Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Kitô hữu phải luôn hân hoan và vui mừng

Một tín hữu Kitô chân chính phải là một người luôn hân hoan vui mừng, ngay cả lúc đau khổ và hoạn nạn. Đây là nội dung chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha vào Thánh Lễ sáng thứ Năm 22 tháng 5 tại tại nhà nguyện Santa Marta. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc lại một trong những chủ đề thường xuyên trong triều đại Giáo Hoàng của ngài là: không có tín hữu Kitô buồn, để nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần dạy chúng ta yêu thương và ban cho chúng ta tràn ngập niềm vui.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trước khi về cùng Cha, Chúa Giêsu đã nói về nhiều thứ, nhưng luôn luôn nhắc đến “ba từ căn bản này”: “bình an, tình yêu và niềm vui”.

Liên quan đến bình an “Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài không ban cho chúng ta bình an, như cách thức thế gian mang đến cho chúng ta”. Thay vào đó, Ngài ban cho chúng ta sự “bình an viên mãn”.

Liên quan đến tình yêu, Chúa Giêsu thường nhắc đến “giới luật yêu mến Thiên Chúa và yêu người xung quanh”. Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong Phúc Âm Thánh Mátthêu chương 25, nói về ngày Chúa quang lâm, Chúa Giêsu gần như đã ra một “giao kèo” tình yêu, “mà tất cả chúng ta theo “giao kèo” đó sẽ được vào thiên quốc Nước Trời hay bị loại ra ngoài. Trở lại với Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha nói rằng “Chúa Giêsu nói về cách thức mới của tình yêu: “Không chỉ có tình yêu mà thôi nhưng còn phải lưu lại trong tình yêu của Thầy”.

“Ơn gọi tín hữu Kitô là: hãy ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, có nghĩa là, để hít thở, để sống, như cần khí trời oxy để thở vậy. Ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, là từ ngữ diễn tả sự kết hợp sâu thẳm với Chúa, nghĩa là “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Đó là một tình yêu xuất phát từ Chúa Cha. Sự liên hệ yêu thương giữa Ngài và Chúa Cha cũng là sự liên hệ tình yêu giữa Ngài với chúng ta. Ngài nài xin chúng ta lưu lại trong tình yêu này, tình yêu xuất phát từ Chúa Cha“.

Đức Thánh Cha nói: “Ngài ban cho chúng ta sự bình an không theo cách thế gian ban mà đến từ Chúa Cha.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến lời mời gọi của Chúa Kitô: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Dấu chỉ cho tình yêu này là chúng ta “ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu”, “là giữ các điều răn của Chúa Giêsu”. “Khi chúng ta ở lại trong tình yêu, chúng ta sẽ giữ điều răn Chúa cách rất tự nhiên, hoàn thiện mọi điều răn Chúa dạy cách nhẹ nhàng. Tình yêu trổ sinh hoa trái trong các điều răn. Và đây là sợi chỉ xuyên suốt trong một chuỗi liên hệ: “Chúa Cha, Chúa Giêsu, và chúng ta”.

2. Hãy tìm sự Bình an đích thực nơi Chúa Thánh Thần

Những ai đón nhận Chúa Thánh Thần sẽ có sự bình an vững chắc và viên mãn, chứ không giống như những người trông đợi ở sự bình an chóng qua nơi tiền bạc hay quyền lực.

Đây là ý tưởng chính của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ vào sáng thứ Ba 20 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta.

Suy gẫm về sự bình an do tiền bạc, quyền lực, và những thứ phù hoa đem đến và sự bình an sâu thẳm nơi Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng điều thứ nhất luôn luôn có nguy cơ biến mất. “Hôm nay có thể bạn rất giàu và là một ai đó có một tầm ảnh hưởng nhất định, nhưng ngày mai có thể không còn gì. Đức Thánh Cha nói về điều thứ hai rằng “không ai có thể lấy đi sự bình an này bởi vì nó là một sự bình an viên mãn.”

