Gần đây, Đức Phanxicô đã dành cho tờ La Stampa và Vatican Insider, một cuộc phỏng vấn dài 1 giờ 30. Không như Scalfari, một nhà báo vừa vô thần vừa tay không đến gặp Đức Phanxicô, người ghi lại cuộc phỏng vấn lần này là nhà báo kỳ cựu và rất thành thạo về Tòa Thánh là Andrea Tornielli. Sau đây là bài ghi của ông.

“Đối với tôi, Giáng Sinh là hy vọng và dịu dàng…” Đức Phanxicô nói thế với hai tờ báo trên nhân dịp Giáng Sinh đầu tiên của ngài trong tư cách Giám Mục Rôma. Chúng tôi có mặt tại Casa Santa Marta trong Vatican; lúc đó là 12 giờ 50 chiều Thứ Ba, ngày 10 tháng 12. Đức Giáo Hoàng tiếp chúng tôi trong căn phòng sát bên phòng ăn. Buổi gặp gỡ kéo dài 1 giờ 30 phút. Hai lần trong cuộc phỏng vấn này, nét mặt thanh thản đã thành thân quen với toàn thể thế giới của Đức Phanxicô bỗng biến mất khi ngài nói tới nỗi đau đớn của các trẻ em và thảm họa nghèo đói trên thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Giáo Hoàng cũng nói tới nhiều vấn đề khác như mối liên hệ với các hệ phái Kitô Giáo khác và nền “đại kết bằng máu” vốn kết hợp họ lại với nhau trong bách hại, vấn đề gia đình, một vấn đề sẽ được thảo luận tại Thượng Hội Đồng sắp tới, các lời chỉ trích tại Hoa Kỳ cho rằng ngài là một người Mácxít, và mối liên hệ giữa Giáo Hội và chính trị.

Lễ Giáng Sinh có nghĩa gì với Đức Thánh Cha?

“Nó là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu. Thiên Chúa luôn đi tìm dân của Người, dẫn dắt họ, chăm sóc họ và hứa ở gần họ luôn mãi. Sách Đệ Nhị Luật nói rằng Thiên Chúa đồng hành với ta; Người nắm tay ta như người cha nắm tay con cái mình. Đây là điều thật tươi đẹp. Giáng Sinh là cuộc họp mặt của Thiên Chúa với dân của Người. Nó cũng là niềm an ủi, mầu nhiệm an ủi. Nhiều lần sau Thánh Lễ nửa đêm, tôi dành cả giờ hay gần như thế ở một mình trong nhà nguyện trước khi cử hành Thánh Lễ hừng đông. Tôi cảm nhận được một cảm xúc an ủi và thanh bình hết sức sâu sắc. Tôi nhớ đêm cầu nguyện sau Thánh Lễ tại nhà cư trú Astalli dành cho người tị nạn ở Rôma, tôi nghĩ đó là lễ Giáng Sinh năm 1974. Đối với tôi, Giáng Sinh luôn là về việc này: suy ngắm việc Thiên Chúa viếng thăm dân của Người”.

Lễ Giáng Sinh nói gì với con người thời nay?

“Nó nói tới sự dịu dàng và niềm hy vọng. Khi gặp ta, Thiên Chúa muốn nói hai điều. Điều thứ nhất Người nói là: hãy hy vọng. Thiên Chúa luôn mở cửa, Người không bao giờ đóng chúng lại. Người là người cha luôn mở cửa cho ta. Điều thứ hai Người nói là: đừng sợ sự dịu dàng. Khi quên mất hy vọng và dịu dàng, Kitô hữu sẽ trở thành một Giáo Hội lạnh lùng, mất hết hướng đi và bị giam hãm bởi ý thức hệ và tác phong trần thế, trong khi, sự đơn giản của Thiên Chúa nói với bạn rằng: hãy tiến lên phía trước, Ta là một người Cha biết vuốt ve các con. Tôi rất sợ khi Kitô hữu mất hy vọng và khả năng biết ôm lấy và thương yêu vuốt ve người khác. Có lẽ đây là lý do tại sao khi hướng về tương lai, tôi hay nói tới trẻ em và người cao niên, về những người kém tự bảo vệ nhất. Suốt đời làm linh mục, đi tới các giáo xứ, tôi luôn tìm cách truyền bá sự dịu dàng này, nhất là đối với trẻ em và người cao niên. Điều đó mang lại ích lợi cho tôi và khiến tôi nghĩ tới sự dịu dàng mà Thiên Chúa hằng tỏ ra với chúng ta”.

