SAIGÒN - Sáng ngày thứ sáu, 04/10/2013, tại giáo xứ Thánh Phanxicô Đakao, thánh lễ đồng tế của Tỉnh Dòng “Anh Em Hèn Mọn” Việt Nam mừng bổn mạng được cử hành trọng thể với sự tham dự của quí linh mục, tu sĩ, dòng ba Phan Sinh và đông đảo giáo dân.

Xem hình ảnh

Có thể nói đây là hoạt động thường xuyên hằng năm, vì cứ vào ngày lễ thánh Phanxicô Assisi tại giáo xứ này có những hoạt động mừng bổn mạng một cách trang trọng mà thánh lễ do cha Giám tỉnh Phanxicô X. Vũ Phan Long chủ tế và giảng lễ là đỉnh cao của niềm vui.

Cụ thể là ngày Chúa Nhật 22/9/2013 cộng đoàn giáo xứ đã tĩnh tâm để chuẩn bị tâm hồn. Đặc biệt, ngày 28/9/2013 có một buổi hội thảo với chủ đề “NIỀM VUI SỐNG ĐẠO” với ba bài thuyết trình của ba đại diện tôn giáo là Công Giáo, Cao Đài và Phật giáo.

Theo quan niệm của đạo Cao Đài, niềm vui là một trạng thái nội tâm thể hiện sự hài lòng do thỏa mãn ước muốn và bản chất của niềm vui phụ thuộc vào bản chất của ước muốn. Trên thực tế, không bao giờ tồn tại những cảnh vật vui tươi đối với một người đang buồn, mà cũng không có chuyện gì thật sự đáng buồn đối với một người đang vui. Như vậy, nếu sử dụng ngôn từ theo phong cách đạo Cao Đài thì có “niềm vui đúng đạo lý” và “niềm vui trái đạo lý”. Có được niềm vui đúng đạo lý là do trải nghiệm cái đúng đắn (chân), niềm vui do trải nghiệm cái tốt lành (thiện) và niềm vui do trải nghiệm cái đẹp đẽ (mỹ). Còn niềm vui trái đạo lý là những cái vui không phù hợp với ba giá trị căn bản Chân, Thiện, Mỹ của nhân loại.

Còn quan niệm niềm vui theo Công Giáo thì chỉ cần 1 từ “Tin Mừng” là đủ. Có thể tóm lược như sau: Niềm vui của Thiên Chúa là niềm vui tạo dựng, niềm vui cứu độ; còn niềm vui của người Công Giáo là niềm vui được tái tạo; niềm vui được thánh hóa; niềm vui được tha thứ; niềm vui cần được chia sẻ và chiều kích cộng đoàn của niềm vui.

Còn niềm vui trong Phật giáo là một tâm tình “hoan lạc”.

Riêng ngày Chúa Nhật 29/9/2013, giáo dân và các đoàn thể tham gia những sinh hoạt như hội chợ ẩm thực, hội thi cắm hoa và chương trình Xổ Số trúng thưởng.

Trong thánh lễ hôm nay, màu sắc trong thánh đường nghiêng về màu nâu sòng của tu sĩ, dòng ba Phan Sinh và màu trắng của 80 bạn trẻ đang trong giai đoạn tìm hiểu dòng.

Bài giảng lễ của cha bề trên giám tỉnh không quá dài, đủ để người tham dự hiểu về tinh thần Phanxicô.

“Có một người ăn xin kia đeo tấm bảng: “Tôi bị mù, xin vui lòng giúp đỡ!”. Một tình nguyện viên xã hội đi qua đã sửa lại tấm bảng đó là: “Hôm nay là một ngày đẹp trời, thế mà tôi lại không biết đến!”. Một bài học được rút ra qua sự việc trên là than thở để xin người khác chú ý đến ta thì sẽ không được chiếu cố, còn nếu hiệp thông vào niềm vui với người khác thì sẽ được chú ý.

