Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sức mạnh của lời cầu nguyện

“Lời cầu nguyện chân thành khiến phép lạ xảy ra và giúp con tim chúng ta không bị chai cứng. Lời cầu nguyện sẽ biến đổi Giáo Hội. Không phải chúng tôi, các Giáo hoàng, Hồng Y, Giám mục, linh mục làm cho Giáo Hội tiến về phía trước mà là chính các thánh.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba, ngày 12 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng dựa trên bài đọc một trích sách Samuel, kể về bà Anna – một người phụ nữ đau khổ, đã nức nở cầu nguyện để nài xin Thiên Chúa ban cho bà một đứa con – và vị tư tế Ê-li, ngồi trên ghế ở cửa đền thờ và quan sát bà Anna từ xa. Vì bà Anna thầm thĩ trong lòng, chỉ có môi mấp máy, chẳng ai nghe thấy tiếng bà, nên ông Ê-li nghĩ rằng bà say rượu.

Đức Thánh Cha nói:

“Bà Anna đã đầu nguyện thầm thì trong lòng và chỉ mấp máy môi, chẳng ai có thể nghe tiếng bà. Bà là một phụ nữ can đảm có lòng tin tưởng nhưng tâm hồn đang tràn ngập cay đắng. Bằng những giọt nước mắt chân thành, bà đàng nài xin ân sủng và sự xót thương của Thiên Chúa. Có rất nhiều phụ nữ can đảm và tốt lành như thế trong Giáo Hội. Họ đã đặt trọn sự tín thác của mình trong những lời cầu nguyện chân thành. Ngay lập tức, chúng ta sẽ nhớ đến thánh Monica. Bằng nước mắt và lời cầu nguyện, thánh nữ đã kéo ân sủng của Thiên Chúa xuống trên người con trai, để rồi người con ấy đã thực sự hoán cải và trở nên thánh. Đó chính là thánh Augustinô. Có nhiều phụ nữ như thế đang hiện diện trong Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Bà Anna thầm thì cầu nguyện trong đau khổ và nước mắt. Nhưng vị tư tế Ê-li lại nghĩ rằng bà đang say xỉn và khuyên bà đi dã rượu. Suy đoán của ông Ê-li là điều mà ta phải cẩn trọng, vì khi con tim không có lòng xót thương, ta rất dễ nghĩ những điều tiêu cực. Ta sẽ không hiểu cũng như không đồng cảm được với những người đang cầu nguyện trong đau khổ và nước mắt. Họ đang phó thác nỗi đau và sự cùng cực của họ nơi Thiên Chúa.

Đức Giêsu biết và hiểu rất rõ những lời cầu nguyện trong hoàn cảnh thống khổ như thế này. Bởi gì trong Vườn Dầu, chính Ngài đã lo buồn đến đổ mồ hôi máu: ‘Lạy Cha, nếu Cha muốn xin cất chén này cho Con, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha.’ Lời cầu nguyện của Đức Giêsu và bà Anna đều có chung một tâm tình: hiền lành và khiêm tốn. Đôi khi cầu nguyện, chúng ta nài xin Chúa điều này điều kia, nhưng rất thường là chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào và phải xin điều gì cho đúng.”

Đức Thánh Cha cũng kể lại câu chuyện một người đàn ông ở Buenos Aires có đứa con gái 9 tuổi trong bệnh viện, đang trong tình trạng nguy kịch sắp chết. Ông đã thức trắng cả đêm để đi đến đền thờ Đức Trinh Nữ Maria ở Lujàn mà cầu nguyện. Ông đã bám vào cánh cổng, tựa đầu vào những khung sắt của đền thờ và tha thiết nài xin ơn chữa lành cho đứa con gái bé bỏng. Sáng hôm sau, khi quay lại bệnh viện, con gái của ông đã được chữa lành.

Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Những lời cầu nguyện chân thành sẽ khiến phép lạ xảy ra. Phép lạ sẽ xảy ra cho những Kitô hữu, cho những giáo dân có lòng tin tưởng, cho các Giám mục, linh mục và cho cả những ai dường như đã mất đi lòng thương xót. Những lời cầu nguyện chân thành sẽ giúp biến đổi Giáo Hội. Không phải các vị Giáo hoàng, Hồng Y, Giám mục, linh mục hay các nữ tu làm cho Giáo Hội triển nở và không ngừng tiến lên phía trước nhưng chính là các thánh. Các thánh là những người đã tin tưởng vào Thiên Chúa, tin Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng và có thể làm được mọi sự.”

2. Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình, giầu tình yêu và thành tín.

Thánh Kinh giới thiệu Thiên Chúa như Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giầu tình yêu và thành tín, luôn luôn sẵn sàng tiếp đón, thông cảm và thứ tha.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với gần 7,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chúng tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 13 tháng Giêng năm 2016. Mở đầu bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta bắt đầu các bài giáo lý liên quan tới lòng thương xót theo viễn tượng kinh thánh, để học biết lòng thương xót, bằng cách lắng nghe điều chính Thiên Chúa dậy dỗ chúng ta với Lời Ngài. Chúng ta bắt đầu với Thánh Kinh Cựu Ước, chuẩn bị cho chúng ta và dẫn chúng ta tới mạc khải tràn đầy của Chúa Giêsu Kitô, nơi Người lòng thương xót của Thiên Chúa Cha được vén mở một cách thành toàn.

Trong Thánh Kinh Chúa được giới thiệu như là “Thiên Chúa xót thương”. Ðó là tên của Ngài, qua đó Ngài vén mở cho chúng ta gương mặt và con tim của Ngài. Khi tự vén mở cho ông Môshê như kể trong sách Xuất Hành, chính Ngài tự định nghĩa như thế này: “Chúa, Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận, giầu tình yêu và thành tín” (Xh 34,6). Cả trong các văn bản khác chúng ta cũng tìm thấy công thức này, với vài thay đổi, nhưng luôn luôn nhấn mạnh trên lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, là Ðấng không mệt mỏi tha thứ (x. St 4,2; Ge 2,13; Tv 86,15; 103,8; 145,8; Nkm 9,17). Chúng ta hãy cùng nhau duyệt xét một lần các từ này của Thánh Kinh nói với chúng ta về Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha giải thích chi tiết như sau:

Chúa “thương xót”: lời này khơi dậy một thái độ của sự hiền dịu như thái độ của một bà mẹ đối với con minh. Thật thế, từ Do thái được Thánh Kinh liên tưởng đến cung lòng người mẹ. Vì thế hình ảnh gợi lên là hình ảnh của một Thiên Chúa xúc động và hiền dịu với chúng ta như một bà mẹ, khi ôm lấy đứa con nhỏ vào vòng tay, chỉ ước mong yêu thương, che chở, giúp đỡ và sẵn sàng trao ban tất cả, cả chính mình. Ðó là hình ảnh mà từ này gợi lên. Như thế đó là một tình yêu có thể định nghĩa trong nghĩa tốt lành là “nội tạng”.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Thế rồi cũng có viết rằng Chúa “trắc ẩn” trong nghĩa ân xá, cảm thương, và trong sự cao cả của Ngài Ngài cúi xuống trên kẻ yếu đuối và nghèo túng, luôn luôn sẵn sàng tiếp đón, cảm thông và tha thứ. Ngài như người cha của dụ ngôn thánh Luca kể trong Phúc Âm (x. Lc 15,11-32): một người cha không khép kín trong giận dữ vì đứa con út bỏ đi, nhưng trái lại tiếp tục chờ đợi nó - ông đã sinh ra nó - rồi ông chạy ra gặp nó và ôm hôn nó, không để cho nó kết thúc sự xưng thú của nó - làm như thể ông bịt miệng nó lại - tình yêu và niềm vui của ông to biết chừng nào vì đã tìm lại được con. Và rồi ông cũng đi gọi người anh cả giận dữ và không muốn vào mừng lễ; anh là đứa con luôn luôn ở trong nhà nhưng sống như là một đầy tớ hơn là một người con, thế mà người cha cũng cúi xuống trên anh, mời anh vào nhà, tìm mở rộng trái tim anh cho tình yêu, để không có ai bị loại trừ khỏi lễ mừng của lòng thương xót. Lòng thương xót là một lễ mừng.

Về Thiên Chúa thương xót này người ta cũng nói rằng Ngài “chậm giận” dịch sát chữ là “có hơi thở dài”, có nghĩa là với hơi thở rộng rãi của lòng quảng đại và có khả năng chịu đựng. Thiên Chúa biết chờ đợi, các thời gian của Ngài không phải là các thời gian của sự không kiên nhẫn của con người. Ngài như người nông phu khôn ngoan biết chờ đợi, để cho hạt giống có thời gian lớn lên, cho dù có cỏ lùng (x. Mt 13,24-30).

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Và sau cùng Chúa tự tuyên bố là “cao cả trong tình yêu và lòng thành tín”. Ðịnh nghĩa này về Thiên Chúa đẹp biết bao! Ở đây có tất cả. Bởi vì Thiên Chúa cao cả và quyền năng, nhưng sự cao cả và quyền năng này được trải dài ra trong việc yêu thương chúng ta, là những người bé nhỏ, bất lực. Từ “tình yêu “ được dùng ở đây ám chỉ lòng trìu mến, ân phước, lòng tốt. Nó không phải là tình yêu của tiểu thuyết truyền hình... Chính tình yêu đi bước trước, không tuỳ thuộc nơi các công nghiệp của con người, nhưng tùy thuộc sự nhưng không vô biên. Ðó là sự ân cần của Thiên Chúa, mà không gì có thể ngăn chặn được, kể cả tội lỗi, bởi vì nó biết vượt qua tội lỗi, chiến thắng sự dữ và tha thứ sự dữ.

Một “lòng thành tín” vô hạn: đó là từ cuối cùng trong mạc khải của Thiên Chúa cho ông Môshê. Lòng trung thành của Thiên Chúa không bao giờ suy giảm, bởi vì Chúa là Ðấng Giữ Gìn, Ðấng không ngủ, nhưng liên tục canh thức trên chúng ta để đưa chúng ta tới sự sống như nói trong thánh vịnh: “Xin Ðấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Ðấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!

Giavê giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Giavê giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.” (Tv 121,3-4.7-8).

Và vì Thiên Chúa thương xót này trung thành trong lòng từ bi của Ngài, và thánh Phaolo nói lên một điều hay đẹp: nếu bạn không trung thánh với Ngài, Ngài sẽ vẫn trung thành, bởi vì Ngài không thể tự chối bỏ chính mình. Lòng trung thành trong sự thương xót chính là bản chất của Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn đáng tin cậy. Một sự hiện diện vững vàng và ổn định. Ðó là sự chắc chắn của đức tin chúng ta. Và như vậy trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy hoàn toàn phó thác mình cho Ngài, và hãy sống kinh nghiệm được yêu bởi vì “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và cao cả trong tình yêu và lòng trung thành này”.

3. Lòng tin tưởng giúp chuyển bại thành thắng

“Người có lòng tin luôn chiến thắng, vì lòng tin có thể chuyển bại thành thắng. Lòng tin tưởng không phải là ma thuật nhưng là một tương quan cá vị với Thiên Chúa. Tương quan ấy người ta không thể học được từ sách vở, nhưng là một quà tặng của Thiên Chúa. Món quà đó rất đáng để chúng ta nài xin.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 14 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài đọc một trích sách Sa-mu-en thuật lại sự thất bại của con cái Ít-ra-en trước người Phi-li-tinh. Cuộc chiến vô cùng ác liệt. Con cái Ít-ra-en đã bị tổn thất lớn và ngay cả danh dự, nhân phẩm của họ cũng bị chà đạp. Điều gì dẫn đến sự thất bại này? Nguyên nhân là dân chúng đã dần xa rời Thiên Chúa, sống theo tinh thần thế tục và tôn thờ ngẫu tượng. Họ đã đi đến Si-lô lấy Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa về. Nhưng dường như họ chỉ làm theo thói quen và phong tục văn hóa; còn thật ra họ đã đánh mất tương quan phụ tử với Thiên Chúa từ lâu rồi. Không thờ phượng Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã bỏ họ một mình. Thậm chí dân chúng còn muốn dùng Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa để mong đánh thắng trận. Nhưng họ làm như thế giống như một trò phù phép.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Ở A-phếch có Lề Luật của Thiên Chúa. Nhưng dân chúng đã bỏ Lề Luật mà không tuân giữ. Như vậy, chẳng còn tương quan cá vị với Thiên Chúa nữa. Họ đã lãng quên Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng và cứu vớt họ bao nhiêu lần. Họ đã bị người Phi-li-tinh đánh bại, ba mươi ngàn bộ binh tử trận, Hòm Bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt, và hai người con ông Ê-li là hai tư tế tội lỗi đã lợi dụng dân chúng ở Si-lô đều bị giết. Như vậy, thất bại chung cuộc đó là: một dân sống xa rời Thiên Chúa sẽ luôn kết thúc bi thảm. Con cái Ít-ra-en có đền thờ, có nơi thánh nhưng tâm hồn họ không ở bên Chúa, không thờ phượng Chúa. Cũng vậy, ngày hôm nay, nếu anh chị em tin Chúa, nhưng là một Thiên Chúa xa xôi, huyền ảo chứ không ở trong tâm hồn anh chị em và anh chị em cũng chẳng hề quan tâm tuân giữ những mệnh lệnh, giới răn của Ngài; đó thật sự là một thất bại. Thất bại thảm hại!

