LONG AN -- Ngày 23/4/2006 là Chúa nhật tôn kính lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng tôi cùng các bạn trẻ lại lên đường đi công tác. Lần này chúng tôi vào hẳn vùng sâu, cách thị xã Tân An gần năm mươi km, tức là từ Sài Gòn đến đây là hơn một trăm cây số, đó là xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

Thiếu nhi tại giáo xứ Kinh Cung, Long An
Cuối năm 2000, trận bão lớn làm vùng sâu này bị lụt. Ngày đó, được gặp gỡ và cứu trợ những người nông dân hiền lành chân chất, lòng chúng tôi cứ mong có ngày trở lại nơi này, thế mà đã năm năm qua…nay mới có dịp đến đây. Nhưng địa điểm dừng chân không phải là Uỷ Ban Nhân Dân xã mà là một nhà thờ. Đó là giáo xứ Kinh Cùng.

Nếu ai thích ngắm cảnh vùng nông thôn Việt Nam với cánh đồng lúa xanh mượt, những mái nhà tranh, nhìn đây bụi chuối, kia hàng dừa…thì quang cảnh ở đây thật là điển hình, vừa thanh bình vừa thơ mộng. Nhưng dọc con đường đất đỏ, nằm song song với kênh Dương Văn Dương của tỉnh lộ 837, thì sự nghèo nàn mới lộ diện qua những căn nhà lá xiêu vẹo, trống trải. Bụi đỏ phủ lên mái nhà, che luôn cả màu xanh của lá rồi tràn cả vào bên trong mái lá ấy. Hẳn là thường ngày, bàn ghế, áo quần, nước uống và cả bữa ăn cũng bị vương ít nhiều bụi đỏ khi có xe đi ngang qua; chưa kể mùa mưa choe choét lối đi về. Thật tội nghiệp cho người dân quê khi những người có trách nhiệm chưa thể vươn tay, để mắt tới những con đường của tỉnh lộ.

Xe đi lố địa điểm đến năm cây số, phải quay trở lại nên chiếc xe năm mươi chỗ ngồi này thật khó mà dừng lại để tôi chụp ảnh miền quê. Khi xe dừng trước cổng nhà thờ Kinh Cùng, chúng tôi xúc động vì các em thiếu nhi đứng thành hàng rào chào đón đoàn với nụ cười lạ lẫm, vui tươi.

Sau ít phút xã giao cần có, chúng tôi bắt đầu công việc của mình với hai trăm em thiếu nhi có nhiều độ tuổi khác nhau. Trong khi các thành viên nhóm Bông Hồng Xanh chia nhau sinh hoạt tập thể tại các vòng tròn dưới lùm cây thì các cộng tác viên kỹ thuật, dàn ra hành lang bên hông và cả cuối sân nhà thờ để cắt tóc. Đúng là vùng quê, cắt tóc cho mát mẻ đã không mất tiền lại còn được qùa thì trẻ con thấy sung sướng quá. Một số người lớn cũng tranh thủ tham gia, làm cho sự yên tĩnh ở nơi đây phải tạm thời chạy trốn.

Cha xứ còn trẻ, có khuôn mặt phúc hậu, ít ngày nữa cha phải chuyển sang xứ khác, cách đó hai mươi cây số. Cha cho chúng tôi biết, 80% dân ở đây làm ruộng, còn lại là đi làm mướn và buôn bán nhỏ; có một số ít thì chăn nuôi. Việc kiếm sống ở vùng quê thất thường nên nhiều đứa trẻ học hành dở dang, học hết phổ thông thì lác đác, còn học đến đại học thì hiếm hơn. Có một người ở vùng này học thành bác sĩ thì cha mẹ phải bán đi hai công ruộng. Giáo xứ không có đoàn thể ngoài Thiếu Nhi và Hội Đồng Mục Vụ. Một nửa những đứa trẻ ở đây trông gầy còm, chắc là vì thiếu dinh dưỡng.

Mấy giáo lý viên kể rằng, vào mùa nước (tháng 9,10,11) các lối đi ngập nước thường xuyên, trẻ con đi học bằng ghe. Dù đứa nào cũng biết bơi nhưng “ùm” một cái là áo quần tập vở ướt hết trơn; có đứa phải đợi áo khô mới đến trường được vì nó chỉ có một cái áo trắng, còn những cái áo khác bèo nhèo quá nên nó ngại đến trường.

Giáo xứ này có một đặc điểm rất dễ thương là khi có đoàn nào đến cho quà hoặc khám bệnh thì mọi người thông báo cho nhau, thế là già trẻ lớn bé, không phân biệt tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Hoà Hảo, đạo ông bà) đều có thể vào nhà thờ tham dự. Riết rồi thành thân quen, tạo nên một tình thương chan hoà quanh khu vực nhà thờ.

Ông Chủ tịch xã là người Công giáo, ngày xưa từng đi tu, nay dù làm việc ở xã nhưng rất thân với cha và các ông trùm xứ đạo. Còn ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ thì gia đình có bốn đời liên tiếp làm ông trùm chánh trương xứ này; ông có nụ cười thật tươi. Một số thanh niên trong vùng vừa là giáo lý viên vừa sinh hoạt thanh niên trong xã. Ở đây người ta thật hiếu khách. Nhìn những bạn trẻ thành phố giao lưu ca hát với thanh niên vùng quê trông sao mà vui quá!

Lâu rồi mới có ngày cắt tóc tập thể như thế!
Bữa cơm trưa cha xứ đãi canh chua, có thịt chuột chiên và nướng. Cá vùng này thật là ngọt. Chúng tôi ngại ngùng ăn thịt chuột vì nể cha, nhưng thật bất ngờ, thịt chuột đồng ngon hơn cả thịt gà.

Đến đây, xin nói thêm một chút, chỉ cần đi công tác thêm một vùng nữa là nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đã hình thành xong mạng lưới học bổng, rải đều vùng sâu một số tỉnh; sau này có nhiều tiền hay chỉ có ít, cứ theo mạng lưới mà phân chia. Có lẽ ở nơi này, phải giúp từ 20 đến 30 xuất mới đúng.

Ngồi trên xe trở về, chúng tôi lại được phóng tầm mắt ra xa, nhìn lại lần nữa cảnh đồng quê. Xe đi qua những chiếc cầu nhỏ, lòng tôi thót lại như sợ cầu xập vì bề ngang của cầu cũng nhỏ thôi. Song cái nỗi sợ thực sự trong lòng chúng tôi là nếu cái nghèo cứ dai dẳng, thấm sâu trong cuộc sống thì nhiều điều không hay sẽ xảy ra, bóng đen sẽ có thể phủ lên những tâm hồn đơn sơ, chân chất kia. Thế nên, làm cho bức tranh vùng quê sáng lên là trách nhiệm của nhiều người trong đó có cả những bàn tay của người Kitô hữu nữa.

Chuyến đi kết thúc. Lòng chúng tôi vẫn còn muốn dàn trải đến nhiều nơi của vùng sâu nhưng không vô tư như ngọn cỏ bên đường mà ước mong là những cành hoa nhỏ tỏa một chút hương quyện vào bầu khí trong lành của vùng sông nước hiền hoà.