1. Các vụ bài Do thái tăng vọt tại Anh quốc

Những vụ bài Do thái tăng vọt tại Anh quốc, từ sau cuộc tấn công khủng bố ngày 07 tháng Mười năm ngoái của Hamas chống Israel và cuộc trả đũa khốc liệt của Israel tại Gaza.

Tổ chức tên là “Quỹ An ninh Cộng đồng” (Community Security Trust), gọi tắt là CST, chuyên kiểm điểm những vụ bài Do thái tại Anh quốc, đã thống kê được 4.103 vụ bài Do thái trong năm ngoái, tức là gần gấp đôi con số kỷ lục đã ghi nhận trong năm 2021, và tăng 147% so với năm 2022.

Hai phần ba những vụ bài Do thái xảy ra sau cuộc tấn công của Hamas chống Israel, làm cho 1.160 người chết và hơn 150 người bị Do thái bị bắt làm con tin. Số người Palestine thiệt mạng vì các cuộc tấn công trả đũa và lùng bắt của Israel tại Gaza, cho đến nay đã lên tới khoảng 30.000 người.

Quỹ CST cũng nhắm bảo đảm an ninh cho các trường học và nơi thờ phượng của người Do thái ở Anh quốc. Giám đốc điều hành Quỹ này, là ông Mark Gardner nói rằng: “những vụ tấn công người Do thái xảy ra trong các trường học, đại học và nhất là trên các mạng xã hội. Người Do thái tại Anh quốc rất mạnh và kiên cường, nhưng sự bùng nổ oán ghét chống lại cộng đoàn chúng tôi là một sự ô nhục tuyệt đối. Cộng đồng chúng tôi bị bao vây, hăm dọa, tấn công, do những thành phần cực đoan. Đó là một thách đố đối với tất cả mọi người, và chúng tôi lên án sự im lặng như tờ của những lãnh vực trong xã hội, vốn mạnh mẽ hăng hái tố giác kỳ thị chủng tộc trong tất cả những trường hợp khác, ngoại trừ trong vụ oán ghét chống người Do thái”. Bộ trưởng nội vụ Anh, ông James Cleverly, cũng lên án những vụ bài Do thái và hứa làm tất cả những gì có thể trong quyền hạn của ông để chống lại hiện tượng này.

Ngoài ra, hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Hiệp hội Tell Mama, điều tra về những vụ chống Hồi giáo, cũng tố giác rằng con số những vụ chống Hồi giáo từ ngày 07 tháng Mười đến ngày 13 tháng Mười Hai năm ngoái, là 1.432 vụ, tức là tăng gấp bảy lần so với 195 vụ cùng thời gian trong năm 2022 trước đó.

Nói chung, tại các nước Âu châu đều có sự gia tăng mạnh những vụ tấn công, bài Do thái, tình trạng cũng đáng lo âu tại Đức, Pháp, Bỉ và cả Thụy Sĩ.

2. Asia New: Tại Hương Cảng có 1.788 Navalny

Dư luận Âu Mỹ phẫn nộ vì nhà đối lập Alexei Navalny bị chết trong nhà tù ở miền bắc Siberia. Hãng tin Công Giáo Á châu, Asia News, lưu ý dư luận thế giới rằng ở Hương Cảng đang có 1.788 người bị giam cầm giống như Navalny ở Nga.

Trường hợp nổi tiếng nhất là ông Jimmy Lai, tên Hoa đầy đủ là Lê Trí Anh, đại doanh nhân, chủ nhiệm báo Apple Daily bị nhà cầm quyền Hương Cảng đóng cửa hồi năm 2021, và hiện đang bị xét xử trong một vụ án, qua đó bất kỳ lời nói và cử chỉ này cũng có thể bị dùng như bằng chứng về “Âm mưu của ngoại bang” theo luật về an ninh quốc gia.

Ông Jimmy Lai, 76 tuổi, là một tín hữu Công Giáo, từ hơn ba năm nay đang bị cầm tù. Con ông là Sebastian nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo âu cho sức khỏe của cha và lo ngại rằng cha có thể chết trong tù.

Nhưng trường hợp ông Jimmy Lai chỉ là một vụ hiển hiện nhất trong số hàng trăm người đối lập kiểu Navalny đang bị cầm tù ở Hương Cảng. Theo con số cập nhật của Hội đồng Dân chủ Hương Cảng, công bố hôm mùng 08 tháng Hai vừa qua, hiện nay có 1.788 tù nhân chính trị trong các nhà tù ở Hương Cảng, và con số này tiếp tục gia tăng: trong những tuần đầu năm 2024 này, có thêm 24 người bị đưa vào tù, trong năm ngoái, có 483 người và trong năm 2022 trước đó, có 376 người.

Trong những ngày này, một trong những mạng nổi tiếng nhất của những người Hoa đối lập lưu vong, mạng Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), đã công khai liên kết cái chết của ông Navalny bên Nga với cái chết của Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người đối lập ở Trung Quốc, đã được giải Nobel Hòa Bình năm 2017 chết trong tù, và ông Bằng Minh (Peng Ming), một tín hữu Kitô tranh đấu cho nhân quyền bị kết án tù chung thân và chết trong tù ở tỉnh Hồ Bắc năm trước đó.

