□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Ngôi Mộ Trống



Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng tinh sương của ngày thứ nhất trong tuần. Những người phụ nữ đi tới mộ, và họ bàng hoàng kinh ngạc khám phá ra tảng đá che cửa ngôi mộ đá bị đẩy sang một bên. Maria Mađalêna hốt hoảng chạy về nói với Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến, “Người ta đã lấy mất xác Thầy rồi” (Gioan 20:1-2). Phêrô và người môn đệ chạy tới ngôi mộ, nhưng họ cũng không khám phá ra điều gì khác hơn ngoài ngôi mộ trống.

Nếu Đức Giêsu chết đi nhưng Ngài không sống lại, chắc chắn Kitô giáo đã không xuất hiện. Bởi thế trong lá thư thứ nhất gửi tín hữu thành Côrintô,[1] Phaolô nói, “Nếu Ðức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta thật là hão huyền…[và] chúng ta là những kẻ đáng tội nghiệp” (1Cor 15:1-20). Nhưng có ai trong chúng ta, ngoại trừ Phaolô, và một số tín hữu thời tiên khởi đã thật sự chứng kiến, đối mặt, và đối thoại với Ðức Kitô Phục Sinh. Dựa vào niềm tin của những nhân chứng đặc biệt này, chúng ta tin theo rằng Đức Giêsu đã chết đi nhưng đã sống lại.

Bởi chúng ta chưa bao giờ gặp gỡ Đức Kitô, bởi chúng ta chỉ tin theo, có bao giờ bạn thắc mắc, đặt nghi vấn, hay là nghi ngờ về tính trung thực của câu chuyện Phục Sinh chưa? Ai biết đâu Giáo Hội tiên khởi đã đạo diễn dàn dựng nên một khúc phim Phục Sinh tuyệt vời, và mọi người tín hữu thời đó đã vô tình nhắm mắt, ngớ ngẩn tin theo. Cho nên trong bài tham khảo này, chúng ta sẽ cùng nhau khăn gói lên đường, đi ngược lại khoảng 2000 năm về trước để làm sáng tỏ hai vấn đề,

(1). Chuyện gì đã xảy ra vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên bên ngôi mộ đá?

(2). Tính trung thực của những câu chuyện Phục Sinh.

I. Thứ Sáu, Thứ Bẩy

Thứ Sáu của ngày hôm đó có lẽ là thứ Sáu của ngày 14 tháng 4 năm 30. Khoảng giữa trưa mây đen kéo đến che phủ bầu trời kinh thành Giêrusalem. Vào lúc 3 giờ chiều sau khi kêu lớn tiếng, “Lạy Chúa, Lạy Chúa con, sao Ngài bỏ rơi con”? (Máccô 15:34), Đức Giêsu nhắm mắt lại, chết đi.

Không giống như chúng ta, một ngày mới của người Do Thái bắt đầu khi mặt trời lặn hay là 6 giờ chiều. Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu. Nếu vậy chỉ còn ba tiếng nữa, ngày thứ Bẩy, ngày Sabát/ngày Hưu Lễ của người Do Thái bắt đầu. Ngày Hưu Lễ là ngày kiêng việc xác; nếu vậy, chỉ còn ba tiếng nữa xác Đức Giêsu phải được mang xuống và chôn cất. Theo như thánh sử Máccô ông Giuse Arimáthêa, một người môn đệ của Đức Giêsu [2] và cũng là một trong bẩy mươi hai quan tòa của Hội Đồng Công Nghị Tối Cao của người Do Thái, tới gặp Quan Tổng Trấn Philatô xin được chôn cất Đức Giêsu. Quan Tổng Trấn đồng ý. Thi hài Đức Giêsu được mang xuống, cuốn trong khăn liệm, và chôn trong mộ đá. Trong khi ông Giuse lo việc tống táng, bà Maria Mađalêna và bà Maria, mẹ của ông Giacôbê và ông Giuse, cả hai cũng có mặt tại hiện trường. Sau những loay hoay với những thủ tục chôn cất, với những than khóc, với những sụt sùi, rồi cuối cùng ông Giuse Arimáthêa cũng phải lăn tảng đá che kín lại ngôi mộ. Trong thất vọng, buồn phiền, và tiếc nuối, mọi người đi về nhà của mình trước khi mặt trời lặn.

Ngày Sabát tới.

II. Chúa Nhật Phục Sinh

Sáng sớm của ngày đầu tuần, bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ của ông Giacôbê và ông Giuse, và bà Salômê dắt nhau đi tới ngôi mộ. Trên đường đi, họ nói với nhau,

— Ai sẽ đẩy tảng đá ra khỏi cửa mộ cho chúng ta đây?