Điều xảy ra trong lãnh vực xã hội dường như cũng đúng trong lãnh vực đức tin. Vào những năm tháng cuối đời, với cặp mắt gần như mù, trên mình mang nhiều thứ bệnh, thánh Phanxicô nghỉ dưỡng tại đan viện.... Vào buổi sáng một ngày trong năm 1225, sau một đêm đau đớn cùng cực, Ngài lại mời gọi muôn loài nhìn lên và ca tụng Thiên Chúa bằng bài ca Anh Mặt Trời. Con người Ngài rất ý thức và cố gắng sống thân phận hèn mọn, lại mời cả vũ trụ ca tụng Thiên Chúa như thế.

Thánh nhân cũng đã xử sự như vậy khi viết thư cho các tín hữu, cho các lãnh đạo nhân dân để mời gọi họ biết hỗ trợ cho đời sống đức tin của dân chúng. Hay (ở trong chương 23 của Lập Công Xác Thịt) Ngài kêu gọi mọi phẩm trật của Hội Thánh và mọi dân mọi nước yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Bài ca Anh Mặt Trời là chứng từ về việc Phanxicô thay đổi thế giới nhỏ bé – là bản thân của Ngài – bằng ngôn từ đơn giản, để nói với thế giới và cuối cùng là đưa thế giới đến chỗ thay đổi. Bài ca Anh Mặt Trời là bản đúc kết một hành trình xác định, chọn lựa, phấn đấu sống niềm tin đơn sơ và tinh trong vào tình yêu Thiên Chúa mà Phanxicô đã khám phá ra trong vũ trụ, trong cuộc sống và trong chính cái chết....”

Sau thánh lễ, tất cả mọi người dự lễ đều được mời dùng tiệc buffet. Khuôn viên giáo xứ đông vui với tiếng nói, tiếng cười. Các bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi dòng Phanxicô phục vụ vui vẻ, tận tình. Trong đám đông ấy, một mẩu đối thoại vui, mang tính tác nghiệp báo chí diễn ra:

“ – Xin bạn cho biết, dòng Phanxicô vốn khó nghèo, không tiền bạc bao bị, không nhà lầu xe sang thế mà sao các bạn vẫn tìm hiểu để lựa chọn?

- Thưa cô, vì con yêu mến Chúa! Thế thôi!
- Còn bạn thì sao?
- Tuy sống khó nghèo nhưng “lời lãi” rất nhiều cô ạ!
- Còn bạn này, ở ngoài đời thì có vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng...cũng hạnh phúc lắm chứ, sao lại chọn dòng khó nghèo?
- Chưa chắc con đã tìm được hạnh phúc trong hoàn cảnh đó.

Nhiều người đi qua đi lại chọn món ăn trong khi quí cha trò chuyện với người này người nọ, nắng buổi trưa mà nhẹ tênh, khuôn viên giáo xứ lại sậm màu nâu xen màu trắng, trông hay hay.

Lễ mừng bổn mạng kết thúc, cha bề trên chánh xứ Giuse Phạm Văn Bình thổ lộ cảm tưởng của mình: “Tâm tình của tôi hôm nay là biết ơn Thiên Chúa đã cho thánh Phanxicô có dịp trở thành khí cụ bình an và thực sự đã đem lại bình an cho Giáo Hội thời trung cổ. Anh em chúng tôi còn biết ơn những người đã góp phần làm đẹp Giáo Hội, trong đó có các anh chị em thuộc gia đình Phan Sinh dòng nhất, dòng nhì, dòng ba và những người có thiện chí. Không phải chỉ dừng lại đây để ca ngợi thánh Phanxicô và ca tụng nhau, mà phải hướng về tương lai đặt một câu hỏi: “Liệu tình yêu của thánh Phanxicô dành cho Thiên Chúa, Giáo Hội đã nung nấu thánh nhân; tình yêu ấy có còn nung nấu trong tâm hồn mình nữa không, để tiếp tục trở thành bàn tay, đôi chân của thánh nhân vì xã hội hôm nay đang cần đế hòa bình và bình an. Là những người hâm mộ thánh Phanxicô, việc cam kết trở thành khí cụ bình an của Chúa thì chúng ta có thể làm được gì? Nên làm gì và sẽ phải làm gì?”

Cái nắng vẫn nhẹ tênh khi đã quá trưa và mọi người theo các ngả đường mà về nhà mình.