Tiếp theo, số 8

HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH (SACROSANCTUM CONCILIUM)

23. Thưa cha, Phụng Vụ là gì?

Phụng Vụ là việc thờ phượng, phụng tự công khai của Hội Thánh, được cử hành cùng với Chúa Kitô và triều thần thiên quốc.

24. Vậy Hiến chế về Phụng Vụ thánh của Công Đồng Vaticanô II nhằm mục đích gì?

Nhằm hướng dẫn “Phong trào Phụng Vụ” mới cũng như toàn thể Hội Thánh đến chỗ tuyệt đỉnh và mở ra một kỷ nguyên mới cho đời sống cầu nguyện của Giáo Hội được hoàn hảo và hữu hiệu.

25. Cha vừa nói đến “Phong Trào Phụng Vụ”. Vậy xin cha nói rõ hơn về phong trào này?

Nếu các bạn nghiên cứu sẽ thấy những người tiên phong trong phong trào này, vào cuối thế kỷ 20, là các tu sĩ Dòng Benedicto Solesmes, Beuron, Maria Laach,… Tuy nhiên, người tiên phong của phong trào này chính là Đức Giáo Hoàng Piô X (được mênh danh là vị Giáo Hoàng của Bí Tích Thánh Thể). Nhưng người có công lớn nhất trong phong trào này là Đức Giáo Hoàng Piô XII. Ngài đã để lại tài liệu quan trọng, có giá trị đến nỗi sau này Công Đồng Vaticanô II đã sử dụng như kho tàng quý giá (qua Thông điệp Mediator Dei – Đấng Trung gian của Thiên Chúa, 1947).

26. Thưa cha, vì những lý do gì mà Công Đồng Vaticanô II thấy cần phải canh tân, cải tiến Phụng Vụ?

Công Đồng canh tân Phụng Vụ vì những lý do sau đây: Công Đồng muốn phát huy đời sống Giáo Hội nơi các tín hữu ngày càng tốt đẹp hơn, thích ứng những định chế sao cho phù hợp với những nhu cầu của thời đại, cổ vũ những gì có thể góp phần tạo nên sự hiệp nhất các tín hữu đã tin vào Chúa Kitô, kiện toàn những gì giúp cho việc dấn thân của tín hữu đối với Giáo Hội.

27. Thưa cha, Phụng Vụ đóng vai trò gì trong mầu nhiệm Giáo Hội?

Phụng Vụ đóng vai trò rất quan trọng trong mầu nhiệm Giáo Hội. Nhờ Phụng Vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn mà công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Phụng Vụ giúp các tín hữu diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính. Tất cả quy hướng về thành đô Thiên Quốc, nơi mọi tín hữu đang tìm kiếm. Phụng Vụ kiến tạo mọi thành phần của Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, kiện toàn sức lực sung mãn cho tín hữu để loan báo Chúa Kitô. Phụng Vụ cũng tỏ rõ cho những người ngoài Giáo Hội thấy Giáo Hội như dấu chỉ của sự hiệp nhất, yêu thương, nên một với tư cách là con cái của Thiên Chúa.

28. Vậy đối với các Nghi Lễ khác (như Nghi Lễ Đông Phương) thì sao ạ?

Hội Thánh Mẹ chúng ta coi tất cả những Nghi Lễ đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau. Hơn thế nữa, Hội Thánh còn muốn các Nghi Lễ ấy được duy trì trong tương lai và được cổ vũ bằng mọi cách nhưng cố gắng sao cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.

NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT ĐỂ CANH TÂN VÀ CỔ VŨ

PHỤNG VỤ THÁNH

29. Thưa cha, bản tính của Phụng Vụ thánh trong đời sống Giáo Hội xuất phát từ đâu?

Xuất phát từ chính bản tính nhân loại của Thiên Chúa, hiệp làm một với Ngôi Lời, đã nên khí cụ phần rỗi chúng ta. Bởi thế, nhờ Chúa Kitô, Thiên Chúa đã hoàn toàn nguôi lòng để chúng ta được giao hòa với Ngài và cho chúng ta được phụng thờ Ngài một cách hoàn hảo.

30. Vậy hiệu quả của việc Hội Thánh cử hành Phụng Vụ thánh là gì?

Hiệu quả hữu hiệu và lớn nhất là công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô được tiếp nối khi Hội Thánh long trọng cử hành Phụng Vụ thánh.

