Con người mới trong Mùa Chay: Chấp Nhận và Hy Vọng II

Chương hai: Con người cũ

Con người cũ ở đây không phải là con người mặc áo cũ. Khoác vào người bộ quần áo cũ, chúng ta vẫn không phải là con người cũ mà chúng ta sẽ cùng bàn thảo trong Chương Hai. Chữ cũ ở đây cũng không nằm trong câu nói, “Lâu lắm rồi, hôm nọ đang đi trên phố Bolsa, tao gặp lại con bạn cũ. Tao với nó học chung lớp từ hồi tiểu học bên Việt Nam, thời hai đứa còn nhảy dây, chơi ô quan”. Chữ cũ của câu nói ở trên ám chỉ một người bạn của thời niên thiếu. Người bạn cũ này không có liên hệ dính dáng gì đến danh từ con người cũ mà chúng ta đang thảo luận.

Con Người Cũ của Mùa Chay có ba dạng điển hình.

(1). Con người không chấp nhận những lỗi lầm mà mình đã mắc phạm.

(2). Con người cố tình sống trong lỗi lầm.

(3). Con người chấp nhận lỗi lầm nhưng lại không tha thứ được cho mình.

I. Con Người Cũ: Con Người Không Chấp Nhận Những Lỗi Lầm Mà Mình Đã Mắc Phạm

Con người, ai chẳng lỗi lầm. Buổi tối ngồi đếm lại những lỗi lầm vướng mắc trong một ngày, chúng ta sẽ nhận ra ít nhất hơn một lần mình đã lầm lỗi.

Hãy lấy một thí dụ về đời sống công nhân trong hãng xưởng. Trong giờ ăn trưa, tụ họp với nhau trong phòng ăn trưa, chúng ta thản nhiên mang một người vô tội trong công xưởng ra mổ xẻ; chúng ta hùa nhau dán lên lưng, chụp lên đầu họ những điều chúng ta chỉ nghe nói hoặc là đôi khi chúng ta tưởng tượng về họ. Trong giờ làm việc, thừa lúc xếp cai lơ là, không ai để ý, chúng ta nhanh tay lẹ mắt lấy đồ trong hãng cho vào túi mang về nhà xài. Để xoa dịu lương tâm đang cắn rứt, dằn vặt cho một hành động sai trái, chúng ta chép miệng nói, “Mình không lấy, người khác cũng lấy vậy”.

Sáng, chúng ta, kỹ sư, bác sỹ đi làm trễ năm phút. Chiều, chúng ta nhẹ nhàng nhón gót chân ra khỏi văn phòng hoặc nhà thương sớm hơn nửa tiếng. Cuối tháng chúng ta vẫn hân hoan lãnh lương một tháng bốn tuần, một tuần năm ngày, một ngày tám tiếng.

Những người mới qua, nhận tiền trợ cấp của chính phủ, nhưng chúng ta đi làm chui lãnh tiền mặt. Chúng ta nói với nhau,

— Tiền của chính phủ là tiền chùa mà. Không lấy cũng uổng.

Trong gia đình, là bố là mẹ, chúng ta nóng giận không bình tĩnh lắng nghe lời phân trần của con cái. Chúng ta chửi con cái là đồ bất hiếu, là trứng mà lại đòi khôn hơn rận. Là con cái, không đồng ý với bố mẹ, thay vì nhỏ nhẹ trình bày, chúng ta cãi lại.

Trong gia đình, là vợ chồng, chúng ta có những lời nói, cử chỉ khiếm nhã đối với nhau. Chúng ta chồng chúa vợ tôi. Chúng ta nhiếc mắng người chồng trước mặt bạn bè của chồng mình.

Trong gia đình, anh chị em có dư thừa những lời ngọt ngào, hoa thơm cỏ lạ để tặng cho bất cứ một người nào mà chúng ta gặp trên con đường dẫn về nhà. Nhưng bước vô nhà, gặp mặt những người thân trong gia đình, chúng ta đi ra đá thúng đi vào đụng nia.

