động về tinh thần liên đới và sự hiệp thông của người Công Giáo Việt Nam. Tôi nhớ đến quý cha và anh chị em thân thương trong lời cầu nguyện của tôi. Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ La Vang trả công bội hậu cho những hy sinh của quý cha và anh chị em."

Cuối cùng, mừng biến cố quan trọng này, chúng tôi xin kính mời quý cha và anh chị em bớt chút thời giờ đọc lại một sứ điệp của Đức Thánh Cha về Internet.

Anh chị em rất thân mến,

1. Giáo Hội trong mỗi thời đại tiếp tục sứ vụ đã bắt đầu từ ngày lễ Ðức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, khi các thánh Tông Ðồ, dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần, đã đổ ra đường phố Giêrusalem để rao giảng Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau ( x. TÐCV 2:5-11). Qua các thế kỷ tiếp theo, sứ vụ truyền giảng Tin Mừng này đã lan đến những góc trời xa xăm của trái đất, trong khi Kitô Giáo bén rễ sâu tại nhiều nơi và học hỏi để nói được những ngôn ngữ khác nhau của thế giới, trong sự luôn vâng phục lệnh truyền của Ðức Kitô là rao giảng Tin Mừng cho mọi dân nước (x. Mt 28:19-20).

Tuy nhiên, lịch sử truyền giáo không chỉ đơn giản là chuyện mở rộng về địa dư, vì Giáo Hội cũng phải vượt qua những ngưỡng cửa văn hóa, mỗi ngưỡng cửa như thế đòi hỏi một năng lực và tư duy mới trong việc công bố Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô. Thời đại của những khám phá vĩ đại, thời Phục Hưng với sự phát minh ngành in, thời Cách Mạng Kỹ Nghệ với sự chào đời của thế giới tân tiến, cũng là những ngưỡng cửa đòi hỏi những hình thái rao giảng Tin Mừng mới. Ngày nay, với cuộc cách mạng triệt để về truyền thông và thông tin, rõ ràng là Giáo Hội đang đứng trước một ngưỡng cửa mới. Do đó, thật là thích hợp, để chúng ta suy niệm về đề tài: "Internet: Một Diễn Ðàn mới cho việc Công Bố Tin Mừng" trong Ngày Truyền Thông Thế Giới 2002 này.

2. Internet chắc chắn là một "diễn đàn" mới hiểu theo nghĩa từ thời Rôma cổ như là một không gian đại chúng nơi các công việc chính trị và thương mãi được bàn luận, nơi các nghĩa vụ tôn giáo được thực thi, nơi hầu hết đời sống xã hội của một thành phố diễn ra, và là nơi mà những điều tốt nhất cũng như những cái tệ hại nhất của bản chất nhân loại được phơi bày. Ðó là nơi phố phường đông đúc và nhộn nhịp, phản ảnh nền văn hóa chung quanh lẫn tạo dựng nên nền văn hóa cho chính nó. Không gian điện toán toàn cầu chính thật là một tiền tuyến mới được mở ra trong buổi rạng đông của ngàn năm mới này. Như những tiền tuyến mới của các thời đại khác, tiền tuyến mới này cũng đầy nguy hiểm và hứa hẹn, và đầy cảm giác phiêu lưu đã ghi dấu những thời kỳ thay đổi lớn lao khác. Ðối với Giáo Hội, thế giới mới của không gian điện toán toàn cầu là một lời mời gọi hãy tiến bước vào cuộc phiêu lưu lớn lao của sự tận dụng tiềm năng của nó để công bố thông điệp Phúc Âm. Thách đố này nằm ở trung tâm của điều đã được đề cập trong buổi đầu của thiên niên kỷ là hãy theo lệnh truyền của Chúa "thả lưới chỗ sâu": Duc in altum! (Lk 5:4).

