Nhân dịp mừng Lễ Kính trọng thể Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam vào ngày Chúa Nhật 16/11/2003 (theo Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khóa họp tháng 4/1991). Trong tài liệu thâu thập các bài giảng của Vietcatholic, chúng tôi xin cống hiến đến quý độc giả Vietcatholic bài giảng thật ý nghĩa cách đây 15 năm trong Thánh lễ lần đầu tiên mừng các Thánh Tử Ðạo Việt Nam vào ngày 1/9/1988. Bài giảng của Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Dòng Phanxicô. Sau đây là toàn văn bài giảng :

LẦN ĐẦU TIÊN MỪNG CÁC THÁNH TỬ DẠO VIỆT NAM

Một lần nữa, Hội Thánh Việt Nam lại long trọng mừng các vị tử đạo Việt Nam. Nhưng năm nay không giống các năm trước, và cuộc lễ năm nay mang một màu sắc vô cùng đặc biệt. Chính vì thế mà hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa của ngày lễ kính các vị tử đạo Việt Nam năm 1988 này. Nhằm mục đích đó, trước hết, chúng ta hãy đặt ngày lễ trong bối cảnh lịch sử của nó, tìm hiểu những gì làm cho cuộc lễ năm nay trở thành đặc biệt, rồi từ đó, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của ngày lễ hôm nay.

A. BỐI CẢNH NGÀY LỄ CÁC VỊ TỬ ĐẠO NĂM NAY

1. Thời đại của tự do tín ngưỡng

Vị cuối cùng trong số 117 vị tử đạo được kính nhớ hôm nay đã chết năm 1883 dưới triều Tự Đức, tức là cách chúng ta hơn một trăm năm. Thời đại chúng ta đang sống hôm nay là thời đại của tự do tín ngưỡng.

2. Thời đại của đổi mới

Hơn thế nữa, cùng với tổng bí thư Goóc-ba-chốp ở Liên-xô, với tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Việt Nam, chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới. Những gì đang diễn ra tại Liên-xô thật là đầy hứa hẹn, tiên báo một kỷ nguyên mới, với những thay đổi trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội, kể cả tôn giáo, những thay đổi mà chỉ cách đây năm mười năm thôi, một trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể ngờ được. Giai đoạn chúng ta đang sống là giai đoạn của cải tổ, giai đoạn của đổi mới.

3. Năm nay tín hữu nước Nga mừng 1.000 năm theo Ki-tô giáo

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội không dừng lại nơi biên thuỳ quốc gia, nhưng đều mang một tầm vóc quốc tế. Ngoài ra, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, các quốc gia trở nên gần gũi với nhau hơn. Cuối cùng, dân tộc Việt Nam là một nước trong khối xã hội chủ nghĩa, những gì diễn ra bên Liên-xô đều ảnh hưởng không nhiều thì ít đến đời sống của chúng ta. Thế thì năm ngoái, Liên-xô mới mừng 70 năm Cách Mạng Tháng Mười. Năm nay Liên-xô mừng 1.000 năm Ki-tô giáo đi vào lịch sử các dân tộc Nga.

4. Cuộc lễ phong thánh 19-06-1988

Nhưng điều quan trọng nhất đối với người Ki-tô hữu Việt Nam, đó là sau hơn ba phần tư thế kỷ mừng các chân phước tử đạo Việt Nam, thì năm nay là năm đầu tiên Hội Thánh trên toàn thế giới và đặc biệt tại quê nhà chúng ta, mừng các thánh tử đạo Việt Nam sau khi 117 vị chân phước tử đạo được tôn phong hiển thánh ngày 19-06 vừa qua.

5. Được chào đón bằng một cuộc pháo bông vĩ đại

Hôm nay thì mọi sự hầu như đã chìm vào quên lãng. Nhưng trong nhiều tuần, nhiều tháng liên tục trước lễ phong thánh, không phải chỉ riêng gì người Công Giáo thôi, mà bất cứ một người Việt Nam nào cũng có thể mục kích một cuộc pháo bông vĩ đại, đó là việc các phương tiện truyền thông đại chúng, từ báo chí đến truyền thanh truyền hình, trong nhiều tuần, nhiều tháng liên tục, đã nói đến lễ phong thánh, đến các vị tử đạo của chúng ta. Chỉ nguyên việc đó thôi cũng đã là một đặc ân không tiền khoáng hậu cho người Công Giáo rồi, vì chính nhờ các phương tiện đó mà không những người Công Giáo mà ngay cả những người ngoài Công Giáo cũng đã nghe nói đến lễ phong thánh, đến các thánh tử đạo. Dĩ nhiên, trong tất cả những gì đã được nói và viết ra về các đề tài trên, thì quả là vàng thau lẫn lộn. Nhưng tôi tin rằng người Việt nam hôm nay đã đủ trưởng thành để có thể nhận ra và phân biệt vàng với thau, để có thể phân biệt phải quấy. Nếu như các cán bộ đã nhiều lần than phiền rằng khi nghe đề cập đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, phần đông dân chúng đã mất niềm tin, thì đối với các vấn đề tôn giáo, không có lý do gì để nghĩ rằng người dân cứ nghe gì là tin nấy.