Trong xã hội, là tình nhân, chúng ta lợi dụng nhau về vật chất và về xác thịt. Là bạn bè, chúng ta lánh xa nhau khi biết mình không còn cần nhau nữa. Chúng ta làm lơ khi người bạn ngày xưa đang cần tới sự giúp đỡ, trong khi chúng ta đang có dư thừa điều kiện. Chúng ta coi thường những người có mầu da khác mình. Chúng ta bĩu môi khinh bỉ gọi những người có mầu da khác với mình là thằng Mỹ đen này, con Mễ mập kia.

Ngồi tính sổ trong một ngày, chắc chắn chúng ta sẽ liệt kê ra được ít nhất một lần chúng ta lầm lỗi. Sống càng lâu, tóc càng điểm bạc, chúng ta càng mắc phải nhiều lầm lỗi. Chẳng trách chi ngày xưa trước mặt đám đông đang hằm hè chuẩn bị ăn tươi nuốt sống người phụ nữ ngoại tình và luôn cả Ngài, Đức Giêsu ngẩng đầu hỏi,

— Ai trong các ông các bà chưa bao giờ phạm tội, hãy ném đá người phụ nữ này đi (Gioan 8:7).

Trước câu hỏi của Ðức Giêsu, nếu chúng ta còn nhớ, những người đầu tiên cất bước rời khỏi hiện trường lại là những người lớn tuổi (Gioan 8:9).

Đã mang lấy thân xác của con người, chúng ta ai chẳng ít nhất một lần sa ngã. Nhưng con người cũ trong Mùa Chay có một đặc điểm khá đặc biệt. Họ lỗi lầm nhưng không bao giờ họ chấp nhận là mình lầm lỗi. Thế là họ đổ lỗi cho người khác, và họ nói dối. Adong và Evà trong Vườn Ðịa Ðàng là câu chuyện điển hình cho trường hợp thứ nhất, đổ lỗi cho người khác. Cain và Aben là câu chuyện điển hình cho trường hợp thứ hai, nói dối.

A. Adong và Evà: Đổ Lỗi Quanh Quẩn

Theo như Sáng Thế Ký, Chương 2—3, sau khi Thiên Chúa dựng nên Vườn Địa Đàng, Ngài trồng hai cây giữa khu Vườn. Cây thứ nhất, Cây Sự Sống. Cây thứ hai, Cây Biết Lành Biết Dữ. Tất cả mọi thứ cây trong Vườn, cặp vợ chồng đầu tiên của lịch sử ơn cứu độ được quyền ăn ngoại trừ Cây Biết Lành Biết Dữ. Nhưng rất tiếc, cuối cùng người phụ nữ đã hái và ăn trái cấm. Chưa hết cô ta còn hái thêm mấy trái khác mang lại cho người chồng. Người thanh niên cầm lấy, ăn.

Và Thiên Chúa hiện ra. Ngài hỏi,

— Chúng con đâu rồi?

Người thanh niên ngần ngại,

— Con nghe tiếng Chúa trong Vườn, nhưng con sợ, bởi vì con trần truồng, cho nên con phải đi trốn.

Thiên Chúa thắc mắc,

— Ai nói cho con biết là con trần truồng? Có phải con đã ăn trái của cây ta đã cấm hay không?

Người thanh niên quay sang nhìn người thiếu nữ,

— Chính người phụ nữ…cô ta đã đưa cho con trái cấm. Và con đã ăn.

Thiên Chúa quay sang hỏi người phụ nữ,

— Có phải con đã làm chuyện đó hay không?

Người thiếu nữ nhìn con rắn,

— Chính con rắn đã lường gạt con.

Cả hai người, người chồng đi trước người vợ theo sau, ngay khi bị Thiên Chúa chất vấn, họ không biết mở miệng xin lỗi. Ngược lại, họ chỉ thẳng ngón tay vào mặt nhau, đổ lỗi cho nhau. Và Chúa quay sang con rắn. Tiếc thay, trong khu Vườn không còn ai nữa để con rắn chỉ tay điểm mặt. Nếu không, có lẽ hiện tượng đổ lỗi quanh quẩn lại tiếp tục xẩy ra.

