Tản mạn về việc cầu cho các linh hồn

Giáo Hội dành một tháng để cầu cho các Đẳng linh hồn, nghĩa là cầu cho các linh hồn đã qua đời. Đó là một truyền thống rất tốt đẹp của Giáo Hội.

Việc dâng lễ, cầu nguyện cho các linh hồn là một việc tốt, việc chính đáng và là một việc thánh thiện. Tốt vì bây các linh hồn không tự mình cầu nguyện cho mình cũng như làm những việc tốt, việc thiện được nữa. Chính đáng vì những người đã khuất đó có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè hay là ân nhân của ta. Thánh thiện vì trong đức tin, vì lòng mến Chúa và yêu người ta cầu nguyện cho các Đẳng, để các Ngài sớm về hưởng nhan thánh Chúa; để các ngài được hưởng lòng nhân từ của Chúa.

Việc dâng lễ, cầu nguện cho các linh hồn đã qua đời tự thân là một việc tốt, việc chính đáng và thánh thiện; còn kết quả thế nào thì do Chúa quyết định, chứ không phải ta. Không phải ta cứ xin lễ bao nhiêu thì người đó sẽ được hưởng bấy nhiêu. Nếu là như thế thì người giàu, có nhiều tiền để xin lễ thì những linh hồn được cầu sẽ nhanh chóng lên thiên đàng sao; còn người nghèo không có tiền xin lễ thì thân nhân của họ sẽ ở mãi trong luyện ngục sao? Thiên đàng không giống như thế gian đâu. Lên thiên đàng là do Chúa quyết định xem họ đáng được hưởng bao nhiêu và phải đền bù những gì mình đã lỗi việc bổn phận hay những gì mình đã làm thiệt hại, gây hại cho người khác.

Các Đẳng linh hồn bây giờ như bị giam trong tù luyện ngục vậy, cậy nhờ vào lòng thương xót Chúa; cậy nhờ vào công nghiệp của Đức Ky-tô và cậy nhờ vào sự cầu nguyện của những người còn đang sống thôi, chứ không thể làm được gì hết. Suy nghĩ đến điều đó, bây giờ ta đang sống, ta tự lo cho mình có tốt hơn không! Hay là trông chờ vào người khác? Không biết người ta có nhớ đến mình không, vì thường sau khi chết một thời gian thì người ta sẽ quên, họ chỉ nhớ ngày giỗ của ta thôi. Vả lại họ cũng chết mà. Nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ và cầu nguyện của người khác thì ta giống như người ăn xin vậy. Người ta cho bao nhiêu thì ta được bấy nhiêu. Quả thực, các linh hồn trong luyện ngục là như thế. Người ta hay Giáo Hội có

cầu nguyện cho, có dâng lễ bao nhiêu chỉ cho các Ngài thì các Ngài cũng không được hưởng hết được. Chúa cho họ hưởng được bao nhiêu thì họ hưởng bấy nhiêu theo lòng nhân từ và sự công bằng của Chúa, chứ họ không có quyền đòi hỏi gì cả. Bởi thế mà ngay từ bây giờ ta tự lo cho mình thì hay biết mấy.

Người ta có câu:”Hãy tự giúp mình thì trời mới giúp cho”mà. Ta tự cố gắng bao nhiêu có thể, để nên thánh, nên thiện; làm điều tốt, điều lành, khi còn sống, để khi chết, ra trước tòa Chúa, ta đỡ đi phần nào. Nếu có “bị tù” thì ta cũng được hưởng lòng nhân từ của Chúa hơn là sự công công bằng, vì khi còn sống, ta đã có lòng nhân từ với người khác. Ta được Chúa tha thứ mọi tội khiên, vì xưa kia ta đã tha thứ cho người khác. Như thế ta cố gắng là phần chính, phần nhiều; còn sự giúp đỡ của người khác là phần phụ, phần ít. Ta đừng có dại mà trông chờ hoàn toàn vào người khác và lười biếng ỷ nại vào Chúa vì Chúa là Đấng rất nhân từ nhưng cũng là Đấng rất công bằng đấy; còn con người thì khỏi nói rồi, họ cứu họ còn chưa được huống chi là giúp đỡ ta.

