Từ cuộc họp báo công khai trên chuyến bay từ Rio về Roma và sau đó liên tiếp là 2 cuộc phỏng vấn riêng, 1 với linh mục dòng Tên Antonio Spadaro đã được đăng tải rộng rãi trên các ấn bản cuả dòng Tên và 1 với biên tập viên vô thần Eugenio Scalfari đăng trên tờ La Repubblica cuả Ý, các hệ thống truyền thông trên Thế Giới vẫn không ngớt bình luận về những câu nói cuả Đức Thánh Cha Phanxicô và hệ quả cuả chúng đối với Giáo Hội Công Giáo.

Dù cho cuộc phỏng vấn cuối cùng với Scalfari đã được phổ biến hơn 1 tuần rồi, ngày hôm nay nhiều tờ báo ở Mỹ vẩn còn đặt những bài bình luận lên trang nhất. Đây quả là một biến cố khác thường nếu chúng ta xét tới những biến cố khác còn to lớn hơn đã dồn dập xảy ra trên Thế Giới trong khoảng thời gian đó (Chính Phủ Mỹ đóng cửa, Syria bắt đầu giải giới hóa học, Ai Cập lại bùng nổ, đắm thuyền ở Lampedusa gây cho trên 250 thuyền nhân tử nạn, Bắc Hàn dàn trận sẵn sàng gây chiến, họp thượng đỉnh ASEAN, công bố các giải Nobel vv.vv)

Người ta tranh luận ồn ào về các điểm sau đây:

-Những lời tuyên bố đột xuất cuả Đức Thánh Cha báo hiệu một hướng đi mới nào cuả Giáo Hội? sẽ vẫn còn bảo thủ hay đang trở thành phóng khoáng?

-Những tin tức về lời tuyên bố có đúng sự thật bao nhiêu?

-Những lời tuyên bố như thế có phù hợp với tín lý cuả Công Giáo không?

Vấn đề tín lý:

Về câu hỏi cuối cùng, các vị giám mục trên Thế Giới và các nhà thần học gia đã lần lượt xác định cho biết rằng mọi lời cuả Đức Thánh Cha hoàn toàn phù hợp với giáo lý Công Giáo hiện hành và Ngài không nêu ra một giáo lý nào mới cả.

Bên Phi luật Tân, Đức HY Tagle nổi danh là một nhà thần học thông thái lên tiếng rằng: "Tôi không hiểu tại sao mọi người, đặc biệt là các phương tiện truyền thông, đã làm cho một cuộc phỏng vấn rất bình thường, không có bất cứ điều gì mới mặt về tín lý ... lại trở thành một vấn đề gây tranh cãi".

Có lẽ vấn đề đã xuất phát từ sự việc Đức Thánh Cha chưa lên tiếng mạnh mẽ đủ như mọi người mong đợi về các vần đề thời sự sôi nổi như phá thai, đồng tính, và do đó gây ra một chút thất vọng ở những người bảo thủ chăng?

Một thí dụ điển hình là Đức Giám Mục Thomas Tobin của Providence, RI, nổi danh là một vị giám mục 'siêu bảo thủ', tuần trước đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo của giáo phận rằng ngài có "một chút thất vọng" khi thấy đức Phanxicô đã không lên tiếng về phá thai.

Nhưng thứ Sáu vừa qua, đưa ra nhận xét về những lời của Đức Thánh Cha trong các bài phỏng vấn, Đức Giám Mục Tobin cho biết ngài ngưỡng mộ phương cách lãnh đạo cuả Đức Phanxicô.

"Là một người Công Giáo không có nghĩa là phải lựa chọn giữa giáo lý và việc từ thiện, giữa sự thật và tình yêu. Người Công Giáo phải có cả hai. Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng tôi về quan điểm đó."

Vậy, nếu không có gì thay đổi hoặc khác biệt với giáo lý, thì tại sao lại có những vấn đề tranh cãi sôi nổi về một 'triều đại phóng khoáng' đã mở màn, về việc Đức Giáo Hoàng là không 'Công Giáo' đủ?

Để trả lời cho câu hỏi đó, bắt buộc chúng ta phải bàn cãi về câu hỏi thứ hai, đó là những tin tức về lời tuyên bố như vậy có đúng sự thật là bao nhiêu?

Sự thật về những lời tuyên bố.

Thời gian đã hé lộ cho chúng ta biết rằng có 4 vấn đề tạo ra nhiều hiểu lầm về những lời tuyên bố cuả Đức Thánh Cha.

