Sài Gòn Mỹ Tho

Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại phi trường Đà Nẵng để bay về Sài Gòn, ngụ tại khách sạn Adora đường Lý Tự Trọng. Hướng dẫn viên du lịch tự giới thiệu tên Vinh, niềm nở đón chúng tôi tại Phi trường Tân Sơn Nhất, và trên đường tới khách sạn Adora, đã tận tình giới thiệu những nơi xe chạy qua, công viên Hoàng Văn Thụ, khu Tân Bình... trường Marie Curie, trường Lê Quí Đôn (Jean Jacques Rousseau cũ), Tòa Án, Dinh Gia Long, Thư viện Quốc Gia cũ, Dinh Độc Lập... Tôi hỏi anh có biết phủ thủ tướng cũ nằm ở đâu không, nơi tôi từng làm việc sau khi tốt nghiệp Ban Cao Học, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, anh ta không trả lời. Và dù là con của một cán bộ Bình Định Nông Thôn, anh vẫn gọi Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa là Chính Phủ Sài Gòn.



Khách Sạn Adora rất gần Chợ Bến Thành. Tôi và nhà tôi không đi chợ. Nhưng các cháu thì phần lớn có rẽ qua. Có những cháu “mặt dầy mặt dạn” trả giá mua được những thứ với giá tiền bằng nửa giá nói thách. Nhưng không thiếu các cháu bị chửi thẳng mặt vì cùng một mục đích tránh bị mua hớ! Chợ Bến Thành vốn không có thói quen đề giá rõ ràng vào sản phẩm họ bán.

Ngày hôm sau, xe chở chúng tôi đi Mỹ Tho. Xe chạy qua nhiều đường quen thuộc của thành phố, kể cả phố Bùi Viện, Phố Đi Bộ Suốt Đêm, rẽ vào đường Võ Văn Kiệt, tức Đại lộ Đông Tây cũ dài 22 km, rộng 42-60 m với 10 làn xe, được coi là tuyến đường xương sống từ Đông sang phía Tây thành phố, chạy qua Bến Vân Đồn, nơi đại gia đình chúng tôi cư ngụ tuần lễ đầu của chuyến đi... Người hướng dẫn du lịch không quên chỉ cho xem “khu ổ chuột” vẫn còn hiện diện trên bờ các con kinh, và các thay đổi ở bến Bình Đông và tại sao lại gọi người Hoa là Ba Tầu, không phải vì họ đến Bình Đông từ Biên Hòa, hay nói chung từ Trung Hoa đến Việt Nam, bằng ba chiếc tầu [không ai nghĩ thế] mà là họ bị người Việt xếp vào hạng người thứ ba trong xã hội Việt Nam. Anh không nói rõ ai là hạng nhất và ai là hạng nhì trong xã hội này. Có điều ông Thiếu Khanh, trong bài "Ba Tầu và Khách chú" đăng trên mạng [https://www.art2all.net/tho/tho_tk/batauvacacchu.htm#], thì lại cho là vì "một lệnh dụ kỵ húy do vua Gia Long ban ra: cấm cả nước nói chữ Hoa! Vì Hoa là tên con dâu yêu qúy của vị vua này, sau khi sinh con trai là Vua Thiệu Trị được 13 ngày thì qua đời. Theo lệnh kỵ húy này, tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa, cái Cầu Hoa (ở quận 1 Sài Gòn bây giờ) đổi tên thành Cầu Bông, cửa (gate) Đông Hoa của Hoàng thành Huế đổi thành cửa Đông Ba. Và chợ Đông Hoa ngoài cửa Đông Hoa cũng đổi tên thành chợ Đông Ba. Từ đó trên cả nước không còn nơi nào và có ai còn gọi người Hoa là người Hoa nữa. Nhưng sao người ta không đổi từ Hoa này thành Bông (như cầu Bông) mà đổi thành Ba? Đó là vì sự biến đổi đầu tiên xảy ra ở kinh đô, với cửa Đông Hoa thành cửa Đông Ba như đã thấy; rồi sự kỵ húy từ đó lan vào Quảng Nam, với Hội An là cái “ổ Hoa kiều” lâu đời...Ba là thay cho chữ Hoa trong sự kỵ húy đó. Từ Hoa được thay bằng từ Ba, nhưng gọi người Hoa thì ai cũng hiểu, trái lại gọi người Ba thì vừa lạ hoắc vừa vô nghĩa, chẳng ai biết đó là gì. Họ vốn là người Tàu. Thế thì gọi luôn Ba Tàu, mà không cần giải thích gì thêm, ai cũng biết". Ông Thiếu Khanh này chắc là muốn lấy lòng mấy ông Ba Tầu.

