1. Người Công Giáo Việt Nam tới Mông Cổ gặp Đức Thánh Cha, xin ngài viếng thăm

Thông tấn xã Reuters có bài tường thuật nhan đề “Vietnamese Catholics travel to Mongolia to see pope, ask him to visit”, nghĩa là “Người Công Giáo Việt Nam tới Mông Cổ gặp Đức Thánh Cha, xin ngài viếng thăm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Mai Anh đến từ Việt Nam chờ đợi bên ngoài Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô vào ngày Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ các giám mục, linh mục, nhà truyền giáo, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại nhà thờ chính tòa, trong chuyến tông du của ngài ở Ulan Bator, Mông Cổ ngày 2 tháng 9 năm 2023.

Những người Công Giáo Việt Nam đã bay hàng ngàn dặm để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mông Cổ đã có một thông điệp gửi đến Đức Thánh Cha: Họ cũng muốn ngài đến thăm đất nước do cộng sản điều hành.

“Hãy đến thăm Việt Nam, thưa Đức Thánh Cha,” một số người trong nhóm hét lên khi Đức Thánh Cha được lái xe golf đi ngang qua đám đông khoảng 2.000 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trong khuôn viên nhà thờ Công Giáo ở Ulan Bator hôm thứ Bảy.

Việt Nam cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi cộng sản chiếm lấy đất nước thống nhất vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Khi đó, chính quyền coi Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam đã quá thân thiết với cường quốc thực dân cũ là Pháp.

“Tôi thấy ngài ở rất gần, rất gần. Vì vậy, tôi thực sự muốn khóc khi nhìn thấy ngài”, Cindy Pham đến từ Sàigòn cho biết. “Ngay khi nhìn thấy ngài, lần đầu tiên tôi đến cổng, tôi đã chạy, chạy rất nhiều để được gặp lại ngài”.

Viễn cảnh về chuyến thăm của Giáo hoàng tới Việt Nam, tưởng chừng như không thể, đã trở nên thực tế hơn vào tháng trước khi Vatican và Hà Nội đồng ý có Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội.

Đó là một bước tiến trong nhiều năm để có thể dẫn tới quan hệ ngoại giao đầy đủ. Nó được công bố vào ngày 27 tháng 7 khi Đức Thánh Cha tiếp đón Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại Vatican.

“Tôi thực sự hy vọng rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới,” cô nói, khi đề cập đến hy vọng nảy sinh từ chuyến thăm Vatican của nhà lãnh đạo Việt Nam.

Maria Võ, hướng dẫn viên du lịch gốc Việt hiện sống ở Phi Luật Tân, hết sức phấn khích khi Đức Phanxicô vẫy tay chào từ chiếc xe golf đang di chuyển.

“Tôi không thể nói cho bạn cảm xúc của tôi lúc này, bởi vì tôi rất hạnh phúc,” cô nói khi gặp Đức Thánh Cha lần đầu tiên. “Người dân Việt Nam chúng tôi yêu mến ngài và đang chờ đợi ngài đến thăm chúng tôi tại Việt Nam.”


Source:Reuters

2. Đức Thánh Cha lên tiếng chỉ trích ‘ý thức hệ’ đối với Thượng Hội đồng

Trong một cuộc họp với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ vào ngày 4 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích ảnh hưởng của các ý thức hệ đối với Giáo hội và cho rằng những lo ngại về Thượng hội đồng về Tính đồng nghị phản ánh những áp lực ý thức hệ không lành mạnh như vậy.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên: “Trong Thượng Hội đồng, không có chỗ cho ý thức hệ”. Ngài kể lại rằng ngài đã nói chuyện với một nữ tu dòng Carmêlô, là người đã bày tỏ lo ngại rằng Thượng hội đồng sẽ thay đổi tín lý Công Giáo. Ngài nói, những mối quan tâm như vậy có nguồn gốc từ ý thức hệ.

Đức Thánh Cha nói: “Luôn luôn, khi một người muốn tách ra khỏi con đường hiệp thông với Giáo hội, điều luôn kéo người ấy ra xa là ý thức hệ”. Không trực tiếp giải quyết những lo ngại về những thay đổi tiềm tàng trong giáo huấn của Giáo hội, ngài nhấn mạnh rằng Thượng hội đồng sẽ không thay đổi giáo lý Công Giáo.

Vấn đề, Đức Giáo Hoàng giải thích là “‘giáo lý’ trong dấu ngoặc kép”. Ngài ví sự hiểu biết đó về giáo lý như “nước cất không có mùi vị và không phải là giáo lý Công Giáo chân chính

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng ngài đã chọc giận người Ukraine bằng bài phát biểu ngày 25 tháng 8 với khán giả là giới trẻ Nga, khi ngài ca ngợi sự lãnh đạo của các sa hoàng thế kỷ 18. Nhưng ngài nói rằng những bình luận của ngài đã bị đưa ra khỏi bối cảnh bởi những người cho rằng ngài đang bảo vệ việc Liên Xô sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

“Tôi không nghĩ đến chủ nghĩa đế quốc khi nói điều đó,” Đức Thánh Cha nói với các phóng viên.

“Có lẽ đó không phải là cách diễn đạt tốt nhất,” Đức Giáo Hoàng thừa nhận, “Nhưng khi nói về nước Nga vĩ đại, tôi không nghĩ nhiều về mặt địa lý mà là về mặt văn hóa”.