Thứ nhất là tình trạng 'cắt xén ra ngoài bối cảnh', thứ hai là 'dịch sai', thứ ba liên quan đến bài phỏng vấn cuà Scalfari là 'nhớ lẫn lộn' và thứ tư là những khó khăn khi Đức Thánh Cha phát biểu bằng tiếng Ý những ý nghiã cuả ngôn ngữ Tây Ban Nha và môi trường mục vụ (cũ ) cuả Ngài.

1- Thứ Nhất là 'cắt xén ra ngoài bối cảnh', cũng có thể nói là một sự cố tình thổi phồng và xuyên tạc cuả giới truyền thông phóng khoáng âu Mỹ. Một vài minh chứng như sau:

-Báo chí đã thông tin rằng trên chuyến bay từ Rio về Roma, khi ĐGH tuyên bố "Tôi là ai mà phán xét họ?", Ngài đã phá bỏ quan điểm cuả ĐTC Benedictô về vấn đề đồng tính luyến ái và chức linh mục.

Đọc bài tường trình cuả John Allen Jr. thì câu chuyện không đúng như vậy. ĐGH nói như sau:

" Khi tôi gặp một người đồng tính, tôi phải phân biệt giữa việc họ là một người đồng tính và việc họ là một thành viên của một nhóm vận động hành lang. Nếu họ chấp nhận Chúa Kitô và có thiện chí , thì tôi là ai mà phán xét họ? Họ không nên bị đẩy ra ngoài rià . Xu hướng [ đồng tính luyến ái ] không phải là vấn đề . . . họ là anh em của chúng tôi . "

Xét theo diển tiến cuả cuộc trò chuyện, thì Đức Thánh Cha mới vừa mới nói về ơn cứu chuộc , nhắc lại việc thánh Phêrô chối Chúa và sau này vẫn trở thành giáo hoàng . Ngài cũng vừa mới cảnh báo chống lại một nền văn hóa trong đó tội lỗi của quá khứ không nên bị khui ra để làm hại người khác . "Có thể nào mà một tội lỡ phạm - chúng ta đang nói một tội lỗi (sin), chứ không phải là một tội ác (crime)- lại có thể được dùng để tiêu diệt một người sau nhiều thập kỷ sao? Điều đó dường như không phải là Kitô giáo."

Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là phải nhớ rằng Đức Thánh Cha đang nói về 'Tình Cha' cuả một vị giaó hoàng khi phải cân nhắc về chức vụ linh mục cuả một người đồng tính.

Ngài không đề cập đến "đồng tính luyến ái" cách chung.

-Tường thuật về bài phỏng vấn cuả dòng Tên, báo chí cũng đã đồng loạt đưa ra những hàng tít rất giật gân, thậm chí có tờ báo còn dùng tới chữ 'giương cờ trắng', để mô tả câu nói cuả Đức Thánh Cha cho rằng Giáo Hội đã quá mức 'ám ảnh' với các vấn đề như phá thai, ngừa thai và đồng tính luyến ái.

Thực sự thì những nhận xét của Đức Thánh Cha về những vấn đề noí trên chỉ chiếm khoảng 600-800 chữ trong một bài dài 12.000 chữ. Những câu nói để đề cao giáo lý Công Giáo và khẳng định tính ưu việt của Tin Mừng đã không được báo chí nhắc nhở tới.

Theo một khảo cứu cuả Phil Lawler cuả CatholicCuture.org thì:

-Đức Thánh Cha không kêu gọi rằng Giáo Hội nên ngừng lên tiếng về đồng tính luyến ái, phá thai, và các vấn đề gây tranh cãi khác (mặc dù Ngài nói rằng không nên bị ám ảnh chỉ chú trọng về các vấn đề đó mà thôi).

-Ngài không kêu gọi cần phải "cân bằng" những chủ đề đang tranh cãi. (Ngài kêu gọi một sự cân bằng giữa việc rao giảng những chân lý cơ bản của Tin Mừng và việc áp dụng chúng vào các vấn đề xã hội.)

-Ngài không cho rằng Giáo Hội đang có nguy cơ sụp đổ. (Ngài nói rằng những nỗ lực truyền giáo của chúng ta sẽ sụp đổ nếu chúng ta không tìm thấy sự cân bằng.)

2- Vấn đề thứ hai là dịch sai, hoặc tường trình thiếu sót.

