Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay đã được ghi dấu bằng máu của hàng trăm người Kenya, trong đó đa số là các sinh viên Kitô Giáo, là những người đã bị quân khủng bố Hồi Giáo Al Shabaab bắn chết tại trường Đại Học Garrisa một ngày trước đó.

Trong nghi thức Suy Tôn Thánh Giá, trước Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma, Cha Raniero Cantalamessa, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng nói:

“Kitô hữu tất nhiên không phải là những nạn nhân duy nhất của bạo lực giết người trên thế giới, nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự kiện là tại nhiều quốc gia, họ là những nạn nhân chịu đau khổ thường xuyên nhất. Và ngày hôm nay có tin tức là 147 Kitô hữu đã bị tàn sát trong cơn cuồng nộ của những kẻ thánh chiến Hồi Giáo cực đoan Somali tại một trường đại học ở Kenya. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ của Ngài, ‘Sẽ đến giờ những kẻ giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa.’ (Ga 16:2) Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ những lời này được thực hiện chính xác đến thế như trong thời đại chúng ta ngày nay.”

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay cũng đã được ghi dấu bằng tình cảnh đau khổ của anh chị em tín hữu Công Giáo nghi lễ Chanđê Iraq là những người đã phải bỏ lại nhà cửa ruộng vườn tại thành phố Mosul và vùng bình nguyên Ninivê để lang thang lánh nạn tại thủ phủ Arbil của người Kurd Iraq, những người đã vừa phải trải qua một mùa đông cơ cực trong sự thờ ơ của thế giới. Trước tình cảnh bi đát của họ, chỉ mấy tháng Đức Thánh Cha đã hai lần gửi Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đến thăm và an ủi họ.

Trong buổi đi đàng thánh giá trọng thể tại hí trường Côlôsêô, Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay chúng ta thấy anh chị em chúng ta bị đàn áp, bị chặt đầu, đóng đinh vì đức tin của họ. Những việc ấy xảy ra trước mắt chúng ta và thường là với sự im lặng đồng lõa của chúng ta”.

Thật đúng như thế, sau cuộc tấn công vào miền Bắc Iraq của quân khủng bố Hồi Giáo IS hồi thượng tuần tháng 6 năm ngoái, ngày 27 tháng 7 năm 2014, Đức Hồng Y Louis Sako viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon yêu cầu bảo vệ các tín hữu Kitô Iraq. Ngày 9 tháng 8 năm 2014, đích thân Đức Giáo Hoàng viết thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon về tình trạng bi đát của hơn 100,000 tín hữu Kitô Iraq.

Thế mà, sau hơn 9 tháng im lặng rất khó hiểu, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mới có phiên họp đầu tiên vào ngày thứ Sáu 27 tháng Ba để bàn về “tình trạng thảm họa” mà các tín hữu Kitô ở Iraq và Syria đang phải đối mặt.