Từ Đường Võ Văn Kiệt, xe chạy vào Đường Cao Tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương dẫn đến Thị xã Mỹ Tho. Nhìn những cánh đồng lúa trải dài hai bên đường, nhắc lại những trái thơm, trái khóm của Bến Lức, Long An, lòng bỗng thảnh thơi lạ, như mở rộng ra, đón chào vựa lúa miền nam, nơi hàng năm vẫn cứ 3 mùa lúa dồi dào phong phú. Tôi từng đi qua quãng đường này hai lần, nhân những chuyến đi Tắc Sậy, viếng mộ Cha Trương Bửu Diệp. Nhưng chưa bao giờ trở lại Mỹ Tho, nơi tôi từng tu học 2 năm đệ lục và đệ ngũ (1955-1956), ở làng Bình Đức, huyện Châu Thành, sau khi tầu Mỹ chở chúng tôi từ Hải Phòng “vô” Nam. Tôi không hiểu tại sao Đức Cha Trương Cao Đại, Giám Mục Hải Phòng Di Cư và cha nghĩa phụ của tôi lúc ấy là giám đốc tiểu chủng viện Chân Phúc Liêm, lại chọn làng quê “khỉ ho cò gáy” này làm nơi tu học cho chúng tôi. Còn nhớ ngày đầu tiên đến làng này, chúng tôi được chào đón bằng những viên sỏi ném từ ngoài hàng rào vào. Bầu khí chỉ thay đổi khi chúng tôi bắt đầu mở các lớp học cho trẻ em trong làng.

Chúng tôi ngụ tại cơ sở trước đây là bản doanh và hãng sản xuất sà bông của gia đình Jacques Lê Văn Đức. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ Jacques Lê Văn Đức là một trong những địa chủ giầu có và hảo tâm của Miền Nam Công Giáo, giống Huyện Sỹ. Mãi sau này, mới biết thực ra ông nổi tiếng là một nhà văn và viết kịch Công Giáo với khá nhiều tác phẩm còn được lưu trữ cho đến nay (Tìm của Báu, Á Thánh Janne d’Arc tuồng, Tình thâm Nghĩa Trọng, Trước Cửa Thiên Đàng, Các tuồng Giễu: Công tử bột đi cưới vợ, Đi bắt ăn cướp, Điền lính, Hiền Tạ, Ngai Vàng, xem https://gpquinhon.org/q/ton-giao/mang-tac-pham-cong-giao-cua-van-chuong-nam-ky-dau-the-ky-20-4652.html). Các nhà nghiên cứu Huỳnh Công Duẩn và Trần Thị Thư, trong bài Kịch nói miền Nam - quá trình hình thành, phát triển và vị thế trong giai đoạn hiện nay đã cho rằng “Năm 1933 – 1934, Lê Văn Đức (Jacques Lê Văn Đức) thành lập một đoàn kịch nói có tên là Đức Hoàng Hội”, nhưng đoàn kịch tồn tại được không lâu lý do vì lúc ấy, tuồng Cải Lương ăn khách hơn (xem https://idesign.vn/art-and-ads/kich-noi-mien-nam-qua-trinh-hinh-thanh-phat-trien-va-vi-the-trong-giai-doan-hien-nay-508850.html).

Cơ sở này có tường cao bao vây với chiếc cổng ra vào bề thế, ngay đó là một hang đá Đức Mẹ, nơi chúng tôi hát kinh Salve Regina [Lạy Nữ Vương] vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Từ hang đá, theo một con đường trải đá, chúng tôi gặp một tòa nhà xây kiên cố nhiều phòng dùng làm nơi ở của ban giám đốc và giáo sư của chủng viện, sau đó, là một dẫy nhà khá dài, nửa hình vuông, bọc lấy chiếc ao nhận nước từ Kênh Xáng Long Định nối với Sông Tiền. Chúng tôi ngụ tại một cánh của nửa hình vuông này, làm nơi học hành, nghe huấn đức và cả tham dự thánh lễ nữa. Mãi mấy tuần sau, chúng tôi mới có nhà nguyện mái tranh. Làng Bình Đức cũng có ngôi nhà thờ do chính gia đình Jacques Lê Văn Đức xây ngay bên cạnh, nhưng một phần, kinh giáo dân ở đó đọc lạ quá làm chúng tôi bật cười, và kinh chúng tôi đọc cũng làm giáo dân ở đó bật cười, nên hai bên đành chia tay, ai nấy giữ đạo cho phải phép!