Chúng ta vừa đặt ngày lễ các thánh tử đạo hôm nay trong bối cảnh lịch sử của nó. Bây giờ chúng ta hãy trở lại với nhân tố làm cho cuộc lễ các vị tử đạo năm nay mang một màu sắc vô cùng đặc biệt, nhân tố đó chính là cuộc lễ phong thánh 19-06-1988.

B. 19-06-1988 : NHÂN TỐ LÀM CHO CUỘC LỄ NĂM NAY THÀNH ĐẶC BIỆT

Chính bản thân tôi, và có lẽ một số trong anh chị em cũng thế, đã theo dõi cuộc lễ phong thánh ngày 19-06-1988 được đài Va-ti-căng trực tiếp truyền thanh. Vậy chúng ta đã ghi nhận được những gì ?- đây không phải là một cuộc lễ buồn tẻ. Theo ước lượng của các phóng viên thì có lối 25.000 người tham dự thánh lễ tại quảng trường thánh Phê-rô, trong số đó có lối 8.000 người Việt Nam có đăng ký với mấy ngàn nữa không đăng ký. Có hơn 100 phái đoàn đại diện hơn 100 quốc gia tham dự.

- đây là một cuộc lễ thuần tuý tôn giáo không mảy may có một dấu vết gì là chính trị xen vào.

- đáng chú ý hơn cả là bài giảng của Đức Giáo Hoàng trong đó ngài

* cảm tạ Chúa

* tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam

* bày tỏ lòng yêu mến của ngài đối với quê hương các thánh tử đạo

* mời gọi người Ki-tô hữu Việt Nam

trung thành với Chúa,

gắn bó với dân tộc,

và tôn trọng thể chể quốc gia.

Tôi xin ghi lại đây một đoạn trong những lời Đức Giáo Hoàng gửi đến Hội Thánh Việt Nam :

“Máu các vị tử đạo là nguồn ân sủng trước hết cho anh em, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em, đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn phải được truyền tụng cho nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người Việt Nam thuần tuý, vừa muốn trung thành với quê hương đất nước, vừa muốn là người tín hữu đích thực của Chúa Ki-tô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng : lời kêu gọi của Tin Mừng vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia. Do đó, người công dân có đạo phải dấn thân phục vụ lợi ích quốc gia, đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được hiệp thông với các vị lãnh đạo và anh em đồng tín ngưỡng : như thế là sống bình an với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân.”

Sau khi đã đặt ngày lễ hôm nay trong bối cảnh lịch sử của nó, đồng thời nhắc lại nhân tố đã làm cho ngày lễ hôm nay nên đặc biệt, bây giờ chúng ta hãy thử trả lời câu hỏi : đâu là ý nghĩa của ngày lễ các thánh tử đạo Việt Nam hôm nay.

C. Ý NGHĨA CỦA NGÀY LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM NĂM 1988

1. Tử đạo đã là câu chuyện lỗi thời chưa ?

Nói “chưa” cũng đúng, mà nói “rồi” thì cũng không sai. Nếu mở các bản hiến pháp quốc gia ra mà xem, thì hầu như quốc gia nào cũng nhìn nhận quyền tự do tín ngưỡng. Mặt khác, có thể nói được rằng ngày nay chẳng có nhà cầm quyền nào vụng về đến nỗi bức bách người Ki-tô hữu giẫm lên thập giá. Tuy nhiên nếu dựa vào đó để quả quyết rằng người Ki-tô hữu được hoàn toàn tự do giữ đạo và truyền đạo, thì sợ rằng đơn giản quá. Ngay giữa thời đại văn minh hôm nay, thời đại của tự do tín ngưỡng này, ở nhiều nơi trên thế giới, tập thể Hội Thánh Chúa Ki-tô cũng như cá nhân nhiều Ki-tô hữu còn gặp nhiều khó khăn trong việc giữ đạo và truyền đạo. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta hãy học hỏi kinh nghiệm của một nước xã hội chủ nghĩa anh em là Liên-xô.

