GIỚI TRẺ MIỀN BẮC HỌC HỎI VỀ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II
(Tiếp theo, số 3)

10. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII loan báo triệu tập Công Đồng Vaticanô II khi nào?

Ngài loan báo triệu tập Công Đồng vào ngày 25.1.1959, làm cả thế giới ngạc nhiên. Ngài kêu gọi: “Chúng ta hãy hiệp nhất với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa”.

11. Việc triệu tập Công Đồng Vaticanô II đã đem lại sự tiến bộ gì?

Việc triệu tập ấy đã đưa Giáo Hội thoát xa “duy giáo hoàng thuyết” (tức định tín về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng và coi quyền giáo huấn thông thường của Đức Giáo Hoàng là “mực thước của đức tin”), để đến gần với “nguồn Phúc Âm” hơn.

12. Vậy xin cha cho biết điều mới mẻ cụ thể của việc triệu tập Công Đồng Vaticanô II là gì?

Điều mới mẻ không phải phát sinh từ việc học hỏi các tài liệu, nhưng từ những nhu cầu cấp bách thực tế của Giáo Hội. Và đó cũng là hướng đi đặc biệt của Công Đồng Vaticanô II.

13. Vậy vào năm 1959, Giáo Hội có gặp phải những khó khăn nào không ạ?

Không, Giáo Hội không phải bận tâm về một khó khăn nào: không có lạc giáo, không có bách hại. Ngược lại, khi đó uy thế của Giáo Hội lớn mạnh hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế của xã hội và Giáo Hội lúc đó: sau Công Đồng Vaticanô I, thế giới đã thay đổi còn nhanh hơn 19 thế kỷ qua! Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã có hấp lực lớn hướng nhân loại về viễn ảnh tương lai, trong tầm tay của mình. Dường như con người đặt trọn niềm hy vọng của mình nơi thế giới vật chất này. Bởi lẽ, đối với họ, những hứa hẹn của các tôn giáo đều tan vỡ?!

14. Thưa cha, hóa ra con người đánh mất chính mình vì mất niềm tin, niềm hy vọng và sống vô định sao?

Không phải thế, Giáo Hội lúc đó phải đương đầu với vấn nạn cực kỳ khó khăn đó, nhưng thật may, hơn bao giờ hết, con người lại cảm thấy chính bản thân mình luôn bị đe dọa do chính những khám phá của họ: mối lo âu tột độ của hiểm họa tiêu diệt của bom nguyên tử, bầu khí thiếu lành mạnh và nhiễm độc của môi trường văn minh, các cuộc chiến tranh liên lỉ,…

15. Nãy giờ cha toàn nói về vấn nạn của xã hội, còn về phía Giáo Hội thì sao cơ?

À, đúng rồi! Còn về phía Giáo Hội, các Kitô hữu, thành phần thiểu số của thế giới lại chia rẽ hơn bao giờ hết. Giáo Hội Công Giáo lại mất đi những cơ hội truyền giáo hứa hẹn nhất, và đau đớn vì những rạn nứt nội bộ không ngừng xảy ra nơi các xứ Kitô giáo lâu đời. Bởi thế, sự hiệp nhất Kitô hữu là hết sức cần thiết.

Những vấn đề ấy là những lý do đủ để khai mở Công Đồng.

16. Xin cha cho biết cách sơ lược về giai đoạn chuẩn bị cho Công Đồng Vaticanô II?

Phải nói rằng, người ta đã dành ra thời gian khá dài để chuẩn bị cho Công Đồng Vaticanô II (từ 17.5.1959 đến 11.10.1962), chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn tiền chuẩn bị và giai đoạn chuẩn bị.

16.1 Giai đoạn tiền chuẩn bị (từ 17.5.1959 đến 5.6.1960):

Người ta đã không dùng phương pháp là tiếp tục công trình của Vaticanô I, nhưng đã khởi đi từ những vấn đề mới. Người ta có thể bàn luận những chủ đề do Tòa Thánh đề nghị hoặc là hỏi ý kiến các Giám Mục về những đề mục. Lần đầu tiên trong lịch sử, các Nghị Phụ Công Đồng tương lai được tham khảo ý kiến. Ngay cả các trường Đại Học cũng được thăm dò. Hơn nữa, một sự kiện chưa từng có là không có vấn đề giới hạn các đề mục. Con số trả lời lên đến 2109 làm thành 8 quyển. Người ta tổng kết được gồm có 8972 đề nghị.
Còn về tên gọi của Công Đồng thì sao? Người ta bàn thảo sôi nổi không biết đó có phải là một Công Đồng khác hay chỉ là kế tiếp của Công Đồng Vaticanô I. Cuối cùng, vào ngày 7.12.1959, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chính thức đặt tên là Công Đồng Vaticanô II.

16.2 Giai đoạn chuẩn bị (từ 14.11.1960 đến 11.10.1962):

Ngày 14.11.1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đọc diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị trước 33 Hồng Y và hàng trăm Giám Mục. Ngài nói: “Mục đích của Công Đồng là đem lại chân giá trị cho tư tưởng con người, cũng như cho đời sống nhân loại và Kitô giáo”, trong một tinh thần biết tìm về nguồn và biết vâng theo Chúa Thánh Thần.
Công việc chuẩn bị thật chu đáo, đầy vất vả. Các Ủy Ban phải làm việc ngày đêm, soạn thảo các lược đồ, phải họp nhau liên tục, bên cạnh luôn có các nhà chuyên môn tài giỏi,… Thành quả của những công việc lâu dài này là 70 dự án được chấp thuận, làm thành 2060 trang giấy in. Các bạn khó có thể mường tượng ra được công việc chuẩn bị đầy khó khăn và vất vả như thế nào. Tuy nhiên, với những dự án, lược đồ cũng như các chất liệu có trong tay, như là những “nắm bột” để “gột nên hồ” nghĩa là hình thành nên một Công Đồng Vaticanô II nổi tiếng và giá trị mà chúng ta sẽ thấy sau này. Tôi và các bạn sẽ tiếp tục tìm hiểu sau.

(Còn tiếp)