Những ngày ở Bình Đức bên cạnh hàng soài, hàng nhãn, hàng vú sữa, dẫy chuối bạt ngàn và nhất là dẫy nhà cầu “Cá Tra” dựng trên ao nước làm mình giật mình mỗi lần phải “giải quyết vấn đề nhân sinh”, đầy ắp kỷ niệm. Thứ cá tra này thật tuyệt. Những mong đến ngày thứ sáu kiêng thịt để thưởng thức chúng. Mỗi bàn ăn ít nhất nửa con béo mập. Dĩ nhiên chúng được bắt khỏi dẫy nhà cầu thả vào ao trong sạch sẽ ít nhất cũng 6 tháng mới dám ăn.

Nay thì tất cả không còn nữa. Bình Đức đã được nối liền với thị xã Mỹ Tho, trở thành khu công nghiệp phát triển. Hướng dẫn viên du lịch chỉ cho tôi tòa nhà mầu xanh nước biển in lên nền trời phía tay trái thành phố nhìn từ sông Mỹ Tho, phía sau chiếc cầu nối Mỹ Tho với Bến Tre, bảo đó là Bình Đức.

Không có thì giờ dạo phố Mỹ Tho, chúng tôi được đưa thẳng xuống thuyền máy đậu tại Sông Mỹ Tho, một nhánh của Sông Tiền. Nước đậm phù sa mầu hung với những hàng lục bình nhún nhẩy trong gió tại Sông này quả là một dấu hiệu hứa hẹn giữ mãi cho Đồng Bằng Cửu Long như vựa lúa của cả nước và đường đưa ta trở lại “Trùng Dương” ở đấy “Ba chị em là ba miền, nhưng tình thương đã nối liền”. Tôi bùi ngùi nhớ lại câu hát của Phạm Đình Chương với điệu hát chuyển đổi hân hoan thình lình, từ miền Sông Hồng, Sông Hương, đưa ra một viễn tượng gặp nhau vui quá đỗi, “Đây miền Nam, nước sông dâng cao, cá lội ngù ngờ... băng ngang sông Mỹ có ngày gặp em”. Tôi rất mong có ngày “anh chị em” thực sự gặp nhau. Còn nhớ ở Hà Nội, tôi có nói với người hướng dẫn viên du lịch: điều buồn duy nhất là chưa có sự hòa giải, thật khác xa người Đức. Tôi đã đến Berlin. Ở đấy người ta duy trì mọi chứng tích chiến tranh, người quốc gia hay người cộng sản đều được hưởng quyền lợi như nhau, kể cả quyền hưởng hưu trí. Dĩ nhiên, người hướng dẫn viên du lịch không biết phải trả lời sao. Ít nhất anh cũng đã im lặng. Không nhiều lời chính trị như một hướng dẫn viên du lịch năm 2007 khi anh bảo chúng tôi: trái tim Hòa Thượng Thích Quảng Đức đến nay vẫn sống tươi. Có điều khi đến Chùa Từ Đàm, nơi giả thiết an vị trái tim đó, anh ta không dẫn chúng tôi tới chiêm ngưỡng.

Trên Sông Mỹ Tho, tôi thấy một chiếc tầu Panama và rất nhiều chiếc tầu của Việt Nam nói là dùng để chuyên chở gạo xuất khẩu và tầu Campuchia. Nhìn vào hướng bờ thấy hai hàng chữ to “Thành Phố Mỹ Tho” và “MYTHO Marina”. Việc dùng chữ tây, nhất là chữ Mỹ, như thế là chuyện thông thường ở Việt Nam hiện nay, không riêng gì Mỹ Tho, khắp Bắc Trung Nam, đi đâu cũng thấy bảng hiệu “tiếng Tây, tiếng Mỹ”, ngay Tam Cốc, cũng có Tamcoc Bungalow! Chả lẽ Việt Nam chỉ sống nhờ du lịch!