B. Cain và Aben: Nói Dối

Sau khi bị đuổi ra khỏi Vườn Ðịa Ðàng, Evà hạ sinh hai người con trai, người trưởng nam tên là Cain, người thứ nam tên là Aben. Cain làm nghề nông; Aben là một nhà chăn nuôi. Tới mùa gặt hái, nhà nông Cain mang lễ vật đầu mùa dâng lên Thiên Chúa. Nhà chăn nuôi Aben cũng mang lễ vật tốt nhất làm của lễ đầu mùa tiến dâng lên Giavê Thiên Chúa. Chúa nhận lễ vật của người em. Ngược lại, Người từ chối trái cây đầu mùa của người anh. Cain nổi giận. Người anh gọi người em ra ngoài đồng, giết chết người em. Trong khi máu của người em đang chảy ra thấm sâu vào lòng đất đen, Thiên Chúa hiện ra. Ngài hỏi,

— [Cain,] em con đâu rồi?

Người anh nhăn mặt,

— Con không biết.

Và người trưởng nam của vợ chồng chàng Đất hỏi ngược lại Thiên Chúa,

— Con có phải là người chăm sóc em con hay không?

Chính tay của người nhà nông đã giơ cao, hạ xuống, lấy đi mạng sống của người chăn nuôi. Bởi thế tay của Cain ướt đẫm máu của Aben. Chuyện đó Trời biết, Đất biết, linh hồn Aben biết, và kẻ sát nhân Cain cũng biết. Thế mà trước mặt Thiên Chúa, người anh mở miệng nói một câu, một câu nói rất là vô tình, một câu nói dối không hề ngượng miệng,

— Con không biết. Con không biết em con đang ở đâu.

Adong, Evà, và Cain không bao giờ vượt qua nổi giai đoạn đầu tiên của Mô Hình Chấp Nhận. Họ quỵ ngã ngay lúc phải đối diện với giai đoạn thứ nhất của Mô Hình Chấp Nhận. Họ không bao giờ chấp nhận nổi có một thời mình đã sa ngã, đã lầm lỗi. Họ từ chối nhận lãnh trách nhiệm. Bởi vậy họ là những nhân vật đặc trưng tiêu biểu cho con người cũ.

Năm 1999-2000, tôi dậy tại một trường trung học thuộc thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ. Các em học sinh rất ngoan. Nhưng ở đâu cũng vậy, tuổi trẻ, nếu không kỷ luật nghiêm minh, lớp học khoảng 30 em học sinh sẽ hóa ra tổ ong vỡ, tổ ong loạn. Sau hai tuần thất bại không duy trì nổi trật tự trong lớp học, tôi nghĩ ra một phương cách khác. Tôi phát hành một bộ luật ngắn gọn, dễ hiểu, và cũng dễ nhớ. Em nào nói chuyện hay phát biểu trong lớp mà không có phép của tôi, lần thứ nhất, tôi điểm mặt; lần thứ hai, điểm mặt; lần thứ ba, sau khi bị điểm mặt, em đó tự động đứng dậy bước ra khỏi lớp xuống thẳng văn phòng Giám Thị ngồi…chơi.

Bất cứ khi nào bị tôi chỉ mặt cảnh cáo, câu nói đầu tiên bật ra từ cửa miệng của tất cả các em học sinh luôn luôn là một câu nói có cùng một tần số,

— Không phải em. Tại con Theresa, tại thằng Cameron. Nó giật tóc em. Nó đánh em. Không phải tại em.

Trong đời sống hằng ngày của mỗi người trong chúng ta, tình trạng đổ lỗi cho người thứ ba cũng không phải là trường hợp hiếm hoi. Tại vì họ, tại vì người ta, đời sống của tôi mới cực khổ, cực nhọc, mới lận đận, mới tha phương cầu thực. Đúng, bạn hoàn toàn đúng. Bạn không sai, bởi vì chính những người đó cũng có liên hệ ít hay nhiều, trực tiếp hay là gián tiếp vào đời sống của mình. Cho nên ngày hôm nay chúng ta mới lận đận, gian nan cực khổ như nàng Kiều, “Thanh y hai bận, thanh lâu hai lần”.