Trong bài giảng, được lấy cảm hứng từ đoạn Tin Mừng Gioan (x.14,27-31), Đức Thánh Cha nói đến một trong những mong muốn lớn nhất của nhân loại ở mọi thời. Đoạn Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu sắp phải đối diện với cuộc khổ nạn và trước khi rời các môn đệ, Ngài hứa: “Ban bình an cho anh em”.

Đó là sự bình an khác hoàn toàn với “sự bình an mà thế gian đem đến cho chúng ta”, bình an kiểu thế gian chỉ là sự “chóng qua”, cho ta một chút cảm giác “an nhiên, hoặc chỉ là một thứ niềm vui hời hợt nào đó”.

“Ví dụ, nó cho chúng ta cảm giác an toàn về việc giàu có: Tôi đang bình an bởi vì tôi có tất cả mọi thứ tôi cần, mọi thứ được ổn định cho toàn bộ cuộc sống của tôi, tôi không phải lo lắng gì… “,” Đức Thánh Cha nhắc nhở “Đây là một sự bình an mà thế gian đem lại. Đừng lo lắng, bạn sẽ không có bất kỳ vấn đề gì đâu bởi vì bạn có rất nhiều tiền … đó là sự bình an của tiền của.

“Và Chúa Giêsu nói với chúng ta đó không phải là sự bình an đích thực. Đức Thánh Cha nói một cách rất thực tế rằng: “Hãy coi chừng, có kẻ trộm … kẻ trộm có thể ăn cắp tài sản của bạn! Tiền không cho bạn một sự bình an viên mãn. Chỉ cần nghĩ rằng, kim loại còn gỉ sắt! Điều này có nghĩa là gì? Chỉ cần một vụ tụt dốc của thị trường chứng khoán và tất cả tiền bạc của bạn sẽ biến mất! Nó không phải là một sự an toàn: Đó chỉ là một sự bình an tạm thời hời hợt “.

Đức Thánh Cha phân tích hai loại bình an của thế gian. Trước tiên, sự bình an của “quyền lực”, “một cuộc đảo chính có thể tiêu tan”. Hãy suy nghĩ những gì đã xảy ra với “bình an của Hê-rô-đê”, khi các nhà đạo sĩ nói với ông rằng Vua của Israel vừa mới sinh ra, “ngay lập tức, sự bình an nơi ông vua này biến mất. Hay như một loại bình an phù phiếm: hôm nay bạn được đánh giá cao, được tôn vinh và ngày mai bạn sẽ bị xúc phạm, bị sỉ nhục, “như Chúa Giêsu vào Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh. Sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho là một thực tại hoàn toàn khác. Sự bình an của Chúa Giêsu ban là một Ngôi Vị, đó là Chúa Thánh Thần. Vào ngày Phục Sinh, Người hiện ra tại phòng Tiệc Ly và lời chào của Ngài là: “Bình an cho anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Đây là sự bình an của Chúa Giêsu: Sự Bình An của một Ngôi Vị, đó là một quà tặng lớn lao. Và khi Chúa Thánh Thần ở trong lòng chúng ta, không ai có thể lấy đi được. Đó là sự bình an viên mãn!”

“Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là gì? Lưu giữ sự bình an này. Bảo vệ nó! Nó là một sự bình an lớn lao, một sự bình an không phải của tôi, nó thuộc về một Ngôi Vị Thần Linh đã ban cho tôi, một Ngôi Vi ở trong lòng tôi và đồng hành với tôi mọi ngày trong cuộc sống. Chính Thiên Chúa đã ban sự bình an này cho tôi “.

Sự bình an này nhận được do Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, nhưng trên hết “chúng ta nhận được nó như một đứa trẻ nhận được một món quà, không điều kiện”. Chúng ta phải lưu giữ Chúa Thánh Thần nhưng không “cầm tù Ngài”. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho hồng ân lớn lao này.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Nếu bạn có được sự bình an của Chúa Thánh Thần, nếu bạn có Chúa Thánh Thần bên trong bạn và bạn nhận ra được điều này, tâm hồn bạn sẽ không còn lo âu. Chắc chắn là thế! Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng, chúng ta phải vượt qua nhiều gian khổ mới vào được Nước Trời. Đừng để tâm hồn bạn lo âu và đó là sự bình an của Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần làm cho tâm hồn chúng ta được bình an. Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho chúng ta sự bình an đích thực” .