Ở đây, Đức Thánh Cha đã tố cáo “các chủ nghĩa đế quốc muốn áp đặt ý thức hệ của họ,” và nói thêm rằng “khi văn hóa bị chắt lọc và biến thành ý thức hệ, đó là chất độc”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về Trung Quốc – quốc gia mà chính phủ đã từ chối cấp phép cho các giám mục Công Giáo tới Mông Cổ trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha – Đức Thánh Cha nói: “Mối quan hệ với Trung Quốc rất tôn trọng, rất tôn trọng”.

Bảo vệ thỏa thuận bí mật của Vatican với chế độ Trung Quốc, Đức Thánh Cha nói: “Các kênh rất cởi mở. Về việc bổ nhiệm các giám mục, có một ủy ban đã làm việc với chính phủ Trung Quốc và Vatican trong một thời gian dài”.

Năm năm đã trôi qua kể từ khi thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc được ký kết, và hàng chục giáo phận Trung Quốc vẫn không có giám mục Công Giáo. Vào tháng 7, khi ông Thẩm Bân được bổ nhiệm ở Thượng Hải, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2021, một giám mục mới đảm nhận vai trò lãnh đạo một giáo phận Trung Quốc. Và vị giám mục đó đã được bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican – khiến Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói rằng động thái này “dường như coi thường tinh thần đối thoại và cộng tác đã được thiết lập giữa Vatican và phía Trung Quốc trong nhiều năm qua”.

Trong những nhận xét khác trong phiên hỏi đáp, Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại sự lên án thường được bày tỏ của ngài đối với “việc chiêu dụ tín đồ”, nói rằng: “Điều quan trọng là việc truyền giáo không được coi là việc chiêu mộ đạo.”


Source:Catholic World News

3. Hiệu trưởng Đại Học Notre Dame: “Đạo Công Giáo đang bị dập tắt ở Nicaragua”

John I. Jenkins, hiệu trưởng Đại học Notre Dame, nói “Nỗ lực của Ortega nhằm dập tắt đạo Công Giáo ở Nicaragua đáng bị thế giới lên án ở quy mô lớn hơn và lớn hơn nhiều”.

Sau khi đóng cửa Đại học Trung Mỹ (một trường Đại Học của Dòng Tên và là một trường đại học tư thục được thành lập năm 1960), trục xuất cộng đồng linh mục Dòng Tên khỏi nơi ở riêng của họ gần trường đại học ở Managua và tịch thu tài sản của trường đại học vào thứ Tư, ngày 23 tháng 8, chính quyền Nicaragua đã cấm toàn bộ Dòng Tên không được hoạt động ở đất nước này và ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản nhà Dòng, và cáo buộc các vị không tuân thủ việc báo cáo thuế.

Việc Daniel Ortega bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Nicaragua đã nhắm vào Giáo Hội Công Giáo một cách có hệ thống trong ít nhất 5 năm nay.

Nhưng Dòng Tên không phải là dòng tu đầu tiên bị cấm ở Nicaragua. Năm ngoái, Dòng Thừa Sai Bác Ái đã bị trục xuất khỏi đất nước. Chế độ của Ortega cáo buộc rằng các Nhà truyền giáo của Dòng Thừa Sai Bác Ái không được “Bộ Gia Đình công nhận để hoạt động như một trung tâm vườn ươm cho sự phát triển tuổi thơ, nhà cho trẻ em gái và nhà cho người già,” cũng như “họ không có giấy phép hoạt động từ Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Một số nhà chức trách Mỹ đang bắt đầu lên tiếng phản đối chế độ của Ortega. John I. Jenkins, hiệu trưởng Đại học Notre Dame, đã đăng một bài báo dài trên tờ Washington Post. Trong đó, Jenkins đã nói một cách đúng đắn rằng “Nỗ lực của Ortega nhằm dập tắt đạo Công Giáo ở Nicaragua đáng bị thế giới lên án ở quy mô lớn hơn và lớn hơn nhiều”.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, Jenkins đề cập đến ấn bản mới nhất của loạt báo cáo về Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua của luật sư và nhà nghiên cứu dân quyền đang sống lưu vong Martha Patricia Molina. Báo cáo ghi nhận 529 vụ tấn công trong 5 năm qua – chỉ riêng trong năm nay, tính đến thời điểm hiện tại đã có 90 vụ. Giáo hội đang bị tấn công một cách có hệ thống vì đây là “pháo đài độc lập cuối cùng còn sót lại ở Nicaragua”.

Molina giải thích, chế độ này “đã chiếm được các phương tiện truyền thông, các thể chế, các đảng phái chính trị và các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, không gian duy nhất còn lại là Giáo Hội.”

Cô cho biết chính phủ “có ý định xóa bỏ hoàn toàn Giáo hội, để tiếng nói tiên tri của phúc âm không được người dân Nicaragua lắng nghe”.

Trong bài viết của mình, Jenkins cũng nói rằng “với tư cách là hiệu trưởng của một trường đại học Công Giáo, tôi đặc biệt mong muốn tập hợp các nhà lãnh đạo trường đại học để phản đối cuộc đàn áp này. Nhưng các nhà lãnh đạo từ mọi tầng lớp nên lên án Ortega bằng những lời lẽ gay gắt nhất. Chế độ của ông ta nên bị cô lập như một kẻ bị quốc tế ruồng bỏ vì cố gắng 'làm biến mất' đạo Công Giáo, quyền tự do thờ phượng và quyền tự do ngôn luận.”


Source:Aleteia