HUẾ 26-09-2009 - Như trong bản tin “Giáo xứ Loan Lý bị CS thẳng tay đàn áp” (19-09-2009), sau khi huy động một lực lượng hùng hậu đè bẹp được vài trăm giáo dân tay không, đa phần là phụ nữ, để ăn cướp giữa thanh thiên bạch nhật ngôi trường của họ, “đảng CS quang vinh”, qua tay nhà cầm quyền địa phương, tiếp tục sách nhiễu, hăm dọa Giáo xứ Loan Lý. Những giáo dân hăng hái và can đảm trong đêm 13 và ngày 14-09 đều được “bạn dân” “hỏi thăm sức khỏe”, nhiều người gặp trắc trở trong chuyện sinh nhai. Các giáo dân sống trong tâm trạng buồn bã và hoang mang tột độ.

Mặt khác, trên các phương tiện truyền thông, nhà cầm quyền đang có chiến dịch vu khống và cách ly Giáo xứ Loan Lý. Chẳng hạn sáng ngày 21-09-2009 (theo lời kể của linh mục Phaolô Trần Khôi, quản xứ Sáo Cát bên cạnh), một giáo dân của ngài đang ngồi uống cà-phê trong quán, bỗng nhiên được “mời” lên Ủy ban xã Lộc Hải và sau đó được chở đi không rõ mục đích. Hóa ra người ta chở ông tới ngôi trường Loan Lý vừa bị cưỡng đoạt để phỏng vấn ông trước ống kính. Trong hoàn cảnh như bị bắt cóc này, vị giáo dân Sáo Cát đã trả lời hai câu hỏi như sau:

1. Ông có cảm nghĩ gì về trường học Nhà nước mới lấy lại ? Đáp: Tôi không có ý kiến, vì tôi không thuộc Giáo xứ Loan Lý (Câu hỏi này được nhắc lại tới hai ba lần).

2. Trường này sơn quét lại có đẹp không ? Đáp: Đẹp !

Sau đó, giáo dân này thông tri cho cha quản xứ của mình, đồng thời cho biết có một giáo dân thuộc Giáo xứ Lăng Cô (dưới sự cai quản của linh mục Gioan Nguyễn Đức Tuân) cũng bị phỏng vấn như vậy. Thành ra trong thánh lễ lúc 18g chiều cùng ngày 21-09, linh mục Trần Khôi đã cảnh báo giáo dân Sáo Cát của mình về âm mưu CS dùng người Công giáo để đánh người Công giáo, đồng thời ngài dự cảm đài truyền hình CS sớm muộn sẽ đưa lên vụ việc. Quả đúng như thế, trên ti-vi Huế tối hôm đó, người ta thấy ông giáo dân Lăng Cô -tên Thắng- đã trả lời rất «ngon lành», đúng ý nhà cầm quyền. Chỉ có điều là nhà đài không cho khán giả biết tay giáo gian này là phó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lăng Cô, một công cụ rất đê hèn của CS. Còn vị giáo dân Sáo Cát dĩ nhiên là không được «vinh dự» như vậy.

Hôm sau, tại trường Tiểu học thị trấn Lăng Cô (cơ sở 1), một cô giáo trường tự nhiên gọi một em học sinh nhỏ thuộc Giáo xứ Sáo Cát rồi đưa em tới trường mới bị cướp (nay là cơ sở 2) để phỏng vấn em trước ống kính. Em nầy vừa không biết gì vừa quá sợ hãi, đã trả lời lắp bắp nên chưa thấy xuất hiện trên TV ! Tưởng cũng nên nhắc lại là ông hiệu trưởng tên Trần Văn Lộc cùng ban giám hiệu trường Tiểu học Lăng Cô, sau khi chặn cửa lớp trường Loan Lý chiều ngày 13-09, đã tham gia vào vụ cướp trường khuya hôm đó. Vài hôm sau, nhà «mô phạm xã hội chủ nghĩa» này (không biết có phải cùng loại với ông hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, cướp trinh nữ sinh vị thành niên chăng ?) lại lên truyền hình, cho biết Giáo xứ Loan Lý không có giấy tờ chứng minh sở hữu ngôi trường nên nhà nước lấy lại là phải.

Quả là sau khi được xây dựng từ năm 1956 và hoạt động cho đến năm 1975, trường Loan Lý đã không có giấy và đã không cần giấy xác nhận sở hữu chủ nào, một là vì tổng thống Ngô Đình Diệm đã cấp toàn bộ khu vực (nay thuộc xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc) cho toàn bộ giáo dân Loan Lý (di cư từ bên kia Cửa Tùng vào Nam) làm nơi xây dựng nhà ở cùng các cơ sở cộng đồng, hai là vì chế độ Việt Nam Cộng hòa chẳng bao giờ đi ăn cướp đất đai của dân chúng lẫn cơ sở văn hóa của tôn giáo như chế độ Việt Nam Cộng sản hiện nay. Ngoài ra, việc tồn tại trên 50 năm của ngôi trường mà không có tranh chấp cũng đủ là một bằng chứng về quyền sở hữu.

Kể ra, năm 1995, nhà cầm quyền Cộng sản tại xã Lộc Hải có thông tri cho các hộ dân và các tập thể tôn giáo khai báo đất đai cùng các cơ sở của mình để gọi là «được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất» (cấp sổ đỏ). Giáo xứ Loan Lý lúc ấy đã thành thật và rõ ràng khai báo với nhiều bằng chứng (chủ yếu là nhân chứng) về diện tích đất nhà thờ cùng các cơ sở liên hệ, nhưng ban địa chính thuộc Ủy ban Nhân dân xã không thừa nhận và từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho giáo xứ. Lý do là để sang đoạt cho khách sạn Hương Giang (tài sản của bí thư Hồ Xuân Mãn, nằm kế cận đất nhà thờ), song ý đồ cướp bóc này -xảy ra năm 1999- đã thất bại thê thảm vì sự đoàn kết sinh tử của giáo dân và cha quản xứ Cái Hồng Phượng lúc ấy.

Việc nhà cầm quyền CS yêu cầu các tập thể tôn giáo khai báo tài sản đất đai để «được cấp sổ đỏ» nhưng rồi từ khước hay lần lữa cấp, thật ra là ý đồ muốn biết rõ những gì các Giáo hội đang sở hữu để khi cần thì cướp lấy (với lý do không có giấy xác nhận quyền sử dụng đất) hoặc đổi chác (bằng một mảnh đất hay cơ sở kém giá trị hơn), hoặc cấp sổ đỏ với cái giá là thái độ thỏa hiệp im lặng của các lãnh đạo tinh thần.

Nay thì Giáo xứ Loan Lý đang đứng trước một nguy cơ khác, đó là nguy cơ bị mất ngôi nhà làng (còn gọi là Phòng họp, 63m2) nằm bên dốc lên nhà thờ, sát cạnh quốc lộ 1A (xin xem bản đồ và hình). Nhà làng này (cũng là nhà giáo xứ, vì Loan Lý là giáo xứ toàn tòng, nghĩa là toàn người Công giáo cả) từ lâu nay đã cho phòng giáo dục địa phương «mượn» làm trường mẫu giáo. Nay thì nhà cầm quyền địa phương bắn tiếng sẽ tịch thu cho đủ bộ. Ngoài ra, họ dự định tái thực hiện ý đồ bất thành năm 1999: lấy cho được đất của nhà thờ, phần độn cát kề cận bờ biển. Quả là một đe dọa lớn lao !

Dù sao, vốn từng đương đầu với bọn cướp ngày luôn sẵn mưu gian và cường lực, đặc biệt từ năm 1999, giáo dân Loan Lý không bao giờ ngỡ ngàng trước lối hành xử thô bạo của Cộng sản, vì họ (và mọi người Việt Nam) đều biết rõ bản chất của CS từ xưa tới nay là gian ác tàn độc, chẳng khi nào thay đổi. Họ cũng biết rằng qua vụ việc tại giáo xứ của họ cũng như vô vàn vụ việc tại Tổng Giáo phận Huế và khắp cả Việt Nam từ 1954 đến nay, chính sách tôn giáo của CS (mà nó chuyên gọi kiểu lừa gạt là «chính sách tự do tôn giáo») luôn «trước sau như một» (chính từ ngữ CS), nghĩa là luôn nhắm mục đích tiêu diệt mọi Giáo hội bằng đủ phương cách, khi mạnh khi yếu, khi tiến khi lùi, khi nặng tay khi nhẹ tay, khi bá đạo khi vương đạo (nhưng đa phần là bá đạo), tùy lúc, tùy nơi, tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy toan tính chính trị, miễn cuối cùng làm cho tôn giáo bị xóa sổ, ra tê liệt hay biến chất hoàn toàn. CS không bao giờ có chuyện bàn bạc song phương và đối thoại đôi bề để giải quyết các vấn đề, các liên hệ với nhân dân, nhất là với tôn giáo. Và kinh nghiệm cho thấy mọi cố gắng và thiện chí đối thoại với CS chẳng bao giờ thành công cả. Chỉ có những kẻ nhờ thỏa hiệp đổi chác (nhất là bằng sự im lặng) mà được CS cấp ban cho những thứ thực ra là của mình, mới tưởng là mình «đối thoại thành công» với Cộng sản !

Nhìn bức tường cao dày từ đây che kín ngôi trường thân yêu đầy kỷ niệm với cổng mở ra hướng khác, giáo dân Loan Lý biết CS đã quyết tâm chiếm hẳn nó rồi và sẽ không bao giờ cho con em họ sử dụng nó trong ngày Chúa nhật nữa, thành ra họ chỉ mong Bản quyền Giáo phận lên tiếng kết án hành vi bất công thô bạo (chứ không chỉ bày tỏ nỗi bức xúc lẫn niềm thông cảm) và cương quyết đòi lại di sản do cha ông họ và chính họ tạo lập. Họ cũng mong linh mục chủ chăn Ngô Thanh Sơn lần này sẽ cương quyết cùng con chiên bảo vệ những cơ sở và phần đất còn lại, vốn là công lao mồ hôi xương máu của bao thế hệ giáo dân Loan Lý.