Chúa là Đấng nhân từ có thể ban cho ta nhiều ân sủng và lên thiên đàng, nhưng Chúa cũng là Đấng rất công bằng, không thiên vị ai thì không thể cho ta khi không thánh, không thiện mà lên thiên đàng được. Ta nên nhớ điều đó mà cố gắng bao có thể. Làm cái gì cũng phải lo mà làm cho đúng, cho chính xác, không chỉ vì đời này mà thôi, nhưng còn vì đời sau nữa. Nếu có làm sai thì phải sửa lại cho đúng, từ những việc bình thường cho đến việc cầu nguyện, dâng lễ. Đừng có làm bậy, làm bừa mà sau này phải đền tội. Việc trên hết của ta phải là những việc bổn phận; thứ đến là đừng có làm hại gì cho ai.

Việc bổn phận của ta thì ta phải lo mà chu toàn. Đừng có lấy bất cứ lý do nào để bào chữa cho việc ta không làm việc bổn phận của ta. Chu toàn việc bổn phận, thì ta sẽ trở nên người đầy tớ khôn ngoan và trung tín, chắc chắc ta sẽ được thưởng. Còn không chu toàn việc bổn phận, dù có bất kỳ lý do nào nữa thì chắc chắn ta sẽ bị phạt. Không ai chê người chu toàn bổn phận của mình bao giờ. Nếu mà chê thì người đó là người xấu và giả hình. Người ta chỉ chê những người bỏ việc bổn phận mình mà đi làm việc khác, làm việc của người khác, kể cả những việc được cho là bác ái. Việc bác ái trên hết và trước hết, chiếm phần ưu tiên là việc bổn phận của mình. Việc bổn phận của mình mà mình không làm thì ai làm đây. Còn những việc khác; những việc của người khác thì đã có người khác làm rồi, không có ta thì họ vẫn làm như thường. Nếu ta bỏ việc bổn phận mà làm những việc khác vì hư danh, vì muốn lấy tiếng khen thì tội sẽ nặng thêm, chứ không bù qua bù lại được. Vì cả hai việc đó đều xấu.

Thứ đến là ta không bao giờ làm hại đến bất kỳ một ai; không làm thiệt hại gì cho họ; không nói xấu, không nói hành; không xét đoán, không kết án bất cứ một ai. Việc của họ thì họ có trách nhiệm làm và sẽ trả lời với Chúa chứ không trả lời với ta. Ta không có quyền gì trên họ cả; có chăng thì đó là sự giúp đỡ, góp ý thôi. Đó không phải là việc bác ái sao? Và chu toàn việc bổn phận không là việc bác ái sao? Quả thật đó là 100% là việc bác ái; còn các việc khác không chắc là việc bác ái; có chăng là dưới 50% hay chỉ có cái danh thôi, theo nghĩa “hữu danh vô thực” ấy mà.

Vậy trong tháng cầu cho các Đẳng linh hồn, ta hãy dâng lễ, dâng những hy sinh để cầu cho các lình hồn đã qua đời, để họ sớm về hưởng nhan thánh Chúa. Sau là ta cũng hãy chuẩn bị cho chính bản thân ta, ngay từ bây giờ hãy lo mà chu toàn những việc bổn phận của ta và nhất quyết không làm hại hay gây hại cho bất cứ một ai. Có thế ta có thể nắm chắc 90%, được cứu độ, được lên thiên đàng. Còn 10% là nhờ vào sự cầu nguyện của Giáo Hội, của người khác. Chắc ăn như “đinh đóng cột”. Chúa đã chẳng nói như thế này sao :” Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, …. hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi” sao? (x.Mt25,21,23). Niềm vui đó là Thiên đàng. Amen.

Lm. Bosco Dương Trung Tín