3. Niềm vui trong Đức Kitô

“Niềm vui như dấu chỉ của một tín hữu Kitô. Một tín hữu Kitô mà không có niềm vui không còn là tín hữu Kitô hay chỉ là một tín hữu Kitô bệnh hoạn. Người đó không có được một cơ thể tâm linh khỏe mạnh! Một Kitô hữu khỏe mạnh là một tín hữu Kitô vui mừng, tràn ngập niềm vui. Một lần nọ, tôi nói rằng có những tín hữu Kitô với khuôn mặt như bị táo bón kinh niên!. … Lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu! Thật là tệ! Đây không phải là tín hữu Kitô chính hiệu. Một tín hữu Kitô mà không có niềm vui không phải là tín hữu Kitô . Niềm vui như dấu ấn của một tín hữu Kitô, ngay cả trong đau đớn, thử thách, thậm chí bắt bớ“.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, người ta hay nói về các vị tử đạo tiên khởi như sau: họ ra pháp trường “như thể đi đến một tiệc cưới”. Đây là niềm vui của đời Kitô hữu.

Bình an, tình yêu và niềm vui, ba từ mà Chúa Giêsu luôn nhắc chúng ta. Ai cho chúng ta sự bình an, tình yêu và niềm vui này? Đó là Chúa Thánh Thần.

“Có một sự quên lãng to lớn trong cuộc sống của chúng ta! Tôi muốn hỏi các bạn rằng: Bạn đã cầu nguyện với Chúa Thánh Thần được bao nhiêu lần trong ngày? Ngài đã bị quên lãng rồi ư! Ngài là món quà, quà tặng bình an cho chúng ta. Ngài dạy chúng ta yêu thương và đổ tràn niềm vui cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, Đấng Bảo Vệ chúng ta: Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Chúa Thánh Thần luôn mãi. Xin Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết yêu thương, ban cho chúng ta tràn ngập niềm vui và sự bình an trên chúng ta luôn mãi.”

4. Thánh Thần ban cho chúng ta một con tim kiên định

Kitô hữu cần phải có một con tim kiên định vào Chúa Thánh Thần, không phải là một con tim hay thay đổi, nhảy múa từ nơi này đến nơi khác. Đây là thông điệp Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ngày 19 tháng 05 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha tập trung bài giảng về Thánh Phaolô, người đã liên tục rao giảng Tin Mừng với con tim kiên định trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta đang mang loại con tim nào đây? Đó là câu hỏi chính của Đức Thánh Cha trong bài giảng dựa vào bài đọc trích từ sách Công Vụ Tông Đồ (x.14,5-18), nói về việc dấn thân truyền giáo của Thánh Phaolô, “con tim kiên định trong hoạt động”.

Vị Tông Đồ dân Ngoại đã là một chướng ngại, mà người ta phải tìm cách giết ngài, nhưng ngài vẫn không phàn nàn, lo lắng. Ngài tiến về phía trước để đến rao giảng Tin Mừng trong vùng Lycaonia và trong danh Thiên Chúa, ngài chữa lành một người bại liệt. Khi chứng kiến phép lạ này, dân ngoại nghĩ Phaolô và Banaba là những vị thần linh giáng lâm giống các vị thần Zeus và Hermes.

Phaolô “đấu tranh để thuyết phục họ rằng các ngài là những người con người,” Đức Thánh Cha nói thêm rằng đó là “những thử thách nhân loại mà Thánh Phaolô đã trải nghiệm”.

Chúng ta có thể gặp rất nhiều những điều tương tự như vậy, tất cả chúng ta bị bao vây bởi nhiều sự kiện khiến chúng ta dao động. Chúng ta hãy xin ơn để có một con tim kiên định, giống như Phaolô, nhờ vậy chúng ta sẽ không than phiền trước các cuộc bách hại .