Người ta thường nói 'dịch là diệt' và quả đúng như vậy trong trường hợp dịch thuật từ văn bàn tiếng Ý qua tiếng Anh, có những thí dụ như sau:

-Các tờ báo tiếng Anh đã dịch một câu nói cuả ĐTC về sự việc Ngôi Lời Nhập Thể như sau:

“The Son of God became incarnate in the souls of men to instill the feeling of brotherhood” (" Con Thiên Chúa đã nhập thể trong những linh hồn con người để lan truyền cảm giác của tình huynh đệ ") !

Ngôi Hai Thiên Chuá nhập thể trong những linh hồn cuả người ta? Nghe có vẻ 'buồn cười' phải không?

Thực sự thì câu nói tiếng Ý như sau:

"Il Figlio di Dio si è incarnato per infondere nell’anima degli uomini il sentimento della fratellanza…."

Nghiã là "Con Thiên Chúa đã nhập thể (làm người) để làm thấm nhuần tâm hồn người ta với tình cảm huynh đệ ..."

-Một thí dụ khác, Đức Thánh Cha nói - " Mỗi người đều có ý tưởng riêng của mình vế cái tốt và cái xấu và phải chọn theo cái tốt và chống lại cái xấu như người ấy nhận thức. "

Vậy thì cái tốt cái xấu là tương đối à? Xin thưa không, câu tiếng Ý là:

"Ciascuno ha una sua ý tưởng del Bene e del Nam e bị ho scegliere di seguire il Bene e combattere il Nam đi lui li concepisce ...."

"Mỗi người đều có ý thức của mình về Thiện và ác và người đó phải chọn sự Thiện và chiến đấu chống lại sự ác khi nhận thức / hiểu được chúng ..."

Chữ Ý " concepire " có nghĩa là " hiểu , tin , nhận thức " , thậm chí có thể là "nắm bắt được" chứ không phải như trong tiếng Anh "conceive" (" nhận thức ") có nghiã là "nghĩ ra ", "tự mình tạo ra" .

Ngay cả các cha dòng Tên, khi 'độc quyền dịch' bài phỏng vấn cuả nhà Dòng cũng phải cập nhật lại bản dịch tiếng Anh cuả mình cho đầy đủ giống với văn bản gốc (vì đã có quên sót).

3-Vấn đề thứ ba liên quan đến bài phỏng vấn cuà Scalfari.

Có nhiều hoài nghi về tính chính xác của cuộc phỏng vấn với ký giả vô thần Scalfari. Đại để là tuy các ý chính có vẻ trung thành với tư tưởng của Đức Giáo Hoàng , nhưng các chi tiết và các từ ngữ xử dụng có thể không chính xác.

" Ông Eugenio Scalfari không ghi băng cuộc phỏng vấn của ông với Đức Thánh Cha Phanxicô , và cũng không ghi chép trên giấy, vì vậy văn bản đã được xây dựng lại sau khi sự việc đã rồi . Một văn bản như vậy có nguy cơ hoặc thiếu một số chi tiết quan trọng hoặc lẫn lộn những khoảnh khắc khác nhau hoặc các sự kiện bị chồng chéo vào nhau , " là lời phê bình cuả Cha Thomas Rosica, phụ tá Anh ngữ cuả văn phòng báo chí Vatican.

Tuy tờ báo La Repubblica nói rằng "bản văn sau khi hoàn tất và trước khi được công bố , đã được gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô để chấp thuận . " Nhưng người ta không rõ Đức Thánh Cha đã bỏ ra bao nhiêu thời gian để đọc lại và đọc kỹ lưỡng được bao nhiêu.

Một trong những điểm chính của sự hoài nghi là chi tiết liên quan đến việc kể lại gọi là " kinh nghiệm thần bí " cuả Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu cử làm Giáo Hoàng .

Phóng viên Andrea Tornielli viết trong tờ La Stampa rằng ông thấy có sự bất cập với những gì liên quan đến " hoàn cảnh của cuộc bầu cử . "

Tờ La Repubblica dẫn lời Đức Thánh Cha nói rằng trước khi chấp nhận cuộc bầu cử của mình, Ngài đã rời nhà nguyện Sistine một chút thời gian để đi vào một căn phòng nhỏ ngoài ban công của Thánh Phêrô và có đã có một kinh nghiệm thần bí, sau đó tâm thần được bình an trở lại.

" Được biết , " Tornielli viết , " không có căn phòng nào ở bên cạnh ban công nhìn ra quảng trường cả..."

Cũng vậy, phát ngôn viên của Vatican Cha Federico Lombardi cũng cho biết rằng ngài có " cảm giác " những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Scalfari là chính xác , nhưng không xác nhận mỗi từ là lời nói thực sự của Đức Giáo Hoàng.

