II. Một phục sinh thiết thân



Dù các Kitô hữu ai cũng tin câu truyện Phục Sinh, nhưng nối kết nó một cách thiết thân là điều không dễ. Các biến cố ta nghe trong Tam Nhật Vượt Qua dường như không ăn uống chi với cuộc sống hằng ngày. Nhưng phải chăng các trình thuật này và câu truyện Chúa phục sinh không hề giao thoa chi với thế giới hiện nay? Thánh Phaolô cho ta hay “không bao giờ như thế cả!” Mỗi khoảnh khắc của tam nhật đều mang lại cho ta những tầm nhìn thấu suốt vào chính thế giới đương thời và cuộc sống hiện nay.

Thứ Năm Tuần Thánh. Câu truyện Bữa Tối Cuối Cùng là một lời mời người Công Giáo suy niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Phép Thánh Thể. Nhưng Tin Mừng Gioan, mà người Công Giáo được nghe vào Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tập chú vào một biến cố khác: rửa chân. Các học giả Thánh Kinh ngày nay đang tranh luận say sưa về việc liệu việc rửa chân nên được hiểu như một tấm gương “phục vụ khiêm nhường” (Raymond E. Brown, S.S.) hay như việc khai mở “cộng đoàn những người bình đẳng” (Sandra M. Schneiders, I.H.M.). Nhưng có lẽ cả hai cách hiểu đều đúng, và cả hai mô thức đều chủ yếu đối với người môn đệ hiện thời. Cộng đồng những người bình đẳng đòi việc phục vụ khiêm nhường, cả cho anh chị em ta trong Giáo Hội lẫn cho toàn thế giới. Và như Chúa Giêsu đã chứng tỏ khi Người rửa chân cho các môn đệ, phục vụ anh chị em ta đòi ta phải tiếp xúc thực sự, nghĩa là, bao gồm cả tiếp xúc thể lý nữa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng cho ta hay: cho người nghèo tiền chưa đủ, “nếu anh chị em không đụng tới họ, anh chị em chưa gặp gỡ họ”. Chính vì thế, ngài đã tới rửa chân cho các tù nhân của Nhà Tù Rebibbia: không rửa qua loa, mà là rửa cả bàn chân và dùng khăn lau sạch cả bàn chân ấy và trịnh trọng hôn lên nó, bất kể đó là bàn chân của ai, của đàn ông (6 người), của đàn bà (cũng 6 người), của người oan của người đáng bị tù… Còn có gì nói rõ hơn ý nghĩa bình đẳng? Và ý nghĩa phục vụ khiêm nhường?

Thứ Sáu Tuần Thánh. Các đau đớn của Chúa Giêsu thật độc nhất vô nhị: người thợ mộc Nadarét là người vô tội duy nhất chịu đau khổ. Nhưng những loại đau khổ mà Chúa Giêsu chịu trong cuộc Khổ Nạn của Người cũng đang được nhiều người nam nữ và trẻ em trên khắp thế giới chịu đựng: bách hại, tra tấn, giam tù và hành quyết. Bi thảm thay, một chính phủ tự nhận là dân chủ và tự do như Hoa Kỳ cũng vẫn đồng lõa trong việc tra tấn, tại các phòng giam đen tối ở Abu Ghraib và nhiều nhà tù khác của chính phủ. Chúa Giêsu bị giam giữ nhưng 1.5 triệu đàn ông đàn bà cũng đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ, một tỷ lệ không quốc gia phát triển nào khác “địch nổi”. Còn án tử hình nữa, một án mà viên chức Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc vừa chính thức tuyên bố đi ngược lại giáo huấn Công Giáo, đã tìm được nạn nhân nổi danh nhất nơi Chúa Giêsu Kitô.

Một cách tổng quát hơn, tử đạo và những khủng khiếp kèm theo không phải là việc của quá khứ. Ta chỉ cần nhìn qua Trung Đông đủ để chứng kiến cảnh bách hại dã man các cộng đồng Kitô hữu, nhiều cộng đồng rất cổ xưa, bởi tay Nhà Nước Hồi Giáo Trị. Ngày nay, bằng quá nhiều cách, Chúa Kitô vẫn tiếp tục đau khổ trong nhiệm thể của Người.

