Các linh mục thân mến!

1. Trong Năm Thánh Thể này, Cha đặc biệt chào đón cuộc gặp gỡ tinh thần hằng năm của chúng ta trong Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày mà tình yêu của Đức Kitô đã thể hiện “đến cùng” (x. Ga 13:1), ngày của bí tích Thánh Thể, ngày của chức linh mục chúng ta.

Những ý nghĩ của Cha hướng về anh em, các linh mục thân mến, khi Cha trải qua thời gian phục hồi sức khoẻ này trong bệnh viện, như một bệnh nhân nằm giữa các bệnh nhân khác, hiệp nhất trong bí tích Thánh Thể những đau đớn của riêng mình với những khổ đau của Đức Kitô. Trong tinh thần này, Cha muốn suy niệm cùng với anh em một số khía cạnh của linh đạo đời linh mục chúng ta.

Cha sẽ lấy sự hứng khởi của mình từ những lời truyền phép Thánh Thể, mà chúng ta đọc hằng ngày thay mặt Chúa Kitô để hy tế đã được thực thi một lần cho tất cả trên đồi Calvê được tái hiện trên bàn thờ của chúng ta. Những lời này đem đến cho chúng ta những nhận thức làm sáng tỏ linh đạo đời linh mục: nếu toàn thể Giáo Hội kín múc sự sống từ Thánh Thể, thì hơn hết cuộc đời của một linh mục phải được “hun đúc” bởi Thánh Thể. Vì thế, đối với chúng ta, những lời truyền phép phải hơn là một công thức thánh hiến: những lời này cần phải là một “công thức của cuộc sống”.

Một cuộc sống “biết ơn” sâu sắc.

2. "Tibi gratias agens benedixit -- Đang khi Ngài dâng lời chúc phúc và tạ ơn" . Mỗi thánh lễ chúng ta nhớ lại và làm sống động tâm tình đầu tiên Chúa Giêsu thể hiện khi Ngài bẻ bánh: đó là tâm tình tạ ơn. Lòng biết ơn là bản chất nằm ngay cội rễ của chính từ “Thánh Thể”. Biểu hiện của tâm tình tạ ơn này chứa đựng toàn bộ linh đạo Thánh Kinh về sự tán tụng đối với những kỳ công của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài tiến bước trước chúng ta với sự Quan Phòng của Ngài, Ngài đồng hành với chúng ta với những hành động cứu độ liên tục.

Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha với chúng ta và cho chúng ta. Làm sao lời tạ ơn này của Chúa Giêsu không hun đúc cuộc sống của một linh mục được. Vị linh mục biết rằng ngài phải đào sâu một tình cảm biết ơn thường xuyên đối với muôn hồng ân ngài đã nhận được trong cuộc sống mình: đặc biệt, hồng ân đức tin, là điều mà ngài có nghĩa vụ công bố; và hồng ân chức linh mục, mà ngài đã được thánh hiến hoàn toàn cho sứ vụ Nước Trời. Chúng ta có những thánh giá để vác - và chúng ta chắc chắn không phải là những người duy nhất! - nhưng hồng ân mà chúng ta nhận lãnh quá lớn lao đến mức chúng ta không thể không hát lên kinh Magnificat tự đáy lòng của mình.

Một cuộc sống “được trao ban”

3. "Accipite et manducate. Accipite et bibite -- Các con hãy nhận lấy mà ăn, cầm lấy mà uống". Sự trao ban chính mình của Đức Kitô, có nguồn gốc từ Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, đạt đến đỉnh cao trong hy tế Thánh Giá, đã được báo trước cách bí tích trong Bữa Tiệc Ly. Không thể nào lặp lại những lời truyền phép mà không cảm thấy chính mình rúng động trong cử chỉ thiêng liêng này. Trong một nghĩa nào đó, khi vị linh mục nói những lời: “hãy cầm lấy mà ăn”, ngài phải học biết cách áp dụng những lời này cho chính mình, và nói lên những lời này trong sự thật và lòng quảng đại. Nếu ngài có thể cho đi chính mình như một tặng vật, đặt mình dưới quyền sử dụng của cộng đoàn và dưới sự phục vụ bất cứ ai cần, cuộc sống của ngài đạt đến ý nghĩa trung thực của nó.

