Máy bay chở Đức Phanxicô và đoàn tùy tùng đã đáp xuống phi trường quốc tế Bandaranaike, vào sáng sớm ngày 13 tháng Giêng năm 2015. Đức Giáo Hoàng đã được Tân Tổng Thống Sri Lanka Maithripala Sirisena tiếp đón. Sau đó, ngài được hướng dẫn tới khán đài danh dự và nhận 21 phát súng chào mừng.

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn ngài đọc tại buổi lễ nghinh đón này:

Kính thưa tổng thống,

Kính thưa các thẩm quyền chính phủ,

Kính thưa đức Hồng Y, các vị giám mục,

Các bạn thân mến,

Tôi cám ơn quí vị về sự đón tiếp niềm nở của qúi vị. Tôi vốn chờ đợi cuộc viếng thăm Sri Lanka này và những ngày chúng ta sẽ cùng dành cho nhau. Sri Lanka vốn được gọi là Hòn Ngọc Ấn Độ Dương vì vẻ đẹp tự nhiên của nó. Điều còn quan trọng hơn nữa, hòn đảo này còn nổi tiếng về tình ấm áp của nhân dân và tính đa dạng phong phú trong các truyền thống văn hóa và tôn giáo của nó.

Kính thưa tổng thống, tôi xin bày tỏ với ngài lời nguyện chúc tốt đẹp nhất của tôi đối với các trách nhiệm mới của ngài. Tôi xin chào kính các thành viên xuất chúng của chính phủ và các thẩm quyền dân sự đã dành cho chúng tôi vinh dự bằng cách hiện diện tại đây. Tôi đặc biệt cám ơn sự hiện diện của các vị lãnh đạo tôn giáo ưu việt, những vị từng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống quốc gia này. Và dĩ nhiên, tôi muốn bày tỏ lòng quý mến của tôi đối với các tín hữu, các thành viên của ca đoàn, và nhiều người từng góp phần giúp cho cuộc viếng thăm này thành khả hữu. Tự đáy lòng tôi, tôi xin cám ơn tất cả quí vị vì lòng tốt và hiếu khách của quí vị.

Chuyến viếng thăm Sri Lanka của tôi chủ yếu có tính mục vụ. Là mục tử phổ quát của Giáo Hội Công Giáo, tôi có nhiệm vụ tới đây để gặp gỡ, khuyến khích và cầu nguyện với người Công Giáo của hòn đảo này. Đỉnh cao của chuyến viếng thăm sẽ là việc phong hiển thánh cho Chân Phúc Joseph Vaz, mà điển hình về lòng bác ái Kitô Giáo và lòng tôn trọng đối với mọi người, bất kể sắc tộc hay tôn giáo, vẫn tiếp tục linh hứng và dạy bảo chúng ta ngày nay. Nhưng chuyến viếng thăm của tôi cũng nhằm nói lên tình yêu và quan tâm của Giáo Hội đối với mọi người Sri Lanka, và củng cố ý nguyện của cộng đồng Công Giáo muốn trở thành người tham dự tích cực vào đời sống của xã hội này.

Quả là một thảm kịch đang tiếp diễn trong thế giới chúng ta khi có quá nhiều cộng đồng đang gây chiến với nhau. Việc không có khả năng hoà giải các dị biệt và bất đồng, bất luận cũ hay mới, đã tạo nên các căng thẳng có tính sắc tộc và tôn giáo, thường đi đôi với những cuộc bạo động. Sri Lanka, trong nhiều năm, từng biết tới các khiếp đảm của tranh chấp nội chiến, và nay đang tìm cách củng cố hòa bình và hàn gắn các vết thương của những năm tháng vừa nói. Không dễ chút nào khi phải vượt thắng di sản đắng đót của bất công, thù nghịch và bất tín do cuộc tranh chấp để lại. Việc này chỉ có thể làm được bằng việc vượt thắng sự ác bằng sự thiện (xem Rm 12:21) và bằng việc vun sới các nhân đức giúp phát huy hòa giải, liên đới và hòa bình. Diễn trình hàn gắn cũng cần phải bao gồm việc theo đuổi sự thật, không phải để mở lại các vết thương cũ, mà đúng hơn như một phương thế cần thiết để cổ vũ công lý, hàn gắn và hợp nhất.

