Tin Zenit ngày 29 tháng Năm cho hay: hôm thứ Năm vừa qua, tại Đại Học Công Giáo America, ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, một hội thoại kéo dài một ngày, để kỷ niệm 25 năm thiết lập các liên hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh, đã được tổ chức.

Các liên ngoại giao

Người ta còn nhớ, ngày 10 tháng Giêng năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Tổng Thống Ronald Reagan đã chính thức ký thỏa hiệp thiết lập việc trên. Thực ra, Hoa Kỳ từng duy trì các liên hệ lãnh sự với các Lãnh Thổ Giáo Hoàng từ năm 1797 tới 1870 và các liên hệ ngoại giao với Đức Giáo Hoàng, trong tư cách vị đứng đầu các Lãnh Thổ Giáo Hoàng từ năm 1849 tới 1868, dù không ở cấp đại sứ. Rồi sau đó, các liên hệ trên bị gián đoạn khi các Lãnh Thổ Giáo Hoàng bị chiếm cứ vào năm 1870.

Từ năm 1870 tới năm 1984, Hoa Kỳ không có các mối liên hệ ngoại giao nào với Tòa Thánh. Tuy nhiên, một số vị tổng thống Hoa Kỳ có đề cử các đặc sứ riêng thỉnh thoảng tới viếng Tòa Thánh để thảo luận các vấn đề quốc tế thuộc lãnh vực nhân đạo và chính trị. Myron Charles Taylor là đặc sứ đầu tiên thuộc loại này. Ông phục vụ từ năm 1939 tới năm 1950. Các Tổng Thống Nixon, Ford, Carter và Reagan cũng đề cử các đặc sứ riêng tới gặp Đức Giáo Hoàng.

Trong lịch sử, Vatican vốn bị người ta chỉ trích là bài Hoa Kỳ, ít nhất cũng tới thời Tổng Thống John F. Kennedy. Phần lớn những chỉ trích ấy được tìm thấy trong cuốn sách của Paul Blanshard, tựa là American Freedom and Catholic Power (Tự Do Mỹ và Quyền Lực Công Giáo). Blanshard tấn công Tòa Thánh trên cơ sở là một định chế nguy hiểm, đầy quyền lực, xa lạ và phi dân chủ.

Ngày 10 tháng Giêng năm 1984, Hoa Kỳ và Toà Thánh công bố việc thiết lập các liên hệ ngoại giao giữa hai bên. Ngày 7 tháng Ba cùng năm, Thượng Viện chính thức chấp thuận việc đề cử Ông William A. Wilson làm đại sứ đầu tiên cạnh Tòa Thánh. Đại sứ Wilson vốn là đặc sứ riêng của Tổng Thống Reagan cạnh Đức Giáo Hoàng từ năm 1981. Toà Thánh thì đề cử Đức TGM Pio Laghi làm Sứ Thần đầu tiên (Apostolic Nuncio, tương đương như Đại Sứ) tại Hoa Kỳ. Đức TGM Laghi vốn là khâm sứ Tòa Thánh (apostolic delegate) của Đức GH Gioan Phaolô II bên cạnh Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ từ năm 1980. Người ta có thể mô tả mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh hay nhất như là một hùn hạp hoàn cầu có tính tích cực cho nhân phẩm. Việc thiết lập liên hệ ngoại giao đã thúc đẩy các tiếp xúc và tham khảo thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm.

Cam kết đối với nhân phẩm tại cốt lõi trong cả hai cách tiếp cận thế giới của Hoa Kỳ và Tòa Thánh làm phát sinh một nghị trình chung nhằm cổ vũ tự do tôn giáo, công lý, khoan dung tôn giáo và sắc tộc, tự do nói chung, tôn trọng phụ nữ và trẻ em, và pháp trị.

Một lãnh vực bất đồng khá nổi tiếng giữa hai bên là vấn đề phá thai. Tòa Thánh cực lực chống lại ý niệm cho rằng phá thai là quyền của người đàn bà đang mang thai, trong khi nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Dân Chủ Mỹ lại hết lòng ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ.