Nhưng khi đi tới ngôi mộ, ba người phụ nữ giật mình nhận ra tảng đá lớn đã bị đẩy sang một bên.[3] Tiến vào bên trong, họ kinh ngạc nhìn thấy một người thanh niên mặc áo trắng ngồi bên phải [băng đá?], nhưng thi hài Đức Giêsu biến mất. Trước tình huống bất ngờ không dự liệu, cả ba giật mình, sợ hãi, bỏ chạy ra khỏi mộ (Máccô 16:1-8). Tin Mừng của thánh Máccô chấm dứt tại chương 16 câu 8. Phần còn lại, 16:9-20, không phải của ông nhưng do người khác viết thêm vào sau này. Do đó, nếu không có thánh sử Mátthêu, Luca, và Gioan, có lẽ chúng ta sẽ lúng túng, thắc mắc, không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra vào buổi sáng ngày hôm đó.

Theo như Mátthêu sáng hôm đó, bà Maria Mađalêna và bà Maria mẹ của ông Giacôbê và ông Giuse đi tới mộ. Khám phá ra ngôi mộ trống và sứ thần Thiên Chúa ngồi trên tảng đá che cửa mộ, họ sợ hãi bỏ chạy (Mátthêu 28:1-10).

Theo như Luca sáng hôm đó, bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ của ông Giacôbê, bà Gioanna, và một số người phụ nữ đi ra mộ. Họ thấy cửa ngôi mộ hé mở. Tiến vào bên trong, họ hoang mang kinh ngạc bởi những người đàn bà không thấy thi hài Đức Giêsu đâu hết. Còn đang phân vân sợ hãi, bỗng nhiên họ thấy hai người thanh niên mặc y phục sáng chói xuất hiện đứng bên cạnh. Những người đàn bà sợ hãi chạy về báo cho mười một môn đệ và những người khác câu chuyện lạ. Chỉ có một vài người trong đó có Phêrô tin vào lời nói của họ. Những người này chạy ra ngôi mộ. Nhưng rất tiếc họ cũng không khám phá ra điều gì khác hơn ngoại trừ ngôi mộ trống và khăn liệm Đức Giêsu (Luca 24:1-12, 24).

Theo như Gioan sáng hôm đó, bà Maria Mađalêna một mình đi ra mộ. Thấy tảng đá lăn ra khỏi cửa, bà chạy về thông báo cho Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến bản tin bất ngờ. Phêrô và người môn đệ cùng chạy ra tới ngôi mộ. Nhưng cả hai cũng không khám phá ra điều gì khác hơn ngoài những mảnh khăn liệm và khăn cuốn đầu của thi hài Đức Giêsu còn để lại trong ngôi mộ trống (Gioan 20:1-10).

Dựa vào bốn bản Tin Mừng vừa được trích dẫn ở trên, chúng ta có một bức tranh Phục Sinh tương đối đầy đủ như sau:

(1). Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, một số người phụ nữ mang dầu thơm đi tới ngôi mộ Đức Giêsu, bởi vào buổi chiều ngày thứ Sáu vừa qua, họ chỉ có khoảng trên dưới hai tiếng đồng hồ để tẩm liệm và chôn cất thi hài của Ngài;

(2). Trên đường đi, chợt nhớ đến tảng đá, những người phụ nữ lo lắng hỏi nhau làm sao mở được cửa mộ bây giờ. Nhưng thật là bất ngờ, khi tới nơi, họ thấy cửa mộ đã hé mở. Tiến vào bên trong, họ khám phá ra thi hài Đức Giêsu đã biến mất, nhưng khăn liệm còn để lại;

(3). Những người phụ nữ sợ hãi, chạy về nhà, sau khi được thiên sứ thông báo Tin Mừng Phục Sinh. Nhận được tin, Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến chạy ra ngôi mộ. Nhưng cả hai cũng không thấy điều gì khác hơn ngoài ngôi mộ trống và khăn liệm.

Dựa vào ba sự kiện trên đây và bốn bản Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta nhận ra một chi tiết khá lạ, đó là, bốn thánh sử không thống nhất với nhau, trong khi các ngài tường thuật lại những dữ kiện của biến cố Phục Sinh. Thí dụ, “Thật sự ra đã có bao nhiêu người phụ nữ đi tới ngôi mộ? Tên của họ là chi?” hoặc là, “Khi tới ngôi mộ, những người đàn bà đã gặp bao nhiêu sứ giả của trời cao? Họ gặp những sứ giả Phục Sinh ở bên ngoài hay ở bên trong ngôi mộ? Những người thanh niên này đứng hay ngồi?”

Tuy nhiên, tất cả bốn tác giả đều đồng ý với nhau về hai dữ kiện:

(1). Phụ nữ là những nhân chứng cho một biến cố vĩ đại chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nhân loại. Một trong những người này là bà Maria Mađalêna.

(2). Ngôi mộ Ðức Giêsu cuối cùng trở thành ngôi mộ trống. Thi hài của Ngài biến mất.

