BẢY DẤU ẤN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT:

Mở đầu Sứ điệp Phục Sinh 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc lại lời thiên thần nói với các bà đến thăm mộ Chúa: “Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Chúa Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống lại… Các bà hãy đến xem chỗ Người đã nằm” (Mt 28,5-6). Từ đó, ĐTC nhấn mạnh: “Đây là đỉnh cao của Phúc Âm, là Tin vui tuyệt hảo: Chúa Giê-su, Đấng chịu đóng đinh, đã sống lại! Biến cố này là nền tảng của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta: nếu Chúa Ki-tô không sống lại, Ki-tô giáo chẳng còn ý nghĩa; toàn bộ sứ mệnh của Giáo Hội sẽ mất hết động lực, bởi vì Giáo Hội đã khởi đầu từ đó và luôn bắt đầu lại từ đó. Sứ điệp mà các Ki-tô hữu mang đến cho thế giới này là: Chúa Giê-su, Tình yêu nhập thể, đã chết trên thập giá vì tội chúng ta, nhưng Thiên Chúa Cha đã cho Người sống lại và đặt Người làm Chúa của sự sống và cái chết. Trong Chúa Giê-su, tình yêu đã chiến thắng hận thù, lòng thương xót chiến thắng tội lỗi, sự thiện chiến thắng sự dữ, sự thật chiến thắng dối trá, sự sống chiến thắng sự chết.”

Bao nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ Thiên Chúa Tình Yêu giàu lòng thương xót nhân loại như thế nào. Xin cùng nhìn lại giờ phút cuối cùng trên thập tự giá, Chúa Giê-su đã ban 7 lời cuối thể hiện tình yêu vô lượng của Thiên Chúa. Suy niệm 7 lời cuối của Đức Giê-su, thấy rõ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho loài người là vô cùng vô tận, và vì thế có thể coi đó là 7 DẤU ẤN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

† Dấu ấn 1- “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).

Lề luật của Do-thái quy định: “Luật báo phục tương xứng: Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” (Đnl 19:21); “Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Xh 21, 23-24). Chiếu theo Lề luật đó, thì những kẻ sỉ nhục, nhạo báng, đóng đinh giết Chúa Giê-su, cũng phải chịu sự báo phục tương xứng. Và khi Chúa tử nạn, thì đám người đó cũng phải chết theo.

Bước sang thời Tân Ước, chính Chúa Giê-su cũng cho biết ngày cánh chung (Mt 25, 31-46) Con Người sẽ ngự đến, “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.” (Mt 25, 32-33). Chiếu theo sự phân xử đó, thì chắc chắn đám người đã đóng đinh, sỉ nhục, nhạo báng Đức Giê-su, sẽ phải đứng ở bên trái Người và rất đáng được Đức Vua (Quan Tòa Chung Thẩm) kết án: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.” Vậy mà Đức Vua Giê-su trên thánh giá đã không xử như thế, trái lại còn cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Như vậy thì phải hiểu vấn đề như thế nào?

Thực ra Lời tiên báo về ngày tận thế chỉ là lời cảnh báo cho người tín hữu biết mà lo “làm lành, lánh dữ” trước khi đã quá muộn. Chỉ những kẻ cố tình phạm tội mới bị kết án. Lời Chúa xin tha tội cho những kẻ đã đóng đinh Người trên thập giá, đã chứng minh điều đó (“vì chúng không biết việc chúng làm”, tức là không cố ý phạm tội). Cũng chính Đức Giê-su đã khẳng định: ”Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (Lc 12, 19). Một cách cụ thể thì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là vô lượng, vô biên. Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi xúc phạm đến Chúa, nên Người đã ban Thánh Thần soi sáng và thêm sức mạnh để ăn năn sám hối. Tuy nhiên nếu đã biết đó là tội mà còn cố tình phạm tội (tức là xúc phạm đến Chúa Thánh Thần) thì tất nhiên án phạt thích đáng là không tránh khỏi.

Sách Giáo lý HTCG (số 1864) giải thích rõ: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm thượng đến Thần Khí sẽ chẳng được tha" (Mt 12, 31; Mc 3, 29; Lc 12, 10). Lòng Thiên Chúa thương xót không có giới hạn, nhưng ai cố tình không hối cải và khước từ Lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho. Lòng chai dạ đá như thế có thể đưa tới chỗ không hối cải trong giờ sau hết và phải hư mất đời đời.”