Nhưng không ai ép buộc được chúng ta làm những điều mà không ai muốn làm. Không ai ép được người thiếu nữ Evà giơ tay hái trái cấm. Không ai dí gậy vào đầu, bắt người chồng ăn trái cấm (Sáng Thế Ký 3:6). Nhưng khi họ mở miệng, họ đổ lỗi, đổ trách nhiệm lên đầu của người thứ ba cho một lần lầm lỡ sa ngã. Họ nói với Chúa không phải tại con, tại nó, tại cô ta, tại anh ta, tại người ta, tại tất cả mọi người trên thế gian, cho nên con sa ngã.

Đã rất nhiều lần đọc lại đoạn Kinh Thánh ở trên, tôi thắc mắc, đặt vấn đề nếu thay vì đổ lỗi quanh quẩn cho nhau, cả hai, người thanh niên và người phụ nữ, đều biết mở miệng xin lỗi Thiên Chúa, không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây? Nếu cặp vợ chồng chàng Đất tỏ lòng thống hối, chỉ ngón tay vào mặt mình nói,

— Thưa Chúa, chính tay con đã cầm lấy trái cấm và con ăn. Con xin lỗi Chúa.

Tôi tin rằng bởi Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chắc chắn Ngài sẽ bỏ qua nếu vợ chồng chàng Đất biết mở miệng xin lỗi. Và nếu vậy, có lẽ kết cục của câu chuyện tình trong Sáng Thế Ký Chương 3 sẽ không phải là một chuyện tình buồn.

II. Con Người Cũ: Con Người Cố Tình Sống Trong Lỗi Lầm

Không giống như con người cũ Adong và Evà đổ lỗi cho nhau, hoặc như Cain mở miệng nói dối, con người cũ thứ ba mà chúng ta bàn tiếp theo có một đặc điểm khá đặc biệt, đó là họ không chấp nhận mình lầm lỗi. Bởi vậy họ tiếp tục sống với lỗi lầm, sống trong lỗi lầm. Nhân vật điển hình cho loại người này là Ông Nhà Giàu và Người Hàng Xóm Lazarô.

Theo như thánh sử Luca Chương 16:19-31, tại một thành phố kia có một người nhà giàu ngày đêm yến tiệc linh đình. Ngày ngày ông ta khoác vào người một bộ quần áo đẹp sang trọng. Nằm ngay trước cửa nhà ông là người hàng xóm hành khất Lazarô ghẻ lở đầy mình. Người hành khất bần hàn chỉ có một giấc mơ nhỏ nhoi là được ăn những mảnh vụn của thức ăn dư thừa rơi từ bàn ăn của nhà giàu. Nhưng rất tiếc ước mơ nhỏ nhoi này cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Ngày ngày Lazarô nằm trước cửa nhà của ông nhà giàu. Không ai để ý tới sự hiện diện của người hành khất ngoại trừ những con chó, ngày ngày chạy đến liếm những vết thương ghẻ lở trên thân thể của ông ta. Cuối cùng người nhà giàu và ông hành khất cũng qua đời. Trong khi người hàng xóm bần hàn thuở xưa được đưa thẳng về trời, ông nhà giàu lãnh cái vé xe lửa tốc hành một chiều đi thẳng tới Hỏa Ngục.

Vào một ngày kia ngước mắt nhìn lên, ông nhà giầu nhận ra người hàng xóm Lazarô đang ngồi trong lòng của tổ phụ Ábraham, hình ảnh của Thiên Chúa. Người nhà giàu mở miệng xin một giọt nước, bởi ông ta bị đốt cháy trong ngọn lửa nóng. Nhưng Thiên Chúa nói qua miệng của Ábraham,

— Trễ quá rồi con! Trễ quá rồi!

Một giọt nước chẳng là chi. Một trăm giọt nước cộng lại ra một chén nước lạnh cũng không là gì. Không ai buôn bán một giọt nước. Chẳng ai nỡ lòng từ chối một chén nước lạnh với người qua đường. Nhưng yêu cầu nhỏ nhoi, một giọt nước làm nguội đầu lưỡi của ông nhà giàu trong Hỏa Ngục cũng bị Thiên Chúa, một Thiên Chúa của từ bi và nhân hậu thẳng thắn chối từ.

