Bất cứ ai quan tâm tới việc xuất hiện hiện tượng người Công Giáo bất đồng công khai đối với giáo huấn luân lý của Giáo Hội trong 40 năm qua, hẳn phải quen thuộc với cuộc tranh cãi do việc công bố thông điệp Sự Sống Con Người ngày 25 tháng 7 năm 1968 của Đức Phaolô VI.
Việc công bố này tiếp theo 5 năm duyệt xét cẩn thận của chính Đức Giáo Hoàng về đủ mọi vấn nạn liên quan tới việc kiểm soát sinh đẻ. Một phần cuộc duyệt xét đó được trao phó cho một nhóm nghiên cứu gồm nhiều giáo sĩ và chuyên viên, mà người ta thường gọi là Ủy Ban Giáo Hoàng Kiểm Soát Sinh Đẻ.
Thực ra, nhóm nghiên cứu này, chính thức gọi là Ủy Ban Giáo Hoàng Về Dân Số, Gia Đình và Sinh Suất, được Đức Gioan XXIII thiết lập ngày 27 tháng 4 năm 1963, 6 tháng sau ngày Công Đồng Vatican II khởi sự. Trái với niềm tin phổ thông, mục đích của ủy ban này không phải là sét xem liệu Giáo Hội có nên thay đổi giáo huấn của mình về ngừa thai hay không, nhưng đúng hơn trợ giúp Tòa Thánh chuẩn bị tham dự hội nghị sắp tới do Liên Hiệp Quốc và Cơ Quan Y Tế Thế Giới bảo trợ.
Đức Gioan XXIII qua đời sau đó 37 ngày và Đức Hồng Y Giovanni Montini được bầu làm giáo hoàng vào ngày 21 tháng 6, lấy hiệu là Phaolô VI. Đức tân giáo hoàng hiểu rất rõ vấn đề đặt ra cho Giáo Hội do việc thế giới thế tục Tây Phương nhất trí về việc kiểm soát sinh đẻ. Người Công Giáo càng ngày càng sử dụng việc ngừa thai và trên các tạp chí bác học, các nhà thần học Âu Châu bắt đầu lên tiếng thách thức giáo huấn vốn được chấp nhận. Ngài cũng chưa có quyết định gì về vấn đề liệu thuốc viên ngừa thai, vì không can thiệp vào diễn trình giao hợp tính dục, có phải là một hình thức ngừa thai hay không. Các cố vấn thuộc mọi phía cố thuyết phục ngài nhận ra tính khẩn trương của vấn đề và làm áp lực để ngài đem vấn đề ra xem sét.
Đứ Phaolô đồng ý rằng vấn đề này cần được xem sét một cách cẩnthận, nhưng lại cho rằng Công Đồng Vatican II, lúc đó đang họp năm thứ hai, không phải là chỗ thích hợp để đảm nhiệm việc đó. Do đó, ngài quyết định mở rộng con số thành viên của Ủy Ban, điều được ngài thực hiện vào ngày 23 tháng 6 năm 1964, bằng cách thêm các y sĩ, phân tâm gia, chuyên viên dân số học và xã hội học, kinh tế gia và một số cặp vợ chồng. Vì ngài không chỉ rõ nhiệm vụ mới của Ủy Ban, nên các thành viên đã tự xác định lấy: tái xem sét nội dung và vị trí của giáo huấn đã được chấp nhận trong Giáo Hội Công Giáo về việc sử dụng kiểm soát sinh đẻ.
Vì đây là một ủy ban có tính bí mật (confidential), nên nhiều chi tiết liên quan tới phương thức làm việc bên trong đã không bao giờ được công bố. Tuy nhiên, ta cũng biết rằng một năm trước khi “Sự Sống Con Người” được công bố, và vào khoảng 6 tháng sau khi Ủy Ban hoàn tất công việc, tức vào mùa xuân năm 1967, bốn tài liệu của Ủy Ban đã bị tiết lộ cho báo chí và được ấn hành bằng tiếng Anh và Tiếng Pháp. Các tài liệu này tiết lộ rằng đa số các thành viên ủng hộ việc đảo ngược giáo huấn cổ truyền về ngừa thai và đã khuyến cáo như thế lên đức giáo hoàng.
Báo chí lúc ấy đã có một ngày hội lớn đối với các tài liệu bị tiết lộ. Người Công Giáo khắp thế giới được người ta mớm cho cảm tưởng là Giáo Hội đã sẵn sàng “thay đổi giáo huấn của mình” về vấn đề ngừa thai. Thành thử, nhiều hy vọng và chờ mong sai lầm đã được củng cố. Điều này một phần phải chịu trách nhiệm đối với sự ngỡ ngàng mà nhiều người trong Giáo Hội bày tỏ trong tháng 7 năm 1968 khi đức thánh cha tái khẳng định giáo huấn đã có từ xưa.