Làm thế nào có thể tin được rằng Thiên Chúa, Đấng được mọi tôn giáo coi là vô hạn và toàn năng, lại tự làm cho mình ra nhỏ hèn như thế?

“Các Giáo Phụ Hy Lạp gọi điều đó là syncatabasis, sự tự hạ của Thiên Chúa: Người xuống để ở với chúng ta. Đây là một trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Năm 2000, tại Bêlem, Đức Gioan Phaolô II nói rằng Thiên Chúa trở thành một hài nhi hoàn toàn lệ thuộc sự chăm sóc của một người cha và một người mẹ. Chính vì thế Giáng Sinh đem lại cho ta niềm vui lớn như thế. Ta không còn cảm thấy cô đơn nữa; Thiên Chúa đã xuống ở với chúng ta. Chúa Giêsu trở thành một người của chúng ta và chịu cái chết tồi tệ nhất vì ta, tức cái chết của một tội nhân trên Thánh Giá”.

Giáng Sinh thường được mô tả như chuyện thần tiên bọc đường. Nhưng Thiên Chúa sinh vào một thế giới đầy đau khổ và bất hạnh.

“Sứ điệp được loan báo cho ta trong các Tin Mừng là sứ điệp vui mừng. Các soạn giả Tin Mừng mô tả một biến cố hân hoan đối với ta. Các ngài không thảo luận về một thế giới bất công và làm thế nào Thiên Chúa lại có thể sinh ra trong một thế giới như thế. Tất cả những điều sau đây đều là thành quả từ các suy niệm của ta: người nghèo, con trẻ sinh trong hoàn cảnh éo le. Giáng Sinh đầu tiên không phải là việc lên án bất công xã hội và nghèo đói; nó là việc loan báo niềm vui. Mọi sự khác đều là các kết luận do chúng ta đưa ra. Một số đúng, một số không đúng lắm và một số bị ý thức hệ hóa. Giáng sinh là vui tươi, niềm vui tôn giáo, niềm vui Thiên Chúa, niềm vui bên trong của ánh sáng và bình an. Khi không thể hay ở trong hoàn cảnh nhân bản khiến người ta không thể hiểu được niềm vui này, họ sẽ cảm nghiệm lễ này bằng niềm vui thế tục. Nhưng giữa niềm vui sâu xa và niềm vui thế tục, có cả một dị biệt lớn lao”.

Đây là Giáng Sinh đầu tiên của Đức Thánh Cha trong một thế giới đầy tranh chấp và chiến tranh…

“Thiên Chúa không bao giờ ban cho ai một ơn phúc mà họ không có khả năng tiếp nhận. Nếu Người ban cho ta ơn phúc Giáng Sinh, chính là vì ta có khả năng hiểu và tiếp nhận nó. Tất cả chúng ta từ người thánh thiện nhất trong hàng các thánh đến người tội lỗi nhất trong hàng tội lỗi; từ người trong trắng nhất đến người sa đọa nhất trong chúng ta. Ngay cả một người sa đọa cũng có khả năng này: thương cho họ, có lẽ hơi rỉ sét một chút nhưng họ có khả năng ấy. Giáng Sinh thời tranh chấp này là một lời mời gọi của Đấng Thiên Chúa đã ban cho ta ơn phúc này. Ta muốn tiếp đón Người hay thích tiếp đón các ơn phúc khác hơn? Trong một thế giới bị đau khổ vì chiến tranh, Giáng Sinh này khiến tôi nghĩ tới sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Thánh Kinh chứng minh cho ta cách rõ ràng: nhân đức chính của Thiên Chúa là nhân đức này: Người là tình yêu. Người chờ đợi ta; Người không bao giờ mỏi mệt chờ đợi ta. Người ban ơn phúc cho ta rồi chờ đợi ta. Điều này xẩy ra trong đời mỗi người và mọi người chúng ta. Có những người làm ngơ Người. Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và sự bình an và thanh thản của ngày Vọng Giáng Sinh chính là một phản ánh lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với ta”.

Tháng Giêng tới đánh dấu 50 năm cuộc viếng thăm Đất Thánh có tính lịch sử của Đức Phaolô VI. Đức Thánh Cha có sẽ tới đó không?