Thiên Chúa không phạt ông nhà giàu bởi sự giàu có của ông ta, bởi nếu con cái của Ngài trở thành triệu phú, sống trong nhung êm nệm gấm, Thiên Chúa cũng mừng vui cho họ. Người nhà giàu bị phạt rớt thẳng xuống Hỏa Ngục bởi đời sống ích kỷ vô lương tâm của ông ta. Cả một đời sống trong cơm ngon áo đẹp, không bao giờ ông ta mở mắt nhìn đến người hàng xóm đang ngày ngày nằm ngay trước cửa nhà của mình.

Có một điều khá lạ, tên của người hàng khất được đánh vần viết rõ từng chữ, Lazarô, nhưng tên của người nhà giàu là chi, không ai biết, chẳng ai hay. Người nhà giàu trở thành một nhân vật vô danh bởi tên tuổi của ông ta không được thánh sử Luca nhắc tới. Một trong những cách để giải thích hiện tượng thiếu vắng tên tuổi này là bởi vì đời sống ích kỷ của ông ta đã biến người nhà giàu trở thành một thứ rác rưởi của xã hội. Một người có đời sống rác rưởi như vậy, tên tuổi của người đó không xứng đáng được ai nhắc tới.

Hỏa Ngục hay Sheol trong tiếng Cổ Do Thái cũng có nghĩa là nơi chứa rác rưởi. Ðời sống ích kỷ của người nhà giàu đã biến ông thành rác rưởi. Bởi vậy, Sheol, Hỏa Ngục, nơi chứa rác rưởi là nơi duy nhất xứng đáng dành cho những con người rác rưởi như ông ta định cư lâu đời và định cư mãi mãi.

Ông nhà giầu là con người cũ bởi ông chọn sống một đời sống ích kỷ. Ông biết Lazarô cần tới sự giúp đỡ, nhưng ông nhắm mắt làm ngơ. Chọn và biết là hai yếu tố nói lên được một điều, đó là ông không chấp nhận sống ích kỷ là một lỗi lầm. Nói một cách ngắn gọn, ông nhà giàu không chấp nhận lỗi lầm của mình, bởi vậy ông tiếp tục sống nhởn nhơ với đời sống ích kỷ cho tới ngày cuối đời.

Tương tự như Adong, Evà, và Cain, ông nhà giầu không bao giờ vượt qua nổi giai đoạn thứ nhất của Mô Hình Chấp Nhận.

III. Con Người Cũ: Con Người Chấp Nhận Những Lỗi Lầm Nhưng Lại Không Tha Thứ Được Cho Mình

Một con người cũ khác không có những nét tương tự như những con người cũ Adong, Evà, Cain, Ông Nhà Giàu. Trong khi bốn nhân vật này không bao giờ chấp nhận lỗi lầm của mình, con người cũ này hoàn toàn chấp nhận, đấm ngực nhận tội là mình đã lỗi lầm. Nhưng tiếc một điều, người này không bao giờ tha thứ được cho mình. Nhân vật này vượt qua được giai đoạn thứ nhất của Mô Hình Chấp Nhận, nhưng lại quỵ ngã khi đối diện với giai đoạn thứ hai. Nhân vật điển hình trong Kinh Thánh cho con người cũ này là Giuđa Iscariot, một trong Mười Hai môn đệ của Đức Giêsu.

Theo như Mátthêu 25:14-16, vào một ngày kia, người môn đệ đứng cuối cùng trong danh sách của nhóm Mười Hai đến gặp các thầy Thượng Tế thương lượng về giá bán thầy của mình, Đức Giêsu. Giuđa được trao cho 30 đồng tiền bằng bạc. Cuối cùng trong Vườn Cây Dầu Getsêmani, Đức Giêsu bị bắt. Ngài bị mang ra trước Tòa Công Nghị của người Do Thái luận tội. Sáng sớm hôm sau họ mang Ngài ra gặp Quan Tổng Trấn Philatô.

Biết Thầy của mình sẽ bị kết án, Giuđa hối hận (Mátthêu 27:3-10). Anh ta quay lại gặp các thầy Thượng Tế và Kỳ Mục, trả lại 30 đồng tiền bạc. Người tông đồ thứ mười hai thú nhận,

— Tôi đã phạm tội nộp người vô tội.