Suy niệm Lời cuối thứ nhất của Đức Giê-su khi bước vào đỉnh điểm của cuộc Thương Khó, thì thấy đó chính là một dấu ấn đậm nét về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Điều đó nhắc nhở người Ki-tô hữu hãy tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, mọi tội lỗi đã mắc phạm sẽ được tha hết, nếu biết ăn năn dốc lòng chừa. Nhưng cũng đừng vì thế mà ỷ lại rồi khất lần “để đến ngày mai sẽ tính”, bởi ngày Đấng Xét Xử Công Chính sẽ đến như kẻ trộm, “vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12, 40). Nhà “phù thủy tin học” Steve Jobs, giám đôc điều hành công ty máy tính Apple, trước khi chết, đã để lại một lời khuyên mà ông vẫn coi là một châm ngôn: “Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời”. Ông giải thích: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, đến lúc nào đó bạn sẽ tin tưởng rằng mọi điều bạn làm đã đúng”. Như vậy thì người Ki-tô hữu đừng để đến ngày mai những việc mà hôm nay có thể làm được, nhất là việc sám hối để canh tân con người và đời sống của mình.

† Dấu ấn 2- “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta.” (Lc 23, 43).

Từ Lời cuối thứ nhất có thể suy ra Lời cuối thứ hai (“Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta.” – Lc 23, 43). Đến những kẻ đã đóng đinh và giết Đức Giê-su, mà Người còn xin Chúa Cha tha cho chúng, thì những người tội lỗi đầy mình (như 2 tên trộm) Chúa cũng không chấp tội. Duy chỉ có điều là người phạm tội phải biết ăn năn, nếu muốn được tha tội. Cuộc đối thoại giữa hai tên trộm với nhau và với Chúa Giê-su đã nói rõ về điều này: “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc 23, 39-43).

Sự kiện này gợi nhớ lại khi còn đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã bị bọn kinh sư và Pha-ri-sêu phê phán: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." (Lc 15, 2). Họ còn “lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?", khiến “Đức Giê-su đáp lại họ rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5, 30-32). Sứ vụ của Đức Giê-su là xuống trần gánh lấy tội lỗi của loài người, chịu khổ hình và chịu chết để giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Duy chỉ có điều loài người tội lỗi có nhìn ra con người thật của mình không và từ đó ăn năn sám hối, như người trộm lành để được hưởng ơn cứu độ. Đó mới thực sự là chân lý, là cứu cánh cho cuộc sống chan đầy tội lỗi của nhân trần.

Thêm một dấu ấn minh chứng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người tín hữu hãy nhìn cho rõ hình ảnh 2 tên trộm cướp, để thấy được rằng là con người thì ai ai cũng có tội. Vậy thì hãy từ bỏ ngay cái thói kiêu căng hợm hĩnh của tên trộm dữ, mà kiên quyết học theo người trộm lành, dốc một lòng tin tưởng vào Đấng Cứu Độ đã chịu khổ hình vì tội lỗi của nhân loại. Nhiên hậu hãy tha thiết cầu xin Người, như người trộm lành năm xưa: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhớ đến con, xin cứu con khỏi án phạt đời đời, để con được vào Nước của Ngài”.

† Dấu ấn 3- “Thưa Bà, đây là con Bà, này con, đây là Mẹ của con.” (Ga 19, 27)

Người Mẹ nào mà không đau khổ khi mất con, nhất là Người Con đó hoàn toàn vô tội mà bị xử tử bằng khổ hình ô nhục. Hiểu được nỗi đau khổ đó của Đức Mẹ, nên Chúa mới trao phó thánh Gio-an cho Đức Mẹ như một nguồn an ủi cho nỗi đau đứt ruột của Người Mẹ mất đi Người Con duy nhất. Đến như thánh Gio-an và nói chung là các môn đệ, trước khổ nạn thập hình của Thầy, tất cả đều như đám gà con mất mẹ. Đức Giê-su đã trao phó các môn đệ của mình cho Mẹ của Người là để các môn đệ có nơi nương tựa, có người chăm sóc. Đó mới chỉ là nhìn theo nhân sinh quan, nhưng cao hơn một bậc, nhìn theo nhãn quan siêu hình học, thì sẽ thấy Lời trao phó này còn hàm nghĩa sâu rộng hơn nhiều: Đức Giê-su trước khi về cùng Chúa Cha, Người đã lo cho Hội Thánh mà Người thiết lập, và trao phó cho Đức Mẹ giữ gìn chăm sóc. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, trao cho Mẹ thiên chức Mẹ Giáo Hội của Thiên Chúa thì còn gì chuẩn xác hơn?