“Giáng Sinh luôn khiến ta nghĩ tới Bêlem, và Bêlem là địa điểm chính xác tại Đất Thánh nơi Chúa Giêsu từng sống. Vào đêm Giáng Sinh, tôi nghĩ trước nhất tới các Kitô hữu sống tại đó, tới những người đang gặp khó khăn, tới nhiều người từng rời bỏ mảnh đất ấy vì nhiều vấn đề khác nhau. Nhưng Bêlem thì vẫn là Bêlem. Thiên Chúa đã đến trong một thời điểm chuyên biệt trên một mảnh đất chuyên biệt; đó chính là nơi, sự dịu dàng và ơn thánh Thiên Chúa đã xuất hiện. Ta không thể nghĩ tới Giáng Sinh mà lại không nghĩ tới Đất Thánh. Năm mươi năm trước đây, Đức Phaolô VI đã có can đảm ra đi và đi tới đó và việc này đánh dấu sự khởi đầu của thời đại giáo hoàng du hành. Tôi cũng muốn được đi tới đó, để gặp gỡ người anh em của tôi là Đức Báctôlômêô, Thượng Phụ Constantinốp, và để kỷ niệm năm thứ 50 này với ngài, để làm mới lại cái ôm hôn đã diễn ra giữa Đức GH Montini và (Thượng Phụ) Athenagoras tại Giêrusalem năm 1964. Chúng tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi này”.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần gặp gỡ các trẻ em bị bệnh nặng. Đức Thánh Cha có gì để nói về những người đau khổ thơ ngây này?

“Người chỉ bảo suốt đời của tôi là Dostoevskij và câu hỏi vừa minh nhiên vừa mặc nhiên của ông ‘tại sao trẻ em đau khổ?’ luôn luẩn quẩn trong trái tim tôi. Hiện chưa có lời giải thích. Nhưng hình ảnh sau đây đã xuất hiện trong đầu óc tôi: vào một thời điểm nào đó trong đời em, đứa trẻ bỗng “thức tỉnh”, chẳng hiểu gì mấy nhưng cảm thấy bị đe dọa, nó bắt đầu hỏi mẹ, hỏi cha nhiều câu hỏi. Đấy là tuổi của “những tại sao”. Nhưng khi hỏi một câu hỏi, em bé không đợi nghe hết câu trả lời, mà lập tức dồn dập hỏi nhiều câu tại sao khác. Điều em thực sự kiếm tìm, không hẳn là một giải thích, cho bằng cái nhìn trên khuôn mặt cha mẹ giúp các em an tâm. Khi tôi gặp một trẻ em đau khổ, lời cầu nguyện duy nhất xuất hiện trong đầu tôi là lời cầu nguyện “tại sao”. Lạy Chúa tại sao? Người không hề giải thích cho tôi điều gì cả. Nhưng tôi cảm thấy Người đang nhìn tôi. Bởi thế tôi thưa với Người: Chúa biết tại sao, con thì con không biết mà Chúa cũng chẳng cho con hay, nhưng Chúa nhìn con nên con tin tưởng Chúa, lạy Chúa, con tin tưởng cái nhìn của Chúa”.

Nói về nỗi đau khổ của trẻ em, ta không thể quên thảm kịch của những người đang chịu đói khát

“Với những thực phẩm dư thừa và bị ném đi, ta có thể nuôi sống nhiều người. Nếu ta có khả năng chấm dứt việc hoang phí và bắt đầu tái chế biến thực phẩm, thì nạn đói trên thế giới sẽ giảm đi rất nhiều. Tôi ngỡ ngàng trước con số thống kê cho rằng cả mười ngàn trẻ em chết vì đói mỗi ngày trên khắp thế giới. Hiện có quá nhiều trẻ em đang kêu than vì đói. Trong một buổi yết kiến hôm thứ tư trước đây, có một bà mẹ trẻ đứng phía sau hàng rào cản, tay bồng đứa con sơ sinh chừng vài tháng. Đứa trẻ gào khóc đến lòi con ngươi ra lúc tôi bước qua. Người mẹ vuốt ve em. Tôi nói với bà: thưa bà, tôi nghĩ đứa trẻ đang đói bụng. Bà trả lời: “Vâng, có lẽ đã đến giờ…”. Tôi bảo: “Xin bà cho em thứ gì để ăn đi!”. Bà mắc cỡ và không muốn vạch vú cho con bú ở nơi công cộng, trong khi giáo hoàng đứng đó. Tôi muốn nói với nhân loại cùng một điều ấy: cho người ta thứ gì đó để họ ăn đí! Người đàn bà đó có sữa để cho con mình; chúng ta có đủ thực phẩm trên thế giới để nuôi sống mọi người. Nếu ta chịu làm việc với các tổ chức nhân đạo và có thể nhất trí đừng phí phạm thực phẩm nhưng gửi nó tới những người cần nó, ta đã làm rất nhiều để giúp giải quyết vấn đề đói khát trên thế giới. Tôi muốn nhắc lại với nhân loại điều tôi nói với người đàn bà kia: hãy cho người đói thực phẩm họ cần! Ước chi niềm hy vọng và sự dịu hiền của Ngày Giáng Sinh Chúa sẽ lay tận gốc sự dửng dưng của chúng ta”.