Nhưng chuyện mua bán đã xong, Đức Giêsu đã bị bắt, các thầy Thượng Tế và Kỳ Mục quyết định không nhận lại số tiền. Giuđa quẳng trả lại 30 đồng tiền bạc vào Đền Thờ, rồi bỏ đi.

Qua câu nói, “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội”, Giuđa nói lên được một điều, đó là anh ta chấp nhận mình đã lỗi lầm. Con người cũ này cũng không đổ lỗi cho những người khác. Con người cũ này cũng không nói dối. Con người cũ này cũng không cố tình sống trong lầm lỗi. Nhưng rất tiếc tên của Giuđa vẫn nằm trong danh sách của con người cũ, bởi anh ta không tha thứ được cho mình. Trong mô hình của Chấp Nhận, Giuđa chỉ đi qua được giai đoạn thứ nhất, chấp nhận lỗi lầm của mình. Nhưng rất tiếc, anh ta lại không vượt qua được giai đoạn thứ hai cũng là giai đoạn quan trọng nhất của Mô Hình Chấp Nhận, đó là tha thứ cho chính mình. Nói một cách khác, người tông đồ thứ mười hai của Ðức Kitô không hòa giải nổi với chính mình. Bởi không tha được cho mình, bởi không hòa giải được với chính mình, anh ta thất vọng. Cuối cùng anh ta tuyệt vọng. Cành cây bên lề đường là nơi người tuyệt vọng tìm tới. Một sợi dây treo lên. Một mạng người rớt xuống.

IV. Con Đường Của Con Người Cũ

Con đường của con người cũ là con đường của hình phạt, diệt vong, sự chết, và bóng tối.

Hình phạt dành cho người đàn bà là người vợ phải sinh nở trong đau đớn, cho người đàn ông là người chồng sẽ phải làm lụng vất vả trên cánh đồng. Đặc biệt, cả hai đều sẽ phải chết. Chưa hết, sau khi bản án đã được đóng dấu, cả hai bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Bây giờ là cực khổ. Trước mặt là bóng tối. Bao quanh là sự chết.

Một trong những hình phạt dành riêng cho người trưởng nam Cain là một đời lang thang trên mặt đất. Ông bà chúng ta nói: “An cư lạc nghiệp”, ý muốn nói để có được một đời sống bình an và hạnh phúc, chúng ta trước hết phải dừng bước giang hồ, định cư tại một vùng đất. Trong tình trạng của Cain, cả một đời phải lang thang trên mặt đất, người trưởng nam của vợ chồng chàng Đất sẽ không bao giờ có được một đời sống an cư lạc nghiệp.

Nhân vật nhà giàu suốt một cuộc đời còn lại được sống với lửa. Một giọt nước lạnh cũng không được Thiên Chúa nhân hậu từ bi ban phát. Sống trong Hỏa Ngục, nơi chưa rác rưởi, tất cả những yêu cầu nhỏ nhoi đều bị từ chối.

Riêng Giuđa, tên của nhân vật này được người người nhắc nhở với hàm ý mỉa mai. Tôi nhớ trong những giáo xứ Việt Nam, sau thánh lễ Rửa Chân của ngày thứ Năm Tuần Thánh, bất hạnh cho người giáo dân nào trong số mười hai người đóng vai mười hai tông đồ bị chụp lên cái mũ cối Giuđa. Giuđa sẽ trở thành tên đệm của nhân vật này mỗi khi tên ông ta được người trong giáo xứ nhắc tới, thí dụ ông Bình Giuđa, ông Đức Giuđa. Trong tất cả các nhân vật xuất hiện trong Kinh Thánh, tên của Giuđa được nhiều người nhắc nhở, nhưng rất tiếc không phải với hàm ý đẹp mà là mỉa mai. Ông bà chúng ta có câu,

Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Trong trường hợp của Giuđa, câu ca dao này hoàn toàn đúng, bởi vì

Trăm năm bia đá thì mòn,

“Hai ngàn năm” bia miệng vẫn còn trơ trơ
.

(Còn tiếp)

www.nguyentrungtay.com