Nữ Tu Pascal thuộc Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn đang từng phục vụ tại Làng Việt Nam Palawan tại Phi Luật Tân và các chương trình bác ái của Dòng tại Việt Nam. Linh Mục Gioan Trần Công Nghị, Giám Ðốc Chương Trình Phát Thanh Sống Tin Giữa Dòng Ðời của Liên Ðoàn Công Giáo Hoa Kỳ và cũng là Giám Ðốc Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam- Vietcatholic Network, đã phỏng vấn Nữ Tu Pascal để cho quý thính giả và độc giả biết qua về tình trạng những người di cư ở đảo Palawan và những chương trình bác ái đối với người nghèo hoặc những người bị xã hội bỏ rơi ở tại Việt Nam,cũng như mức độ dấn thân của Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đối với những chương trình này.
Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn.


Linh Mục Gioan Nghị: Kính chào Sơ, rất hân hạnh được gặp Sơ là người đã từng dấn thân giúp đồng bào tị nạn tại Palawan. Ðối với chương trình mà Sơ là người tác tạo nên chương trình giúp người tị nạn Việt Nam tại Palawan, đã trải qua biết bao nhiều thăng trầm, và giờ đây cuộc sống người Việt Nam đã được định cư ở Palawan. Xin Sơ có thể cho biết ở làng Việt Nam tại Palawan còn bao nhiều người và họ sinh sống ra sao?

Nữ Tu Pascal: Kính chào Cha cùng quý thính giả và độc giả, sau ngày 19 tháng 6 năm 1996, khi chính phủ Phi Luật Tân đã ký một hiệp ước với Giáo Hội Phi. Lúc đó Ðức Tổng Giám Mục tại đây chỉ định con làm đại diện, thì người Việt Nam lúc đó có khoảng hơn 2000. Sau khi ký hiệp ước, Ðức Tổng Giám Mục liên hệ với các Tòa Ðại Sứ tại Phi, để xin cho họ làm giấy tờ cho tất cả các gia đình nào có thân nhân ở hải ngoại để đoàn tụ gia đình. Từ đó đến nay cũng được một số khá đông, con nghĩ cũng gần được 400 người đã đi đoàn tụ gia đình. Còn một số nữa thì đã tình nguyện trở về VN cũng khoảng độ gần 300 người. Hiện giờ thì còn khoảng 1200 người ở tại Phi Luật Tân.

Sau khi chúng con đã dời họ ra khỏi trại, việc thành lập làng Việt Nam để chính phủ Phi an tâm là sẽ không còn là gánh nặng cho họ nữa. Người Việt Nam đã về đó để tạm sinh sống và từ đó có nhiều người quyết định ở lại làng Việt Nam và cùng đứng ra thành lập một nhóm tương trợ xây dựng đóng góp cho chính phủ Phi Luật Tân, như chương trình bảo vệ môi sinh, chương trình bảo tồn văn hóa Việt Nam tại Phi. Ðể cho người Phi thấy là người Việt Nam có tác phong, lại đóng góp sản xuất tốt và có tinh thần tương trợ với người Phi ở ngoài. Dựa vào đó để họ phổ biến danh tiếng người Việt Nam là những người tốt. Như thế Chính Phủ Phi sẽ nhận họ vào thường trú dễ dàng hơn.

Một số đông khác thì đi khắp các đảo để tìm những việc làm như buôn bán để sinh sống. Những người đi ở ngoài khoảng độ 800 đến 900 người, còn người Việt Nam ở trong làng thì khoảng độ 300 đến 350 người. Và còn những người ở cạnh làng Palawan con nghĩ cũng còn khoảng độ 400 người. Hiện giờ ở trong làng thì còn khoảng độ dưới 300 người và ở ngoài còn khoảng độ trên 100 người.

Linh Mục Gioan Nghị: Sơ có thể cho biết sinh hoạt tôn giáo trong làng như thế nào, đối với Phật Giáo như đọc kinh đi Chùa, còn đối với người Công Giáo thì có Linh Mục nào đến thăm làng hay không?

Nữ Tu Pascal: Thưa Cha, sau khi thành lập làng thì những người trong làng họ đã xây Chùa và nhà thờ như có Chùa Vạn Pháp. Chúng con đã mời Hòa Thượng và Ðại Ðức đến thăm làng để thuyết pháp và thăm dân làng chừng một hay tuần lễ. Tại làng thì không có Sư cũng không có Ni Cô nhưng mà dân làng rất sùng đạo, họ vẫn đọc kinh cầu nguyện hằng đêm và cũng như trong các dịp lễ lớn như Lễ Phật Ðản, Lễ Vu Lan và ngày Rằm. Chúng con vẫn nghe tiếng gõ mỏ của những người tu tại gia gọi là Qui Y.