Những lời nói cuả Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đã bị " bóp méo nghiêm trọng ", theo lời Cha Lombardi.

4- Vấn đề thứ tư là việc Đức Thánh Cha đã dùng tiếng Ý chứ không dùng ngôn ngữ cuả Ngài là tiếng Tây Ban Nha.

Chúng ta đã thấy những khó khăn giữa việc dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh như thế nào rồi, vấn đề còn trầm trọng hơn nữa vì nhiều câu tiếng Ý mà ĐTC sử dụng là dịch theo ý từ tiếng Tây Ban Nha là tiếng nói chính cuả Ngài. Cho nên những từ ngữ tiếng Ý mà ĐTC sử dụng cần phải được hiểu theo ý nghĩa và bối cảnh xã hội cuả Châu Mỹ Latinh nơi Ngài từng sinh sống.

Thí dụ trong khi bàn luận về vấn đề nữ giới, ĐTC đã bác bỏ cái mà Ngài gọi là "machismo cuả nữ giới."

Machismo là một từ cuả tiếng Tây Ban Nha để mô tả "Nam Tính" trong cộng đồng Mỹ Latinh.

Nếu dịch là "nam tính " hay là "tinh thần hào hiệp" ở đây thì sai rõ ràng. Vậy phải dùng theo ý nghiã bình dân đang được thịnh hành ở Argentina, có nghiã là "cấu trúc gia trưởng" của cuộc sống gia đình ở Argentina.

Vậy thì bác bỏ ý tưởng "machismo cuả nữ giới" có nghiã là từ chối một chế độ 'đàn áp' xây dựng trên căn bản uy quyền của phụ nữ.

Bây giờ, vấn đề còn lại là câu hỏi thứ nhất, Đức Thánh Cha có báo hiệu một hướng đi mới 'phóng khoáng' hơn không?

Vấn đề hướng đi cuả Giáo Hội:

Chắc chắn với thời gian chúng ta sẽ còn thấy những ưu tiên mới mà Giáo Hội sẽ đưa lên hàng đầu, nhưng về câu hỏi liệu Giáo Hội có thể 'phóng khoáng' hay 'bảo thủ' hơn thì câu trả lời chắc chắn là Không!

'Phóng Khoáng' (Liberal) và 'Bảo Thủ' (Conservative) là những ý niệm chính trị mà từ lâu đã không bao giờ phù hợp với quan điểm cuả Giáo Hội.

Tại Mỹ và Châu Âu thì khuynh hướng phóng khoáng có nghiã là 'phá thai tự do', 'hôn nhân đồng tính', là những hành động mà Giáo Hội chống. Tuy nhiên những chủ trương như 'giúp đỡ lao động' để tạo ra 'công bằng xã hội', giúp người di cư, 'cải thiện y tế' là những việc mà Giáo Hội cổ võ.

Trái lại khuynh hướng bảo thủ cũng có những điều thuận và nghịch với Giáo Hội. 'Bảo vệ gia đình', 'phò sự sống', 'bảo vệ luân lý' là những điều phù hợp với đạo lý cuả Giáo Hội, trái lại những chủ trương như 'phò thương mại', 'chống nghiệp đoàn', 'chống di cư', 'khai thác thiên nhiên tự do' là những điều ngược với Giáo Hội.

Vì thế mà chúng ta thấy Giáo Hội hầu như lúc nào cũng có một sự gì để than phiền về một chính quyền, dù là bảo thủ hay phóng khoáng. Thí dụ khi còn là Hồng Y, Đức Thánh Cha đã 'đụng chạm' khá nhiều với chính quyền bảo thủ Cristina Fernandez de Kirchner hiện tại cuả Argentina. Bên Brazil, Giáo Hội đang lên tiếng phản đối chính quyền phóng khoáng Dilma Rousseff vì những chính sách phá thai. Còn ở Mỹ thì Giáo Hội đang kiện ra toà chính quyền cuả Obama vì tội 'hạn chế tự do tôn giáo'.

Cho nên, tuy Giáo Hội dạy phải tuân phục quyền bính dân sự, nhưng với tư cách là 'thầy dạy luân lý', Giáo Hội sẽ lên tiếng chống lại mọi sự ác khi nó xảy ra.

Vì không hiểu như vậy cho nên gần đây cả hai phe bảo thủ và phóng khóng đã đồng thanh lên tiếng ca ngợi những lời tuyên bố cuả Đức Thánh Cha và tự cho là mình đã chiến thắng.

