Istanbul (AsiaNews) - Âu châu có căn cội nơi học thuyết Kitô giáo và nơi tư tưởng Hy lạp. Điều này đã được Đức thượng phụ đại kết Bartholomew nhấn mạnh, nhân cơ hội có các lễ mừng kính ba giáo phụ và tiến sĩ được toàn thể Hội thánh (Công giáo và Chính thống giáo) tôn vinh: Thánh Basiliô, thánh Grêgoriô nhà thần học và thánh Gioan Kim khẩu; hài cốt các vị thánh này đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trao trả lại cho toà thượng phụ Chính thống ở Constantinople năm 2004; đúng ra cũng để mừng và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gốc rễ Kitô giáo của châu Âu, đặt căn bản trên tư tưởng Hy lạp và học thuyết Kitô giáo, được sinh ra và trưởng thành trong một vùng đất nơi Thiên Chúa giáo sống trong cảnh bị giam cầm.
Thánh Basiliô, Grêgoriô và Gioan Kim khẩu


Thượng phụ Bartholomew nói: Chung cuộc, người ta phải nhấn mạnh đến sự đóng góp của nền văn chương và triết học Hy lạp vào các hoạt động của Giáo hội. Ngay từ thuở ban đầu, nghĩa là từ thời các thánh tông đồ --những người bị coi một cách bất công là không có học thức – giáo hội đã nhận được ảnh hưởng có lợi từ nền văn chương và triết học Hy lạp và dùng chúng làm phương tiện để triển dương đức tin Kitô giáo của chúng ta.

Chính thánh sử Gioan cũng rất mực quen thuộc với triết thuyết Pythagore, và bằng tất cả tư duy triết học ngài đã tiếp cận được với triết thuyết này qua triết gia Philô. Và thần học về Ngôi Lời của ngài, đề cập trong phần mở đầu cuốn Tin Mừng ngài ghi chép, hàm ý rằng ngài hiểu biết về triết học của Platon và tư tưởng của Philô. Cả hai thánh tông đồ Phêrô và Anrê cũng có những hiểu biết sâu rộng về tư tưởng triết học Hy lạp, như được diễn đạt trong hai thư của Thánh Phêrô.

Những văn bản đầu tiên của Thiên Chúa giáo, thuật lại tư tưởng và hành động của Chúa chúng ta, xét về quan điểm hình thái học (morphology) thì giống với những văn bản của Xenophon. Ngay cả từ ngữ “theology” (thần học) cũng đã thấy xuất hiện trong cuốn Republic của Plato, đồng thời Seneca thuyết giảng rằng Thượng đế là cha và là người đồng hành với con người, và con người phải luôn luôn bày tỏ niềm tri ân với Thượng đế trong việc thực thi các nhân đức. Aristotle khẳng định tính ưu việt của thần học trên tất cả các khoa học khác, trong khi Pythagore ghép chung khoa học và tôn giáo thành một cặp song đôi.
ĐGH và Thượng phụ Bartholomew


Thượng phụ Bartholomew nói tiếp: Song song với các trường dậy triết học, cũng còn có những trường khác nơi tất cả các nhà tư tưởng của Giáo hội được đào tạo. Những trường nổi tiếng hơn cả là trường tại Athens, nơi thánh Basiliô, thánh Grêgoriô, và Dionysus the Areopagite học tập; trường học tại Antioch, và một trường khác tại đô thị Alexandria nơi Alexandria được đào tạo. Origen ra thành lập trường học tại Kessaria. Và chính ngôi trường ở Alexandria đã đào tạo những nhà học giả Kitô giáo thời danh của vùng Gaza, phần đất lúc này đây đang chịu nhiều đau khổ. Và người ta cũng không thể bỏ qua không nhắc tới trường học tại Roma, nơi các vị như Justin và Hippolytus học tập.

Vị thượng phụ kết luận: Giáo hội -- qua những hoạt động giáo huấn đã hàng bao thế kỷ giảng dậy cho dân Chúa những chân lý đã được mạc khải – chịu ơn những trường học về tư duy con người đó, những trường góp phần vào việc phát triển tri thức và tâm linh con người, kéo con người ra khỏi chủ nghĩa bảo thủ vô dụng. Sau cùng, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết thành viên các trường triết học đều bị cuốn hút theo Thiên Chúa giáo. Và Âu châu không thể làm ngơ không xét đến sự kiện này được.