Hai dữ kiện này chính là hai sự kiện căn bản đã xảy ra vào buổi sáng của ngày Phục Sinh thứ nhất trong lịch sử của Kitô giáo.

Sau khi đã kiếm ra đáp số cho ẩn số (x) thứ nhất của bài tham khảo, “Chuyện gì đã xẩy ra vào buổi sáng sớm của ngày hôm đó?”, bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang đề tài thứ hai, đó là, “Tính trung thực của Tin Mừng Phục Sinh”.

III. Phụ Nữ, Nhân Chứng của Tin Mừng Phục Sinh

Đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều người nghi ngờ về tính trung thực của Tin Mừng Phục Sinh. Họ nghi ngờ Giáo Hội thời tiên khởi đã sáng tác ra câu chuyện vào một buổi sáng sớm tinh mơ mùa Xuân, những người phụ nữ dẫn nhau đi ra ngôi mộ để ướp xác Đức Giêsu. Điều nghi ngờ này hoàn toàn có lý, bởi ai biết đâu cả bốn thánh sử đã tưởng tượng, nói dối, rồi âm mưu với nhau dàn dựng nên bộ phim Phục Sinh dài một tập. Nhưng nếu đúng là như vậy, và nếu hiểu rõ về văn hóa và phong tục của người Do Thái, chúng ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra một điều rất khó để mà giải thích, đó là, Giáo Hội thời tiên khởi, gồm những người Do Thái, đã dùng phụ nữ để làm chứng nhân cho một biến cố Phục Sinh. Điều này vô cùng lạ lùng và khó hiểu, bởi vì phụ nữ Do Thái vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên bị đối xử như công dân hạng hai trong xã hội.

Tương tự như người Việt Nam, phụ nữ Do Thái tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tại gia tòng phụ? Người phụ nữ Do Thái trong gia đình phải phục tùng và vâng lời cha mẹ. Cha mẹ đặt đâu, con gái ngồi đó. Xuất giá tòng phu? Sau khi lập gia đình, người phụ nữ hoàn toàn thuộc về gia đình người chồng. Cơ nghiệp của phu quân chính là cơ nghiệp của riêng mình. Phu tử tòng tử? Nếu người chồng có mệnh hệ gì, người vợ phải phục tùng người con trai trưởng, bởi vì sau khi thân phụ qua đời, anh ta đã trở thành trụ cột chính trong gia đình.

Bởi chỗ đứng thấp kém của người phụ nữ, vào thời Ðức Giêsu không ai dùng đàn bà, con gái làm nhân chứng cho những tranh cãi kiện tụng trong tòa án, hay là bất cứ vấn đề gì. Đối với người Do Thái chứng từ của người phụ nữ hoàn toàn không có giá trị gì hết.

Hiểu rõ vị thế của người phụ nữ Do Thái trong xã hội vào thế kỷ thứ nhất, bạn sẽ ngạc nhiên vô cùng khi khám phá ra một hiện tượng lạ, đó là, cả bốn thánh sử đều dùng phụ nữ làm những nhân chứng cho một biến cố vĩ đại đã thay đổi bộ mặt của toàn thế giới. Thêm vào đó, Maria Mađalêna, người phụ nữ đứng đầu danh sách và được nhắc tới trong cả bốn bản Tin Mừng Phục Sinh, lại là một nhân vật, mà theo như Máccô diễn tả, bà đã được Đức Giêsu trục xuất ra khỏi người bẩy con quỷ (Máccô 16:9). Đây là một dữ kiện khá mất mặt cho Giáo Hội thời sơ khai. Chắc chắn những người lãnh đạo Do Thái chống đối Đức Giêsu đã bịt mũi cười khinh bỉ vào mặt Phaolô, Phêrô, và những người Kitô hữu thời tiên khởi mà nói, “Đúng là chuyện phường chèo”, khi biết rằng đàn bà phụ nữ là những nhân chứng cho một niềm tin về Đức Kitô Phục Sinh.

Tuy nhiên đối với chúng ta, những người tín hữu của thiên niên kỷ thứ ba, những sự kiện bất lợi và mất mặt của ngày xưa lại có giá trị rất cao về tính trung thực; bởi nếu cần phải đạo diễn cho câu chuyện Phục Sinh để mà lừa bịp những người chống đối, Giáo Hội gồm toàn những người Do Thái đã không ngớ ngẩn bắt đầu bộ phim Phục Sinh bằng những bước chân của người phụ nữ, nhưng là của Phêrô.