Nhờ thế, các Tông đồ “đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.” (Cv 1, 14). Cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần thì hoa trái của sự cầu nguyện giữa Mẹ và các con đã hiển hiên: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2, 1-4). Nếu không nhờ dấu ấn đặc biệt này (trao Đức Mẹ cho thánh Gio-an và phó thác thánh Gio-an cho Đức Mẹ), thì thử hỏi chỉ với 12 vị Tông đồ tiên khởi (đã chọn ông Mat-thi-a thay thế Giu-đa It-ca-ri-ốt – Cv 1, 15-26), Giáo Hội có thể phát triển vượt bậc được như ngày nay không?

Khi Đức Giê-su trao Đức Mẹ cho thánh Gio-an và phó thác thánh Gio-an cho Đức Mẹ, thì cũng có nghĩa Người muốn cho người tín hữu thấy được chỉ có Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa mới đủ sức chở che, dẫn dắt đàn con cái trên hành trình tiến về quê Trời vĩnh cửu. Một cách cụ thể, Đức Giê-su muốn dạy các môn đệ phải hiểu và thực hành cho được châm ngôn sống: “Nhờ Mẹ, đến với Chúa – Ad Jesum per Mariam”. Lời Đức Giê-su dạy khi còn rao giảng Tin Mừng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 5); mà muốn đến với Thầy để có thể làm được những việc Thầy trao phó, thì rất cần phải có Cây Cầu Nối, Đấng Trung Gian, đó chính là Đức Mẹ, không thể khác hơn. Hiểu được như vậy thì tại sao người Ki-tô hữu không hiệp nhất với nhau và với Giáo Hội “rước Đức Mẹ về nhà mình” (Ga 19, 27) như thánh Gio-an thủa xưa?

† Dấu ấn 4- “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34).

Chúa chịu đựng mọi sự sỉ nhục của đám đông, sự bỏ rơi của các môn đệ và cả sự nhạo cười của những kẻ cùng bị đóng đinh với Ngườị. Trong khi đó, thì lại không thấy Chúa Cha hiện ra như khi Đức Ki-tô chịu phép rửa trên sông Gio-đan (Mt 3, 13-17), hay khi Người cầu nguyện trên núi Ta-bo (Lc 9, 28-36). Sự kiện này gợi nhớ đến lần cầu nguyện trên núi Cây Dầu (vườn Ghết-sê-ma-ni), Đức Ki-tô cũng đã lo lằng đến độ đổ cả mồ hôi máu ra và cầu xin “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26, 39). Mới chỉ nghĩ tới thôi mà đã lo lắng như thế, thì giờ đây trực tiếp uống “chén đắng” làm sao tránh khỏi ưu phiền tuyệt vọng và vì thế Chúa mới than thở gần như trách móc: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?".

Lời than thở này phản ánh đúng thực chất bản tính loài người. Thực vậy, Chúa Giê-su “đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Hiến chế “Mục Vụ về Giáo Hội – Gaudium et Spes”, số 22). Có một câu hỏi được đặt ra: “Đức Giê-su Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người, chịu khổ hình và chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Như vậy thì tại sao Người còn than thở gần như trách móc Chúa Cha như vậy?” Như đã phân tích, Chúa Giê-su Nhập Thể “đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người”, nên tới giờ phút lên đến đỉnh điểm của sự cô đơn tuyệt vọng, Người than thở như vậy cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, ngay sau đó, bản tính Thiên Chúa lại nhắc nhở đến sứ mệnh của Người. Và Đức Giê-su tiếp tục “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 8).

Tuy đây là Lời Đức Giê-su than thở cùng Đức Chúa Cha xuất phát từ nhân tính của Người; nhưng nếu nhìn vào thiên tính sẽ thấy Đức Giê-su đã “vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập tự”, thì chẳng lẽ công trình cứu chuộc nhân loại sẽ trở nên vô ích vì bị Chúa Cha “bỏ rơi” sao? Lại thêm một dấu ấn sáng ngời cho Lòng Chúa Thương Xót (Đức Ki-tô đã hấp hối mà vẫn không quên sứ vụ trọng đại mà Chúa Cha trao phó). Người Ki-tô hữu cần khắc sâu trong tâm khảm dấu ân trọng đại này, bởi không thể có sự kiện “Chúa Cha bỏ rơi Người Con” và vì thế Người Con Cả (Trưởng Tử Giê-su) tất nhiên cũng không quên đàn em thơ dại và yếu ớt, nên đã trao phó cho Mẹ Người chăm sóc. Hai dấu ấn 3 và 4 như một hệ luận tất yếu minh nhiên Lòng Chúa Thương Xót.

† Dấu ấn 5- “Ta khát!” (Ga 19, 28).