Một số đoạn trong “Niềm Vui Tin Mừng” lôi kéo lời chỉ trích của những người cực hữu tại Hoa Kỳ. Là Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha có cảm giác gì khi bị gọi là “người Mácxít”?

“Ý thức hệ Mácxít sai lầm. Nhưng tôi đã gặp nhiều người Mácxít trong đời, họ rất tốt, nên tôi không thấy bị xúc phạm”.

Phần gây ngạc nhiên nhất trong Tông Huấn là phần nói về nền kinh tế “giết chết”…

“Không điều gì trong Tông Huấn mà lại không thể tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Tôi không nói theo quan điểm kỹ thuật, điều tôi cố gắng làm là đưa ra một bức tranh của những gì đang diễn ra. Trích dẫn chuyên biệt duy nhất tôi sử dụng là trích dẫn liên quan tới “các lý thuyết nhỏ giọt” là các lý thuyết giả định rằng tăng trưởng kinh tế, do thị trường tự do khuyến khích, sẽ nhất thiết thành công trong việc tạo ra công bằng và bao gồm xã hội nhiều hơn trên thế giới. Hứa hẹn là khi chiếc ly đã đầy, nó sẽ tràn ra, đem lợi lại cho người nghèo. Nhưng điều thực sự xẩy ra là khi chiếc ly đầy, nó lại phình to hơn một cách đầy ảo thuật nên chẳng có chi tràn tới người nghèo cả. Đó là câu duy nhất nhắc đến lý thuyết chuyên biệt này. Tôi xin nhắc lại, tôi không nói theo quan điểm kỹ thuật nhưng theo giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Điều này chắc chắn không có nghĩa (tôi) là một người Mácxít”.

Đức Thánh Cha loan báo một “cuộc hồi tâm của ngôi giáo hoàng”. Có con đường chuyên biệt nào xuất phát từ các cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các Thượng Phụ Chính Thống không?

“Đức Gioan Phaolô II thậm chí đã nói một cách minh nhiên hơn về cung cách thi hành quyền tối thượng một cách cởi mở hơn trong tình thế mới. Không phải theo quan điểm liên hệ đại kết mà thôi mà cả liên hệ với Giáo Triều và các Giáo Hội địa phương nữa. Trong suốt chín tháng đầu tiên này, tôi đón tiếp các cuộc viếng thăm của nhiều anh em chính thống giáo: Báctôlômêô, Hilariô, thần học gia Zizioulas, giáo chủ Coptíc Tawadros. Vị sau cùng là một nhà huyền nhiệm, nên vừa vào nhà nguyện là ngài cởi giầy và đến thẳng chỗ cầu nguyện. Tôi cảm thấy ngài như người anh em của họ. Họ có truyền thừa tông đồ; tôi tiếp đón họ như các giám mục anh em. Quả đau lòng khi chúng ta chưa có thể cử hành Thánh Thể với nhau, nhưng đã có tình thân hữu. Tôi tin rằng con đường tiến tới là: tình thân hữu, làm việc và cầu nguyện chung cho hợp nhất. Chúng tôi chúc lành cho nhau; người anh em này chúc lành cho người anh em kia, người anh em này tên là Phêrô, người anh em kia tên Anrê, Máccô, Tôma…”

Hợp nhất Kitô Giáo có là một ưu tiên đối với Đức Thánh Cha không?