Về phía Công Giáo thì năm vừa qua có một Linh Mục Triều ở tại Cali về đó sống một năm, và Cha cũng vừa mới trở lại làng và sẽ sống ở đó một năm nữa. Như thế thì tại làng Việt Nam lúc nào cũng có Linh Mục Việt Nam từ 2 năm nay. Và ở cạnh làng có nhà của Ðức Cha, cho nên dù có Cha hay không có Cha thì mỗi một tuần Ðức Cha cũng vào làm lễ. Con thường ở đó 2 tháng mỗi năm để tiếp tục vận động cho dân Việt Nam được thường trú vĩnh viễn. Ở tại Manila, con không còn văn phòng tại đó nữa, nhưng ở làng Việt Nam vẫn còn văn phòng, cho nên tại đó có một Sơ từ Việt Nam gởi sang để giúp cho chương trình huấn nghệ. Sơ cũng rất giỏi về nhà hàng cho nên Sơ cũng giúp cho chương trình du lịch. Ở đó họ cũng tạo rất nhiều công ăn việc làm như trồng Thanh Long, làm bánh phở, chả giò, chả lụa. Hiện nay có một nhà hàng lớn có thể chứa được 120 người. Ngày Chúa Nhật họ tổ chức văn nghệ vừa Việt vừa Phi giúp cho những du khách đến làng Việt Nam thưởng thức món ăn và văn hóa Việt Nam. Hiện nay tại làng Việt Nam cũng coi là tạm ổn và bình yên.

Linh Mục Gioan Nghị: Thưa Sơ Pascal, tôi cũng được biết là Sơ trở về Việt Nam phục vụ và lâu lâu mới trở lại Phi Luật Tân một lần. Theo linh đạo của Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn là chuyên môn giúp người nghèo. Sơ có thể cho biết qua về chương trình giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi tại Việt Nam cũng như mức độ dấn thân và nhập cuộc của Sơ đối với chương trình này.

Nữ Tu Pascal: Thưa Cha, con được đi du học theo ngành xã hội từ năm 1972. Ngành này rất cần để về phục vụ tại Việt Nam. Khi con về Việt Nam thì thấy cần rất nhiều nhu cầu thí dụ như có gần khoảng 4000 trẻ em lang thang trên đường phố hay sắp bỏ học mà chúng con phải cho các em theo học những lớp Tình Thương để các em có thể theo học kịp và làm giấy khai sanh giúp các em vào các trường Công. Còn các em tại miền quê thì thích trốn học để đi bắt ốc, bắt cua hay mót lúa sinh sống, cho nên chúng con phải đưa các em vào trường. Những chương trình như vậy thì coi như có tính cách là học bổng để giúp các em trở lại trường, còn không thì các em sẽ mặc cảm thua kém bạn bè và không muốn trở lại trường nữa.

Mới vừa đây, Cha Nguyễn Công Ðoan- Giám Tỉnh Dòng Tên là đại diện của Tòa Giám Mục Thành Phố đến gặp chúng con và cho biết là Toà Giám Mục có 20 mẫu đất và Ðức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn rất là muốn Giáo Hội Việt Nam tham gia chương trình ngăn ngừa và cai nghiện cho các thanh thiếu niên bị nghiện. Nếu sau khi cai rồi để họ trở về gia đình họ sẽ theo lại con đường cũ, nên là muốn tạo một Trung Tâm để trong đó tạo công ăn việc làm cho các thanh thiếu niên này. Như thế thì họ vừa dùng thời gian làm ra tiền và quên đi thân phận mặc cảm buồn tủi của họ để bỏ luôn cái bệnh nghiện của họ.

Linh Mục Gioan Nghị: Như Sơ có trình bày về chương trình cộng tác với Cha Ðoan để mở một Trung Tâm giúp cho bụi đời hay nghiện ngập. Hiện thời chương trình đang xúc tiến như thế nào thưa Sơ?

Nữ Tu Pascal: Thưa Cha chương trình đó đang còn gọi là điều nghiên vì con mới vừa nhận chương trình đó cách đây 10 ngày, cho nên con sẽ liên lạc với các Dòng Tu và Dòng của con để xem dự phóng như thế nào. Con biết là Tòa Giám Mục có 20 mẫu đất của một số người dâng cúng trong công việc này. Tòa Tổng Giám Mục rất là ủng hộ và Cha Ðoan cũng biết là Dòng của con thì lo về công tác xã hội cho nên Ngài mới nhả ý đề nghị ra. Phản ứng đầu tiên của chúng con là chương trình rất là tốt.

Linh Mục Gioan Nghị: Thưa Sơ khi đã đặt chương trình thì Sơ nghĩ đến vấn đề nhân sự như thế nào và điều thứ hai là nguồn tài chánh từ đâu để tài trợ cho một chương trình lớn như thế này?

