1. Đức Thánh Cha Phanxicô bị ‘cúm nhẹ’, đến bệnh viện để xét nghiệm đề phòng

Theo Vatican, chiều thứ Bẩy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến bệnh viện để xét nghiệm phòng ngừa sau khi bị cúm vào đầu ngày.

“Vào đầu giờ chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua một cuộc chụp CT tại Bệnh viện Gemelli Isola ở Rome, để loại trừ nguy cơ biến chứng phổi”, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 25 tháng 11.

Thông báo kết luận: “Cuộc xét nghiệm cho kết quả âm tính và Đức Thánh Cha đã quay trở lại Casa Santa Marta”.

Thông báo về chuyến viếng thăm bệnh viện của Giáo hoàng diễn ra sau thông báo trước đó từ Vatican rằng Giáo hoàng sẽ không tham gia các cuộc họp theo lịch trình vào sáng thứ Bảy vì bị ốm.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Các buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dự kiến sáng nay đã bị hủy do bệnh cúm nhẹ”.

Bản tin hàng ngày của Vatican, được phát hành vào buổi trưa theo giờ Rôma, không đề cập đến bất kỳ hoạt động nào của Giáo hoàng trong buổi sáng hôm đó, mặc dù Giáo hoàng đã có lịch gặp ông Umaro Issoco Embaló, tổng thống Guinea-Bissau.

Không có thông tin bổ sung nào được chia sẻ về khả năng Đức Thánh Cha tham gia vào các sự kiện đã được lên lịch trong tương lai, chẳng hạn như lời chào Kinh Truyền Tin vào ngày mai.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 86 tuổi, dự kiến sẽ đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12 để tham gia Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP28.

Các sự kiện trong ngày đánh dấu lần thứ hai trong tháng này hoạt động của Giáo hoàng bị ảnh hưởng bởi bệnh tật.

Vào ngày 6 tháng 11, giáo hoàng bị cảm lạnh và không đọc những bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn của mình trước buổi tiếp kiến các giáo sĩ Do Thái đến từ châu Âu, thay vào đó, ngài quyết định đưa cho những người tham dự bản sao của văn bản.

“Cảm ơn các bạn vì chuyến thăm mà tôi đánh giá rất cao, nhưng tình cờ là sức khỏe của tôi không được tốt và đó là lý do tại sao tôi không muốn đọc bài phát biểu mà đưa nó cho các bạn”, Đức Giáo Hoàng đã nói vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn có thể tiếp tục lịch trình đầy đủ của mình trong thời gian còn lại trong ngày, bao gồm cả cuộc gặp gỡ với 7.000 trẻ em từ hơn 80 quốc gia.

Đức Giáo Hoàng, sẽ bước sang tuổi 87 vào tháng tới, đã trải qua nhiều trở ngại về mặt y tế trong những năm gần đây. Ngài đã phải nhập viện nhiều lần, gần đây nhất là vào tháng 6 để phẫu thuật vùng bụng. Vào cuối tháng 3, ngài đã phải điều trị bệnh viêm phế quản trong vài ngày, và châm biếm khi được xuất viện vào ngày 1 tháng 4, “Tôi vẫn còn sống, bạn biết đấy.”

2. Các phụ tá lên tiếng bênh vực Đức Giáo Hoàng trước những tấn công dữ dội từ hàng giáo sĩ và các nhà lãnh đạo Do Thái

Ký giả Elise Ann Allen của tờ Crux có trụ sở ở Denver, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Aides defend Pope from charges of false equivalence on Gaza war”, nghĩa là “Các phụ tá bảo vệ Đức Giáo Hoàng khỏi những cáo buộc đánh đồng sai lầm về cuộc chiến ở Gaza”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhóm giáo sĩ Do Thái ở Ý và các nhà lãnh đạo Do Thái nổi tiếng khác đã phản đối việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza hôm thứ Tư là “chủ nghĩa khủng bố”, khẳng định rằng ngài đánh đồng những kẻ xâm lược với các nạn nhân một cách sai lầm, trong khi các phụ tá của Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng ngài không “bỏ qua” cuộc tấn công của Hamas đã gây ra xung đột.

Trong một tuyên bố sau bài phát biểu mới nhất của Đức Giáo Hoàng hôm thứ Tư, Noemi Di Segni, chủ tịch Liên minh các Cộng đồng Do Thái ở Ý, cho biết: “Đức Giáo Hoàng đặt mọi người vào cùng một bình diện khởi hành và đến nơi. Nhưng khởi hành là khủng bố thực hiện kế hoạch tiêu diệt người Do Thái trên toàn thế giới.”

Bà nói, cuộc chiến ở Gaza là “cần thiết để bảo vệ Israel và người dân của nó. Nó liên quan đến đau khổ nhưng các nạn nhân phải được liên kết với những người thực sự phải chịu trách nhiệm.”

Tương tự như vậy, một tuyên bố từ Hội đồng Giáo sĩ Do Thái ở Ý cho biết nhận xét của Đức Giáo Hoàng đã đặt “những người vô tội bị tách khỏi gia đình của họ ngang hàng với những người thường xuyên bị giam giữ vì các hành vi khủng bố rất nghiêm trọng”.

Họ nói: “Ngay sau đó, giáo hoàng đã công khai cáo buộc cả hai bên về chủ nghĩa khủng bố. Những quan điểm này được đưa ra ở mức cao nhất tiếp theo những tuyên bố có vấn đề của những người giải thích nổi bật của Giáo hội, trong đó không có dấu vết nào lên án hành vi xâm lược của Hamas, hoặc, nhân danh điều được cho là vô tư, họ đặt kẻ xâm lược và người bị thiệt hại ngang hàng nhau.”

Hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tổ chức các cuộc gặp với cả phái đoàn gồm 12 người thân của các con tin Israel bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7 tháng 10 của họ nhằm vào Israel, trong đó 1,400 người thiệt mạng và 240 người bị bắt cóc, lẫn 10 người thân của các tù nhân Palestine ở Israel.

Trong bài phát biểu của ngài trong buổi tiếp kiến chung ngày hôm đó, Đức Phanxicô đề cập đến các cuộc gặp gỡ của ngài với cả hai phái đoàn, nói rằng người dân ở cả hai bên “đã phải chịu đựng rất nhiều, và tôi đã nghe cả hai bên đều phải chịu đựng như thế nào: Chiến tranh làm điều này, nhưng ở đây chúng ta đã vượt quá chiến tranh, đây không phải là tiến hành chiến tranh, đây là chế độ khủng bố.”

Trong tuyên bố của họ, Hội đồng Giáo sĩ Do Thái ở Ý lưu ý rằng cuộc gặp gỡ của Giáo hoàng với các thành viên gia đình các con tin “đã được yêu cầu một thời gian và luôn bị trì hoãn”, vì một nỗ lực đã được thực hiện để sắp xếp cuộc gặp trong thời gian diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục tháng 10 về tính đồng nghị, nhưng những người tổ chức được thông báo rằng Đức Giáo Hoàng quá bận rộn với các công việc của Thượng hội đồng.

Hội đồng cho biết, cuộc gặp gỡ hôm thứ Tư cuối cùng đã diễn ra “bởi vì nó được tiếp sau bởi cuộc gặp gỡ với thân nhân của các tù nhân Palestinian ở Israel,” một cuộc gặp gỡ họ cho đã đánh đồng chủ nghĩa khủng bố với các nạn nhân của nó.

Họ nói, “Chúng tôi tự hỏi mục đích của cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Do Thái trong nhiều thập niên qua khi nói về tình bạn và tình anh em là gì nếu sau đó, trên thực tế, khi có những người cố gắng tiêu diệt người Do Thái, thay vì nhận được những biểu thức gần gũi và hiểu nhau, đáp ứng lại là hành động nhào lộn ngoại giao, hành động cân bằng và giữ khoảng cách băng giá, chắc chắn là có khoảng cách nhưng không công bằng”.

Các thành viên gia đình của các con tin đã gặp Đức Giáo Hoàng hôm thứ Tư cũng bày tỏ sự thất vọng với những lời của ngài, trong đó có một người dường như đã nói: “Không thể có sự đánh đồng giữa Hamas, một tổ chức khủng bố và sử dụng thường dân làm lá chắn, và Israel, tổ chức bảo vệ dân thường.”

Một thành viên khác trong gia đình của con tin cũng bày tỏ sự thất vọng vì Đức Phanxicô “không nêu tên Hamas và ngài không gọi tổ chức này là một tổ chức khủng bố. Ngài chỉ nói rằng chiến tranh phải kết thúc”.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận, một số phụ tá hàng đầu đã đứng ra bảo vệ ngài, nói rằng Vatican đã có chính sách trung lập lâu đời và quan tâm của Đức Giáo Hoàng là tác động lâu dài của một cuộc xung đột kéo dài.

Phát biểu với truyền thông Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Giáo phận Bologna và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, cho biết việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến chủ nghĩa khủng bố hôm thứ Tư “không đặt mọi người trên cùng một bình diện”.

“Ngày 7 Tháng 10 là một bi kịch. Đó là một bi kịch. Và do đó, sự chú ý, sự lên án. Sau đó là những gì đang xảy ra ở Gaza,” ngài nói thế, đồng thời cho biết Đức Phanxicô nghĩ đến việc ngừng bắn vì “có sự đau khổ khủng khiếp”.

Đức Hồng Y Zuppi nói thêm “Nhìn về phía trước, đối với tôi, có vẻ như ngài đang thúc đẩy một giải pháp khác để chống khủng bố thực sự, loại bỏ mọi điều mà, một cách nào đó, có thể biện minh cho nó một cách nghịch lý. Đây là quan điểm của Đức Giáo Hoàng và không phải ngài không hiểu động cơ của chính phủ Israel.”

Tương tự như vậy, Đức Hồng Y người Ý Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, cũng có quan điểm tương tự khi phát biểu với các nhà báo bên lề Thánh lễ kỷ niệm 90 năm nạn đói Holodomor, còn được gọi là “Nạn đói lớn ở Ukraine”, trong đó hàng triệu người Ukraine chết đói do lệnh của Liên Xô trong giai đoạn 1932-1933.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Parolin nói rằng những cáo buộc cho rằng Đức Giáo Hoàng đang đặt mọi người trên cùng một bình diện trong cuộc chiến ở Gaza “là vô nghĩa” và những sự kiện gần đây “chắc chắn” không khiến cuộc đối thoại với cộng đồng Do Thái và “những thành tựu của những năm này” lâm vòng nguy hiểm.

Đúng hơn, ngài nói “chúng tôi quan ngại sâu xa về làn sóng bài Do Thái đang bùng phát khắp nơi” sau khi chiến tranh bùng nổ.

Đề cập đến cuộc tấn công bất ngờ ngày 7 tháng 10 của Hamas, Đức Hồng Y Parolin cho biết “đã có lập trường rõ ràng” từ Tòa thánh về cuộc tấn công và “không phải chúng tôi đã bỏ qua nó”.

Ngài nói, “Đối với tôi, có vẻ như Tòa Thánh cố gắng bằng mọi cách để tỏ ra công bằng, tính đến nỗi đau khổ của mọi người. Ngoài ra, trong trường hợp này, những điều khủng khiếp mà Israel phải gánh chịu cần phải bị lên án”.

Tuy nhiên, đồng thời, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng “chúng ta cũng không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ở phía bên kia…nơi đã có nhiều người chết, nhiều người bị thương và rất nhiều sự tàn phá”.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng muốn đến gần với nỗi đau khổ của tất cả những người đang đau khổ”, đồng thời cho biết đây là lý do Giáo Hoàng muốn gặp gỡ cả hai bên trong cuộc xung đột.

Khi được hỏi về những điểm tương đồng trong việc chỉ trích lập trường của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về cuộc chiến ở Gaza và những lời chỉ trích về cách ngài xử lý cuộc chiến Nga-Ukraine liên quan đến việc từ chối phân biệt giữa những kẻ xâm lược và những người bị xâm lược, Đức Hồng Y Parolin cho biết các câu trả lời đã được đưa ra và “Trong trường hợp Ukraine, chúng tôi đã nói 'đó là một cuộc chiến tranh xâm lược'“.

Ngài nói, “Chúng ta có thể nói gì hơn thế nữa? Từ ngữ phải được đọc kỹ mới hiểu được ý chúng muốn nói. Sau đó, nếu ai đó muốn nhiều hơn, chúng tôi cũng có lập trường của mình, chúng tôi cân nhắc và đưa ra quyết định của mình.”

Parolin nhấn mạnh rằng không có sự tương đồng giữa kẻ xâm lược và các nạn nhân, và “Những gì cần nói, chúng tôi đã nói, ngay cả dưới những hình thức phù hợp với Tòa Thánh… những gì Đức Giáo Hoàng nói, ngài nói rõ ràng. Tất nhiên, đó không phải là cách họ muốn.”

Ngài lưu ý rằng những lời chỉ trích về lập trường trung lập của Tòa thánh không có gì mới, và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 đã phải đối diện với sự phản kháng tương tự trong Thế chiến thứ nhất.

Ngài nói, “Tôi xin lỗi, nhưng tôi không ngạc nhiên. Định mệnh là phải biết cách nói với mỗi người những gì phải nói, nhưng tôi quay trở lại với việc nói điều đó theo cách của Tòa Thánh”.

Đức Hồng Y Parolin cho biết trọng tâm chính lúc này là việc thả các con tin bị Hamas bắt cóc, và vào lúc này, “không có nhiều khả năng khác” cho sự can thiệp của Vatican.

Ngài cho biết, quyết định của Đức Phanxicô gặp gỡ các thành viên gia đình của các con tin tại Vatican “có thể giúp giải quyết vấn đề theo nghĩa này”.