Từ thuyền máy, chúng tôi lên Cồn Lân (Unicorn) một trong bốn cồn của vùng sông nước này đặt theo tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng: Cồn Rồng là "long", cồn Thới Sơn là "lân", cồn Cát là "quy", và cồn Tân Vinh là "phụng" hay nôm na còn gọi là cồn Ông Đạo Dừa. Tại Cồn Lân, chúng tôi được đón tiếp niềm nở ngay tại cửa tiệm đầu tiên, vừa bán quần áo may sẵn vừa bán sữa ong chúa đóng từng hộp nhỏ, lớn hơn cỡ hộp dầu cù là một chút. Người chào hàng dọn cho chúng tôi một ly trà với sữa ong chúa pha mật ong, hoa nhãn và nước tắc (quất). Anh cho biết mật ong không đem vào Úc được vì ở đấy đã có Manuka! Nhưng sữa ong chúa thì được. Chúng tôi đã mua một mớ. Anh còn biểu diễn màn cho trăn quấn cổ, thấy không nguy hại, có đến 4 người trong đoàn chúng tôi bắt chước anh. Từ đó, qua sưởng chế kẹo dừa, chứng kiến từ khâu đập bể trái dừa, qua khâu lấy cơm dừa ra, say, ép lấy nước rồi nấu chung với mạch nha và viên thành kẹo. Chúng tôi cũng mua một mớ hộp kẹo dừa tại đây. Chiêu đãi tiếp theo diễn ra gần đó: chúng tôi được mời vào một dẫy nhà ngang có kê bàn sẵn, trên bàn có nhiều loại trái cây đã được dọn sẵn. Vừa ăn, chúng tôi vừa được 4 nữ ca sĩ nhân gian, thay phiên nhau trình diễn đủ loại bài hát, trong đó, có nhiều bài vọng cổ rất “mùi” với sự phụ họa của một nhạc sĩ Guitar. Mấy ông tây bà đầm cũng gật gù thưởng thức! Tại đây, một lần nữa, chúng tôi lại được đi thuyền xuyên qua rừng dừa nước như ở Hội An. Chỉ khác đây là thuyền tam bản và do đến hai người chèo, với số tiền kiếm được ít hơn nhiều so với các tay chèo ở Ninh Bình, Hạ Long và Hội An. Vượt qua Cồn Phụng với chiếc đài cao nơi Ông Đạo Dừa từng ngồi thuyết pháp vẫn còn đó và rõ mồn một trên nền chân trời, chúng tôi tới Cồn Rồng, nơi chúng tôi được đi xe lam ba bánh, một cái thú đã mất khá lâu tại Sài Gòn trước năm 1975. Có điều một trong 4 chiếc xe lam đón chúng tôi chết máy ngay lúc vừa đến. Nhìn kỹ thì ra chiếc này đánh đồng kém đến nỗi vết sần sùi hiện rõ khắp thân mình. Chắc “hắn” có từ thời trước 1975! Chúng tôi được đãi cơm trưa tại đây với cá tai tượng cuốn bánh tráng. Từ đó, chúng tôi đáp thuyền máy trở về bến tầu Mỹ Tho: Mytho Marina! Với nỗi tiếc không được đến Bình Đức nhìn lại cảnh cũ người xưa.

Đường trở về Sài Gòn, vào đến Bình Chánh, thì bị kẹt xe. Xe di chuyển từng thước đất. Đến sốt ruột. Một số người trong bọn tôi còn muốn xuống xe đâu đó gần chợ An Đông để thử quần áo đã đặt may từ trước. Hướng dẫn viên du lịch đưa đề nghị với tài xế. Anh ta bảo khó lắm, vừa vì lượng xe, vừa vì “công an đông lắm”, hứa sẽ cố gắng dừng tại một chỗ nào gần đó thôi. Nhưng nhờ con gái lớn tôi lên gặp riêng anh, sau đó, anh đã đổi ý, và đưa người của chúng tôi tới tận cửa chợ An Đông. Từ đó, về Lý Tự Trọng cũng đâu có xa gì, chỉ có điều anh suýt gây ra tai nạn cho một cặp vợ chồng đi xe honda! Sài Gòn mà ít tai nạn lưu thông là một phép lạ!