Phaolô và danh sách của những chứng nhân Phục Sinh trong lá thư gửi tín hữu thành Côrintô là một thí dụ cụ thể cho vấn đề chúng ta đang thảo luận, đó là, không ai lại dùng phụ nữ để làm nhân chứng cho đại Tin Mừng Phục Sinh. Khi nhắc tới tên của những người có diễm phúc được diện kiến với Đức Kitô, Phaolô không đả động hay nhắc nhở gì đến bất cứ tên tuổi của một người phụ nữ nào hết, kể cả Maria Mađalêna, người đứng đầu và xuất hiện trong cả bốn bản Tin Mừng Phục Sinh. Trong bản danh sách những nhân chứng Tin Mừng Phục Sinh của Phaolô, Phêrô đứng đầu, sau đó là nhóm Mười Hai, rồi tới hơn năm trăm người Kitô hữu (đàn ông), ông Giacôbê người anh họ của Đức Kitô tiếp theo sau, nối tiếp là các Tông Đồ, và sau cùng là Phaolô (1Cor 15:5-8). Tất cả những nhân vật nằm trong danh sách này đều là đàn ông.[4] Nhưng chúng ta biết, như đã được phân tích và trình bày ở trên (II. Chúa Nhật Phục Sinh), Phêrô không phải là nhân chứng Phục Sinh đầu tiên.

Cho nên, mặc dù vẫn còn tranh cãi với nhau về những sự kiện đã xảy ra chung quanh biến cố Phục Sinh, các thần học gia đều đồng ý với nhau về một điểm, vào buổi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, những người phụ nữ Do Thái đã dẫn nhau đi tới mộ, và họ là những nhân chứng đầu tiên cho đại Tin Mừng Phục Sinh.


IV. Ngôi Mộ Trống

Sau khi đã sáng tỏ về tính trung thực của những dữ kiện liên quan đến những chứng nhân Phục Sinh, bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau đi vào ngôi mộ của Đức Giêsu để giảo nghiệm, xem xét, và tìm hiểu coi có thật đúng là ngôi mộ đá đã trở nên ngôi mộ trống hay không?

A. Các Nhà Lãnh Đạo Do Thái và Ngôi Mộ Trống

Theo như Mátthêu, những người lãnh đạo Do Thái, trước hiện tượng ngôi mộ trống và thi hài Ðức Giêsu biến mất, đã cho những người lính La Mã một số tiền lớn để họ tung tin rằng “ban đêm trong khi chúng tôi đang ngủ, những người môn đệ của hắn đã tới lấy trộm xác” (Mátthêu 28:11-15).

Theo như Gioan, sau khi khám phá ra tảng đá lăn sang một bên, bà Maria Mađalêna chạy về báo tin, “Người ta đã cướp lấy thi hài của Thầy rồi” (Gioan 20:1-2).

Nếu Maria Mađalêna hay là Phaolô hay là Phêrô thông báo với mọi người rằng xác Ðức Giêsu đã biến mất, điều này cũng không đặc biệt và lý thú cho bằng nếu bản tin về ngôi mộ trống được thông báo và xác nhận bởi các nhà lãnh đạo Do Thái thù nghịch với Đức Kitô. Tin Mừng theo thánh Mátthêu 28:11-15 xác nhận một chi tiết khá lý thú, đó là, chính những người chống đối Ðức Giêsu cũng đã không hề phủ nhận, nhưng phải công nhận là ngôi mộ đá của Đức Giêsu, mặc dù đã được Quan Tổng Trấn Philatô sai người niêm phong đóng ấn, được quân lính La Mã binh khí ngập tới miệng canh phòng cẩn thận, đã trở thành ngôi mộ trống. Chứng từ của các nhà lãnh đạo Do Thái về tính trung thực của ngôi mộ trống của Đức Giêsu do đó trở thành một chứng từ với giá trị rất cao.

B. Thi Hài của Đức Giêsu Bị Đánh Cắp

Mà tại sao thi hài Đức Giêsu lại biến mất? Để giải thích cho hiện tượng ngôi mộ trống, dựa vào chứng từ của những thầy Thượng Tế (Mátthêu 28:11-15), có một số người đặt nghi vấn là những người môn đệ của Đức Giêsu, vào lúc ban đêm, đã lẻn tới, cậy nắp mộ, lấy mất xác, rồi phao tin đồn thất thiệt là Ngài sống lại. Nhưng giả thiết này cũng không đứng vững bởi hai dữ kiện liên quan đến khăn liệm Đức Giêsu và dấu niêm phong ngôi mộ đá.

1. Khăn Liệm

Theo như Luca và Gioan, mặc dù thi hài biến mất, khăn liệm Ngài vẫn còn để lại trong mộ (Luca 24:12, Gioan 20:5-7). Đặc biệt thánh sử Gioan còn nhấn mạnh đến một chi tiết khá lạ, đó là, khăn quấn đầu đã được cuộn tròn để riêng, không lẫn lộn với những băng vải cuốn thi hài Đức Giêsu (Gioan 20:7). Trong khi giảo nghiệm xem xét lý do tại sao xác Đức Giêsu lại biến mất, khăn cuốn đầu Ðức Giêsu được cuộn tròn, để sang một bên trở thành một dữ kiện khá lý thú. Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu các môn đệ của Ðức Giêsu đã thật sự đến cướp xác Ngài, tại sao họ lại không ôm lấy xác Ðức Giêsu bỏ chạy thẳng một mạch, mà lại còn phải mất thời giờ, tỉ mỉ cuộn tròn khăn che đầu của xác Thầy, sau đó cẩn thận để khăn che đầu cuộn tròn sang một bên?