Thí dụ nhóm NARAL, một nhóm đứng đầu về những vận động phá thai cuả Mỹ, khi nghe Đức Thánh Cha tuyên bố là Giáo Hội đã quá mức 'ám ảnh' với các vấn đề như phá thai, thì lập tức đăng lên một quảng cáo "cảm ơn" đến vị giáo hoàng trên trang Facebook của họ .

Rõ ràng nhóm NARAL đã hành động hấp tấp vì ngay hôm sau, thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã tuyên bố một lời lẽ 'chống phá thai' mạnh mẽ chưa từng thấy:

 "Mỗi đứa trẻ không được sinh ra, bị kết án phải huỷ hoại một cách bất công, thì mang khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô , khuôn mặt của Thiên Chúa."

Ngài đã nói như vậy với những bác sĩ phụ khoa Công Giáo trong buổi tiếp kiến tại hội trường. Ngài tái khẳng định lập trường chống phá thai của Giáo Hội, và kêu gọi những người có mặt hãy lắng nghe tiếng nói cuả lương tâm và đưa những cuộc sống vào thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã không thực hiện bất kỳ một thay đổi nào dù là một phần nhỏ của giáo lý Giáo Hội , và đã lặp lại những luận điểm của vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Benedictô.

Tông huấn Lumen Fidei , tông huấn đầu tiên cuả Đức Thánh Cha Phanxicô, đã được bắt đầu và phần lớn được viết bởi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI.

Tóm lại, Giáo Hội sẽ không 'phóng khoáng' hay 'bảo thủ' hơn. Giáo Hội là Công Giáo và sẽ càng ngày càng Công Giáo hơn với các triều đại giáo hoàng bổ túc cho nhau.

Kết luận

Ý tưởng các vị Giáo Hoàng được Chuá Thánh Thần hướng dẫn để bổ túc lịch sử của Giáo Hội đã được Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục HK, mô tả một cách hùng hồn:

"Cách tốt nhất để hiểu được những món quà khác nhau của mỗi giáo hoàng gần đây có thể được sử dụng bằng các hình ảnh là linh hồn , trí óc và trái tim", Đức Hồng Y Dolan giải thích cho tờ New York Post ngày 30 tháng 9 vừa qua.

Ba vị Giáo Hoàng gần đây nhất - Chân Phước Gioan Phaolô II , Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô - "đều là những vĩ nhân , " Đức Hồng Y nói, và mỗi vị " có một tài năng đặc biệt . "

"Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến linh hồn", Ngài nói.

" Những lời kêu gọi hùng hồn cuả Ngài về việc cầu nguyện, cổ võ cho sự hồi sinh của tinh thần , sự tập trung vào các bí tích và việc yêu mến Giáo Hội, đã mang lại ân sủng và lòng thương xót của Chúa Giêsu; Sự phó thác cuả Ngài cho Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu , và hồ sơ phong thánh, nhắc nhở chúng ta rằng linh hồn là trước nhất. "

" Với Đức Giáo Hoàng Benedict XVI , chúng ta có một đấng kế vị Thánh Phêrô nhấn mạnh đến đầu óc, " Đức Hồng Y Dolan tiếp tục , lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu đã " hồi phục di sản trí tuệ rộng lớn của Giáo Hội , và nhắc nhở chúng ta một cách hiệu quả là đức tin và lý trí không mâu thuẫn với nhau, nhưng thực sự là đồng minh . "

" Và bây giờ , Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến con tim ", ĐHY nói .

" Ấm áp tình thương , niềm vui , sự dịu dàng , tiếp cận dễ dàng , chấp nhận, tình yêu, " Đức Hồng Y nhận xét, " tất cả đều chảy ra từ trái tim, và đó là những từ được sử dụng nhiều nhất bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô . "

" Xin đừng hiểu tôi sai : Tất cả chúng ta đều biết rõ rằng 3 thứ linh hồn , đầu óc và trái tim đều là cần thiết , " Đức Hồng Y Dolan giải thích . " Nhưng mỗi vị đặc biệt yêu thích một thứ. "

Ngài thêm rằng Thiên Chúa "dường như đã ban cho chúng ta một vị giáo hoàng cần thiết cho một thời kỳ đặc biệt . "

"Mỗi người cần phải có một linh hồn , một cái đầu và một trái tim", Đức Hồng Y chỉ tiếp , ngay cả "người" mà chúng ta gọi là" Mẹ Giáo Hội " cũng thế.