2. Kinh nghiệm của nước Nga nhân lễ mừng 1.000 năm

a. Năm nay Giáo Hội Chính Thống Nga mừng kỷ niệm 1.000 năm ngày Ki-tô giáo đến với các dân tộc Nga. Cao điểm là các cuộc đại lễ diễn ra trong tháng 6 vừa qua. Nhân dịp này đã có nhiều bài tham luận, nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà Nước với Ki-tô giáo.

b. Và do một sự tình cờ thật đầy ý nghĩa, thì cũng vào ngày 19-06, ngày lễ phong thánh cho các vị tử đạo Việt Nam, tờ Tuần tin tức Mát-cơ-va đăng tải một bài ký tên Alexandre Nejny mang tựa đề “Một ngàn năm” trong đó tác giả trình bày những suy nghĩ của mình về mối tương giao giữa Nhà Nước và Giáo Hội, nói một cách chính xác hơn về cách nhà cầm quyền cộng sản đối xử với Ki-tô giáo với những lời lẽ bộc trực của giai đoạn đổi mới, của giai đoạn nói thẳng, nói thật. Tôi xin ghi lại đây những điểm chính yếu để anh chị em suy nghĩ.

- Trước hết tác giả công khai và thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ. Tác giả nói :

“Người Ki-tô hữu đã bị coi như những công dân hạng hai, đã từng bị Nhà Nước lơ là, không đếm xỉa gì tới.”

“Bảy thập niên qua đã tạo ra nơi nhiều công chức của Đảng và các Xô Viết một lối tiếp cận hành chánh cứng nhắc khi đứng trước các vấn đề tôn giáo.”

“Chủ nghĩa vô thần bằng bất cứ giá nào không những chỉ là vô ích mà còn tai hại, vì đưa đến hậu quả đương nhiên là cưỡng bức cả quá khứ lịch sử của tổ quốc, và cưỡng bức sự tự do lương tâm của hằng triệu đồng bào.”

“Quan niệm Giáo Hội như một tàn dư có hại tự bản chất, ăn sâu trong ý thức lạc hậu của một số công dân và đã hết thời, quan niệm đó vẫn chi phối ý thức hệ chính thức từ mấy mươi năm nay. Nhưng quan niệm đó ngày nay được nhìn nhận như một mưu toan xấu xa nhằm tước đoạt mất của nhân dân cái di sản văn hoá và lịch sử vĩ đại.”

- Tác giả mời gọi rút tỉa bài học lịch sử : “Thái độ cố ý tỏ ra kính trọng (của nhà cầm quyền Liên-xô đối với các vị đại diện Ki-tô giáo) là một mong muốn chân thành gầy dựng sự hợp tác. Cùng làm với nhau, vai kề vai ở dưới trần thế này, quan tâm đến hoà bình và thịnh vượng của tổ quốc, đến những quan hệ trong sáng giữa người với người, đến sự củng cố những yếu tố tinh thần trong đời sống xã hội - nguyên việc nêu lên những mục tiêu đó cũng đủ chứng tỏ là những kẻ đã tìm cách làm cho Giáo Hội mất đi môi trường hoạt động của mình và cắt đứt mọi con đường đưa từ đền thờ đến trần thế, những kẻ ấy đã phạm một lỗi lầm xã hội và chính trị không thể tha thứ được.”

- Tác giả khẳng định rằng phải thể chế hoá bằng luật pháp cách đối xử của Nhà Nước đối với Giáo Hội. Tác giả viết : “Phải giải phóng Giáo Hội khỏi những xiềng xích của một sự giám hộ ti tiện, tránh cho Giáo Hội khỏi những cái nhìn méo mó của các nhà chức trách kiểu 1929 là những kẻ không phải chỉ làm cho các linh mục mất hết mọi quyền công dân, mà còn vất họ lên xe cây để đưa họ tới những chỗ khỉ ho cò gáy.”

3. Nói người lại nghĩ đến ta hay là trở về với bài học tử đạo

a. Trước hết chúng ta phải cảm tạ Chúa, vì hôm nay

- không ai lột da chặt đầu chúng ta,

- không ai buộc chúng ta giẫm chân lên thập giá.

b. Không những thế, hôm nay chúng ta còn được

- họp nhau cầu nguyện,

- họp nhau dâng thánh lễ như chúng ta đang làm.

c. Nhưng nếu vì thế mà nói rằng : trong việc tin đạo, giữ đạo, truyền đạo, chúng ta được hoàn toàn tự do, chúng ta không gặp khó khăn nào cả thì chúng ta nói láo. Tuy nhiên, tôi không có ý trưng ra đây những bằng chứng cụ thể mà anh chị em đã quá biết. Tôi chỉ xin phép được chia sẻ với anh chị em một vài suy nghĩ thôi.