Đây chính thực là điều Chúa Giêsu mong muốn nơi các tông đồ của Ngài, như Thánh Sử Gioan nhấn mạnh trong tường thuật việc rửa chân chân cho các tông đồ. Đây cũng là điều mà Dân Chúa mong muốn nơi một linh mục. Nếu chúng ta nghĩ về điều này trọn vẹn hơn, lời hứa vâng lời của vị linh mục, được ngài đưa ra trong lễ Chịu Chức, và được mời gọi lặp lại trong lễ Dầu, được soi sáng bởi mối quan hệ này với bí tích Thánh Thể. Khi vâng lời vì yêu thương, khi hy sinh ngay cả sự tự do hợp luật nếu nhận định có thẩm quyền của vị Giám Mục đòi phải như thế, vị linh mục thể hiện nơi chính con người của mình “hãy cầm lấy mà ăn”, là những lời qua đó Đức Kitô, trong bữa tiệc ly đã trao ban chính Ngài cho Giáo Hội.

Một cuộc sống “được cứu độ” để có thể cứu rỗi

4. "Hoc est enim corpus meum quod pro vobis tradetur -- Đây là Mình Thầy ban cho các con". Mình và máu Chúa Kitô được trao ban cho sự cứu độ con người, sự cứu độ toàn thể con người và cho tất cả mọi người. Ơn cứu độ này là toàn bộ và đồng thời là phổ quát, vì không một ai bị loại trừ ra khỏi quyền năng cứu độ của Máu Thánh Đức Kitô, trừ phi kẻ đó tự do chọn lựa không muốn: "qui pro vobis et pro multis effundetur". Đó là lễ hy sinh dành cho “nhiều người”, như Kinh Thánh ghi chép (Mc 14:24; Mt 26:28; x. Is 53:11-12); đây là lối diễn tả tiêu biểu của người Do Thái để chỉ số đông đảo những người được cứu rỗi bởi Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, đồng thời cũng hàm ý toàn thể nhân loại là những người ơn cứu độ được trao ban: Máu Thánh Chúa “đổ ra cho anh em và cho tất cả”, như một số bản dịch đã làm minh nhiên điều này cách hợp lý. Mình Thánh Chúa được trao ban thực sự “cho sự sống của thế gian” (Ga 6:51; x. 1 Ga 2:2).

Khi lặp lại những lời khả kính của Đức Kitô trong sự yên lặng hoàn toàn của buổi cử hành phụng vụ, chúng ta, những linh mục, trở nên những sứ giả ưu tuyển của mầu nhiệm cứu độ. Tuy nhiên, trừ phi chúng ta cảm nhận rằng chính mình được cứu rỗi, làm sao chúng ta có thể là những sứ giả thuyết phục? Chúng ta là những người đầu tiên rúng động bên trong bởi hồng ân đã nâng chúng ta dậy từ sự yếu đuối và khiến chúng ta kêu lên “Abba, Cha ơi” với sự tự tin của con cái Chúa (x Gal 4:6; Rom 8:15). Điều này đến lượt thúc đẩy chúng ta tiến trên con đường trọn lành. Sự thánh thiện, thực ra là diễn tả đầy đủ của ơn cứu độ. Chỉ khi nào cuộc sống của chúng ta diễn tả sự kiện chúng ta đã được cứu rỗi, chúng ta mới có thể trở nên những sứ giả đáng tin cậy của ơn cứu độ. Hơn thế nữa, một nhận thức thường xuyên về thánh ý Chúa Kitô muốn ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người không thể không linh hứng chúng ta với một lòng nhiệt thành truyền giáo, thôi thúc mỗi người chúng ta trở nên “tất cả cho mọi người, để cứu ít nhất một số trong họ” (1 Cor 9:22).

Một cuộc sống “nhớ đến”

5. "Hoc facite in meam commemorationem - Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Những lời này của Chúa Giêsu đã được ghi lại cho chúng ta bởi Thánh Luca (22:19) và cả Thánh Phaolô (1 Cor 11:24). Chúng ta cần nhớ rằng những lời này đã được nói ra trong bối cảnh của bữa ăn mừng lễ Vượt Qua, mà theo người Do Thái thật sự là một “lễ tưởng nhớ” (trong tiếng Hêbrơ là zikkarôn). Trong dịp này, người Do Thái, trước hết và trên hết làm sống lại cuộc Xuất Hành, và cả những biến cố quan trọng trong lịch sử của họ: việc kêu gọi Abraham, việc sát tế Isaac, Giao ước trên núi Sinai, và nhiều hành động của Thiên Chúa nhằm bảo vệ dân Ngài. Với những người Kitô hữu, bí tích Thánh Thể cũng là một “lễ tưởng niệm”, nhưng là một lễ tưởng niệm độc đáo: không chỉ nhớ lại nhưng còn thể hiện cách bí tích ngay trên bàn thờ cái chết và sự phục sinh của Chúa.