“Có, với tôi, đại kết là một ưu tiên. Ngày nay có thứ đại kết bằng máu. Tại nhiều nước, người ta giết Kitô hữu vì đã đeo Thánh Giá hoặc mang Thánh Kinh và trước khi giết họ, người ta không hỏi xem họ là người Anh Giáo, Luthêrô, Công Giáo hay Chính Thống. Máu họ đã hòa lẫn với nhau. Với những người sát hại, ta đơn thuần chỉ là các Kitô hữu. Ta hợp nhất bằng máu, dù ta chưa lo liệu để bước những bước cần thiết hướng tới hợp nhất giữa ta với nhau và có lẽ thời giờ chưa tới. Hợp nhất là một ơn phúc ta phải cầu nguyện mới có. Tôi biết một cha xứ tại Hamburg. Ngài có liên hệ tới án phong thánh cho một linh mục Công Giáo bị Quốc Xã trảm quyết vì dạy giáo lý cho trẻ em. Theo ngài, trong danh sách các cá nhân bị kết án, có một mục sư Luthêrô bị giết vì cùng một lý do. Máu của các vị này quả đã được hòa lẫn với nhau. Cha xứ này nói với tôi rằng ngài tới gặp Đức Giám Mục và thưa với Đức Giám Mục rằng “con sẽ tiếp tục xử lý án phong thánh, nhưng cả hai án phong thánh, chứ không riêng án phong thánh của linh mục Công Giáo”. Đại kết bằng máu là thế đấy. Ngày nay nó vẫn hiện hữu; ông chỉ cần đọc báo chí sẽ thấy. Những người sát hại Kitô hữu không yêu cầu được xem căn cước của ông xem ông được rửa tội ở Giáo Hội nào. Ta cần xem sét các sự kiện này".

Trong Tông Huấn, Đức Thánh Cha kêu gọi các phương thức mục vụ khôn ngoan và mạnh bạo đối với các bí tích. Đức Thánh Cha muốn nói điều gì?

“Khi đề cập tới khôn ngoan, tôi không nghĩ tới thái độ làm tê liệt mà tới nhân đức của nhà lãnh đạo. Khôn ngoan là nhân đức của cai trị. Thành thử nó chính là bạo dạn. Ta phải cai trị cách bạo dạn và khôn ngoan. Tôi đã nói tới việc rửa tội và chịu lễ như lương thực thiêng liêng giúp ta tiến tới; nó phải được coi như thuốc chữa chứ không phải phần thưởng. Nhiều người nghĩ ngay tới các bí tích dành cho người ly dị tái hôn, nhưng tôi không ám chỉ bất cứ trường hợp chuyên biệt nào; tôi chỉ muốn đưa ra một nguyên tắc. Ta phải cố gắng làm dễ đức tin của người ta, hơn là kiểm soát nó. Năm ngoái ở Á Căn Đình, tôi đã lên án thái độ của một số linh mục không chịu rửa tội cho con cái các bà mẹ không kết hôn. Não trạng này quả là bệnh hoạn”.

Còn về những người ly dị tái hôn thì sao?

“Việc loại bỏ những người ly dị nay kết ước cuộc hôn nhân thứ hai ra khỏi việc rước lễ không hẳn là một chế tài. Điều quan trọng là phải nhớ như thế. Nhưng tôi đã không nói về điều này trong Tông Huấn”.

Vấn đề này có được bàn tới tại Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới hay không?

“Tính công nghị của Giáo Hội rất quan trọng: chúng ta sẽ thảo luận toàn diện vấn đề hôn nhân tại Cơ Mật Viện vào tháng Hai tới. Vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại Thượng Hội Đồng Đặc Biệt vào tháng Mười năm 2014 và một lần nữa tại Thượng Hội Đồng Thường Lệ vào năm sau đó. Nhiều yếu tố sẽ được xem sét một cách chi tiết hơn và được minh xác trong các cuộc họp này”.

Công việc của tám “cố vấn” của Đức Thánh Cha về việc cải cách Giáo Triều đang diễn tiến ra sao?