Chẳng hạn như hiệu quả của việc cử hành các Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể (Thánh Lễ),… giúp chúng ta được đón nhận ân sủng của Thiên Chúa cách dồi dào, sung mãn, tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, được đón nhận ơn cứu độ trào tràn ngay giây phút hiện tại.

31. Thưa cha, chúng con hơi do dự một chút, nhưng cũng hỏi luôn. Vậy Chúa Kitô như thế nào trong Phụng Vụ thánh?

Chúa Kitô hằng hiện diện cách sống động trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động Phụng Vụ. Người hiện diện trong Hy Lễ không những trong con người thừa tác viên, mà nhất là hiện diện thực sự trong hai hình Thánh Thể. Người hiện diện trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người. Thật đúng như lời Chúa nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18,20).

32. Vậy là việc cử hành Phụng Vụ quá tuyệt vời, cao cả, khó có hành vi nào khác của Giáo Hội có thể so sánh vì luôn có Chúa hiện diện?

Đúng vậy. Vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và thân thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành Phụng Vụ đều là hành vi chí thánh và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng.

33. Thưa cha, Phụng Vụ có phải là hoạt động duy nhất của Giáo Hội không ạ?

Phụng Vụ thánh không phải là hoạt động duy nhất của Giáo Hội. Bởi lẽ, Hội Thánh còn nhiều hoạt động khác nữa, ví dụ như: hoạt động rao giảng Tin Mừng, kêu gọi con người hoán cải, mời gọi con người tin vào Thiên Chúa,… Hội Thánh luôn rao giảng đức tin và sự thống hối cho người tín hữu, giúp họ sẵn sàng đón nhận các Bí Tích, dạy họ giữ trọn những điều Chúa Kitô đã truyền, thúc giục họ tham gia mọi công việc bác ái, đạo đức và tông đồ,… Tất cả nhằm tôn vinh Thiên Chúa trước mặt mọi người.

34. Xin cho chúng con biết vị trí của Phụng Vụ trong lòng Giáo Hội như thế nào?

Thực sự, Phụng Vụ là tuyệt đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội quy hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Phụng Vụ cũng được kể như là nguồn mạch tuôn trào ân sủng trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu và Thiên Chúa được tôn vinh. Đây cũng là cứu cánh của mọi công việc khác của Giáo Hội.

35. Vậy thưa cha, khi tham dự Phụng Vụ thánh, người tín hữu cần chuẩn bị những gì?

Để tham dự Phụng Vụ thánh một cách hữu hiệu, người tín hữu cần có một tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ và cộng tác với ân sủng trên trời, tránh nhận lãnh ân sủng một cách lạnh lùng, vô cảm, vô hồn, qua quýt.

36. Con nghĩ rằng, các vị chủ chăn cần phải lo liệu sao cho người tín hữu tham dự cách hữu hiệu nhất?

Bạn nói đúng. Các vị chủ chăn không những chỉ chú tâm vào việc tuân giữ các lề luật trong các hoạt động Phụng Vụ để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn lo cho các tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hiệu quả.

37. Tham dự Phụng Vụ thánh rồi có được chuẩn miễn cho việc cầu nguyện cá nhân không, thưa cha?

Một câu hỏi hay! Thực sự ra đời sống thiêng liêng của người tín hữu không chỉ giới hạn trong việc tham dự Phụng Vụ thánh, cùng với cộng đoàn cầu nguyện chung, mà còn phải cầu nguyện riêng cách âm thầm, kín đáo, liên lỉ. Vậy, không thể chuẩn miễn cho việc cầu nguyện cá nhân khi người tín hữu đã tham dự Phụng Vụ thánh. Hay nói mạnh hơn, người tín hữu càng tham dự Phụng Vụ thánh nhiều bao nhiêu, càng thấy nhu cầu cầu nguyện cá nhân lớn lao bấy nhiêu, thậm chí yêu mến việc cầu nguyện cá nhân.

38. Chúng ta phải nói thế nào giữa Phụng Vụ và các việc đạo đức?

Các việc đạo đức được khơi nguồn từ Phụng Vụ. Những việc đạo đức của người tín hữu một khi còn hợp với các lề luật và các quy tắc của Hội Thánh thì còn được khích lệ duy trì. Song phải dựa theo các mùa Phụng Vụ mà sắp xếp sao cho phù hợp với Phụng Vụ thánh để có thể được coi là xuất phát từ Phụng Vụ và dẫn chúng đến Phụng Vụ. Bởi lẽ, tự bản chất, Phụng Vụ vượt xa các việc đạo đức ấy.

(Còn tiếp)