2. Dấu Niêm Phong

Theo như thánh Mátthêu, vào buổi chiều ngày thứ Sáu, các thầy Thượng Tế và Biệt Phái dặn dò “cảnh cáo” Quan Tổng Trấn phải cẩn thận canh chừng xác Ðức Giêsu, bởi họ sợ môn đệ của Ðức Giêsu sẽ đến cướp thi hài, rồi phao tin là Ngài đã sống lại. Trước lời yêu cầu, Quan Tổng Trấn gật đầu đồng ý với đề nghị của các nhà lãnh đạo Do Thái. Thế là các thầy Thượng Tế và Biệt Phái sai người đóng ấn niêm phong cửa mộ và điều động quân lính bảo hộ La Mã trấn đóng ngôi mộ đá ngày và đêm (Mátthêu 27:62-66).

Trong bầu không khí căng thẳng trước và sau cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, và trong tình hình canh gác nghiêm ngặt tại ngôi mộ, giả thiết là các người môn đệ đã lén tới ngôi mộ vào ban đêm để cướp đi thi hài Đức Giêsu cũng rất khó có thể đứng vững, bởi nhiều lý do:

(1). Trong Vườn Cây Dầu, ngay vừa khi đụng mặt với quân lính La Mã, tất cả các nam môn đệ của Ðức Giêsu sợ hãi “bỏ của, bỏ sư phụ, chạy lấy người”;

(2). Trong khi Ðức Giêsu đang bị thẩm vấn điều tra trong tòa Công Nghị, chỉ có Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến mới dám thập thò xuất hiện trước cửa tòa án theo dõi tình hình. Tất cả những người nam tử còn lại trong nhóm Mười Hai hoàn toàn vắng mặt, biệt âm vô tín;

(3). Trên đỉnh Núi Sọ, theo Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có những người phụ nữ đứng yên chứng kiến cảnh Đức Giêsu thọ hình, chết đi. Riêng những người môn đệ “nam nhi chi chí” của Ðức Giêsu hoàn toàn vắng mặt;[5]

(4). Khi những người đàn bà chạy về nhà báo tin, những “thông minh nhất nam tử” vẫn run sợ không dám đi ra ngôi mộ ngoại trừ Phêrô và người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến.

Dựa vào sự kiện niêm phong ngôi mộ, quân lính La Mã canh gác nghiêm ngặt, và tâm lý của các môn đệ của Đức Giêsu, giả thiết là các ông đã đánh cắp thi hài cũng khó đứng vững. Làm sao họ, những người chạy trốn vì sợ hãi trong suốt thời gian Đức Giêsu bị bắt, bị thọ hình, bị chôn trong mồ, dám manh nha trong đầu tư tưởng quay lại ngôi mộ được niêm phong và canh gác cẩn thận bởi lính La Mã để cướp đi thi hài của thầy mình?

C. Lầm Ngôi Mộ

Một trong những lý do để giải thích cho ngôi mộ trống và lý do tại sao thi hài Đức Giêsu lại biến mất là có thể tại vì sáng hôm đó, trời còn mờ tối, những người phụ nữ đã lầm lẫn ngôi mộ Đức Giêsu với một ngôi mộ của người khác. Điều này rất có thể đã xẩy ra, bởi vì ai biết đâu lúc đó trong cảnh tranh tối tranh sáng, mấy người phụ nữ đã nhìn gà hóa cuốc, chỉ gà nói vịt. Lâu rồi bận công việc phải đi xa không có dịp thăm viếng ngôi mộ của người thân, khoảng một năm sau chúng ta ghé vào nghĩa trang. Bởi cảnh trí thay đổi, thí dụ, đã có thêm một vài ngôi mộ mới, thông thường chúng ta sẽ lúng túng trong khoảng một vài giây để xác định lại phương hướng ngôi mộ của người thân.