Đức Thánh Cha nói:

“Ngài đã đến thành phố khác. Ngài bắt đầu rao giảng ở đó, thấy ai có đủ đức tin, ngài chữa lành bệnh cho họ. Ngài bình tĩnh trước sự phấn khởi của dân chúng, những người muốn tôn ngài lên làm thần linh, sau đó bằng ngôn ngữ văn hóa riêng của họ, ngài công bố rằng chỉ có duy mình Thiên Chúa là Thần. Điều này chỉ có được từ một con tim kiên định.”

Đức Thánh Cha hỏi: “Nhờ đâu mà con tim Thánh Phaolô kiên định trong nhiều tình huống tương tự như vậy?” Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Chúa Cha sẽ gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, “Ngài sẽ dạy cho chúng ta tất cả mọi thứ” và “nhắc nhở chúng ta tất cả mọi thứ mà Chúa Giêsu đã nói”.

Con tim của Thánh Phaolô “là kiên định trong Chúa Thánh Thần”, điều này “là món quà mà Chúa Giêsu đã gửi cho chúng ta”. Để có được sự ổn định trong cuộc sống, chúng ta phải đến với Ngài. Ngài ở trong tâm hồn của chúng ta, chúng ta đã nhận được Ngài nhờ Bí Tích Rửa Tội. Chúa Thánh Thần “ban cho chúng ta sức mạnh, cho chúng ta sự vững chắc này để có thể tiến về phía trước trong cuộc sống với nhiều thách đố”.

Chúa Giêsu đã chỉ ra “hai điều” nơi Chúa Thánh Thần: “Ngài sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ nhắc nhở anh em về tất cả mọi thứ”. Điều bảo đảm này đã xảy ra nơi Thánh Phaolô: “Ngài dạy dỗ và nhắc nhở Phaolô” về “sứ điệp cứu độ”. Một con tim kiên định là điều mà Chúa Thánh Thần ban cho thánh nhân.

“Trước sự kiện này trong sách Công Vụ Tông đồ, chúng ta có thể tự hỏi mình ngày hôm nay: Những loại con tim nào mà chúng ta đang mang? Có phải là một con tim hay thay đổi, nhảy múa như một vũ công, như một con bướm chập chờn, bay từ nơi này đến nơi khác … luôn luôn dao động; Có phải là một con tim đang sợ hãi bởi sự thăng trầm, thịnh suy của cuộc sống xã hội? Có phải là một con tim run sợ phải làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô; Có phải là một con tim dũng cảm hay một con tim có quá nhiều nỗi sợ hãi và luôn luôn lẩn tránh? Con tim chúng ta là loại nào? Con tim của chúng ta có kiên định trước các thụ tạo khác không? Có dám vượt lên trên những vấn đề thách đố không? Con tim của chúng ta có kiên định trước các ngẫu tượng ngày nay không? Con tim chúng ta có kiên định trong Chúa Thánh Thần không?”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sẽ là hữu ích cho chúng ta khi đặt câu hỏi này: “Đâu là sự kiên định nơi con tim chúng ta” và chúng ta hãy tự hỏi trong nhiều cảnh huống hằng ngày khi chúng ta ở nhà, tại nơi làm việc, với con cái, với những người sống chung quanh, với các đồng nghiệp, với tất cả mọi người gặp gỡ rằng: “Hãy để tôi mang đi những khó khăn, những vấn đề phải đối mặt bằng một con tim kiên định vì tôi biết phải làm gì?” Điều này chỉ có được nơi những ai được Chúa Thánh Thần ban cho một con tim kiên định. Thật hữu ích khi chúng ta có được món quà lớn lao này là Chúa Giêsu gởi Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Thần Khí dũng cảm, mưu lược, Người sẽ giúp chúng ta tiến lên phía trước đối diện với những thử thách hằng ngày.

“Chúng ta nên thực hành điều này ngay hôm nay, khi tử hỏi xem con tim của chúng ta là gì: Kiên định hay không kiên định? Và nếu nó kiên định là sự kiên định ở đâu? Có phải sự kiên định trong Chúa Thánh Thần không? Sẽ hữu ích cho chúng ta để thực hành điều này!”

