Perth Sư Huynh Michael Phạm Quang Hồng thuộc Dòng La San Úc Châu đã xin chuyển hướng theo ơn gọi làm Linh Mục và sẽ gia nhập Ðại Chủng Viện St Charles tại Tổng Giáo Phận Perth- Úc vào chiều nay 3/8, bắt đầu tuần tĩnh tâm cho một niên học mới.

Câu chuyện của một chủng sinh hay tu sĩ tìm hiểu hay chuyển hướng từ Triều ra Dòng hay ngược lại hay từ Dòng này qua Dòng khác thì đó cũng là chuyện bình thường. Như Ðức Giám Mục Phụ Tá Vũ Duy Thống đã một thời khi còn là chủng sinh đã xin gia nhập vào Dòng Tên là Ứng Sinh Ngoại Trú khoảng 2,3 năm, vẫn thường cọc cạch đi chiếc xe đạp tới Dòng, nhưng sau một thời gian thấy không thích hợp nên lại vào chủng viện học tiếp được thụ phong Linh Mục, và nhờ lòng nhiệt thành đạo đức nỗi bật, Ngài đã được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm lên hàng Giám Mục.

Nhưng đối với Sư Huynh Dòng La San Michael Phạm Quang Hồng ở đây thì lại là một câu chuyện hết sức đặc biệt, thứ nhất là cho đến nay số Sư Huynh Việt Nam Dòng La San đã khấn trọn xin chuyển hướng làm Linh Mục mới có 6 người, kế đến là chính cuộc đời của Sư Huynh Phạm Quang Hồng trải qua biết bao thăng trầm sóng gió chính là điều đáng được cảm kích.

Frère Michael Phạm Quang Hồng, 54 tuổi đã khấn trọn đời tại Việt Nam, vào năm 1978 khi Linh Mục Nguyễn Văn Vàng Chủ Tịch Hội Ðồng Liên Tôn Toàn Quốc Chống Cộng bị bắt, một tổ chức được thành lập từ năm 1970, tất cả những ai liên hệ đều bị bắt trong đó có Frère Michael Phạm Quang Hồng. Số tu sĩ trong 5 Dòng đã bị bắt trong năm 1978 mà cộng sản cho là có liên hệ với Cha Vàng lên đến gần 400 Tu Sĩ. Tất cả 5 Dòng đều tọa lạc tại Thủ Ðức gồm có Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Salesien Don Bosco, Dòng Ða Minh, Dòng Phước Sơn và Dòng La San. Tất cả tài sản của 5 Dòng bị tịch thu và con số gần 400 Tu Sĩ đều mang án. Riêng Cha Vàng bị án tử hình, được giảm án thành chung thân đã chết rũ tù. Hiện nay con số các linh mục tu sĩ bị bắt vào thời đó có vị đã qua đời trong tù số còn lại đã được tại ngoại.

Trong thời gian 2 năm đầu tất cả các Tu Sĩ đều bị nhốt chung đây là thời gian mà Frère Hồng kể lại đó là thời gian mặc dầu bị biệt giam nhưng khá vui vì anh em còn gặp nhau và là thời gian ngồi “gãi ngứa” vì tất cả ai cũng bị ghẻ chốc trong những căn phòng giam tối tăm không có ánh mặt trời và mất vệ sinh. Vào năm 1979, Frère Phạm Quang Hồng bị Tòa Phúc Thẩm Thành Phố tuyên án 13 năm. Frère được chuyển qua 5 trại giam khác nhau nằm trong miền Nam và được cho ra ngoài lao động. Thời gian này, nhờ đời sống nội tâm cao độ, Frère vẫn vui sống qua những năm tháng dài trong tù lao động cực nhọc, cũng may mắn cho Frère là Frère đã gặp một bạn tù già trí thức là một người Hoa, ông ta là triệu phú bị tù vì án tư bản mại sản, chính ông đã dạy cho Frere học tiếng Hoa. Nhờ thế sau này Frère rất giỏi tiếng Hoa và từ đó Frère có thể nghiên cứu về ngôn ngữ và học thêm tiếng Nhật.

Frère được thả ra khỏi tù vào năm 1988 sau khi đã ngồi bóc lịch hết 10 niên, mặc dầu án 13 năm điều này không có nghĩa là tư tưởng học tập chế độ cộng sản của Frère đã thông suốt đâu. Vì mang án nên không giống như trường hợp học tập cải tạo không có án, theo luật của nhà nước án 13 năm sẽ phải ngồi tù 10 năm rồi thả nếu lao động tốt.

Bước ra khỏi tù, Frère đã đi lang thang trên đường phố ngẫm nghĩ sẽ phải sống ra sao với ơn gọi của mình. Frère lại tiếp tục đi dạy học chui và sẵn món sở trường đã học từ thưở bé là nghề võ. Nghĩ đi nghĩ lại tuổi đời đã gần 40, sức khỏe đã sa sút khi ở trong tù, Frère đành quyết định không đi đấu võ nhưng dạy võ karate. Sẵn mang trong mình đời sống nội tâm, sống Tin Mừng và tinh thần dạy học theo ơn gọi Dòng La San. Frère được các bạn trẻ đi học võ rất quý mến, quý mến đến độ mà cả sở Thông Tin Văn Hóa cũng quên luôn cả con người mang bản án 13 năm khi xưa.

Vào năm 1995, Chính quyền Úc muốn mời đội võ Karate Thành Phố HCM sang đấu biểu diễn và đấu giao hữu. Trong cả thành phố chính quyền cộng sản không tìm ra ai là người tín cẩn để dẫn đoàn võ sinh trẻ đi đấu ngoại trừ Frère Phạm Quang Hồng. Frère Michael Phạm Quang Hồng được sở Thông Tin Văn Hóa tín nhiệm giao trọng trách dẫn đoàn võ sinh sang Úc biểu diễn. Sau khi biểu diễn ở Úc, Ðoàn Võ Sinh đã được Úc tưởng thưởng và khen ngợi nhiệt liệt mang lại danh thơm tiếng tốt khi trở về VN. Ðến năm 1997, Úc lại mời đoàn võ sinh qua đấu biểu diễn như lần trước, lần này Ðoàn Karatê Thành Phố HCM cũng được tưởng thưởng và khen ngợi nhiệt liệt tại thành phố HCM. Nhưng riêng đối với Frère Phạm Quang Hồng là một tu sĩ Dòng La San, Frere cảm nghiệm đến một nỗi khổ tâm khác bao trùm là vì khi đoàn võ sinh Việt Nam hay đoàn văn công Việt Nam đi lưu diễn tại Hải Ngoại, khi đi tới đâu là bị người Việt rỉ tai nhau kéo đến giương cờ giăng biểu ngữ chửi bới hô hào tẩy chay.

Ðến lần thứ 3 vào năm 1998, Úc lại mời Ðoàn Võ Sinh Karatê Thành Phố HCM sang lưu diễn lần nữa, chính quyền cộng sản biết Frère là người chịu đấm ăn sôi khi dẫn đoàn Võ Công đi lưu diễn tại hải ngoại, nên lần này cũng giao trọng trách cho Frère cũng như 2 lần trước. Tiễn ra phi trường Tân Sơn Nhứt, Frère Phạm Quang Hồng đại diện cho Ðoàn Võ Sinh nói với chính quyền: “Thưa các đồng chí, các đồng chí cứ an tâm, tôi sẽ hết sức động viên để cho các võ sinh cố gắng phấn đấu đạt mọi thành tích như các lần trước”. Lần này là câu nói cuối cùng, vì Frère đau khổ biết rằng sẽ không bao giờ Frère được trở lại và được phép về thăm quê hương dấu yêu Việt Nam một lần nữa. Sau lần lưu diễn kỳ này, được sự giúp đỡ của chính quyền Úc và Dòng La San Úc Châu, Frère Phạm Quang Hồng và cả đoàn võ sinh được ở lại xin tỵ nạn tại Sydney Úc Châu. Tất cả võ sinh là thành phần trẻ còn độc thân, duy nhất một người đã có gia đình sau này anh ta cũng đã bảo lãnh gia đình sang đoàn tụ tại Úc.

Dứt bỏ nghiệp dạy võ, Frère trở về với Cộng Ðoàn Dòng La San Úc Châu tại Sydney dạy học, giúp giới trẻ. Nhờ ngôn ngữ Trung Hoa đã học trong tù và tìm hiểu thêm tiếng Nhựt, Frère dạy thêm tiếng Nhựt và tiếng Pháp cho học sinh Úc. Ngoài thời gian dạy học và sinh hoạt với Dòng La San, Frère còn giúp sinh hoạt giới trẻ,Thiếu Nhi Thánh Thể cho Cộng Ðoàn Việt Nam. Trong Hội Liên Tu Sĩ Úc Châu, Frère được bầu làm phó chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ tại Úc Châu. Ðược tất cả các Cộng Ðoàn Việt Nam tại Úc Châu yêu mến, Frère cũng đã đi giảng thuyết và giảng tĩnh tâm, sinh hoạt Thiếu Nhi, sinh hoạt Giới Trẻ cho các Cộng Ðoàn Việt Nam tại Úc. Trong những buổi giảng thuyết và tĩnh tâm đã được các Cộng Ðoàn Việt Nam mến mộ và đến tham dự rất đông.

Chưa đầy 5 năm sinh sống tại Sydney- Úc Châu, tên của Frère đã được khắc trong lòng bàn tay của Chúa từ thưở đời đời, vào năm 2003 Frère đã nộp đơn xin làm Linh Mục tại Tổng Giáo Phận Perth (Perth cách Sydney 5 tiếng đi máy baỵ). Vào đầu tháng 7/2003, Ðức Tổng Giám Mục Bary James Hickey của Tổng Giáo Phận Perth đã phỏng vấn và chấp thuận cho Frère vào Ðại Chủng Viện. Frère đã thu xếp hành trang lên đường qua Tổng Giáo Phận Perth vào ngày 30/7, để rồi chiều nay bước vào chủng viện đáp lại tiếng gọi dịu dàng mà lòng đã chờ đợi bao năm để khẽ trả lời: “Lạy Chúa con đây xin vâng lời Thánh Ý”. Nếu đẹp lòng Chúa, Frère sẽ được thụ phong Linh Mục trong vòng 2 hay 3 năm tới.

Theo tài liệu của Vietcatholic, hiện nay đã có 6 Sư Huynh khấn trọn thuộc Dòng La San xin chuyển hướng và đã thụ phong làm Linh Mục (con số này thực tế có thể hơn):

1. Cha Piô Ðỗ Văn Ðông, nguyên Giám Học trường La San Ðức Minh Sài Gòn đã xin vào Ðại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang. Cha bị bệnh xin về hưu. Trong dịp từ Việt Nam đi qua thăm thân nhân tại Texas Hoa Kỳ Cha đã lâm trọng bệnh và qua đời tại đây vào tháng 6/2002.

2. Cha Gerald Hồ Tấn Pháp, nguyên Giảng Sư Ðại Học Hùng Vương Sài Gòn thụ phong Linh Mục triều đã qua đời vào tháng vừa qua 7/2003.

3. Cha Liguori Ðinh Mậu Ngôn nguyên Giảng Sư Ðại Học Hùng Vương Sài Gòn đi tu Dòng Phước Sơn đã qua đời.

4. Cha Archange Triều Văn Lộc, trước dạy học trường La San Vân Côi Hố Nai- Biên Hòa, đi tu Dòng Phước Sơn

5. Cha Antoine Nguyễn Văn Nên đi tu triều đang phục vụ cho Giáo Xứ tại Pháp

6. Cha Bénilde Trịnh Hão đi tu triều đang phục vụ cho Giáo Xứ tại Hoa Kỳ.

Xin mọi người giúp lời cầu nguyện cách riêng cho Frère Hồng và cho toàn thể hàng Giáo Sĩ Việt Nam, cảm tạ ơn Người vì những đóng góp nổi bật của hàng Giáo Sĩ Việt Nam cho Giáo Hội hoàn vũ.



* Xin được dùng chữ Frere ở đây vì các học sinh Việt Nam tại các trường La San đều quen gọi các tu sĩ Dòng La San là Frère không ai gọi là sư huynh (Frère=brother=Sư Huynh), cũng giống như Nữ Tu gọi là Sơ (Soeur=Sister= Chị)

* Hai hình cuối cùng, trong tuần Frère giảng thuyết chủ đề gia đình, Frère đóng trong vở hài kịch “Chồng chúa vợ tôi” mà người hóa trang đóng vai “thiếu nữ” là Cha Phêrô Nguyễn Minh Thúy Quản Nhiệm Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc