Bài nhận định dưới đây là của Stephen Prothero, giáo sư tôn giáo trường Đại học Boston đăng trên báo Wall Street Journal ngày 11 thàng 12 năm 2009.

Một chút cái này, một nhúm cái kia

Thật nhiều chuyện để Đức Chúa phải ghen tương. Một cuộc thăm dò được tổ chức Pew Forum on Religion & Public Life công bố hồi đầu năm nay cho thấy Hoa kỳ là một “quốc gia của những người hay chuyển đổi tôn giáo.” Nếu trong lãnh vực tình yêu, người Mỹ nghiêng về chế độ đơn thê hàng loạt (serial monogamy - chuyển từ hôn nhân sang ly dị để rồi tái hôn, và cứ như vậy), thì tương tự như thế, chúng ta di chuyển từ tôn giáo này sang tôn giáo khác, cam kết trung thành, chẳng hạn như, ở đạo Methodist lúc còn niên thiếu, chuyển sang đạo Công giáo lúc trung niên, và vào đạo Episcopal ở lúc lẩm cẩm tuổi già.

Một nghiên cứu mới của Pew, vừa được công bố tuần qua, cho thấy người Mỹ cũng là những kẻ đong đưa như họ đã từng là những người chuyển đổi, họ tuy không chính thức đổi đạo nhưng lại ve vãn các niềm tin và thực hành tôn giáo, khác với những gì quy định trong đạo họ theo. Các nhà lãnh đạo Công giáo đã từ lâu lên án những người gọi là “Công giáo kiểu quán cà phê ("Cafeteria Catholics")” sắp hàng tự chọn những niềm tin và những thực hành Công giáo nào họ muốn tuân giữ. Theo cuộc nghiên cứu mới nói trên, người Mỹ nay được coi như một nhóm người đang vào ăn ở chỗ mà, mỗi khi đề cập tới, một đồng nghiệp của tôi ở trường Đại học Boston lại gọi là ”quán ăn bán đồ thần thánh”.

Không kể lúc đi đây đi đó hoặc một biến cố đặc biệt như đám cưới hoặc ma chay, có tới hơn 1 phần ba tổng số người Mỹ tham dự các lễ nghi phụng tự không chỉ ở một nơi thờ phượng mà thôi, và gần 1 phần tư đến dự lễ nghi do tôn giáo khác tổ chức. Hầu hết những chuyện không chung thủy về tôn giáo này xảy ra trong gia đình, hoặc trong phạm vi gia đình mở rộng: người theo đạo Lutheran tới dự lễ của người Baptist, hay người Baptist đến nhà thờ Công giáo xem lễ Misa. Trong số người da đen theo đạo Tin lành có 8% đến dự lễ tại nguyện đường Do thái, 5% đến các đền thờ Hồi giáo. Trong khi đó thì có một số lớn người Mỹ theo Kitô giáo lại khẳng định niềm tin vào những điều các nhà thần học của họ từ lâu quy kết là dị giáo: 23% tin vào tử vi lý số, 22% tin vào thuyết luân hồi, 21% coi yoga là một nghi thức tâm linh.

Xét theo nhiều khía cạnh thì cảnh hỗn tạp chung chạ về tôn giáo như thế chẳng có gì mới mẻ. Nhiều người theo Thiên Chúa giáo thời sơ khai cũng là những tín hữu Do thái giáo thuần thành. Còn ở Trung quốc, tam giáo Khổng, Lão và Phật đã chung sống hàng bao thế kỷ, nhiều tín đồ lấy Khổng giáo lúc giao tế, quay qua Lão giáo để được tự do, qua Phật giáo để được giác ngộ. Thế nhưng các tôn giáo độc thần ở phương Tây nhấn mạnh rằng chỉ có một con đường dẫn tới hạnh phúc đời sau. Vậy thì điều gì đã xảy đến với thứ lòng trung thành đó? Rõ ràng lòng thành tín đó còn sống sót trong số những người theo đạo Do thái Chính thống, các Kitô hữu đạo Evangelical và những người theo Hồi giáo truyền thống. Nhưng đối với số người còn lại trong chúng ta, niềm sợ hãi đối với một vị Thiên Chúa hay ghen tuông đòi hỏi phải trung thành, dường như chỉ còn là một ký ức xa vời.

Các dữ kiện trong cuộc thăm dò Pew còn đưa ra một bằng chứng khác nữa về cái chết của chủ nghĩa phân chia giáo phái trong cuộc sống Mỹ và sức mạnh bền bỉ của lý tưởng bao dung tôn giáo. Đã có một thời, người theo đạo Baptist, người theo đạo Lutheran và giáo phái Môn đồ Đấng Christ tranh chấp gay go với nhau về những vấn đề như khi nào thì nên làm phép rửa tội cho người nhập đạo hay Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể như thế nào. Nhưng đó là chuyện của thế kỷ trước. Nay thì ngay sự phân biệt giữa người Do thái giáo và Phật giáo, hoặc giữa người theo Ấn giáo và Kitô giáo, đang bắt đầu lu mờ dần, đặc biệt là vì hầu hết người Mỹ gần như chẳng biết gì về các truyền thống đó có ý nghĩa như thế nào.

Các tôn giáo lớn đã từ lâu đeo đuổi các mục tiêu khác nhau bằng những phương tiện khác nhau: người Kitô giáo đi tìm ơn cứu độ bằng đức tin hay việc làm (hoặc kết hợp cả hai), người Phật tử tìm kiếm niết bàn bằng thiền hay tụng niệm. Vì thế, một thế kỷ trước đây, nhảy từ một thánh lễ Công giáo sang một buổi nghi thức canh tân bên đạo Evangelical, hay vào một buổi an cư kiết hạ của Phật giáo, người ta có cảm tưởng như nhẩy qua một hố ngăn cách rộng lớn.

Nhưng người Mỹ hiện thời gần như chẳng biết gì về những truyền thống tôn giáo của chính họ, và càng không biết gì hơn về truyền thống của các tôn giáo khác. Hầu hết người Mỹ chẳng kể tên được cuốn nào trong bốn sách Tin Mừng, và một đa số áp đảo thú nhận hoàn toàn không biết gì về Hồi giáo. Vì thế mà chúng ta lê bước từ bên này sang bên kia mà ít biết được những gì đã bị mất mát (hay thu thập được) trong tiến trình như thế.

Là một học giả về tôn giáo, nhiệm vụ của tôi chỉ là quan sát tất cả những sự việc đó mà không đưa ra lời kết án nào cả, nhưng tôi không thể không cảm thấy rằng có điều gì quý giá ở đây đã bị mất đi, có lẽ điều nào đó cũng thiết yếu như là một ý thức về sự thánh thiêng. Nhà triết học trường đại học Havard George Santayana đã có lần nhận xét rằng “nếp sống ở Hoa kỳ là một dung môi mạnh” có khả năng làm trung hòa các tư tưởng mới lạ, biến thành những khuôn sáo nhàm chán (banal clichés). Tôi lo ngại rằng dung môi này nay đang làm tan chảy những cạnh sắc bén của các tôn giáo trên thế giới, uốn cong xuống những mục tiêu khác hơn là chính mục tiêu của các tôn giáo này.

Dĩ nhiên, có thể là khi chúng ta nhảy từ nơi thờ tự này sang nơi khác, thì trong lúc đó chúng ta cũng đang học hỏi đấy. Nhưng những gì chúng ta đang thực sự làm đây coi có vẻ giống như thương mại hơn là học vấn. Những người điều hành cửa tiệm trong thương trường tâm linh này coi bộ hơi quá sốt sắng muốn bán cho chúng ta bất cứ thứ gì họ tưởng tượng ra rằng chúng ta muốn mua.

Ở điểm tốt đẹp nhất, Do thái giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn giáo và Phật giáo kêu gọi chúng ta tái suy tưởng về thế giới và rồi thách thức chúng ta tái tạo thế giới – và tái tạo chính chúng ta. Nhưng những chân lý của một tôn giáo thường va chạm với những chân lý của các tôn giáo khác, hoặc hoàn toàn tương phản với nhau. Ngay cả đạo Tin lành cũng đã mang trong các chi phái khác nhau của nó những viễn kiến rất khác biệt nhau về một cuộc sống tốt lành, cả nơi trần thế này lẫn mai hậu. Thiếu vắng một dây nối của hoài niệm buộc chặt chúng ta với những chân lý cổ xưa của các tôn giáo này, thì các viễn kiến đó bị mất mát đi, và chúng ta còn trơ lại những phương tiện riêng của mình, đi kiếm tìm Thiên Chúa với nhiều nhầm lẫn chẳng khác gì như trong tình yêu, khi chúng ta đi tìm kiếm một cái mới mẻ kế tiếp.

Nguồn: Stephen Prothero/The Wall Street Journal