Thứ Bẩy Tuần Thánh. Đây là ngày của những giấc mơ tan tành. Các môn đệ trốn sau cửa khép then cài, khiếp đảm sợ bị phát giác và xử tử. Dù sao, lãnh tụ của họ cũng vừa bị hành quyết một cách nhục nhã như chưa bao giờ tưởng tượng nổi. Hy vọng xem ra đã vỡ tan. Qúa nhiều tình huống trên thế giới (như các đe dọa của Nhà Nước Hồi Giáo Trị) xem ra chẳng còn chút hy vọng nào. Trên một bình diện địa phương hơn, chính phủ Hoa Kỳ đang bị kẹt cứng vào một tắc nghẽn vĩnh viễn. Chính phủ này có khả năng đưa ra được các biện pháp nghiêm túc để trợ giúp người nghèo, tu sửa hạ tầng cơ sở đang suy sụp và cải thiện hệ thống giáo dục đang dao động không? Trong Giáo Hội của ta, thì có vấn đề phải liên tục giải quyết di sản lạm dụng tính dục; nhiều người còn cảm thấy giáo dân vẫn còn bị cấm cản không được đảm nhận các chức vụ lãnh đạo và có thẩm quyền theo định chế. Chỉ cần nghĩ tới các thách đố này cũng đã thấy bị ngột ngạt rồi. Tuy nhiên, các môn đệ Chúa vẫn được mời gọi hy vọng dù giữa mù mờ và thất vọng. Vì họ khám phá ra rằng thất vọng không bao giờ là đáp án cả.

Chúa Nhật Phục Sinh. Các rình thuật Khổ Nạn sẽ vô nghĩa nếu không có Phục Sinh. Và chính ở đây, Sách Thánh giao thoa với đời sống ta cách mạnh mẽ. Đúng thế, chúng ta đau cái đau của thế giới tan vỡ, của giấc mơ tan tành và rõ ràng vô vọng. Nhưng Phục Sinh cho ta hay: đau khổ không bao giờ là lời nói cuối cùng, Thiên Chúa luôn là một Thiên Chúa của ngạc nhiên và không có gì là không thể đối với Người.

Một điển hình của đời sống mới hiện nay là triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Trước khi ngài được bầu, nhiều người cho rằng sẽ không có gì thay đổi trong Giáo Hội; thậm chí không nên thay đổi nữa. Nhưng khi nhậm chức, ngài đã đem tới một lối sống, một giọng điệu và một sự rõ ràng mới cho chức vụ giáo hoàng, mở ra nhiều phương cách mới để hoán cải và đưa ra quyết định, nói với người ta một cách mới mẻ và trực tiếp và lôi cuốn nhiều người từ lâu vốn coi Giáo Hội như không còn dính dáng gì tới họ nữa. Các hành động của ngài hướng chúng ta về Đấng Sống Lại, nguồn sự sống mới. Vì quả Chúa Kitô đã sống lại, đang sống và đang hoạt động trong hế giới chúng ta!

III. Tình yêu nhận ra Chúa Phục Sinh



Tình yêu lúc nào cũng làm ta vui thích: không gì vui bằng nhìn thấy hai người yêu nhau. Thế giới liên tiếp yêu thương và bênh vực những kẻ yêu nhau. Các truyện tình tràn ngập màn ảnh rạp hát, màn ảnh truyền hình và những tác phẩm bán chạy nhất. Ấy thế nhưng đồng thời thế giới hiện đại lại thường tin rằng tình yêu là mù quáng. Trong cái cuồng nhiệt của tình yêu, những kẻ yêu nhau mất cả khả năng nhìn sự vật như chúng thực sự là.

Tuy nhiên, không phải ai ai cũng chấp nhận thiên kiến trên. Thánh Augustinô từng viết: “hãy cho tôi một người yêu, và anh ta sẽ hiểu”. Vị thánh này hiểu rõ: cần một tình yêu sâu sắc mới mở được mắt ta và giúp ta nhìn thấy sự thật. Trái tim có những lý lẽ riêng. Thiên tài và thần học gia Blaise Pascal, khoảng 10 thế kỷ sau, cũng viết như thế. Tình yêu giúp ta biết và chia sẻ thực tại.

Trong hai tiểu truyện Ga 20:2-10 và Ga 21:1-14, người môn đệ yêu dấu đã được tình yêu huyền nhiệm dẫn dắt tới chỗ nhận ra Chúa Giêsu thực sự sống lại từ cõi chết. Ông bước vào ngôi mộ trống, thấy khăn liệm và tin (20:8). Tình yêu giúp người môn đệ yêu dấu lập tức kết luận rất đúng rằng Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống.