Phái viên hãng thông tấn Pháp AFP yêu cầu phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc bình luận về vụ Navalny chết rũ tù ở Nga, thì được trả lời rằng: “Đó là chuyện nội bộ của Nga, chúng tôi không có bình luận gì về vấn đề này”.

3. Đức Hồng Y Müller cảnh giác: Tuyên ngôn Fiducia supplicans có thể dẫn tới rối đạo

Trong một bài viết đăng trên tạp chí “First Things”, Những điều đầu tiên, mới xuất bản hôm 16 tháng Hai ở Mỹ, Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, cảnh giác rằng tuyên ngôn “Fiducia supplicans”, Lòng tín thác khẩn cầu, của Bộ Giáo lý đức tin, công bố ngày 18 tháng Mười Hai năm ngoái về việc chúc lành cho các cặp đồng phái, có thể dẫn tới lạc giáo, hay rối đạo.

Trong bài này, Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng: “Chúc lành cho những người như những cặp đồng phái có nghĩa là phê chuẩn sự kết hiệp của họ, cho dù không coi sự kết hiệp này như hôn phối. Vì thế, đó là một đạo lý trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, vì sự chấp nhận việc chúc lành này, cho dù không trực tiếp là rối đạo, nhưng theo đúng lý luận, thì nó dẫn đến lạc giáo”.

Bài báo của Đức Hồng Y Müller phi bác từng điểm trong bài bênh vực Tuyên ngôn do Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez, đương kim Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, công bố ngày 04 tháng Giêng năm nay để biện minh cho Tuyên ngôn ngài đã công bố ngày 18 tháng Mười Hai năm 2023 trước đó, để xác quyết rằng Tuyên ngôn “Lòng tín thác khẩn cầu” không đi trệch giáo huấn của Giáo hội. Đặc biệt, Đức Hồng Y Müller phi bác lập luận cho rằng kỷ luật có thể biến chuyển như ý muốn, để rồi tạo nên một sự tách biệt rõ ràng giữa đạo lý và thực hành. Trong trường hợp Tuyên ngôn “Lòng tín thác khẩn cầu”, đây là trường hợp cho phép chúc lành các cặp sống với nhau như vợ chồng hoặc đồng giới tính, đạo lý Công Giáo về hôn phối và tính dục rốt cuộc bị nói ngược lại “trong thực hành, cho dù không phải trong lời nói”.

Nguyên tắc rõ ràng cho bất kỳ ai, dù họ chỉ am tường sơ sơ về lịch sử Giáo hội, đều biết rằng trong số những tranh luận sôi nổi nhất trong những thế kỷ đầu tiên, chúng ta thấy tranh luận về thói quen rửa tội lại hoặc không tái rửa tội cho những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội từ tay những người lạc giáo hoặc ly giáo; hoặc về sự cần thiết phải rửa tội lại cho các trẻ em. Những biện pháp thực hành này hiển nhiên là có liên hệ chặt chẽ với đạo lý.

Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng: “thực vậy, có những kỷ luật Công Giáo không thể bị thay đổi mà không loại bỏ đạo lý Công Giáo”, như nguyên tắc thần học của thánh Tôma Aquinô, theo đó đáng tiếc có thể xảy ra là người ta du nhập sự giả dối trong các dấu hiệu bí tích, cho dù trên lý thuyết người ta chấp nhận đạo lý.

Đức Hồng Y Müller đặc biệt phê bình việc phân biệt sự chúc lành theo nghi thức phụng vụ và chúc lành mục vụ, chúc lành cho sự kết hiệp và chúc lành cho cặp đôi, và sau cùng là lời quả quyết rằng sự chúc lành hướng tới thiện ích, tới điều tốt đẹp trong quan hệ giữa hai người, chứ không nhắm tới sự xáo trộn về tính dục.

Tóm lại, Đức Hồng Y Müller muốn khẳng định rằng không những là một khả thể, nhưng còn là một nghĩa vụ từ khước những thứ chúc lành mục vụ cho các cặp đồng phái, nhất là từ phía những người, khi lãnh nhận giáo vụ, họ tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành, bảo tồn trọn vẹn kho tàng đức tin. Vì lòng yêu mến đức tin Công Giáo và yêu mến chính đấng Kế vị thánh Phêrô, cần kháng cự lại điểm này. “Thánh Phaolô đã công khai và không chút do dự chống lại việc thực thi mơ hồ quyền tối thượng từ phía thánh Phêrô, người anh em trong Tông đồ đoàn, vì thánh Phêrô, với cách hành xử sai trái, gây nguy hiểm cho đức tin chân chính và phần rỗi của các tín hữu, không phải về sự tuyên xưng tín lý đức tin Kitô, nhưng về sự thực hành đời sống Kitô”.