Chuỗi hạt Mân Côi với Cha tôi và phút gặp con lần cuối

Cha tôi là ông Lưu Nam phải đi “cải tạo” khi tôi mới sáu tháng. Lớn lên, tôi chỉ được biết về cha qua những người khác. Mẹ tôi là người mộ đạo; Bà siêng lần hạt lắm. Những khi rảnh là mẹ lại ngồi lần hạt . Mẹ thường lấy dẫn chứng nơi cha tôi để bảo ban con cái . Mẹ kể: Cha bay( tức cha tôi) rất siêng lần hạt, cổ luôn mang bộ áo Đức Bà. Những khi đi làm việc “Liên đoàn” cha thường đi theo đường bờ đê để yên tĩnh mà lần hạt.

Tôi hỏi:

- Cha có tràng hạt ra sao?

Mẹ đáp:

- Bộ tràng hạt như bộ này này.

Rồi mẹ đưa tôi xem bộ tràng hạt nhỏ trăng trắng. Lần khác mẹ kể: “Cha bay cũng nói lên lòng ao ước khi lâm chung được gặp Thầy Cả để lo liệu giờ sau hết”. Lời trò chuyện của mẹ làm tôi cũng ước như vậy.

Một lần khác , tôi tò mò hỏi mẹ:

- Cha có nói với mẹ, cha muốn khi chết theo cách nào không?

Mẹ tôi đáp:

- Cha bay ước được chết vì bệnh lao.

- Bệnh lao - Tôi sửng sốt kêu lên – Bệnh lao là một bệnh nghê gớm, sao

cha lại ước như vậy?.

Mẹ tôi nói:

- Cha bay nói rằng: Bệnh lao thì chết từ từ nên có thời gian lo phần rỗi.

Càng lớn , tôi càng muốn biết vì sao cha tôi đi tù.

Tôi hỏi thì mẹ tôi nói rằng vì cha tôi làm việc “Liên đoàn”. Tôi lại hỏi “Liên đoàn” là gì, mẹ tôi nói tôi đi mà hỏi chú Nghi.

Ông Lưu Trung là em nuôi (con muôi của ông bà tôi) của cha tôi mà chúng tôi quen goị là chú Nghi. Chú gọi cha tôi bằng tên thân mật: “Bác Nam.” Tình cảm chú dành cho cha tôi là rất lớn. Trong nhiều lần kể về cha tôi, chú thể hiện lòng yêu mến, kính trọng. Chú nói: “Liên đoàn” giúp các cha về tinh thần sống đạo trong giáo dân.

Chú kể cho tôi nghe phiên xử cha tôi, ngắn ngủi, sơ sài ở cồn Hoàng Nương với bản án 20 năm tù. Khi xử xong, tòa yêu cầu các tù nhân đi song đôi, nhưng cha tôi nói đi hàng một.

Chú Nghi dẫn chị tôi là Lưu Thị Liên , con đầu của cha tôi, 12 tuổi đứng chờ phía trước. Khi đến, cha tôi xoa tay lên đầu chị tôi , nhưng người ta giục đi. Cha tôi bỏ tay khỏi đầu chị và nắm tay chị, lắc lắc mấy cái rồi phải rời đi.

Chú Nghi dắt chị tôi cùng với bao người lặng lẽ nhìn theo cha tôi xa dần. Đó là giây phút cuối cùng gặp một người con trong đời cha tôi.

Năm 1961, sau chín năm xa cách, mẹ tôi nhận được thư cha tôi. Đó là mảnh giấy to hơn bàn tay chút ít. Tôi thuộc lòng lời thư của cha thăm hỏi: “Mẹ già còn sống nữa không? Phần tôi vẫn khỏe. Hãy lo dạy giỗ đức hạnh cho con cái. Gần mực thì đen, gần đền thì rạng.”

Khi ấy tôi chín tuổi, nên chỉ hiểu câu tục ngữ trong thư cha tôi một cách lờ mờ. Từ đó gia đình tôi không biết tin gì nữa.

Mãi về sau, khi hỏi bộ Nội Vụ , cục Lao Cải mới cho biết cha tôi đã mất. Khi đọc giấy báo tử, được biết cha tôi chết vì bệnh lao. Tôi liên tưởng tới lời kể của mẹ tôi, và thế là một điều ước của cha tôi được thực hiện . Tôi cũng liên tưởng đến tượng thánh giá trong hài cốt cha tôi. Đó là tượng thánh giá nho nhỏ mà chúng tôi lượm được cùng với hài cố khi bốc mộ. Có phải đây là tượng thánh giá của chuỗi hạt mà cha tôi thường lần từ khi còn ở nhà hay không, hay có nguồn gốc nơi khác?

Vì tính chất giữ nguyên chứng tích, nên tôi không dám kỳ cọ, mài giũa gì để xác định có phải là loại sắt mạ kền được dùng phổ biến thời ấy không?

Còn một điều ước được gặp Thầy Cả trong giờ lâm tử của cha tôi , trong hoàn cảnh ở tù lúc ấy, không biết có thành hiện thực được không?

F.xav Lưu Thành