Cái khát của Chúa Giê-su là hậu quả đau đớn của cực hình trên thập giá. Khi trình thuật sự kiện này, Thánh sử Gio-an viết: “Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát!" (Ga 19, 28). Thánh Gio-an nghĩ rằng cái khát của Chúa Giê-su đã đưa lên tột đỉnh ý nghiã của Kinh Thánh, đúng như Lời Chúa hằng nhấn mạnh: Tất cả mọi việc diễn ra trong công trình cứu độ dều “ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Lc 4, 21; Ga 19, 24.28.36-37). Thực vậy, Lời Chúa Giê-su đã gợi đến lời than trong Thánh Vịnh 69, trong đó tác giả là người “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân”. Tác giả nói rất rõ bị người đời thóa mạ, ruồng bỏ, đến độ “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua.” (Tv 69, 22). Sau khi nói “Ta khát” thì quả thực đám đông đã làm đúng như lời Thánh vịnh đã tiên báo: “Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.” (Ga 19, 29).

Đó là nói về tất cả sự kiện diễn ra trên Núi Sọ đều ứng nghiệm Lời Kinh Thánh. Tuy nhiên, ngoài cái khát thể lý ra, Đức Giê-su trước khi chấm dứt sứ vụ tại trần gian để trở về cùng Chúa Cha, thì Người còn một cơn khát tinh thần luôn bốc lửa trong Thánh Tâm Người: Ấy chính là cơn khát lo cho Giáo Hội (mà Người đã khai sinh) được no thỏa hồng ân, vững bước trên hành trình đem hoa trái Tình Yêu Cứu Độ đến cho “mọi loài thụ tạo”. Loài người đã đáp ứng cái khát thể lý của Đức Giê-su bằng giấm chua, mật đắng (sỉ nhục, nhạo cười, đóng đinh, đưa giấm cho Người uống), thì cũng chẳng khác đáp ửng cái khát tinh thần của Chúa bằng tội lỗi ngập đầu và sự chết đời đời.

Lời Chúa “Ta khát” rất cần phải được in dấu ấn thật sâu đậm trong tâm khảm mỗi tín hữu Ki-tô giáo. Chúa Giê-su đã khao khát cho dân Người được hưởng đầy đủ Lòng Chúa Thương Xót trong mọi tình huống cuộc đời trần thế (cả tinh thần lẫn vật chất). Vậy thì xin hãy khao khát được tin nghe và thực hành liên lỉ Lời Chúa, để đáp ứng cơn khát của bản thân cũng như của anh em xa gần.

† Dấu ấn 6- “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30).

Lời Chúa “Mọi sự đã hoàn tất” cho biết công trình của Chúa Giê-su "đã hoàn tất" theo nghĩa không còn gì để làm thêm nữa, đã chấm dứt. Đồng thời cũng hàm chứa ý nghịa là một "chung kết" theo nghĩa là "cùng đích" của tất cả những gì Lời Chúa đã tiên báo: hy vọng của Kinh Thánh về một Đấng Cứu Chuộc đã được đáp ứng tận tình. Rõ ràng sứ vụ Chúa Cha trao phó đã được Chúa Giê-su thực hiện hoàn hảo. Giờ phút cuối cùng trước khi trở về cùng Chúa Cha, Đức Giê-su đã nói lời này với chính mình, đồng thời cũng cho mọi người biết Người đã hoàn tất sứ vụ. Tuy nhiên, Đức Giê-su có chấm dứt hoàn toàn mối bận tâm về hành trình cứu độ nhân loại hay không, thì lại là chuyện khác.

Thật vậy, sau khi Đức Giê-su phán: “Mọi sự đã hoàn tất”, Thánh sử Gio-an ghi: “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”, trong khi Thánh Mat-thêu ghi: “trút linh hồn”, còn Thánh Lu-ca và Mac-cô đều ghi là “Người tắt thở”. Điều này cho thấy Thánh sử Gio-an – nhờ được Thần Khí mạc khải – đã có ngụ ý riêng: Nếu chỉ là trút hơi thở cuối cùng thì ghi như Thánh Mat-thêu, Lu-ca, Mac-cô là đủ; nhưng ở đây Thánh Gio-an còn muốn người đọc (các tín hữu) hiểu sâu hơn và xa hơn: Tới giờ phút cuối cùng của cuộc sống trần thế, trước khi trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giê-su vẫn còn lưu tâm tới điều Người đã truyền (Lời thứ ba): “Thưa Bà, đây là con Bà, này con, đây là Mẹ con” (Ga 19, 27). Mà vì thế nên “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”. Đó chính là: Người đã trao phó Chúa Thánh Linh (Thần Khí) cho Đức Mẹ và Giáo Hội mà Thánh Gio-an là đại diện trong giờ phút cực trọng này.