“Có nhiều việc phải làm. Những ai muốn đưa đề nghị và nêu ý kiến đã làm như thế. Đức Hồng Y Bertello đã thu thập quan điểm của mọi sở bộ của Vatican. Chúng ta đã tiếp nhận các gợi ý của các giám mục khắp thế giới. Tại phiên họp mới đây nhất, tám Hồng Y cho tôi hay đã đến lúc phải dành cho các đề nghị cụ thể và trong phiên họp tới vào tháng Hai, các ngài sẽ đệ trình các gợi ý của các ngài cho tôi. Tôi luôn hiện diện tại các phiên họp, ngoại trừ các buổi sáng thứ Tư khi tôi có buổi Yết Kiến Chung. Nhưng tôi không lên tiếng, tôi chỉ lắng nghe và điều này tốt cho tôi. Mấy tháng trước đây, một Hồng Y cao niên bảo tôi: “Đức Thánh Cha đã khởi sự cải cách Giáo Triều rồi bằng các Thánh Lễ hàng ngày tại Nhà Thánh Mácta”. Câu nói này làm tôi nghĩ: cải cách luôn bắt đầu với các sáng kiến thiêng liêng và mục vụ trước các thay đổi về cơ cấu”.

Đâu là mối liên hệ đúng đắn giữa Giáo Hội và chính trị?

“Mối liên hệ này cần phải song song và hội tụ cùng một lúc. Song song vì mỗi chúng ta đều có đường riêng và các trách vụ riêng của mình. Chỉ hội tụ trong việc giúp đỡ lẫn nhau. Khi các liên hệ đã hội tụ từ trước mà không có người ta, hay không lưu ý tới người ta, thì đó là lúc liên minh với quyền lực chính trị đã thành hình, dẫn Giáo Hội tới chỗ thối nát: kinh doanh, thỏa hiệp… Mối liên hệ cần phải diễn tiến theo lối song song, mỗi bên có phương pháp, trách vụ và ơn gọi riêng, chỉ hội tụ trong ích chung mà thôi. Chính trị là việc cao trọng; nó là một trong những hình thức đức ái cao nhất, như Đức Phaolô VI thường nói với ta. Ta sẽ bôi lọ nó khi ta trộn lẫn nó với việc làm ăn. Mối liên hệ giữa Giáo Hội và quyền lực chính trị cũng có thể bị hủ hóa nếu ích chung không phải là điểm hội tụ chung”.

Con có được phép hỏi Đức Thánh Cha liệu trong tương lai, Giáo Hội sẽ có các Hồng Y phụ nữ hay chăng?

“Tôi không biết do đâu nẩy ra ý tưởng này. Phụ nữ trong Giáo Hội phải được trân trọng chứ không bị giáo sĩ hóa. Bất cứ ai nghĩ tới việc phụ nữ làm Hồng Y là mắc chứng hơi giáo sĩ trị đấy”.

Chiến dịch làm sạch Viện Các Công Trình Tôn Giáo (IOR) hiện diễn tiến ra sao?

“Các ủy ban để tham chiếu đang thực hiện được tiến bộ tốt. Moneyval vừa cho chúng ta một phúc trình tích cực và ta đang đi đúng đường. Còn về tương lai của IOR, ta sẽ thấy. ‘Ngân hàng trung ương’ của Vatican, chẳng hạn, sẽ là APSA (The Administration for the Patrimony of the Holy See, Cơ Quan Quản Trị Gia Tài Của Tòa Thánh ). IOR được thiết lập để hỗ trợ các công trình về tôn giáo, công việc truyền giáo và các Giáo Hội nghèo. Nhưng sau đó, nó đã trở thành như ngày nay”.

Một năm trước đây, Đức Thánh Cha có tưởng tượng sẽ cử hành Giáng Sinh 2013 tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô không?

“Tuyệt đối không”.

Đức Thánh Cha có mong được bầu không?

“Không, tôi không mong vậy.Tôi không bao giờ mất bình an khi số phiếu tăng lên. Tôi vẫn thanh thản. Và sự bình an đó vẫn còn đó, tôi coi nó như một hồng ân của Chúa. Khi việc đầu phiếu cuối cùng chấm dứt, tôi được đưa tới giữa Nhà Nguyện Sistine và được hỏi xem tôi có chấp nhận hay không. Tôi nói có và tôi chọn tên Phanxicô. Chỉ lúc đó, tôi mới rời khỏi. Tôi được đưa tới căn phòng kế bên để thay bộ áo chùng. Rồi trước khi xuất hiện trước công chúng, tôi qùy gối cầu nguyện mấy phút tại Nhà Nguyện Pauline cùng với các đức Hồng Y Vallini và Hummes”.