3. Giáo Hội đến với phương tiện truyền thông mới này thực tiễn và tự tin. Như các phương tiện truyền thông khác, nó chỉ là một phương tiện, tự nó không phải là cứu cánh. Internet có thể đem lại những cơ hội lớn lao cho việc rao giảng Tin Mừng, nếu được dùng với sự thành thạo và một nhận thức rõ ràng về những sở trường và sở đoản của nó. Trên tất cả mọi sự, qua việc cung cấp thông tin và kích thích sự chú ý, nó có thể đem đến sự tiếp xúc ban đầu với thông điệp của Ðức Kitô, đặc biệt nơi những người trẻ, những người mà ngày càng hướng về không gian điện toán toàn cầu như là một cửa sổ hướng ra thế giới. Do đó, điều quan trọng là cộng đồng Kitô Giáo hãy nghĩ đến những cách thức thực tiễn nhất để giúp đỡ những ai lần đầu tiên chúng ta tiếp xúc qua Internet, để biến thế giới ảo của không gian điện toán toàn cầu thành thế giới thực của cộng đồng Kitô Giáo.

Ở giai đoạn tiếp theo, Internet cũng có thể cung cấp những bước kế tiếp, theo đòi hỏi của việc truyền giáo. Ðời sống Kitô Giáo đòi hỏi những chỉ dẫn và những bảo ban về giáo lý liên tục, đặc biệt trong các nền văn hóa không thân thiện,và đây có lẽ là lãnh vực mà Internet có thể đưa ra những trợ giúp xuất sắc nhất. Ðã có trên mạng lưới điện toán toàn cầu vô số những nguồn thông tin, tài liệu và giáo dục về Giáo Hội, lịch sử và truyền thống, học thuyết và sự dấn thân của Giáo Hội trong mỗi lãnh vực và trong tất cả các phần của thế giới. Trong khi rõ ràng rằng Internet không thể thay thế cho những tiếp xúc sâu sắc với Thiên Chúa mà Giáo Hội đem đến qua đời sống sống động, phụng vụ và bí tích; Internet chắc chắn vẫn có thể cung cấp một sự bổ sung và hỗ trợ độc đáo cả trong việc chuẩn bị cho việc gặp gỡ Thiên Chúa trong cộng đoàn cũng như trong việc nuôi dưỡng người tín hữu mới trong hành trình đức tin vừa mới bắt đầu.

4. Chắc chắn đến độ hiển nhiên là có những câu hỏi nảy sinh trong việc dùng Internet trong việc truyền giáo. Thật vậy, cốt tủy của Internet là việc cung cấp một cơn lũ thông tin gần như vô tận; mà đa số thông tin được truyền đi trong nháy mắt. Trong một nền văn hóa sống trên tính cấp thời, có nguy cơ là sự kiện mới đáng kể, chứ không phải là giá trị của nó. Internet mang đến quá nhiều kiến thức, nhưng nó không dạy bảo những giá trị; và khi mà những giá trị đã bị lơ là đi, nhân tính quan yếu của chúng ta bị tầm thường hóa và con người dễ dàng đánh mất đi hình ảnh về phẩm giá cao thượng của mình. Bất chấp những tiềm năng hướng thiện lớn lao của nó, hiển nhiên là đã có nhiều cách dùng Internet thấp hèn và nguy hại, mà các nhà chức trách chắc chắn là có nhiệm vụ bảo đảm rằng công cụ tuyệt vời này phải được dùng cho lợi ích chung và không trở nên nguồn gây hại.

Hơn thế nữa, Internet xác định lại cách mạnh mẽ mối quan hệ tâm lý của một người với thời gian và không gian. Sự chú ý được gắn liền với những điều đụng chạm đến được, hữu ích và có ngay; những kích thích cho những ý nghĩ và suy niệm sâu sắc có thể bị mai một. Tuy nhiên, nhân loại có một nhu cầu thiết yếu cho thời gian và sự yên tĩnh trong tâm hồn để suy niệm và duyệt xét cuộc đời và những bí nhiệm của nó; cũng như lớn dần lên trong một sự điều hành trưởng thành chính họ và thế giới chung quanh. Hiểu biết và trí khôn là hoa trái của một con mắt nhìn thấu đáo vào thế giới này, và không đến từ một sự tích lủy đơn giản các sự kiện, bất chấp những sự kiện này ngoạn mục đến thế nào. Chúng là kết quả của một sự thấu triệt nhận được từ sự hiểu biết ý nghĩa sâu xa của các sự vật trong mối liên hệ với nhau và với toàn bộ thực tại. Hơn nữa, như một diễn đàn nơi đó thực tế là mọi sự được chấp nhận và hầu như không có gì tồn tại, Internet chuộng một đường hướng tư duy thực tiễn và đôi khi nuôi dưỡng chuyện chạy trốn trách nhiệm và cam kết cá nhân.