Nhưng giả thiết lầm lẫn mộ cũng không đứng vững, bởi vì theo như Máccô, Mátthêu, và Luca, hôm đó những người phụ nữ hiện diện trên ngọn đồi Gôlgôtha đã không bỏ về sau khi Đức Giêsu trút hơi thở. Bởi nghĩa tử là nghĩa tận, những người đàn bà đã ở lại với Ngài cho tới giờ phút cuối cùng. Mãi tới khi ông Giuse đã lăn tảng đá lấp kín lại ngôi mộ, họ mới chịu quay về nhà. Ðặc biệt thánh Máccô và thánh Luca còn cẩn thận ghi chú như sau, “Bà Maria Mađalêna và bà Maria mẹ ông Giuse để ý nhìn coi chỗ họ mai táng Ngài” (Máccô 15:47), và “Các bà để ý nhìn ngôi mộ, xem thi hài Người được đặt như thế nào” (Luca 23:55). Hai chi tiết đặc biệt này nói cho chúng ta biết hai bà Maria đã có bụng chủ tâm để ý tới địa thế của ngôi mộ, bởi chính họ cũng sợ tình trạng lầm lẫn ngôi mộ có thể sẽ xẩy ra. Thêm vào đó, thời gian từ lúc những người phụ nữ đi về nhà cho tới lúc họ đi ra mộ không phải là một khoảng thời gian dài, một tuần, một năm, hoặc mười năm. Từ chiều thứ Sáu cho tới sáng sớm ngày Chúa Nhật, mới hơn có một ngày, rất khó cho những người phụ nữ lẫn lộn ngôi mộ của Ðức Giêsu với ngôi mộ của người khác.

V. Chứng Nhân Phục Sinh

Nhưng ngôi mộ trống cũng chỉ xác định được một điều, thi hài Đức Giêsu không còn trong mộ. Ngôi mộ trống không có khả năng làm cho niềm tin Phục Sinh khai hoa nở nhụy nếu Đức Kitô Phục Sinh không xuất hiện. Những cuộc hội kiến với Đức Kitô, tường thuật với những chi tiết tỉ mỉ trong Kinh Thánh và đặc biệt trong Sách Tông Đồ Công Vụ, đã giải thích hiện tượng ngôi mộ trống, đồng thời, cũng trình bày cho độc giả biết lý do tại sao xác Ngài đã biến mất.

A. Thi Hài Đức Giêsu Biến Mất

Người Kitô hữu giải thích rằng thi hài Ðức Giêsu đã biến mất không phải bởi vì bị đánh cắp, hay bị thú hoang lẻn vào cắn xé lôi đi mất, hay bởi vì bất cứ lý do gì, nhưng bởi Ngài đã phục sinh. Khi sống lại, Ngài trở thành Ðức Kitô, Người đang ngự trong Nhà Tạm của ngày hôm nay. Đức Kitô Phục Sinh của ngày xưa cũng chính là Bánh và Rượu mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Thánh Thể.

B. Nhân Chứng Phục Sinh

Vào chính giây phút Ðức Giêsu sống lại từ trong cõi chết, thật sự ra không ai hay cũng chẳng ai biết. Hình ảnh Ðức Kitô Phục Sinh cầm cờ Phục Sinh tiến ra khỏi mộ trong khi quân lính La Mã sợ hãi ngã lăn ra mặt đất hoặc hoảng sợ cúi gục đầu xuống chỉ là sự tưởng tượng của những họa sĩ. Mặc dầu không có ai được chứng kiến giờ phút Ngài sống dậy, tuy nhiên vào buổi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần và sau đó, rất nhiều người đã gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Theo như Mátthêu, trên con đường chạy về nhà từ ngôi mộ trống, các người phụ nữ đã gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh. Họ tiến lại gần, ôm lấy chân, và thờ lạy Người (Mátthêu 28:9).

Theo như Luca, vào buổi chiều cùng ngày, trên con đường dài dẫn về ngôi làng Emmau, Ðức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với hai môn đệ. Một trong hai người này tên là Clêôpas. Khi gần tới làng Emmau, hai người môn đệ mời người người khách lạ ở lại với họ. Trong bữa ăn tối, hai người nhận ra người khách lạ đó chính là Ðức Kitô qua hình ảnh bẻ bánh. Họ vội vàng dẫn nhau quay về lại Giêrusalem. Trong khi đang kể lại cho những người môn đệ khác về những điều họ vừa nhìn thấy, Ðức Kitô hiện ra ở ngay giữa các môn đệ, và Ngài nói, “Bình an cho các con”.

Theo như Gioan, sau khi Phêrô và người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến đã bỏ về, bà Maria Mađalêna một mình ở lại bên ngôi mộ trống. Ðức Kitô hiện ra với bà, nhưng Maria lại tưởng là người làm vườn cho đến lúc Ngài gọi, “Maria ”. Khi đó bà mới nhận ra người đang đối diện chuyện trò với bà chính là Ðức Kitô Phục Sinh. Và bà ra về, gặp gỡ, và nói với các môn đệ của Ðức Giêsu, “Tôi đã gặp gỡ Ngài” (Gioan 20:11-18).