5. Cha Pio Năm Dấu Thánh

Cha Pio Năm Dấu Thánh sinh ngày 23 tháng 05 năm 1887 tại Pietrelcina, thuôïc Tổng Giáo Phận Benevento, miền nam nước Ý. Cha được rửa tội ngày hôm sau và nhận tên thánh là Francesco. Francesco qua một thời thơ ấu và thiếu niên trong một môi trường bình thản, đơn sơ của vùng thôn quê: gia đình, nhà thờ, đồng ruộng và sau đó trường học. Năm 12 tuổi, Francesco lãnh bí tích Thêm Sức và rước lễ lần đầu.

Ngày 6 tháng Giêng năm 1903, lúc 16 tuổi, Francesco xin vào nhà tập các Cha Dòng Cappucins tại Morcone. Ngày 22 cũng tháng 5, Francesco mặc áo Dòng Phanxico và đổi tên là Pio. Qua những năm nhà tập, Thầy Pio được tuyên khấn tạm, và ngày 27 tháng Giêng năm 1907, Thầy được khấn trọn. Thụ phong Linh Mục ngày 10 tháng 8 năm 1910 tại Benevento. Vì sức khỏe yếu kém, Cha Pio được ở lại trong nhà Dòng cho tới năm 1916. Tháng 9 cũng 1916, Cha được sai đến hoạt động tông đồ tại San Giovanni Rotondo và ở lại đây trong vòng 52 năm trời (1916-1968) cho tới lúc qua đời. Năm 1918, các tín hữu nhận thấy những vết thương của Cuộc Tử Nạn Chúa và những đặc sủng khác nơi Cha Pio. Và các vết thương chân tay, tự nhiên biến mất, không để lại một vết tích nào, ngay sau khi cha qua đời. Một hiện tượng lạ lùng và gây nhiều ngạc nhiên.

Luôn luôn được thiêu đốt bởi lửa yêu mến đối với Chúa, với tha nhân, Cha Pio sống đầy đủ ơn gọi Linh Mục, mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn, để góp phần vào công việc cứu chuộc con người. Ngài thi hành sứ mệnh cứu chuộc nhân loại bằng ba phương thế sau đây: qua việc linh hướng để giúp các linh hồn nên thánh - qua bí tích hòa giải để đưa các người tội lỗi về với Chúa - và qua việc cử hành thánh lễ, để sống kết hợp với Chúa Giêsu hy sinh trên thánh giá. Các tiùn hữu tham dự, cảm thấy thánh lễ là tột điểm và là sự hoàn hảo của con đường tu đức của Cha Piô. Thánh lễ nhiều lúc kéo dài từng hai, ba tiếng đồng hồ.

Về phương diện xã hội, Cha Pio dấn thân rất nhiều để làm giảm bớt những đau khổ, những cảnh cùng cực của nhiều gia đình, cách riêng ngài quyết định thành lập "Nhà nâng đỡ sự đau khổ" (Casa del Sollievo della sofferenza), tức bệnh viện San Giovanni Rotondo hiện nay. Công việc xây cất bệnh viện nầy được hoàn thành và được khánh thành ngày 5 tháng 05 năm 1956. Ðây là một trong các bệnh viện lớn nhất và nổi tiếng nhất tại nước Ý, do Tòa Thánh quản trị. Về phương diện thiêng liêng, Cha Pio thành lập các nhóm cầu nguyện và được ngài gọi là "vườn gieo đức tin và tổ ấm tình yêu". Ðức Phaolô VI gọi các nhóm cầu nguyện này là: Phong trào lớn lao của những người cầu nguyện. Hiện nay trên cả thế giới có tới gần 3 ngàn nhóm cầu nguyện liên lỉ như vậy.

Từ nhỏ, sức khỏe của Cha Pio vốn yếu kém; nhất là về những năm sau cùng cuộc đời, sức khỏe bị suy giảm rất nhanh chóng. Sau nhiều đau khổ và hoạt động tông đồ, ngài qua đời ngày 23.09.1968, thọ 81 tuổi. Số người dự lễ an táng Cha Pio thật đông không thể tính được. Cha Pio đã lừng danh trên cả thế giới về sự thánh thiện ngay từ lúc còn sống: sự thánh thiện không phải là điều được phú bẩm có sẵn, nhưng được xây dựng do các nhân đức, tinh thần cầu nguyện, do hy sinh và việc hiến toàn thân cho Chúa, cho Giáo Hội, cho các linh hồn. Sau khi qua đời, sự thánh thiện và những phép lạ được nói đến mỗi ngày mỗi nhiều thêm mãi. Ðây là dấu chỉ cho biết rằng Thiên Chúa muốn muốn làm vinh danh Ðầy Tớ trung thành của Ngài trên thế giới này.