Nữ Tu Pascal: Thưa Cha về nhân lực thì tất cả các Dòng Tu đều sẵn sàng hợp tác, ngoài ra Dòng chúng con cũng có rất đông chị em theo ngành y tá cộng lại cũng 400 tới 500 người. Cho nên vấn đề nhân lực con nghĩ là không có vấn đề. Còn vấn đề tài chánh như Cha biết theo nguyên tắc của chúng con là tự lập cánh sinh tức là dùng tài nguyên và con người của chúng ta đang có tại Việt Nam, sao cho hợp với môi sinh của mình chứ không phải là làm cho to lớn vĩ đại để rồi nhờ người này người kia giúp đỡ.

Theo con nghĩ nếu chương trình mà tốt, thì người Việt Nam cũng rất là sẵn sàng chia sẻ. Nghĩa là khi mà họ thấy chương trình có lý thì họ sẽ sẵn sàng đóng góp. Tuy nhiên điều quan trọng là đừng tiêu xài môt cách phung phí, con nghĩ là chương trình này cũng làm được một cách dễ dàng không khó lắm.

Linh Mục Gioan Nghị: Thưa Sơ, như Sơ đã nói về nhân sự của Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn tại Việt Nam, ngoài việc mục vụ và lo cho các bệnh nhân tại trại cùi Di Linh, Mai Hoa hay Củ Chi, còn những công tác khác như dạy học hay làm việc tại nhà thương. Sơ có thể cho biết các công tác này có còn được tiếp diễn như thế nào?

Nữ Tu Pascal: Thưa Cha, hầu hết tất cả các nhà thương tại Thành Phố và tại các tỉnh, chúng con đều có nhân lực làm việc tại đó. Chúng con không phải là những người quản trị nhưng chúng con chỉ là những nhân viên thôi. Chúng con có rất nhiều cơ sở trường mẫu giáo được cho là tiên tiến nghĩa là hoạt động tốt mà chính quyền đã công nhận là chúng con làm việc rất là nghiêm chỉnh. Ngoài ra như chúng con đã nói là có các em trong diện Tình Thương nghĩa là bỏ học để chúng con cổ vũ và dạy các em sao cho các em theo học kịp, để các em có thể vào các trường nhà nước học trở lại.

Ngoài ra, Dòng chúng con cũng có những chương trình Huấn Nghệ như tại Tỉnh Dòng ở Tú Xương, có khoảng 100 thiếu nữ từ 14 tới 25 tuổi làm những công trình về thêu may rất là đẹp nhưng rất tiếc là chưa có đủ mặt hàng để xuất khẩu. Vì mặt hàng các em làm ra cũng được hưởng ứng và tiêu thụ một cách rộng rãi cho nên chúng con cũng không có đủ người để làm thêm các mặt hàng. Tuy nhiên chúng con cũng mở thêm các Trung Tâm tại địa phương để cố gắng huấn luyện, và như thế với nghề này các em cũng kiếm được 50 Mỹ Kim để sinh sống. Ðối với người không theo học Ðại Học hay có ngành nghề chuyên môn, được như vậy kể là khá tốt.

Ngoài ra chúng con cũng mở chương trình Vi Tính, để cho các thiếu niên không lên được đại học cũng có thể theo học một số chuyên môn căn bản để xin làm thư ký hay kế toán.

Linh Mục Gioan Nghị: Thưa Sơ, những chương trình huấn nghệ như dạy thêu may hay vi tính có liên đới gì với các chương trình hoàn lương như là các thiếu nữ bán thân xác sa vào vòng trụy lạc. Và Dòng có dấn thân về các chương trình như thế không thưa Sơ?

Nữ Tu Pascal: Hiện thời như Cha biết là Dòng chúng con có một số các chị em làm việc tại các nhà thương, thì chúng con đã gặp rất nhiều trường hợp mà các em muốn phá thai hoặc sanh con rồi bồng con ngồi đó không biết tương lai đi về đâu. Cùng với những người trong bệnh viện chúng con có lập ba nơi cho các cô đó vế ở và chúng con giúp cho các thiếu nữ này từ 6 tháng tới 1 năm, để họ học cách nuôi con như thế nào và theo học ngành nghề gì đó để có thể nuôi con. Như thế thì họ về đó ở và gởi con cho các chị em coi chung với nhau để đi học nghề. Chương trình này cũng đang được thực hiện tại ba nơi khác nhau.

Linh Mục Gioan Nghị: Thay mặt cho Vietcatholic và chương trình Sống Tin Giữa Dòng Ðời của Liên Ðoàn Công Giáo Hoa Kỳ, cám ơn Sơ và kính chúc Sơ được thành công rất nhiều trong sứ mạng đưa tình yêu của Chúa tới tha nhân và nhất là những người Việt Nam. Hiện nay Sơ sẽ trở về Việt Nam phục vụ, chúc Sơ được thành công trong sứ mạng Tông Ðồ và cám ơn Sơ rất nhiều.

Nữ Tu Pascal: Cám ơn Cha và cũng xin chúc Cha được thành công và thăng tiến trong ngành truyền thông Công Giáo phục vụ hữu ích cho mọi người. Kính chào quý thính giả và quý độc giả.