Ý NGHĨA NGÀY TẾT

Tết, hay đầy đủ hơn, Tết Nguyên Đán, buổi ban mai khởi đầu của năm mới, là ngày lễ hội lớn nhất của người Việt Nam ta. Hằng năm, mỗi lần đầu năm âm lịch, Xuân về, Tết đến, giầu nghèo, sang hèn, ai cũng nghỉ việc, đón Tết, ăn Tết.

Mỗi lần đón Tết, mừng Tết, ăn Tết cũng là dịp để ta xem lại ý nghĩa của ngày Tết, vừa linh thiêng và lý tưởng, vừa thực tế và vui vẻ. Câu hỏi được đặt ra là Tết có ý nghĩa gì ? Chúng ta có thể vắn tắt gợi ra ba ý nghĩa chính sau đây : Tết là ngày giao hòa với Đất Trời ; Tết là ngày đoàn tụ gia đình ; Tết là ngày xum họp cộng đoàn.

1. Tết là ngày giao hòa với Đất Trời

Ngày Tết chính thức bắt đầu từ giao thừa, nhưng cụ thể Tết thường được chuẩn bị từ ngày 23 tháng chạp là ngày tiễn ông Táo về trời để tính sổ với Thiên Đình. Ngày Tết, như vậy là ngày tính sổ năm cũ, với những việc hay việc dở đã xẩy ra, với những kết quả tốt xấu đã thực hiện. Và cùng với việc tính sổ năm cũ, người ta làm mới năm tới, sắm sửa đồ Tết, lau nhà dọn cửa.

Người ta tính sổ và làm mới để giao hòa với Trời đất tốt hơn. Đó là cách sống Thiên thời Địa lợi Nhân hòa, ăn ở sao cho hợp với lòng người, với thời thế và với lẽ Trời, vì Trời và Người tương quan với nhau, « Thiên Nhân tương dữ ». Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn, mùa xuân là mùa sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa. Đó là quy luật vận hành căn bản nhất của sự sống trong thiên nhiên. Nó có một ý nghĩa đặc biệt với nền kinh tế nông nghiệp của dân tộc ta. Với niềm tin “Ơn trời mưa nắng thuận hòa”, cha ông mình còn coi Tết là dịp để tạ ơn Trời Đất, Gia Thần, Tiên sư, Nghệ sư, Thổ công, Táo quân, tạ ơn các thần Đất, thần Mưa, thần Gió, thần Nước, chúc mừng các thượng đẳng tối linh, như câu ca dao rằng :

Chúc mừng thượng đẳng tối linh

Phù trì dân xã hiền-vinh sang giàu

2. Tết là ngày đoàn tụ Gia Đình

Nhưng ngày Tết chính yếu nhất là ngày đoàn tụ gia đình. Người ta ngưng nghỉ công việc trở về đoàn tụ gia đình, như câu ca dao rằng :

Ai ơi xuôi ngược bán buôn,

Hằng năm Tết đến, về nguồn chớ quên.

Trước là nhớ đến tổ tiên,

Sau là xum họp anh em gia đình

Đêm giao thừa nhớ đến những người đã ra đi, ông bà tổ tiên. Gặp lại những người còn sống, cha mẹ, anh em, con cháu. Tưởng đến công ơn cha mẹ. Nhớ lại tình anh em huynh đệ kính nhường. Cả một thời thơ ấu với những kỷ niệm hạnh phúc khó quên lại trở về, qua những lời ca dao đã nhập tâm.

Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước, những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân.

Thức khuya dậy sớm chuyên cần,

Quạt nồng ấm lạnh giữ phần đạo con…

Sáng ngày mồng một Tết Năm Mới, “Xuân đã đến rồi”, ai cũng thêm một tuổi. Con cháu làm lễ chúc tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ mừng tuổi lì xì cho con cháu. Áo mới. Cười tươi. Pháo nổ. Hoa tươi. Nguyễn Bính (1), nhà thơ của văn hóa Tết đã vẽ lại ý nghĩa Tết đoàn tụ gia đình rằng :

Đây cả mùa xuân đã đến rồi

Từng nhà mở cửa đón vui tươi.

Từng cô em bé so màu áo

Đôi má hồng lên, nhí nhảnh cười….

Pháo nổ đâu đây, khói ngợp trời

Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi,

Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy

Một áng thơ đề nét chẳng phai.

3. Tết là ngày xum họp Cộng Đoàn

Tết chính yếu là của gia đình. Nhưng gia đình lại thuộc vào một hay nhiều cộng đoàn, mà cộng đoàn lớn nhất là dân tộc, quốc gia. Cho nên, Tết cũng là ngày xum họp cộng đoàn, để nhớ đến xóm làng mình, nghề nghiệp mình, chí hướng mình, sinh hoạt mình, quốc gia mình. Mỗi người chọn hình thức cộng đoàn thích hợp của mình. Người thỉ chọn làng xã, đình chùa, nhà thờ, họ đạo, giáo xứ. Kẻ khác chọn hội nghề nghiệp, như hội Nha Y Dược, hội Chuyên Gia, hội Giáo Chức, thân hữu Taxi, hội Doanh Thương, hội Dịch vụ, hội Xây Dựng. Người lại chọn Cộng Đồng, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, Tổng hội Sinh Viên, Balê Thi Xã, đảng phái chính trị.

