Bộ trưởng tài chính các quốc gia công nghiệp hàng đầu, gọi tắt là khối G7, nhóm họp tại Florida tập trung bàn về đồng đô la.

Sự xuống giá gần đây của đồng đô la Mỹ trên các thị trường tiền tệ là chủ đề chính gây nhiều tranh cãi.

Trong lần họp này, các bộ trưởng cũng thường xuyên thảo luận về tình trạng kinh tế thế giới, thế nhưng không phải chỉ bảy nước G7 là có quyền bàn về chủ đề này.

Khối G7 gồm các nền kinh tế giàu mạnh nhất, thế nhưng nếu áp dụng một số biện pháp tính toán thì có những quốc gia đang phát triển lại còn mạnh hơn một số nước thuộc G7.

Trung Quốc có thể được mô tả như là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và có thể góp phần đóng góp quan trọng vào vấn đề khó khăn nhất đang được bàn thảo tại Florida.

Quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã có khoản thâm hụt lớn, cho nên nếu như đồng đô la xuống giá so với đồng nhân dân tệ Trung Quốc thì điều đó có thể sẽ làm cho sản phẩm của Mỹ có sức cạnh tranh hơn, góp phần làm giảm mức thâm thủng.

Thế nhưng Trung Quốc lại có chính sách duy trì ổn định tỉ giá giữa đồng nhân dân tệ với đồng đô la Mỹ, điều mà các quan chức Hoa Kỳ muốn Trung Quốc ngưng áp dụng.

Một kinh tế gia hàng đầu trong thị trường tài chính London nói rằng thật ngớ ngẩn khi Trung Quốc lại không trực tiếp tham gia vào cuộc họp lần này.

Ông nói Trung Quốc sẽ có thái độ hợp tác hơn trong thị trường tiền tệ quốc tế, nếu như họ được mời tham dự họp tại Florida.

Mà nhìn chung, khối G7 nay không còn thống trị nền kinh tế thế giới như trước kia nữa.

Các quốc gia đang phát triển lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ coi khối G7 phải chịu trách nhiệm về sự đi xuống của sản phẩm toàn cầu.

Tuy nhiên, các quốc gia G7 có những điểm chung với nhau.

Đó là các nền kinh tế thị trường với tiêu chuẩn sống cao và có những hệ thống chính trị được xây dựng thông qua hoạt động bầu cử.(BBC)