Ngày 29 tháng 09 năm 1982, Tòa Thánh đã cho phép xúc tiến công việc làm án phong Thánh cho cha Piô. Trước hết, Tòa án Giáo Phận Manfredonia khởi sự công việc từ năm 1983, và hoàn tất năm 1990. Ngày 7 tháng 12 năm 1990, tất cả các hồ sơ của Giáo Phận được chuyển về Bộ Phong Thánh ở Roma để cứu xét. Ngày 13 tháng 06 năm 1997, Bộ Phong Thánh triệu tập phiên họp riêng các nhà thần học cố vấn của Bộ để tham khảo. Ngày 21 tháng 10 cũng năm 1997, Phiên họp thường lệ của các Hồng Y và Giám Mục được triệu tập để quyết định. Ngày 18 tháng 12 năm đó với sự hiện diện của Ðức Thánh Cha , các Hồng Y và Giám Mục, và Bộ Phong Thánh, đã cho công bố Sắc Lệnh công nhận tính cách anh hùng các nhân đức của Cha Pio. Theo luật, để được tôn phong lên Bậc Chân Phước, cần có một phép lạ. Ban Cáo thỉnh của vụ làm án, đã trình lên Bộ Phong Thánh một sự kiện về việc được chữa lành lạ lùng do lời bầu cử của Ðầy Tớ Chúa, Cha Pio. Ngày 21 tháng 12 năm 1998, việc được khỏi bệnh cách lạ lùng này được công nhận như phép lạ. Và lễ nghi phong Chân Phước được ấn định vào ngày 2 tháng 05 năm 1999. Khi vừa loan tin về việc phong Chân Phước cho Cha Pio, các chuông trên tháp các nhà thờ tại San Giovanni Rotondo đều vang lên chào mừng, biểu lộ niềm hân hoan và khoảng 70 ngàn người tụ họp, để tham dự thánh lễ tạ ơn do chính Ðức Giám Mục giáo phận chủ sự.

Ngày 16 tháng 6 năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài. Lễ Phong Hiển Thánh của Cha Pio thu hút một đám đông biển người. Ước tính của Ban tổ chức và của giới báo chí, con số tham dự trên dưới 300 ngàn. Nhưng con số này cao hơn nhiều và có lẽ không ai có thể biết rõ được bao nhiêu. Tất cả Quảng trường Thánh Phêrô, Ðại Lộ Hòa Giải, Quảng Trường Pia (trước Ðài Phát thanh Vatican), Quảng trường Adriana (kế bên Ðền Thiên Thần, cuối Ðại Lộ Hòa Giải, Ðại Lộ Porta Angelica và Quảng trường Risorgimento... đều bị các đoàn hành hương chiếm. Thậm chí nhiều người có vé với chỗ ngồi cũng không thể vào được. Nhiều người hành hương đến từ nơi xa (Pháp, Hoa kỳ, Brazil, Argentina v.v...), dù có vé tốt và mang phù hiệu của Lễ Phong Thánh, cũng phải rút lui trở lại nhà, để theo dõi Thánh lễ qua đài truyền hình, được tiếp vận với 10 nước khác nhau. Ðài truyền hình cho thấy nhiều người ngủ đêm tại chỗ, hoặc đến chiếm chỗ từ sáng sớm lúc 5 giờ sáng. Những người có vé, nếu đến chậm vào lúc 7 giờ sáng, không thể vào được khu vực đã chỉ định. 16 chuyến xe lửa đặc biệt, hơn 3 ngàn xe ca chở các đoàn hành hương, không kể những người đến bằng máy bay, các phương tiện riêng và những người đi bộ ... từ các ngả đường khác nhau tuốn về Roma.