Tại sao người Công Giáo lại được chuẩn bị một cách nghèo nàn như thế để tiếp nhận giáo huấn của đức giáo hoàng? Tại sao đức giáo hoàng lại nhận được quá ít sự ủng hộ đến thế từ chính các giám mục thế giới? Tại sao những người bênh vực thay đổi lại tiết lộ các tài liệu, một điều chắc chắn đã gây ra hoang mang khủng khiếp trong tâm trí những người Công Giáo đơn thành? Trong nhiều năm qua, một số cuốn sách phác họa cho ta phương thức làm việc của Ủy Ban đã được xuất bản, nhưng phần lớn do những người chống đối dai dẳng “Sự Sống Con Người” viết ra.
Phần còn lại của câu truyện
Nhà thần học luân lý ưu tú của Mỹ là Germain Grisez, giáo sư hưu trí môn đạo đức học Kitô Giáo tại Đại Học Mount Saint Mary ở Emmitsburg, Maryland, mới đây có cho đăng tải trên trang mạng của ông, tên là “The Way of the Lord Jesus” (Đường Lối Chúa Giêsu) (www.twotlj.org/Ford.html), một số tài liệu chính thức của Ủy Ban Giáo Hoàng, bao gồm cả 4 tài liệu đã bị tiết lộ. Ít người hiện sống ngày nay có tư cách hơn Grisez để nói về phương thức làm việc của Ủy Ban. Khi còn là một triết gia luân lý trẻ tuổi, ông vốn là cánh tay mặt của Cha John C. Ford, Dòng Tên, nhà thần học luân lý hàng đầu của Mỹ lúc đó và là cố vấn thần học có ảnh hưởng của Ủy Ban trong việc bênh vực giáo huấn cổ truyền của Giáo Hội. Cả hai vị, Cha Ford lẫn Grisez, cùng nhau soạn thảo phần lớn các tài liệu của Ủy Ban để trình bày các luận điểm bênh vực giáo huấn vốn được chấp nhận, chống lại việc ngừa thai nhân tạo.
Grisez cung cấp cho ta các đường dây nối kết với các tài liệu trong ngữ cảnh một tiểu luận có thư mục về Cha John C. Ford, một linh mục Dòng Tên vĩ đại từng chịu đau khổ nặng nề vì bênh vực chân lý Công Giáo trong lãnh vực luân lý tính dục (không nên lẫn lộn với Cha John T. Ford của Dòng Thánh Giá). Các tài liệu này cho thấy rõ: ngay từ những ngày đầu tiên khi Đức Phaolô VI nới rộng Ủy Ban, tổng thư ký Ủy Ban, Cha Henri de Riedmatten, Dòng Đa Minh, có sự phụ họa của các thành viên khác cùng khuynh hướng trong Ủy Ban, đã cương quyết thuyết phục Đức Phaolô VI đảo ngược giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai.
Khi bỏ phiếu ngày 20 tháng 6 năm 1966, trong số 15 thành viên giáo phẩm của Ủy Ban hôm ấy có mặt, thì 9 vị giám mục bỏ phiếu ủng hộ việc thay đổi. Thêm vào đó, 12 trong số 19 chuyên viên thần học hỗ trợ việc thay đổi, cũng như hầu hết các giáo dân thành viên tư vấn. Điều đáng buồn là chính nhà thần học riêng của Đức Phaolô VI, Đức Cha Carlo Colombo, cũng cho thấy rõ là ngài tin có thể có những phương pháp ngừa thai nhất quán với truyền thống luân lý của Giáo Hội.
Một thành viên của Ủy Ban, Đức TGM Karol Wojtyła của Kraków, bị nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan ngăn cản không tham dự được các phiên họp của Ủy Ban. Điều chắc chắn là ngài sẽ bỏ phiếu với phe thiểu số.
Khi cho công bố “Sự Sống Con Người”, Đức Phaolô VI đã không theo quan điểm của đa số các hồng y và giám mục cố vấn, cũng như với chính nhà thần học riêng của ngài. Nhắc lại các nhận định của Cha Ford về kết quả không cân xứng của diễn trình tham khảo, Grisez viết rằng: “Nói thẳng ra, Cha Ford nhận định, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tái tổ chức Ủy Ban, ngài ít chú ý tới việc cố gắng ép nó chống lại thay đổi; đúng hơn, ngài muốn cho những người ủng hộ thay đổi mọi cơ hội để họ trình bày quan điểm của họ”. Họ đã làm thế và đức giáo hoàng đã bác bỏ quan điểm của họ vì coi là thiếu sót.
Trình thuật được công bố mới đây của Grisez sẽ cung cấp nhiều tư liệu quan trọng cho việc đánh giá có phê phán, có lẽ cả tái thẩm định nữa, về một thời kỳ đau đớn trong lịch sử gần đây của Giáo Hội, cơn đau mà hiện nay ta vẫn còn cảm nhận trong đời sống Giáo Hội.

Theo E. Christian Brugger, Học Giả kỳ cựu về đạo đức học và giám đốc Chương Trình Học Giả tại Qũy Văn Hóa Sự Sống (Culture of Life Foundation); cũng là giáo sư thần học luân lý tại Chủng Viện Thánh Gioan Vianey tại Denver, Colorado.