Trái lại, Tin Mừng ngày hôm nay kể cho chúng ta nghe một chiến thắng vẻ vang: ‘Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống – quỳ là một hành động của sự thờ phượng – van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.’ Anh ta muốn nói với Đức Giêsu rằng: ‘Con là một kẻ thất bại trong cuộc sống, là kẻ bị gạt ra ngoài – bệnh phong thực sự là một thất bại, vì không thể sống chung trong cộng đồng, người mắc bệnh phong luôn bị xua đuổi – nhưng Ngài là Đấng có thể chuyển bại thành thắng.’ Điều ấy có nghĩa là: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.’ Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch.’ Và như thế, thật là đơn giản: trận chiến này đã kết thúc chỉ trong vòng hai phút ngắn ngủi với một chiến thắng vẻ vang; còn trận chiến của con cái Ít-ra-en với Phi-li-tinh kéo dài cả ngày nhưng lại thất bại thảm hại. Anh chàng mắc bệnh phong đã có điều gì đó trong tâm hồn thôi thúc anh đến gặp Đức Giêsu và nài xin. Anh ta đã có lòng tin!

Thánh Tông đồ Gioan nói rằng: ‘Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.’ (1Ga 5, 4). Lòng tin của chúng ta luôn luôn chiến thắng, giống như chàng thanh niên trong Tin Mừng. Những kẻ thất bại trong bài đọc một cũng cầu nguyện với Chúa, cũng chạy tới Si-lô để lấy Hòm Bia Giao Ước; nhưng họ không có lòng tin. Đức Giêsu đã nói rằng nếu chúng ta có lòng tin lớn bằng hạt cải và nài xin Thiên Chúa bằng lòng tin ấy, chúng ta có thể dời non lấp biển. Chính lòng tin tưởng cho chúng ta khả năng này. Đức Giêsu cũng đã nói: bất kỳ điều gì anh em xin Chúa Cha nhân danh Thầy, anh em sẽ được nhận lời. Cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Nhưng hãy xin và gõ với lòng tin tưởng. Lòng tin tưởng chính là chiến thắng của chúng ta.

Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa để lời cầu nguyện của chúng ta luôn được bén rễ sâu trong niềm tin tưởng. Đức tin là một quà tặng. Chúng ta không thể học được đức tin từ sách vở nhưng là món quà Thiên Chúa ban tặng cho ta. Chúng ta hãy nài xin: ‘Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con.’ Chúng ta xin Chúa để biết cầu nguyện với lòng tin tưởng, để biết xác tín rằng mọi sự chúng ta xin thì Chúa sẽ ban cho. Lòng tin tưởng chính là chiến thắng của chúng ta.”

4. Tôn vinh Thiên Chúa là bằng chứng của lòng tin tưởng

Niềm tin của tôi nơi Đức Giêsu Kitô như thế nào?” Đây là câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 6, ngày 15 tháng Giêng, tại nguyện đường thánh Marta. Được gợi hứng từ bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể về việc Đức Giêsu đã chữa lành cho một người bại liệt, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng:

“Để thực sự hiểu biết Đức Giêsu, tâm hồn chúng ta không được đóng kín nhưng phải rộng mở để bước theo Ngài trên con đường của sự tha thứ và khiêm nhường. Không ai mua được đức tin. Đó là quà tặng của Thiên Chúa. Món quà ấy sẽ giúp biến đổi cuộc đời chúng ta.

Trong bài Tin Mừng, dân chúng tìm mọi cách để đến gần Đức Giêsu và không nghĩ rằng rủi ro hay nguy hiểm có thể xảy ra khi chen lấn, xô đẩy nhau vì quá đông. Quả thật, có rất nhiều người ở trong cũng như xung quanh bên ngoài ngôi nhà Đức Giêsu đang hiện diện. Vì dân chúng đông đúc, những người khiêng kẻ bại liệt không thể nào đến gần Ngài. Họ mới dỡ mái nhà, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Hành động ấy chứng tỏ họ có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin tưởng này cũng giống với lòng tin của người đàn bà băng huyết cố chen chúc trong đám đông để mong chạm vào tua áo Đức Giêsu khi Ngài đang trên đường đến nhà ông Gia-ia. Và bà cũng đã được chữa lành. Đó cũng chính là niềm tin của viên đại đội trưởng, người đã nài xin sự chữa lành cho tên đầy tớ của mình. Đức tin mạnh mẽ và sự can đảm sẽ giúp con người tiến về phía trước và mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa.