Các bạn thân mến, tôi tin chắc rằng các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau có một vai trò thiết yếu phải đóng trong diễn trình tế vi hoà giải và tái thiết hiện đang diễn ra trên xứ sở này. Muốn cho diễn trình này thành công, mọi thành viên của xã hội phải cùng làm việc với nhau; mọi người phải có tiếng nói. Mọi người phải được tự do nói lên các quan tâm, các nhu cầu, các nguyện vọng và nỗi sợ của mình. Điều quan trọng nhất là họ phải sẵn sàng chấp nhận người khác, tôn trọng các đa dạng hợp pháp, và học sống như một gia đình. Bất cứ nơi nào nếu người dân biết lắng nghe nhau một cách khiêm tốn và cởi mở, thì các giá trị và nguyện vọng chung của họ đều hết thẩy trở nên hiển hiện. Đa dạng không còn bị coi là đe dọa nữa, mà là nguồn làm ta phong phú. Con đường tiến tới công lý, hòa giải và hoà hợp xã hội mỗi ngày càng trở nên hiển hiện hơn.

Theo chiều hướng trên, công trình tái thiết vĩ đại phải bao gồm việc cải thiện các hạ tầng cơ sở và thỏa mãn các nhu cầu vật chất, nhưng cũng phải, và còn quan trọng hơn nữa, phải bao gồm việc phát huy nhân phẩm, tôn trọng nhân quyền, và bao gồm trọn vẹn mọi thành viên của xã hội. Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa của Sri Lanka, qua việc đo lường từng lời nói và việc làm của mình bằng sự thiện và việc hàn gắn, sẽ đóng góp lâu dài cho sự tiến bộ vật chất và tâm linh của nhân dân Sri Lanka.

Kính thưa tổng thống, các bạn thân mến, một lần nữa, tôi xin cám ơn sự chào đón của quí vị. Ước mong những ngày chúng ta dành cho nhau này sẽ là những ngày của bằng hữu, của đối thoại và của liên đới. Tôi khẩn cầu phúc lành dồi dào của Thiên Chúa xuống trên Sri Lanka, Hòn Ngọc Ấn Độ Dương, và tôi cầu nguyện cho vẻ đẹp của nó sẽ tỏa sáng trong nền thịnh vượng và hòa bình của mọi người dân trong nước.

Diễn văn nghinh đón của Tổng Thống Sri Lanka

Trước đó, Tổng Thống Cộng Hòa Dân Chủ Xã Hội Sri Lanka, ông Maithripala Sirisena, đã chào mừng Đức Thánh Cha bằng bài diễn văn sau đây:

Kính thưa Đức Thánh Cha,

Kính thưa Đức Quốc Vụ Khanh và các Thành Viên của Phái Đoàn Tòa Thánh

Kính thưa Thủ Tướng,

Quí Bộ Trưởng và Thành Viên Quốc Hội

Quí vị,

Quí Bà và Quí Ông,

Thật là một dịp hân hoan và trang trọng được nhân danh chính phủ và nhân dân tôi chào đón Đức Thánh Cha tới Sri Lanka. Quả thực là một vinh dự khi Đức Thánh Cha khởi diễn cuộc tông du Á Châu bằng cuộc viếng thăm Sri Lanka.

Cuộc viếng thăm của ngài cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với bản thân tôi, vì tôi mới được bầu vào chức vụ Tổng Thống chỉ trước đây mấy ngày và cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha cho tôi cơ hội để tiếp nhận các chúc lành của ngài khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ của mình.