Một cách cụ thể thì Lời Chúa “Mọi sự đã hoàn tất” chỉ là nói về sứ vụ của Người nơi trần thế đã xong, nhưng Lòng Thương Xót của Chúa vẫn trải dài trong không gian và thời gian, “trải qua đời nọ tới đời kia” cho đến thiên thu vạn đại. Và như thế, dấu ấn chung cuộc về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ không bao giờ phai lạt, dù cho có thiên binh vạn mã của sự dữ, của Sa-tan cũng không xóa mờ được.

† Dấu ấn 7- “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46)

Thời điểm nghiêm trọng đã điểm: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.” Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.” (Lc 23, 44-46). Lời cuối cùng và cũng là dấu ấn đậm nét nhất của Đức Giê-su trên thánh giá (“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”), chính là một lời kinh nguyện quen thuộc của người Do-thái trích dẫn từ cuốn Thánh Vịnh (xc Tv 31, số 6). Điều đó cho thấy Chúa Giê-su luôn kết hợp với dân Người, và bày tỏ sự cậy trông nơi Chúa Cha bằng những lời mà tất cả mọi người có thể hiểu được dễ dàng.

Nếu chỉ nhìn vào Đức Giê-su với Lời cuối cùng này thì chỉ thấy lòng thương cảm trào dâng trước cảnh Người Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật phải chết trong ô nhục, cay đắng vì tội lỗi loài người. Tuy nhiên, mở rộng sụ quan sát ra toàn cảnh Núi Sọ, sẽ thấy ngoài quang cảnh thiên sầu địa thảm ra, còn có một cảnh tượng về con người: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Người này đích thực là người công chính!" Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về. Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy.” (Lc 23, 47-49). Đó là những nhân chứng đầu tiên cho vinh quang Thập Giá. Nói khác hơn đó là những hoa quả đầu mùa của Lòng Chúa Thương Xót tuôn trào nhựa sống từ Cây Nho Giê-su Ki-tô vậy.

Khoảng 10 ngày sau, thì hiện thực diễn ra đúng như Lời hứa trao Thần Khí của Chúa Giê-su: “Vào ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2, 1-4). Hoa trái của Cây Nho Giê-su thật sự nở rộ “Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.” Cộng đoàn tín hữu đầu tiên hình thành “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.” (Cv 2, 41-43). Và cho đến ngày nay thì Giáo Hội vì luôn được “tràn đầy ơn Thánh Thần” phát triển vượt bậc tới năm châu bốn biển, cũng là nhờ Đấng Cứu Độ đã “trao Thần Khí” vậy.

KẾT LUẬN:

Bảy Lời cuối của Đức Giê-su Ki-tô trên thập giá, như bảy dấu ấn về Lòng Thương Xót Chúa dành cho Giáo Hội và nói chung là toàn thể nhân loại. Tuy là Lời Chúa Giê-su dành cho loài người, nhưng phải hiểu đây chính là “ấn tín” Chúa Thánh Thần đóng trên mỗi Ki-tô hữu. Sách Giáo lý HTCG (số 698) đã cho biết định nghĩa về “Ấn tín”: “Ấn tín là biểu tượng gắn liền với biểu tượng “xức dầu”. Thật vậy, chính "Thiên Chúa đã đóng ấn xác nhận" (Ga 6, 27) Ðức Ki-tô và cũng đã đóng ấn Thánh Thần trên chúng ta trong Con của Người. (2Cr 1, 22; Ep 1, 13; 4, 30)”.

Người Ki-tô hữu ngày hôm nay hãy cầu xin Đức Giê-su Thiên Chúa cho thông hiểu về những dấu ấn quan trọng này, bởi chính “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, số 105). Ôi! Lạy Chúa Giê-su, xin cho sứ điệp của Chúa qua bẩy lời cuối cùng trên thập giá, như bảy dấu ấn khắc sâu vào tâm khảm chúng con. Cúi xin Chúa ban Thần Khi cho chúng con để chúng con hiểu rằng chính 7 dấu ấn Lòng Chúa Thương Xót sẽ đem lại cho chúng con niềm hy vọng vững vàng. Ôi! Lạy Chúa! Xin ban đức tin cho chúng con, bởi đức tin chính là niềm hy vọng vào Ơn Cứu Chuộc của Chúa (*). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Chú thích: (*) xc. Thông điệp “Spe Salvi – Đức Tin là Hy vọng” (số 2)