Ðặc biệt hơn hết, có một người đã là chứng nhân độc đáo về một Ðức Kitô Phục Sinh, đó là Phaolô Társus. Phaolô nguyên gốc Do Thái, công dân La Mã, thuộc chi tộc Bengiamin, sinh ra tại thành phố Társus thuộc tỉnh Cêlicia nằm trong Ðế Quốc La Mã. Lớn lên, được gửi về Giêrusalem ăn học, Phaolô trở thành một người Biệt Phái, giỏi hùng biện, có lòng nhiệt thành bảo vệ đức tin Do Thái giáo. Bởi vậy Phaolô chống đối và thù ghét tất cả những người tin vào Ðức Kitô. Lùng bắt những người Kitô tại kinh thành Giêrusalem chưa đủ, Phaolô quyết định tiến về phía bắc Do Thái, thành phố Đamáscus tìm kiếm thêm người Kitô hữu để mang về Giêrusalem trị tội. Nhưng rất tiếc, trên con đường tiến về thành phố Đamáscus, người Biệt Phái Saolê đã gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh. Và cuộc đời Saolê biến đổi từ giây phút đó. Sau khi rửa tội trở thành người Kitô hữu, Phaolô đã dùng cả một quãng đời còn lại bôn ba trên nhiều nẻo đường của Đế Quốc La Mã để rao giảng và làm chứng cho Ðức Kitô Phục Sinh mà ông đã diện kiến.

VI. Âm Mưu

Có người nghi ngờ rằng những cuộc diện kiến và đối thoại với Ðức Kitô Phục Sinh chỉ là kết quả của một ảo tưởng, một hiện tượng tâm lý.

Một lần nữa, bởi chỉ tin theo, chúng ta phải chấp nhận một điều, có thể Giáo Hội thời tiên khởi đã âm mưu cùng với nhau dựng nên một bộ phim ngắn về Ðức Kitô Phục Sinh. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại có bao nhiêu người sẵn sàng đổ máu đào, mạng sống của chính mình cho một âm mưu gian dối lừa đảo như vậy? Stêphanô, người thanh niên trẻ trong chương 7 của sách Tông Đồ Công Vụ, đã đổ máu đào, chết đi để làm chứng cho một âm mưu gian dối của Giáo Hội tiên khởi. Chương 7, 9 và mười chín chương còn lại của Sách Tông Ðồ Công Vụ cũng không tường thuật điều gì khác hơn ngoài những câu chuyện về những hoạt động của một người Biệt Phái tên là Phaolô, cựu hung thần của tín hữu thời tiên khởi. Thế mà sau những giây phút gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh, cựu hung thần lột da đổi xác. Phaolô trở thành một chiến sĩ tiền phong, lên non cao, xuống biển sâu, bị hành hung, bị đánh đập, bị săn đuổi, bị tù đày, bị sỉ nhục, bị chìm tàu, cuối cùng chết đi, chỉ để làm chứng cho một âm mưu lừa bịp gian dối. Ngoài Phaolô ra, còn biết bao nhiêu người khác nữa trong giai đoạn sơ khai của Giáo Hội đã đổ máu đào, bị tra khảo, bị chặt đầu, bị đóng đinh, bị đốt cháy, tất cả đều dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho một âm mưu đen tối.

Hiện tượng tử đạo, sẵn sàng thí bỏ mạng sống mình, chết đi cho một niềm tin của bao nhiêu người Kitô vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên thật sự là khó hiểu, và khó mà giải thích cho hợp lý nếu không dựa vào niềm tin là họ đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh.

VII. Kết Luận

Nếu có ai hỏi bạn, chuyện gì đã xảy ra vào buổi sáng Phục Sinh đầu tiên của người Kitô hữu? Bây giờ bạn có thể nói rằng, “Vào một buổi sáng sớm mùa Xuân, Maria Mađalêna và những người phụ nữ đi tới mộ của Đức Giêsu. Và họ khám phá ra ngôi mộ trống”.

Dựa vào chứng cớ của những người phụ nữ, của Phêrô, của Phaolô, và dựa vào máu đào của Stêphanô và của bao nhiêu tín hữu tiên khởi, chúng ta tin theo rằng Ðức Kitô đã sống lại. Là người Kitô hữu, môn đệ của Ðức Kitô, chúng ta tin rằng sau này bạn và tôi cũng sẽ được sống lại với Người. Và đây là một trong những Tin Mừng trong Mùa Phục Sinh cho những người Kitô hữu trên toàn thế giới.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com


Chú Thích

[1] Thuộc nước Hy Lạp.

[2] Theo như bản Tin Mừng thứ Tư, ông Nicôđêmô xuất hiện tại núi Sọ giúp đỡ ông Giuse tẩm liệm và chôn cất Ðức Giêsu (Gioan 19:38-42).