Trong một bối cảnh như thế, làm sao chúng ta có thể gieo trồng sự khôn ngoan không chỉ đến từ thông tin mà còn từ nhận thức, sự khôn ngoan hiểu được sự khác biệt giữa đúng và sai, và bảo tồn thang giá trị từ sự khác biệt này?

5. Sự kiện là qua Internet, con người có thể nhân lên gấp bội những tiếp xúc của họ, trong những cách thế mà đến nay vẫn chưa mường tượng ra nổi, mở ra những khả năng kỳ diệu cho việc truyền bá Tin Mừng. Tuy nhiên, cũng đúng là những mối liên hệ qua trung gian điện tử có thể sẽ chẳng bao giờ thay thế được sự tiếp xúc trực tiếp cá nhân như việc truyền giáo thực sự đòi hỏi. Việc truyền giáo luôn tùy thuộc vào chứng tá cá nhân của người được sai đi rao giảng Tin Mừng (x. Rom 10:14-15). Làm sao Giáo Hội có thể dẫn dắt từ loại tiếp xúc do Internet mang lại đến sự truyền thông sâu xa hơn đòi hỏi bởi sự tuyên xưng Kitô Giáo? Làm sao chúng ta có thể xây đắp thêm từ sự tiếp xúc ban đầu và những trao đổi thông tin mà Internet đã tạo điều kiện?

Không nghi ngờ gì là cuộc cách mạng điện tử đem đến hứa hẹn về những bứt phá tích cực lớn lao cho thế giới đang phát triển; nhưng cũng có khả năng là nó sẽ đào sâu thêm những bất bình đẳng đang tồn tại vì khoảng cách giữa thông tin và truyền thông lớn dần. Làm sao chúng ta có thể chắc rằng cuộc cách mạng thông tin và truyền thông, đang dùng Internet như một động lực chính, sẽ hoạt động theo hướng thuận lợi cho toàn cầu hóa sự phát triển nhân bản và tình liên đới, cũng như cho những mục tiêu liên kết chặt chẽ với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội?

Cuối cùng, trong những thời buổi nhiễu nhương này, xin cho tôi hỏi: làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng phương tiện tuyệt vời này, mà đầu tiên đã được cưu mang trong bối cảnh của các cuộc hành quân quân sự, nay có thể được dùng cho hòa bình? Nó có thể khích lệ nền văn hóa của đối thoại, dấn thân, liên đới và hòa giải, mà không có thì hòa bình không thể triển nở được, hay không? Giáo Hội tin rằng nó có thể; và để chắc rằng đó là điều sẽ xảy ra, Giáo Hội quyết tâm bước vào diễn đàn mới này, với trong tay là Tin Mừng của Ðức Kitô, Hoàng Tử Của Thái Bình.

6. Internet làm cho hàng tỷ hình ảnh hiện ra trên màn hình của hàng triệu máy điện toán trên hành tinh này. Từ dãi ngân hà của hình ảnh và âm thanh này, có ló dạng thiên nhan của Ðức Kitô và tiếng của Ngài có được lắng nghe không? Vì chỉ khi nào gương mặt Ngài được nhìn thấy và tiếng nói của Ngài được lắng nghe, thế giới này mới cảm nhận được sứ điệp vui mừng về Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Ðây là mục đích của truyền bá Tin Mừng. Và đó là điều làm cho Internet nên một không gian nhân bản thực sự vì nếu không có chỗ cho Chúa, làm gì có chỗ cho con người. Do đó, trong Ngày Truyền Thông Thế Giới này: tôi dám hiệu triệu toàn thể Hội Thánh hãy can đảm bước qua ngưỡng cửa mới này, để thả lưới chỗ sâu, sao cho hôm nay đây cũng như trong quá khứ sự phối hợp vĩ đại giữa Tin Mừng và văn hóa sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy rằng "vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Ðức Kitô" (2 Cor 4:16). Nguyện xin Chúa ban phép lành cho tất cả những ai hoạt động vì mục đích này.

Từ Ðiện Vatican, 24, Tháng Giêng 2002, Lễ Thánh Phanxicô Ðệ Salê

+ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị