Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “THE GRAVE SIN OF JEW-HATRED”, nghĩa là Thù hận người Do Thái là một Tội Lỗi Nghiêm Trọng”.

Ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, tôi đã lưu ý trong chuyên mục này và các nơi khác rằng toàn bộ sự việc - bao gồm cả việc làm ô nhiễm không gian công cộng bởi các mối đe dọa diệt chủng của kẻ xâm lược và vô số thông tin sai lệch - đã gợi ý điều gì đó cho thấy những năm 1930 chắc hẳn đã diễn ra như thế nào. Một nhà độc tài trơ trẽn với tài năng kích động quần chúng đã mê hoặc chính người dân của mình và làm tê liệt ý chí chính trị của những người có thể ngăn cản ông ta. Những linh hồn được coi là có thiện chí (nhưng thật ra chẳng có thiện chí chút nào) đã bào chữa cho kẻ xâm lược, trong khi những kẻ tuyên truyền láu lỉnh của hắn nói dối hết lời nói dối này đến lời nói dối khác về ý định của hắn và mục đích xấu xa của những kẻ nằm trong tầm ngắm của kẻ xâm lược. “Điều đó không thể xảy ra lần nữa,” quá nhiều người nói; “thế giới đã học được bài học của mình trong cuộc Đại chiến.”

Than ôi, nó đã xảy ra một lần nữa. Và thế giới đổ máu nhiều hơn vì sự cận thị của những người không thể nhìn thấy những gì ở ngay trước mặt họ.

Gần đây hơn, một người chỉ trích quan điểm của tôi về cuộc xâm lược Ukraine của Nga và sự cấp bách trong sự hỗ trợ của Mỹ đối với đất nước đang bị bao vây đó đã phàn nàn về việc tôi sử dụng “sự so sánh mệt mỏi về Thế chiến thứ hai”. Tôi trả lời rằng chỉ “mệt mỏi” khi điều đó là sai thôi. Điều này rõ ràng đã không mệt mỏi trong giai đoạn trước và sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022. Và bây giờ cũng chẳng mệt mỏi.

Đối với sự kiện Anschluss của Đức Quốc xã ở Áo, sự sụp đổ ở Munich của Anh và Pháp, và sự tàn phá Tiệp Khắc sau đó—tất cả những khoảnh khắc quan trọng trước thềm Thế chiến thứ hai—đều trùng hợp với sự kiện Kristallnacht trong 2 ngày 9 và 10 tháng 11 năm 1938: cuộc tấn công bạo lực vào nhà cửa, giáo đường và tài sản của người Do Thái trong “Đêm kính vỡ” báo trước chủ nghĩa bài Do Thái tàn khốc dẫn đến Holocaust. Vào đêm kinh hoàng đó, tiếng kêu “Giết người Do Thái!” vang dội khắp nước Đức. Giờ đây, tiếng kêu tương tự đang được nghe thấy trên khắp Âu Châu và Hoa Kỳ, được khuếch đại bởi “Gas the Israel!” hay “Đưa bọn Do Thái vào phòng hơi ngạt” ở Sydney, bên Úc.

Về tất cả những điều đó, một số bài học từ Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo có thể giúp tập trung những tâm trí cần tập trung.

“Tội là một hành vi đối nghịch với lý trí. Nó làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại.” (Sách Giáo Lý Công Giáo khoản 1872).

“Cội rễ của mọi tội lỗi là ở trong trái tim con người. Các loại tội và mức độ nghiêm trọng của chúng được xem xét chủ yếu theo đối tượng của chúng.” (Sách Giáo Lý Công Giáo khoản 1873).

“Lựa chọn một cách có chủ ý, nghĩa là, biết rõ và tự nguyện, một sự việc đối nghịch với Lề luật thần linh và với mục đích tối hậu của con người một cách nghiêm trọng, đó là phạm tội trọng. Tội trọng phá hủy đức mến trong chúng ta, mà nếu không có đức mến, thì không thể được hưởng vinh phúc vĩnh cửu. Nếu không có sự thống hối, tội trọng kéo theo nó sự chết muôn đời.” (1874).

Nếu luật Thiên Chúa và lý trí con người lên án sự căm ghét bất cứ ai là “Người khác” chỉ vì họ là họ, thì luật Thiên Chúa và lý trí con người còn lên án hơn thế nữa sự căm ghét vô lý và quá thường xuyên gây chết người đối với Dân mà Thiên Chúa đã hứa ban đầu— Công đồng Vatican II đã dạy những lời hứa mà Thiên Chúa chưa bao giờ rút lại (xem Nostra Aetate 4). Lòng căm thù người Do Thái dẫn đến tiếng kêu “Giết người Do Thái!” và “Đưa bọn Do Thái vào phòng hơi ngạt!” rõ ràng là một ví dụ về một sự lựa chọn có chủ ý “phá hủy lòng bác ái mà không có nó thì không thể có được hạnh phúc đời đời” như người ta có thể tưởng tượng. Thật là kinh tởm. Đó là một vết thương hoại tử ăn mòn mọi thứ, từ giáo dục đại học đến chính trị. Nó không thể được dung thứ, và những người ủng hộ sự man rợ như vậy cũng không nên được dung thứ.

Đối với Kitô hữu, việc tham gia vào bất kỳ hình thức bài Do Thái nào cũng đều là giáng thêm những đòn nữa vào tấm lưng bị đánh đòn của Chúa Kitô, khi Ngài bị trói vào cột đánh đòn. Đó là đâm thêm gai vào trán đang chảy máu của Ngài. Đó là đóng thêm nhiều đinh vào tay chân Ngài. Đó là đâm một ngọn giáo khác vào sườn Ngài. Vì Ngài đã và đang mãi mãi là Con vua Đavít cũng như Con Thiên Chúa, và khinh miệt bà con Ngài là khinh miệt Ngài.

Không có lời bào chữa nào—không có—cho làn sóng căm thù người Do Thái đã tràn qua thế giới phương Tây như một bể axit. Chủ nghĩa bài Do Thái thường là dấu hiệu của sự thối nát về văn hóa và xã hội, và đợt bùng phát mới nhất của căn bệnh xã hội cổ xưa này cũng không phải là ngoại lệ. Văn hóa và xã hội phương Tây đang bị mục nát từ bên trong; có gì ngạc nhiên khi một số điều tồi tệ nhất trong số những vụ tấn kích người Do Thái gần đây đã diễn ra trong các trường đại học ưu tú, nơi mà chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa thế tục làm héo mòn tâm hồn ngự trị tối cao? (Bất kỳ bậc cha mẹ nào dự định chi nửa triệu đô la để gửi con trai hoặc con gái vào trường đại học Ivy League hoặc một số nơi tập trung trí tuệ khác thực sự nên suy nghĩ lại.)

Giờ đã muộn. Các mối đe dọa đang gia tăng. Hãy tỉnh thức. Và hãy thực hiện bước đầu tiên hướng tới sự tỉnh táo bằng cách đứng trong tình liên đới với những người mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “anh cả” của chúng ta trong đức tin.


Source:First Things