[3] Về tảng đá che cửa mộ, theo như Máccô, sau khi tẩm liệm xác Ðức Giêsu và đặt Ngài trong ngôi mộ đá, Giuse [chính tay] lăn tảng đá che kín ngôi mộ. Tảng đá này có kích thước không phải là nhỏ. Chi tiết này được Máccô nhắc nhở với độc giả Kinh Thánh không phải chỉ một mà là hai lần. Lần thứ nhất, trên con đường đi ra ngôi mộ, Maria Mađalêna, Maria mẹ của ông Giacôbê and ông Giuse, và Salômê lo lắng, thắc mắc, nói với nhau, “Ai sẽ đẩy tảng đá ra khỏi cửa mộ cho chúng ta đây?” (Máccô 16:3). Lần thứ hai, tiếp theo sau ngay câu 3, Máccô ghi rõ là “[tảng đá này] rất lớn” (Máccô 16:4). Ai đã đẩy tảng đá này sang một bên? Cả ba người Máccô, Luca, Gioan đều không nói gì tới nhân vật đã xê dịch tảng đá ngoại trừ Mátthêu. Theo như Mátthêu, sáng sớm ngày hôm đó, từ trời cao sứ thần Thiên Chúa hiện xuống, đẩy tảng đá sang một bên và ngồi lên trên đó.

[4] Ở đây có thể Phaolô chỉ nhắc lại một truyền thống khá phổ biến trong những cộng đồng tín hữu Kitô tiên khởi. Nếu đúng là như vậy, đã có ít nhất hai truyền thống hơi khác nhau về những nhân chứng Phục Sinh lưu truyền trong những Giáo Hội địa phương. Một truyền thống, được trình bày trong bốn cuốn Phúc Âm, tin rằng phụ nữ trong đó có bà Maria Mađalêna là nhân chứng đầu tiên. Trong 1Côrintô 15:5-8 Phaolô nhắc tới truyền thống thứ hai, trong đó Phêrô đứng đầu bảng vàng. Đặc biệt nhất những người được nhắc tới trong danh sách thứ hai này toàn là đàn ông.

[5] Duy nhất chỉ có Gioan trong bản Tin Mừng thứ tư nhắc đến sự hiện diện của người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến dưới chân thánh giá. Truyền thống Kitô tin rằng người môn đệ này chính là tông đồ Gioan, em ông Giacôbê, trong nhóm Mười Hai người.

Thư Mục Tham Khảo

Anderson, J.N.D. The Evidence for the Resurrection. Downers Grove, IL: Intervarsity, 1966.

Borg, Marcus J. “Thinking About Easter,” Bible Review (April 1994) 15, 49.

Borg, Marcus & Crossan, Dominic. The Last Week: The Day-by-Day Accounts of Jesus' Final Week in Jerusalem. New York, NY: HarperCollins, 2006

Bostock, Revd Dr Gerald Boldock. “Do We Need an Empty Tomb?” The Expository Times (1994) 202-205.

Brown, Raymond E. The Death of the Messiah. From Gethsemane to the Grave. ABRL; New York, NY: Doubleday, 1994.

Craig, William Lane. “The Guard at the Tomb,” New Testament Studies 30 (1984) 273-281.

Crossan, John Dominic. “Is It Possible to Know That Jesus Was Raised From the Dead?” Faith and Philosophy 1 (1984) 147-159.

Fuller, Reginald H. The Formation of the Resurrection Narratives. Philadelphia: Fortress Press, 1980.

Keller, James A. “Contemporary Doubts About the Resurrection,” Faith and Philosophy 5 (1988) 40-60.

Gardner, Richard B. Matthew. Scottdale, PA: Herald, 1991.

Hare, Douglas. Interpretation: Matthew. Louisville: Westminster John Knox, 1993.

Jeremias, Joachim. Jerusalem in the Time of Jesus. Philadelphia: Fortress, 1969.

Johnson, E. S. “Is Mark 15:39 the Key to Mark’s Christology?” Journal for the Study of the New Testament 31 (1987) 3-22.

Küng, Hans. On Being a Christian, trans. by Edward Quinn. 1974. New York: Pocket Books, 1976.

Lewis, C.S. Mere Christianity. New York: Macmillan, 1960.

Mack, Burton L. The Lost Gospel-The Book of Q. San Francisco: Harper-Collins, 1993.

Morison, Frank. Who Moved the Stone? Grand Rapids, MI: Zondervan Publishing House, 1987.

Moreland, J.P. and Kai Neilsen. Does God Exist? Buffalo, NY: Prometheus, 1990.

Perrin, Norman. The Resurrection According to Matthew, Mark, and Luke. Philadelphia: Fortress, 1977.

Senior, Donald. Matthew. ANTC; Nashville: Abingdon, 1998.

____________. The Passion Narrative according to Matthew. BETL 39; Louvain: Leuven University, 1975.

____________. “Revisiting Matthew’s Special Material in the Passion Narrative,” Ephimerides Theologicae Lovanienses 70 (1994) 417-24.