Trong câu chuyện về người bại liệt, Đức Giêsu đã đi xa thêm một bước nữa. Ở Nadaret lúc bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã vào hội đường và tuyên bố rằng Ngài được sai đến để giải thoát những ai đang bị áp bức, tù tội; cho người mù được thấy, kẻ què được đi… và để công bố một năm hồng ân của Đức Chúa. Nhưng trong câu chuyện về người bại liệt, Đức Giêsu đã tiến xa hơn một bước. Ngài không chỉ chữa lành bệnh tật mà còn tha thứ tội lỗi cho anh. Tuy nhiên, trong câu chuyện ấy, cũng có những người với tâm hồn đóng kín và con tim chai đá. Họ chỉ chấp nhận Đức Giêsu như là một vị thầy thuốc có khả năng chữa lành; còn việc tha thứ tội lỗi lại là chuyện khác, cần một uy quyền mạnh mẽ hơn. Họ nghĩ rằng Đức Giêsu không được phép tha tội, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội mà thôi. Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như vậy, Người mới bảo họ: ‘Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy? Vậy, để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – đây là một bước đột phá – Đức Giêsu nói với người bại liệt: ‘Hãy đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà.’ Việc Đức Giêsu tha thứ tội lỗi cho người bại liệt quả là một lời khó nghe, chướng tai, khiến nhiều người không chấp nhận được, ngay cả một số môn đệ đi theo Ngài cũng cảm thấy như thế. Họ cũng đã xầm xì ‘lời này thật chướng tai’, khi Đức Giêsu tuyên bố phải ăn thịt và uống máu Ngài để được ơn cứu độ và sự sống trường sinh. Người ta thực sự không hiểu biết Đức Giêsu. Họ chỉ chấp nhận Ngài như một thầy thuốc chữa bệnh chứ không phải là Thiên Chúa.

Chúng ta biết rằng Đức Giêsu có thể chữa chúng ta khỏi bệnh hoạn, tật nguyền nhưng trên hết Ngài đến để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Đức Giêsu được sai đến chính vì mục đích đó, để hy sinh tính mạng của mình nhằm cứu chuộc chúng ta. Và đây là điều thực sự khó hiểu không chỉ đối với dân chúng, với các kinh sư, thượng tế mà ngay cả các môn đệ đi theo Đức Giêsu. Nhiều người trong số họ đã bỏ Ngài mà đi nơi khác, đến nỗi Đức Giêsu phải quay lại và hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi ư?’ Đây cũng là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta. Lòng tin tưởng của chúng ta đặt để nơi Đức Giêsu như thế nào? Chúng ta có tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa? Lòng tin tưởng này có biến đổi đời sống của chúng ta? Đức tin là một quà tặng. Không ai có thể chiếm đoạt hay mua bán đức tin. Đó là một món quà. Lòng tin tưởng nơi Đức Giêsu Kitô có dẫn chúng ta đến thái độ tự hạ, đến sự ăn năn, sám hối? Để từ đó, ta có thể nài xin: ‘Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Xin tha thứ mọi lỗi lầm mà con đã phạm.’

Dân chúng tìm kiếm Đức Giêsu để nghe lời của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Dân chúng tuôn đến với Đức Giêsu cũng vì muốn được chữa lành, muốn nhìn thấy Ngài làm phép lạ. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng, sau khi đã lắng nghe và đã xem thấy, họ ngạc nhiên sửng sốt và ra đi tôn vinh Thiên Chúa. Như vậy, một phép thử chứng tỏ tôi tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa – Đấng được Chúa Cha sai đến để tha thứ và cứu chuộc tôi – chính là sự tôn vinh, tán tụng. Tôi thực sự tin, nếu tôi có khả năng tán dương, tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh là điều hoàn toàn tự do và tự nhiên. Đó là cảm xúc dâng trào mà Thánh Thần Thiên Chúa khuấy động trong lòng khiến chúng ta thốt lên: ‘Đức Giêsu là Thiên Chúa.’ Xin Thiên Chúa giúp chúng ta luôn được triển nở trong niềm tin tưởng vào Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Xin cho lòng tin tưởng này thôi thúc chúng ta không ngừng cất cao lời ca ngợi, tán dương Thiên Chúa.”