Đúng 20 năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng được chào đón khi tới mảnh đất này. Vào lúc đó, Sri Lanka đang bị lôi cuốn vào một cuộc khủng bố đầy tính tiêu diệt, tiếp theo các xáo trộn do quân khủng bố gây ra cho cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Hôm nay, Đức Thánh Cha tới với một Sri Lanka đổi mới, nơi hòa bình và thịnh vượng đang trổi vượt tại mọi vùng của Hòn Đảo, với người dân được hưởng phần phúc, nhờ được sống hợp phẩm giá. Hiển nhiên nhiều sáng kiến đã giúp giải quyết các thách đố của cảnh nghèo. Ưu tiên đặc biệt mà Đức Thánh Cha vốn dành cho việc nhổ tận gốc cảnh nghèo, và các cố gắng toàn cầu nhằm giảm thiểu sự bất quân bình kinh tế giữa người giầu và người nghèo, quả đang ghi nhớ.

Kính thưa Đức Thánh Cha, cuộc viếng thăm Sri Lanka lần này có một ý nghĩa đặc biệt, khi chính phủ của tôi đang diễn tiến trên đường phát huy đối thoại và hòa giải giữa nhân dân, như phương thế củng cố phần phúc hòa bình. Chúng tôi là một dân tộc tin vào sự khoan dung và sống chung tôn giáo, đặt căn bản trên gia tài tâm linh cổ xưa đã bao thế kỷ qua của chúng tôi. Sự đóng góp đầy ý nghĩa mà Đức Thánh Cha đang thực hiện để đem lại hòa bình và hòa giải giữa các quốc gia và cộng đồng quả làm người ta phấn khởi và cuộc viếng thăm này sẽ góp phần vào các cố gắng đối nội của Sri Lanka.

Kính thưa Đức Thánh Cha, tôi hết sức vui mừng vì trong cuộc viếng thăm này, ngài sẽ phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Chân Phúc Joseph Vaz, một nhà truyền giáo Công Giáo từ Goa, Ấn Độ, tới, người từng đóng góp một cách ý nghĩa vào sự phát triển của Đức Tin Công Giáo trên xứ sở này. Việc phong hiển thánh này quả là một vinh dự cho nhân dân Sri Lanka, và những người trong vùng, nhất là người có đức tin Công Giáo.

Thưa Đức Thánh Cha, hai xứ sở chúng ta từng đóng một vai trò có ý nghĩa trong việc phát huy hai trong số các tín ngưỡng chính của thế giới, là Kitô Giáo và Phật Giáo. Trong Thánh Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô vốn dạy những người theo Người rằng "Các con hãy yêu thương kẻ thù của các con, hãy chúc phúc cho người nguyền rủa các con, và bách hại các con" (Mt 5:44). Cũng thế, Đức Buddha vốn dạy rằng "Trên đời này, không thể làm dịu hận thù bằng hận thù mà bằng lòng nhân hậu yêu thương. Sự ác phải được sự thiện khuất phục" (Dhammapada). Những lời dạy có tính vĩnh cửu này nhập thân nhiều giá trị chung trong Kitô Giáo và trong Phật Giáo mà nhân dân nước tôi vốn tuyên xưng. Chúng nhắc chúng tôi nhớ rằng việc đóng góp có ý nghĩa có thể thực hiện được xuyên qua cuộc đối thoại liên tôn, tiến tới hoà hợp và liên đới xã hội, và đây cũng là sứ điệp của Đức Thánh Cha cho "Ngày Hoà Bình Thế Giới" vào tuần trước.

Nhân danh Chính Phủ và nhân dân Sri Lanka, Tôi xin cầu chúc ngài một cuộc viếng thăm đầy hiệu quả và đáng ghi nhớ nhất. Tôi mong đợi cuộc thảo luận của chúng ta nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa các liên hệ giữa Sri Lanka và Tòa Thánh.

Tôi cầu mong các chúc lành của Đức Thánh Cha cho nhân dân Sri Lanka, cả ở trong nước lẫn ở ngoại quốc, và xin ngài cầu nguyện cho nền hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng của xứ sở này.

Xin cám ơn ngài.