Chúa Giêsu nói: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Bí tích Thánh Thể không chỉ đơn giản tưởng nhớ một sự kiện; nhưng tưởng nhớ Ngài! Qua việc lặp lại mỗi ngày nhân danh Chúa Kitô những lời “tưởng nhớ” này, vị linh mục được mời gọi phát triển một “linh đạo nhớ đến”. Vào thời điểm khi những thay đổi nhanh chóng về xã hội và văn hóa đang làm yếu dần ý thức về truyền thống và đang dẫn dắt thế hệ trẻ cách riêng đến chỗ đánh mất đi sự tiếp xúc với nguồn cội của họ, vị linh mục được mời gọi, bên trong cộng đoàn được tín thác cho ngài, trở nên người nhớ đến cách trung tín toàn bộ mầu nhiệm của Đức Kitô; được tiên báo trong Cựu Ước, và được hoàn thành trong Tân Ước, và được hiểu sâu sắc hơn bao giờ dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14:26).

Một cuộc sống “thánh hiến”

6. "Mysterium Fidei -- Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin!". Mỗi lần linh mục tuyên xưng những lời này sau khi thánh hiến bánh và rượu, linh mục diễn đạt sự kỷ diệu luôn luôn được đổi mới của mình trước phép lạ phi thường xẩy ra do chính bàn tay của ngài thực hiện. Thực là một phép lạ mà chỉ có con mắt đức tin mới có thể cảm nghiệm được. Những yếu tố tự nhiên không làm mất đi các tính cách bề ngoài của bánh rượu, vì vẫn còn là hình bánh rượu, nhưng cốt cán của bánh rượu, qua quyền lực của Lời Đức Kitô và hành động của Thánh Thần đã biến hóa thành mình và máu Đức Kitô. Thế rồi, trên bàn thờ, Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại thì “một cách chân thật, cách thực sự, và cách cốt yếu” hiện diện hoàn toàn trọn vẹn với nhân tính và thần tính của Người. Thực là một thực tại thánh thiêng cách tuyệt hảo! Chính do đó mà Giáo Hội hết sức cung kính với mầu nhiệm này, và Giáo Hội luôn tha thiết làm thế nào để những qui luật về lễ nghi phải được tôn trọng tối đa nhằm bào toàn tính cách thánh thiêng của bí tính rất thành này.

Những linh mục chúng ta là những người cử hành, nhưng đồng thời cũng là những người bảo trì gìn giữ mầu nhiệm rất thánh này. Chính vì vậy mà mối tương quan của chúng ta với Thánh Thể là cách rõ ràng nhất thách đố chúng ta phải sống cuộc sống “thánh thiện”. Cả cuộc sống linh mục chúng ta phải chiếu sáng, nhưng trên hết là cách chúng ta cử hành mầu nhiện Thánh Thể. Chúng ta hãy ngồi tại trường học các vị thánh! Năm Thánh Thể mời gọi chúng ta tái khám phá những vị thánh mà cuộc sống của các ngài có lòng sùng kính Phép Thánh Thể cách nhiệt tâm (x. "Mane Nobiscum Domine," 31). Có nhiều linh mục đã được phong thánh hay phong chân phước đã cho chúng ta những gương chứng nhân về điểm này, là khi các ngài dâng Thánh Lễ đã làm cho dân chúng hiện diện bừng nóng lên ngọn lửa sốt mến. Nhiều vị thánh đã được tiếng là qùi lâu giờ chầu Mình Thánh Chúa. Đạt chính mình chúng ta trước Chúa Giêsu Thánh Thể, hãy lợi dụng những “giây phút tĩnh lặng một mình” và làm tràn đầy những giây phút này với sự Hiện Diện của Chúa, đó là cách chúng ta nâng dậy cuộc sống thánh hiến của ta qua sự liên hệ cá nhân với Đức Kitô, từ đó cuộc sống chúng ta sẽ rút ra được niềm vui và ý nghĩa cho mình.