Trong tiểu truyện thứ hai, người môn đệ yêu dấu là một trong bẩy môn đệ thức suốt đêm đánh cá trên Biển Hồ Tiberias. Tảng sáng, họ nhìn qua làn nước thấy người lạ gọi họ từ trên bờ. Nhưng tình yêu đã giúp người môn đệ yêu dấu nhận diện người đó là ai đang tới gặp họ vào lúc bình minh. “Chúa đó” (21:7). Một lần nữa, tình yêu lại đem ông tới chỗ biết sự thật và nhận ra Chúa Giêsu phục sinh.

Người môn đệ nhìn ngôi mộ trống và vươn tới đức tin vào Chúa phục sinh. Ông nghe giọng nói vào lúc bình minh vọng từ bờ hồ và biết mình đang ở trước mặt Chúa Giêsu. Cuộc sống ta không biết có bao nhiêu thị kiến và âm thanh. Tình yêu có thể biến những thị kiến và âm thanh đó thành những khoảnh khắc trong đó ta kêu lên “Chúa đó”.

“Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim để yêu Chúa. Rồi chúng con sẽ thực sự thấy Chúa, gặp gỡ Chúa không ngừng, và tín thác vào Chúa”.

Cũng thế, Maria Magđalêna gặp được Chúa Giêsu sống động vì bà đã trở lại ngôi mộ tìm kiếm xác Chúa Giêsu. Nước mắt bà dàn dụa (20:11, 13, 15). Giờ đây, bà thấy 2 thiên thần ngồi trong mộ như những vệ binh danh dự. Bà không xin họ giúp đỡ hay hỏi thông tin gì cả, mà chỉ giải thích tại sao bà khóc rồi quay lưng đi. Trong cơn buồn sầu tang chế và đầy yêu thương, bà chỉ lo sao tìm được xác Chúa Giêsu mà “họ” đã lấy đi và chôn ở đâu đây.

Rồi Maria thấy “người làm vườn” đứng trong vườn bên ngoài ngôi mộ mới chôn xác Chúa Giêsu (19:41). Đó chính là Chúa Giêsu sống lại, Ađam mới khai mở sáng thế mới. Các họa sĩ như Fra Angélico và Rembrandt đã cảm thức được điều gì đó trong cuộc gặp gỡ này mà các thần học gia đã bỏ lỡ: tính vui chơi hân hoan. Họ diễn tả Chúa Giêsu mang nón người làm vườn hay với dụng cụ trên vai. Sự hóa trang của Người đã làm chậm việc nhận ra Người trong giây lát.

Maria tưởng “người làm vườn” di chuyển xác Chúa Giêsu nhưng dù thế vẫn mong được ông sẵn lòng giúp mình: “Thưa ông, nếu ông di chuyển Người đi, xin ông cho tôi hay ông chôn Người ở đâu, để tôi lấy Người đi”. Thế rồi, chỉ với một lời thôi, Chúa Giêsu đã thay đổi đời bà. Người gọi bà đích danh “Maria”.

Tin Mừng Gioan đã khai thác khá nhiều về nỗi sầu buồn của Maria đối với việc mất xác Chúa Giêsu. Bà khóc lúc ở ngoài mộ; bà khóc lúc cúi nhìn vào mộ. Hai thiên thần rồi chính Chúa Giêsu phục sinh đã hỏi cho biết lý do bà khóc. Giờ đây, thì bà biết Người đang sống một cách vinh hiển. Nhưng ngoài việc nói rằng bà quấn quít với Chúa Giêsu ra, Tin Mừng không cố gắng lột tả niềm vui của bà bằng lời. Với việc phục sinh Lazarô cũng thế. Thánh Gioan ghi nhận các dòng nước mắt và nỗi buồn sầu của Mácta, của Maria và của chính Chúa Giêsu đối với cái chết của Lazarô (11:19, 31), nhưng thận trọng không diễn tả niềm hạnh phúc của các vị đối với việc ông sống lại.

Trong Tin Mừng Gioan, không cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu nào khác sánh được sự tương phản giữa kỳ vọng của Magđalêna và kết cục của nó. Bà chỉ mong được giúp đỡ tìm ra một xác chết bị mất. Nhưng thay vào đó, bà học được điều này: sự chết không hề có bất cứ quyền lực sau cùng nào đối với Chúa Giêsu và bà có nhiệm vụ mang tới cho các môn đệ tin vui tối hậu này: “Tôi đã thấy Chúa”.