Các ưu tiên của Tòa Thánh trong năm 2008 là tự do tôn giáo, đối thoại liên tôn (nhất là với thế giới Hồi Giáo), đại kết, bảo vệ gia đình truyền thống, và hòa bình (nhất là cho Trung Đông). Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cũng công khai bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề thay đổi khí hậu, mô tả việc bảo vệ môi sinh là trách nhiệm luân lý phải gìn giữ công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngày 14 tháng Hai năm 2008, Nữ Giáo Sư Mary Ann Glendon được cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh. Nhưng sau đó, đã từ chức vào đúng dịp tân tổng thống Barack Obama nhậm chức. Sau nhiều thăm dò, Ông Obama vừa đề cử ông Diaz, một di dân gốc Cuba, một nhà thần học không bảo thủ, từng ủng hộ các khuynh hướng cấp tiến, làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh, kịp thời cho chuyến viếng thăm của ông Obama tới Ý và Tòa Thánh. Tại Hoa Thịnh Đốn, Đức TGM Pietro Sambi hiện đảm nhiệm chức Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, từ ngày 17 tháng Mười Hai năm 2005.

Duy trì và phát triển liên hệ ngoại giao

Tại cuộc hội thoại nói trên, cựu đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh và hiện là chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Học Xã hội, nữ giáo sư Ann Glendon, cho rằng: Hoa Kỳ luôn quan tâm tới việc duy trì và phát triển các liên hệ ngoại giao của mình với Tòa Thánh vì ba lý do chính.

Lý do thứ nhất: lãnh vực quan tâm của Tòa Thánh cũng như của Mỹ đều có tính hòan cầu. Dựa vào lời của Tướng Colin Powell, Ann Glendon nói rằng: “Cả hai chúng ta đều suy nghĩ và hành động trên bình diện hoàn cầu và điều đó tạo ra một cuộc hùn hạp độc đáo”. Bà cho rằng, đôi bên hiện đang có chung nhiều cam kết quan trọng, các cam kết có tính hoàn cầu, các cam kết có tính lâu dài. Bà kể ra một số các cam kết chung đối với nhân quyền, nhất là tự do tôn giáo, để củng cố sự nhất trí hoàn cầu về luân lý chống chủ nghĩa khủng bố, nhất là chống việc sử dụng tôn giáo làm cái cớ cho bạo lực, để cổ vũ đối thoại liên tôn, và để làm việc cho hòa bình tại trung Đông và các khu vực bất ổn khác trên thế giới.

Bà cũng cho rằng người ta rất hy vọng hai bên sẽ hợp tác trong các cam kết giảm nghèo đói, bệnh tật cho các dân tộc nghèo nàn nhất trên thế giới, và cho những quốc gia thiếu thốn nhất của địa cầu. Suy nghĩ sâu xa, người ta sẽ thấy: hiển nhiên sẽ có sự hùn hạp giữa quốc gia được coi là lớn nhất thế giới và là nước tặng dữ quảng đại nhất thế giới về viện trợ nhân đạo và Tòa Thánh là định chế hiện đang giám sát hệ thống lớn nhất thế giới gồm các cơ sở chăm sức sức khỏe, giáo dục và trợ giúp.

Lắng nghe và lên tiếng

Về lý do thứ hai khiến phải duy trì và phát triển các liên hệ ngoại giao giữa Mỹ và Tòa Thánh, cựu đại sứ Glendon cho rằng: Tòa Thánh hiện đang được các nhà ngoại giao gọi là đài lắng nghe quan trọng. Điều đó là do Giáo Hội hiện giám sát 350,000 cơ sở giáo dục, bác ái, chăm sóc sức khỏe khắp trên thế giới. Ngoài ra còn hệ thống các giáo xứ, các linh mục coi xứ, các giáo phận, các giám mục, các nhà truyền giáo, các nữ tu khắp thế giới nữa. Điều này giúp Tòa Thánh nhận được đủ loại tín liệu mà các quốc gia khác khó lòng có được, những tín liệu về những gì thực sự đang diễn ra trong các ti vi huyết quản của xã hội.

Sau cùng, vị chủ tịch hàn lâm viện Giáo Hoàng này đề cập tới lý do thứ ba, một lý do, theo bà, ngày càng quan trọng vì thế giới chúng ta mỗi ngày một liên lập hơn lên. Bà nói rằng: “Trong thời đại truyền thông mau chóng này, Tòa Thánh đã được nhìn nhận không những như một đài lắng nghe vĩ đại, mà còn như đài truyền thông vĩ đại, quan trọng và gây nhiều ảnh hưởng nữa. Nó có tiếng nói luân lý được kính trọng rộng rãi”. Bà còn cho hay: như người ta thường nói: khi Đức Giáo Hoàng lên tiếng, toàn thế giới lắng tai nghe. Và vì tiếng nói đó mang theo nhiều giá trị mà chính nước Mỹ cũng đang tận lực theo đuổi, nên điều này đem lại một lý do khác khiến ta phải trân qúy mối liên hệ ngoại giao giữa hai bên.

Khó khăn mới có

Đức Tân TGM Nữu Ước, là Đức Cha Timothy Dolan, nhân dịp này cho rằng các liên hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh không phải một sớm một chiều mà thành hình. Nó là kết quả của nhiều thế kỷ cố gắng từ cả hai bên, khởi từ ngày Hoa Kỳ còn chập chững là một tân quốc gia.

Lúc ấy, các tiếp xúc khá vụng về vì Mỹ thật sự còn đang phải củng cố tư thế quốc gia của mình. Chính các bề trên tại Rôma cũng chỉ biết bận tâm tới tình thế bấp bênh của Giáo Hội tại quốc gia mới mẻ này mà thôi.

Cái mô thức mà quốc gia non trẻ này đang khai triển đối với các liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước lúc ấy cũng khá độc đáo. Theo nhận định của Đức TGM Dolan, để trả lời một yêu cầu của Rôma, Benjamin Franklin cho rằng không cần để Quốc Hội can dự vào việc chỉ định ai là người cai quản Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Tuy thế, theo Đức TGM, con đường phải theo để thiết lập một mối liên hệ tốt đẹp không phải là con đường dễ dàng.

Ngay từ đầu, Rôma đã muốn có mối tiếp xúc ổn định hơn với cả Giáo Hội Mỹ lẫn chính phủ Mỹ, “hy vọng trong con người của một khâm sứ Tòa Thánh”. Nhưng phong trào bài Công Giáo tại Mỹ lúc ấy là một phần gây trở ngại. Đức Tổng Giám Mục nhắc mọi người nhớ đến biến cố nhà ngoại giao của Đức Giáo Hoàng tới Mỹ năm 1853, bị đám đông vây khốn đến phải tàng hình và được hộ tống bí mật, lên tầu tại bến Nữu Ước, để trở lại Rôma.

Nhiều vị tổng thống sau đó đã thành công trong việc duy trì tiếp xúc với Rôma qua các đặc sứ riêng. Rồi cuối cùng, vào năm 1984, một khúc quanh đã xẩy ra. Theo Đức TGM Nữu Ước, “chắc chắn tiếng tăm lớn lao của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ảnh hưởng rõ ràng của Tòa Thánh trong các sự việc quốc tế đã làm câm họng các lời chỉ trích”. Nhờ thế, tổng thống Reagan mới có khả năng chính thức thiết lập quan hệ với Tòa Thánh.

Vị giáo chủ này nói thêm: “Theo quan điểm của Tòa Thánh, việc thiết lập một sứ bộ giáo hoàng tại Hoa Thịnh Đốn được coi là hết sức thành công. Vì kể từ những ngày đầu tiên của tân Cộng Hòa này, do khoảng cách xa xôi, do những sắp xếp chính trị quá mới mẻ, do xu hướng tự do của Mỹ, và do tính thiếu tin tưởng của truyền thông, Rôma lúc nào cũng muốn có sự đại diện có tính ổn định và bản thân. […] Việc phát triển ảnh hưởng của Hoa Kỳ vào tình hình thế giới khiến cho sứ bộ này càng trở nên quan trọng hơn đến độ việc trao đổi đại sứ và sứ thần trong năm 1984 quả hết sức thỏa đáng. Đối với Hoa kỳ cũng vậy, ngay những người chỉ trích cũng phải thừa nhận tác động của Tòa Thánh đối với các biến cố quốc tế trong thập niên 1980 lúc các liên hệ ngoại giao được nhìn nhận chính thức, và phải nhìn nhận rằng việc trao đổi đại sứ quả đã phục vụ lợi ích riêng của Hoa Kỳ”. Để kết luận, Đức TGM Dolan cho hay: diễn trình ấy quả lâu dài, nhưng là một diễn trình đáng giá.