Xum họp Cộng đoàn đặc biệt phát triển nơi kiều bào sinh sống ở hải ngoại. Vào dịp Tết, nhu cầu gặp gỡ đồng bào, đồng hương, để cùng thấy lại những bộ áo dài tha thướt, những bộ áo tấc, áo lương quê hương, để cùng ăn với nhau một bát phở, một miếng bánh chưng, cùng đọc lại với nhau những câu ca dao cổ truyền, cùng hát với nhau một bài dân ca, cùng nhắc nhớ nhau những ý nghĩa, phong tục ngày Tết, những trang sử dân tộc,… dường như mạnh mẽ hơn, thúc bách hơn.

Ở hải ngoại, Tết là một dịp hiếm hoi, mà một cách tự nhiên, có khi ý thức, có khi không, người Việt Nam bột phát cư xử với căn tính và căn cước là người Việt Nam của mình. Những ký ức tập thể dân tộc, chôn sâu trong tiềm thức, lại nổi phình lên, thúc bách, đưa đẩy mỗi người trở về với văn hóa, truyền thống, giá trị, niềm tin Việt Nam ; Những liên lạc, nối kết rộng ra với các đồng hương, đồng bào lại đặc biệt nổi cộm to ra, dẫn đẩy, thu hút phải đến gặp gỡ, sinh hoạt với người Việt Nam.

Người ta cùng đến xum họp cộng đoàn để thấy mặt nhau, gặp gỡ nhau, chúc tuổi nhau, trao tặng quà cho nhau, trao đổi khai bút xướng họa, cùng nhau nhớ về quê hương, dân tộc, với « văn hiến, sơn hà, độc lập, hùng cứ, cường nhược, hào kiệt » của mình. Mỗi người trở thành một Nguyễn Trãi mà đại cáo rằng :

« Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu.

Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác.

Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập ;

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương.

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có (2).

Như vậy, tìm lại ý nghĩa của ngày Tết, chúng ta thấy ba ý nghĩa căn bản. Tết là lúc để mỗi người trực diện với mình mà giao hòa với Đất Trời. Tết là ngày mỗi người trở về đoàn tụ với những thành phần của gia đình mình. Và Tết cũng là dịp để mỗi người đi đến xum họp với những người cùng quê, cùng trường, cùng nghề, cùng chí hướng, cùng tôn giáo,… trong các cộng đoàn và trong Cộng Đồng của mình, mà cộng đồng lớn nhất là Nước Việt Nam.

Người Việt hải ngoại, ăn Tết (3), cảm nhận sâu rộng căn tính Việt Nam của mình. Vào một ngày thuận tiện, trong dịp Tết, chúng ta gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và chúc tuổi nhau. Chúng ta chúc những bậc bô lão đã vào tuổi thọ, được khang an, phúc lộc. Chúng ta chúc những người lãnh đạo Cộng Đồng và trách nhiệm các cộng đoàn, ban nhóm được nhiều thành đạt trong những công trình và sứ mệnh họ dấn thân. Chúng ta chúc mỗi người trong các tầng lớp, nghành nghề : sĩ, nông, công, thương, đạt được nhiều kết quả chất lượng cao trong năm mới Bính Thân 2016, và mọi người được an, khang, phúc, lộc, thọ.

Tết Bính Thân

Paris, tháng 02 năm 2016

Trần Văn Cảnh

Chú thích

1. Nguyễn Bính, « Thơ Xuân » trong https://phanduykha.wordpress.com/2015/01/01/chum-tho-xuan-tho-tet-cua-nhieu-tac-gia/

2. Nguyễn Trãi, « Bình Ngô đại cáo », trong Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Sống Mới, Q.1, tr. 242

3. Đây là lịch trình một số địa điểm đã được loan báo sẽ tổ chức Tết Bính Thân ở vùng Paris :

a) Hội Cứu Trợ Thương Phế Bnh VNCH, ngày 23/01/16, từ 14-18 giờ

b) Thư viện Diên Hồng 24/01/2016, từ 15g00

c) Văn Phòng Liên Đới Xã Hội, ngày 30.01.2016, Từ 14 giờ đến 18 giờ

d) Tiệc Xuân Bính thân HĐMC GXVN Paris, ngày 31.01.2016, từ 11g30

e) Cộng Đoàn Marne La Vallée, ngày 07.02.2016

f) Lễ Giao thừa, GXVN Paris, ngày 08.02.2016, từ 20g00

g) Tết Giới trẻ, GXVN Paris, ngày 14.02.2016

h) Tết Việt Pháp, ngày 19/02/2016, từ 19h

i) Cộng Đoàn Villiers Le Bel, ngày 20.02.2016

j) Cộng Đoàn Cergy, Ermont, ngày 21.02.2016

k) Văn nghệ Tết Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris, ngày 21.02.2016, từ 11 giờ đến 18 giờ

l) Xuân Thân Hữu Taxi, ngày 21.02.2016

m) Tết Thiếu Nhi GXVN Paris, ngày 21.02.2016

n) Cộng Đoàn Antony, Sarcelles Garges, ngày 28.02.2016

o) Nhóm Xây Dựng, ngày 28.02.2016

p) Cộng Đoàn Seine Saint Denis, ngày 06.03.2016

q) Tết Cao Niên GXVN Paris, ngày 06.03.2016, từ 11g30