Ngày hôm sau, chúng tôi được tự do. Tôi cuốc bộ một mình, ngược đường Lý Tự Trọng qua đường Thủ Khoa Huân rẽ phải vào Nguyễn Du, rẽ trái vào Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tiêu Công Lý) trước cửa Dinh Độc Lập, rẽ phải vào Hàn Thuyên, băng qua Pasteur, tới Nhà Thờ Đức Bà, nay trông kỳ dị với hai tháp chuông bị phủ gần như hết. Công viên Hòa Bình nay là Công viên Công xã Paris lác đác một số người. Tôi không vào nhà thờ, hình như cửa đóng then cài, mà vào Nhà Sách Hòa Bình, bên cánh phải. Khung cảnh yên tĩnh lạ. Trừ tôi ra, chỉ có mấy nhân viên an ninh ngồi gần lối ra vào. Tôi lên lầu, một cách khó khăn, vì phải leo đến 2 chục bậc, lại không mang theo gậy. Nhà sách cũng rất yên tĩnh, ngoài tôi ra, chỉ có một khách hàng khác. Nhà Sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đường Kỳ Đồng hình như đông khách hơn.

Tôi rất vui vì nhà sách có rất nhiều sách, cuốn nào cuốn nấy được trình bầy trang nhã, rất chuyên nghiệp, không như những năm trước. Nhưng cũng vì thế giá khác trước nhiều. Không có chuyện hàng chục ngàn như trước, ít ra cũng tới hàng trăm ngàn. Suy cho cùng cũng giống như các sách khác ở thị trường thế tục. Tôi chọn mua cuốn Từ điển Thần học Giản yếu, nguyên tác của hai linh mục Dòng Tên Gerald O’Collins và Edward G. Farrugia, do Lưu Văn Hy chuyển ngữ. Tôi chọn cuốn này vì sách giữ nguyên tựa tiếng Anh của đầu mỗi mục. Adoptionism Thuyết Dưỡng Tử chẳng hạn. Chứ không Thuyết Dưỡng Tử rồi không có chữ Anh hay Pháp đi kèm và không có bảng liệt kê các danh từ đối chiếu Việt Anh (Pháp) và Anh (Pháp) Việt để những người như tôi tiện dụng. Cuốn từ điển mua trước đây tôi không sử dụng được nhiều từ ngày mua: Từ Điển Công Giáo Phổ Thông của Nhóm Chánh Hưng dịch từ “Pocket Catholic Dictionary” của John A. Hardon, Dòng Tên, dưới sự chủ biên của người cùng trường với tôi là Linh mục Đặng Xuân Thanh. Sách dịch có giá trị, chỉ tiếc là không có tiếng Anh đi kèm mỗi mục và tuy có bảng đối chiếu Việt Anh ở cuối sách, nhưng không có bảng đối chiếu Anh Việt.

Tại nhà sách Hòa Bình, tôi lại vấp phải nhu cầu “gỉai quyết vấn đề nhân sinh” cấp bách. Rất may ở tầng trệt có nhà vệ sinh thoáng mát và thật nhiều phương tiện. Không như nhà thờ chính tòa Honolulu, nơi tôi đến thăm vào chính ngày lễ Hiển Linh năm 2015. Nhu cầu thì cấp bách, hỏi một giáo dân dáng người Trung Hoa, từ nhà xứ bước ra, xem nhà vệ sinh ở đâu, ông ấy nhìn thẳng vào mặt tôi cười nói: chúng tôi không cung cấp dịch vụ này. Tôi biết, nhà thờ chủ yếu để phục vụ việc thờ phượng Chúa, nhưng với chiếc quần sũng nước, làm sao tôi thờ phượng Chúa cho nên được. Ông giáo dân này không tìm được lời lẽ nào khác để nói với tôi sao? Hôm ấy, vị linh mục chủ tế nói rất hay: gặp Chúa rồi, ba vua đi hướng khác, chúng ta cũng phải như thế! Hy vọng ông giáo dân gốc Trung Hoa nghe lọt tai. Rất may, cạnh nhà thờ chính tòa Honolulu, là Đại Học Pacific, nơi giáo sư của tôi là Nghiêm Đằng ở Trường Quốc Gia Hành Chánh từng dạy học thập niên 1960. Tôi đã vào đó và tìm được chỗ để trút “bầu tâm sự”.

Từ Nhà Sách Hòa Bình, tôi băng qua Công viên Hòa Bình, tới Nhà Bưu Điện Thành Phố, nơi người ta quảng cáo như một cái “must” khi viếng Sài Gòn. Mà đúng như thế thật vì trước cửa nó, nhan nhản các du khách đủ mọi quốc tịch, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn chú ý nhiều đến sự hiện diện của người Ấn. Tôi được người hướng dẫn viên du lịch giải thích: họ chỉ mất có 600 mỹ kim để bay qua Việt Nam và bay về! Trong khi tôi, dù mua vé máy bay từ tháng ba năm 2023, đến cuối năm đó mới đi, vẫn phải trả hơn 2 ngàn úc kim.