- Trước sau như một : Trước hết về mấy chữ trước sau như một. Từ gần mười bốn năm nay, không biết bao nhiêu lần chúng ta nghe nói đến chính sách về tôn giáo của Nhà Nước trước sau như một. Rồi từ khi giai đoạn đổi mới bắt đầu, chúng ta nghe nói đến những sai lầm có khi vô cùng trầm trọng trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội..... Thế thì quả là khó mà chứng minh được rằng trong các lãnh vực trên thì có sai lầm, mà trong lãnh vực tôn giáo thì không. Còn nếu như trong lãnh vực tôn giáo cũng có sai lầm như bất cứ một lãnh vực nào khác, thì mấy chữ trước sau như một tiếp theo sau chính sách về tôn giáo, phải làm chúng ta sợ hãi vô cùng.

- Từ luật đầu tư. Suy nghĩ tiếp theo của tôi phát xuất từ luật đầu tư ban hành cách đây không lâu lắm. Luật đầu tư này được đánh giá là phóng khoáng, cởi mở vào bậc nhất so với các luật đầu tư khác trong các nước xã hội chủ nghĩa. Và sở dĩ luật đầu tư của chúng ta phóng khoáng cởi mở như thế là vì muốn thu hút tư bản và kỹ thuật nước ngoài. Phải chi chúng ta có được một bộ luật về tôn giáo cũng phóng khoáng cởi mở như thế, thì chúng ta sẽ có được một nguồn tư bản vô cùng quý giá, đó là bao nhiêu con tim, bao nhiêu khối óc của bao nhiêu triệu người Việt Nam cương quyết trung thành với tổ quốc Việt nam, nhưng cũng cương quyết trung thành không kém với tôn giáo của mình.

- Phải tự cứu lấy mình. Đến đây tôi liên tưởng đến một lời nói của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Cách đây không lâu, khi nghe các nhà báo nói đến bao nhiêu khó khăn mình gặp phải trong khi hành nghề, tổng bí thư đã nói : Trước hết nhà báo hãy tự cứu lấy mình. Hôm nay cũng vậy, giả sử chúng ta được vinh dự gặp tổng bí thư để mà than thở về những khó khăn của chúng ta, thiết tưởng tổng bí thư sẽ khó mà tìm được một câu trả lời thần diệu hơn là Trước hết, hãy tự cứu lấy mình. Thế thì bao lâu chúng ta chỉ nói theo Nhà Nước để tìm một chút ân huệ thay vì nhắc nhở Nhà Nước tôn trọng quyền người công dân trong lãnh vực tôn giáo, bao lâu chúng ta làm ra vẻ chẳng có khó khăn gì đáng kể, bao lâu chúng ta thoả mãn với những gì chúng ta đang có, thì thử hỏi : chúng ta sẽ đổ lỗi cho ai ?

KẾT LUẬN

Đất nước chúng ta đã dành được độc lập, đã đi vào con đường chủ nghĩa xã hội dưới thời Staline. Nay chúng ta đang bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện với tổng bí thư Goóc-ba-chốp. Sau bao nhiêu năm chiến tranh đằng đẵng, xây dựng đất nước không phải là chuyện dễ dàng gì, và chỉ có thể thành công mỹ mãn nếu được sự ủng hộ tích cực của hết mọi người công dân Việt Nam trong đó có 6 triệu người Công Giáo. Vậy chúng ta phải có thái độ nào ?

Câu hỏi đó làm tôi nhớ đến lời thánh Phao-lô Khoan nói với nhà cầm quyền : “Chúng tôi không chống lệnh vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Ki-tô hữu.” Lời khẳng định đó có thể soi sáng cho chúng ta hôm nay.

Là tín hữu Chúa Ki-tô, chúng ta tôn trọng nhà cầm quyền, tôn trọng thể chế quốc gia. Là công dân nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta sẵn sàng đem hết khả năng để phục vụ đất nước, nhưng đồng thời chúng ta muốn sống như những người Ki-tô hữu, cần được hoàn toàn tự do tin đạo, giữ đạo và truyền đạo.

Nếu được như thế, không phải chỉ có chúng ta hãnh diện vì các thánh tử đạo, nhưng chính các thánh tử đạo cũng sẽ hãnh diện vì chúng ta.

Nhà thờ Phan-xi-cô Đa-kao, 01-09-1988

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm