Giáo hội điều hành 117.000 trung tâm điều trị bệnh nhân AIDS trên thế giới

Vatican - Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Y tế, báo cáo rằng Giáo Hội Công Giáo hiện đang điều hành 117.000 trung tâm để chăm sóc cho bệnh nhân AIDS trên toàn thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, người Ba Lan, nói với nhật báo L'Osservatore Romano rằng trong 30 năm qua, hơn 60 triệu người đã nhiễm HIV, chủ yếu là ở châu Phi. Ngài phát biểu với nhật báo Vatican trước ngày diễn ra một hội nghị về điều trị và phòng chống HIV và AIDS.

Hội nghị này diễn ra trong ngày 27 và 28-5. Nó đã được tổ chức bởi Quĩ Người Samari Nhân hậu (Good Samaritan Foundation), được Chân phước ĐTC Gioan Phaolô II thành lập năm 2004 và giao cho Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Y tế quản lý.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh chứng từ của "vô số nhân viên chăm sóc y tế và người tình nguyện, những người trong sự chăm sóc can đảm cho người bệnh...đã bị lây nhiễm bệnh”.

Ngài cũng đề cao công việc của Chân phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta và cố Hồng Y John Joseph O'Connor ở New York, "là những người đã cổ vũ thành lập nhiều trung tâm chăm sóc y tế cho các nạn nhân AIDS", và "nhiều chương trình điều trị và hỗ trợ tại Mỹ và các nước nghèo khác”.

Tổng Giám mục nói rằng hội nghị nhằm trả lời cho các câu hỏi của "nhiều Giám mục liên hệ với Hội đồng chúng tôi để được sự giúp đỡ liên tục, với sự hỗ trợ vật chất, nhưng trên hết, với các thông tin về các tiến bộ mới nhất trong khoa học trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này".

Mục tiêu của Hội nghị bao gồm việc cải thiện chăm sóc mục vụ và y tế cho các nạn nhân AIDS, và khuyến khích các nước phát triển hãy thể hiện tình đoàn kết với các nước nghèo, "vì quá nhiều người chết mà không tiếp cận được sự điều trị mà họ cần, nhất là thuốc kháng virus", hiện chỉ có sẵn ở các nước phát triển.

Trong năm 2008, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Y tế thời đó, Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán, báo cáo rằng 27% của các tổ chức trên khắp thế giới chăm sóc bệnh nhân AIDS là của Công Giáo, 44% là của Chính phủ; 11% là của các tổ chức phi chính phủ, và 8% là của các tôn giáo khác. (CNA / EWTN News 27-5-2011)

Phạm Kim An