Tôi không dừng chân ở đó mà tới Đường Sách, vốn có tên là Đường Nguyễn Văn Bình, nguyên Tổng Giám Mục đầu tiên của Sài Gòn, nhưng nay, người ta quen với tên Đường Sách nhiều hơn. Tôi hơi thất vọng, vì ít sách có giá trị ở đây. Tôi chỉ mua được cuốn Tình Thầy của sư cô Chân Hội Nghiêm, nữ đệ tử ruột của thầy Nhất Hạnh. Sách không dầy, chỉ 150 trang khổ 14x20.5cm, nhưng đề tới giá 126,000 đồng, mắc hơn cả cuốn từ điển tôi mua ở Nhà Sách Hòa Bình, khổ 16x24cm, bìa cứng, dầy tới 445 trang mà giá chỉ có 120,000 đồng. Có điều cô bán hàng bảo tôi trả 110,000 đồng thôi và khi tôi không có 10,000 đồng lẻ, cô đã chỉ lấy đúng 100,000 đồng. Dù cuốn sách thích đăng hình ảnh các ni cô trẻ đứng sát và tựa đầu vào vai thầy Nhất Hạnh, ngược với thứ đạo lý “nam nữ thọ thọ bất thân” của cửa Khổng Sân Trình, tôi vẫn không một chút hoài nghi về Thầy Nhất Hạnh, vì dù sao ông vẫn là thầy của tôi.

Từ Đường Sách, tôi cuốc bộ theo đường Đồng Khởi (vùng lên mất Tự Do), tìm nhà sách Xuân Thu của Đại Học Đà Lạt xưa mà tôi biết năm 2000 vẫn còn hiện diện ở Đường Tư Do, vì năm ấy tại đó, tôi từng kiếm được cuốn Connaissance Du Việt Nam của Pierre Huard và Maurice Durand xuất bản tại Hà Nội năm 1954, năm tôi còn học ở Hải Phòng. Đi đến gần tòa nhà Quốc Hội cũ mà vẫn không thấy Nhà Sách Xuân Thu đâu. Tôi biết Sài Gòn Kinh tế đã thay thế Sài Gòn Văn Hóa. Thế là ngược đường trở lại Lý Tự Trọng. Về đến Adora, tôi lại được cô cháu dâu nhà tôi tặng hai cuốn sách: Sống Sinh Động và Dồi Dào trong Thiên Chúa của Cha Timothy Radcliffe O.P., người từng gây tranh cãi tại Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị, do Học Viện Đa Minh dịch và xuất bản, và Đạo Trị Nước Trong Tư Tưởng Khổng Mạnh, Luận án Tiến Sĩ của chính cô tại Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, do chính Đại Học này xuất bản.

Về sách vở, tôi những thắc mắc: các tiệm sách đời chứa sách Phật Giáo, ít nhất là Phật Giáo của Thiền Sư Nhất Hạnh, và có người như tôi mua, thì tại sao sách Công Giáo lại không được bày bán ở các tiệm sách đời kia? Sách được trưng bầy trang trọng ở các tiệm sách nhà thờ Công Giáo, tiện cho các giáo dân, nhưng làm sao đến với những người không cùng niềm tin với mình nhưng muốn biết về mình. Mon men đến nhà thờ đã là một cảm giác xa lạ, huống chi là đến nhà sách “đạo”.

Ngày hôm sau, chúng tôi lên máy bay từ giã Sài Gòn. Nhưng vì giờ lên máy bay hơi trễ, lúc 5 giờ chiều, và vì thương ông bà già, các con cháu của chúng tôi đã trả thêm tiền giữ phòng cho chúng tôi tại Adora, khỏi phải đi lang thang giữa một Sài Gòn lúc nào cũng trên 30 độ celsius. Các nhân viên khách sạn yêu cầu chúng trả hơn 3 triệu đồng Việt Nam cho 5 tiếng đồng hồ ở lại. Trong khi tôi biết, khách sạn đối diện chỉ đòi 1,500,000 đồng một đêm! Từ giã Sài Gòn với một cảm giác không thoải mái mấy. Nhưng nghĩ lại, còn muốn gì hơn, khi chuyến đi 21 ngày diễn ra gần như hoàn hảo. Tất cả 24 người chúng tôi đã trở về Sydney an toàn. Tạ ơn Thiên Chúa.