Berlin, 27/03/07- Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel, đương kim chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu, lên tiếng ủng hộ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trước việc Ngài kêu gọi Âu Châu hãy thừa nhận gốc rễ Kitô Giáo của mình.

Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel
Trong tuần qua, bà Thủ Tướng tuyên bố rằng bà thông cảm những lời phê bình của ĐGH về việc Liên Hiệp Âu Chậu đã không nhắc tới Thiên Chúa hay gốc rễ Kitô Giáo trong bản Tuyên Ngôn Bá Linh. Tổ chức này đang kỷ niệm năm thứ 50 ngày thành lập Liên Hiệp Âu Châu. Bà nói bằng một cách nào đó, Âu Châu nên thừa nhận di sản văn hóa Do Thái-Kitô Giáo. Sự thừa nhận đó có thể dưới hình thức một tài liệu đính kèm vào bản Hiến Pháp Âu Châu.

Nữ Thủ Tướng Merkel đưa ra những lời nhận xét trên đây trước khi Tuyên Ngôn Bá Linh được các nước ký kết. Bà ca ngợi giá trị của Do Thái –Kitô Giáo (Judeo-Christian) đã trợ giúp Âu Châu, cho dù Do Thái-Kitô Giáo đã không đươc nhắc nhở tới trong bản Tuyên Ngôn Bá Linh hay Hiến Pháp Âu Châu. Pháp và một số nước khác tích cực chống việc Hiến Pháp Âu Châu thừa nhận gốc rể văn minh Kitô Giáo của lục địa này. Trong khi đó Ba Lan và một số nước nước thành viên khác của Liên Hiệp Âu Châu lại quyết liệt đòi căn tính văn minh Kitô Giáo phải được nhắc đến trong lời nói đầu của bản Hiến Pháp Âu Châu.

Sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các nước trong Liên Hiệp Âu Châu, nữ Thủ Tướng Merkel đã có cuộc họp báo. Bà nói Bà đã trao đổi với ĐGH Gioan Phaolô II và đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI về gốc rễ Kitô Giáo của Âu Châu. Bà tuyên bố: “Tôi biết đây là điều nhiều người ở Âu Châu muốn, tuy nhiên truyền thống trần tục không muốn niềm tin tôn giáo được đề cập đến trong một văn bản chính thức của quốc gia”

Bà Merkel cũng tiên đoán vấn đề truyền thống Kitô Giáo rồi ra cũng sẽ trở thành vấn đề hàng đầu trong các cuộc tranh cãi phê chuẩn Hiến Pháp Âu Châu. Bà nói bà rất thực tế, và không quá lạc quan vào chuyện vấn đề truyền thống Kitô Giáo có thể sẽ được nhắc đến trong Hiến Pháp Âu Châu. Nhưng Bà nói: “Chúng ta chấp nhận tranh cãi, đó là chuyện bình thường, và trong cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa và các tôn giáo, các nước Âu Châu có thể biểu lộ gốc rễ chung của mình. Chúng ta phải nhận rằng chúng ta mang dấu tích quá khứ của Do Thái -Kitô Giáo. Vấn đề là phải biết đưa dấu tích quá khứ này vào tài liệu nào.

Bà nói thêm:” Chuyện tranh cãi sẽ còn tiếp tục và tôi rất thông cảm vị trí của Giáo Hội Công Giáo, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận rằng ở Âu Châu có sự phân chia rỏ rệt giữa một bên là chính trị và bên kia là tôn giáo.”