Một cuộc sống đặt trọng tâm và Đức Kitô

7. "Mortem tuam annuntiamus, Domine, et tuam resurrectionem confitemur, donec venias -- Lậy Chúa, chúng con loan truyên việc Chúa chịu chết, sống lại, cho tới khi Người lại đến''. Mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Thể, việc tưởng niệm Đức Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người dẫn chúng ta tới lòng mong ước được chắc chắn gặp Người trọn vẹn. Chúng ta sống trong đợi chờ Người lại đến! Trong linh đạo linh mục, niềm mong chờ này phải được sống và thể hiện xuyên suốt qua tình yêu mục vụ, tiềm ẩn ý nghĩa là thôi thúc chúng ta sông giữa Dân Chúa, để rồi hướng dẫn lối đi của họ và nuôi dưỡng niệm hy vọng nơi họ. Nhiệm vụ này đời hỏi mỗi linh mục một thái độ nội tâm giống như thái độ của thánh Tông đồ Phaolô: “Quên đi những gì đã qua nhưng nhắm tới những gì nằm trước mặt, tôi tiếp tục theo đuổi mục tiêu” (x. Philippians 3:13-14). Linh mục là người, mặc dầu đã trải qua những năm tháng đường đời, những vẫn tiếp tục tỏa sáng sự trẻ trung, làm cho bất cứ ai gặp mình cũng bị lây nhiễm tinh thần lạc quan đó. Bí quyết của linh mục hệ tại ở việc Ngài “say mê cuồng nhiệt”cho Đức Kitô. Như Tông Đồ Phaolô đã nói: “Đối với tôi sự sống là Đức Kitô” (x. Philippians 1:21).

Đặc biệt trong viễn tượng truyền giáo mới, dân chúng có quyền tìm tới linh mục trong niềm hy vọng được “thấy” đức Kitô hiện diện nơi các Ngài (cf. John 12:21). Nhất là đối với giới trẻ họ cần thấy có nhu cầu như vậy; Đức Kitô tiếp tục kêu gọi họ, làm cho họ trở nên những người bạn và thách đố một số bạn trẻ muốn dâng mình hoàn toàn cho việc phục vụ Nước Trời. Ơn Kêu Gọi thực sự sẽ không thiếu nếu lối sống của chúng ta thực sự là lối sống linh mục chân chính, nếu chúng ta trở nên thánh thiện hơn, vui tươi hơn, ấn tượng hơn trong việc thi hành mục vụ của chúng ta. Chính là vì linh mục đã được Đức Kitô chiếm hữu hoàn toàn (cf. Philippians 3:12) thì linh mục đó sẽ dễ dàng “chiến thắng” người khác về cho Đức Kitô, để rồi họ cũng quyết định bưới theo cùng nẻo đường mạo hiểm đó.

Một cuộc sống “Thánh Thể” trong trường đào tạo của Mẹ Maria

8. Mối liên hệ giữa Đức Trinh Nữ Maria và Thánh thể là mối liên hệ rất mật thiết, như Cha đã nói trong Hiến Chế “Giáo Hội từ Thánh Thể” (cf. Nos. 53-58). Vì trong chính ngôn từ phụng vụ, mỗi Lời Nguyện Thánh Thể đều nói rõ lên ý nghĩa đó. Do vậy trong Kinh Thánh Thể chúng ta đọc: “Hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, chúng ta kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ Đức Giêsu và là Chúa chúng ta”. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể khác như Kinh Nguyện Thánh Thể II, dẫn chúng ta đến việc tôn kính như sau: “Xin làm cho chúng con xứng đáng thông phần vào cuộc sống đời đời với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa”.

Trong những năm gần đây, Cha đã tha thiết khuyên nhủ là hãy năng chiêm ngắm gương mặt của Đức Kitô, đặc biệt trong Tông Thư “Bước Vào Ngàn Năm Mới” (Novo Millineno Ieunte, số 23ff.) và Tông Thư “Mẹ Maria Mân Côi” (Rosarium Virginis Mariae, số 9ff.), và Cha cũng trình bày Đức Maria như là bậc thầy lớn lao của chúng ta. Và Cha cũng nói về Mẹ như là “Người Nữ Thánh Thể” (cf. No. 53). Ai là người hơn Đức Maria có thể giúp chúng ta nghiệm được sự cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể được? Mẹ là người hơn ai hết có thể dậy dỗ chúng ta làm cách nào cử hành những mầu nhiệm thánh với lòng sốt mến và hiệp thông với Con của Mẹ, mầu nhiệm được dấu kín trong Thánh Thể. Do vậy, Cha cầu nguyện với Mẹ, cho tất cả các anh em linh mục, và Cha kí thác cho Mẹ đặc biệt những linh mục già yếu, những linh mục ốm đau, và tất những linh mục đang gặp khó khăn. Trong Ngày Phục sinh này, trong Năm Thánh Thể, Cha vui mừng lập lại cho từng anh em linh mục các con những lời êm ái và an ủi của Chúa Giêsu là: “Này là Mẹ con” (Gio. 19:27).

Với những tâm tình trên, Cha gừi tới các con phép lành từ đáy lòng, và Cha cầu chúc các con niềm vui sâu xa của Chúa Phục Sinh.

(Từ Bệnh Viện Gemelli ở Roma, ngày 13 tháng 3, Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay, năm 2005, và năm thứ 27 triều đại Giáo Hoàng của Cha)

JOHN PAUL II