Trong khi các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng hết mình vận động cho phiên họp thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị sẽ được tổ chức tại Vatican vào tháng Mười sắp tới và giữa bầu khí tích cực tham dự của mọi Hội đồng Giám Mục thế giới, thì không ít người tỏ ý không hài lòng về đường hướng nói chung của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này.

Nhà thần học linh mục P. Imbelli, nguyên giáo sư Thần học tại Boston College, liên tiếp có hai bài viết về khía cạnh này. Một bài đăng trên tạp chí First Things ngày 28 tháng 7, 2023, trình bầy quan điểm của Henri de Lubac (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2023/07/what-henri-de-lubac-would-think-of-the-synod-on-synodality). Bài kia đăng trên Bloc của Sandro Magister Ngày 11 tháng 7, 2023 trình bầy quan điểm của Yves Congar (http://magister.blogautore.espresso.repubblica.it/2023/07/11/church-up-in-smoke-a-theological-critique-of-the-guidelines-of-the-synod-on-synodality/ ). Cả hai đều là những nhà thần học hàng đầu của Giáo Hội trong thế kỷ 20 và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến Công Đồng Vatican II. Cả hai nhấn mạnh tới tầm chủ đạo của tập chú Kitô học, hơn là một thánh thần học (pneumatology) mơ hồ, điều mà Cha Imbelli cho là đi ngược hẳn lại đường hướng của Thượng Hội Đồng lần này.



Chúa Kitô chung kết ơn cứu rỗi

Theo cha Imbelli, Henri de Lubac, S.J., một trong những nhà thần học Công Giáo vĩ đại nhất của thế kỷ 20, là một trong những nhân vật nổi bật trong phong trào trở về nguồn (ressourcement) chuẩn bị cho Vatican II. Thật vậy, nhiều bài viết của ngài đã ảnh hưởng đến chính những thuật ngữ được Công đồng sử dụng, đặc biệt trong hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium) và về mặc khải (Dei Verbum)... Tác phẩm thần học lớn cuối cùng của ngài, được hoàn thành mặc dù thể lực suy giảm, là tập sách dày gần một nghìn trang tựa là La postérité Spirituelle de Joachim de Flore (Hậu duệ tinh thần của Joachim de Flore)... Ngày nay, các suy tư trong cuốn sách này rất hữu ích khi chúng ta xem xét Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị đang diễn ra của Giáo hội và Tài liệu Làm việc mới được công bố gần đây của nó.

Theo de Lubac, Joachim quan niệm rằng sẽ có một “thời đại thứ ba” của Chúa Thánh Thần, và thời đại này sẽ thay thế các thời đại của Chúa Cha và Chúa Con (lần lượt được đại diện bởi Cựu Ước và Tân Ước). Theo cách đọc của de Lubac, lực đẩy trong tầm nhìn tiên tri của Joachim là nghi vấn tính chung kết [finality] cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô. Trong “thời đại thứ ba” của Joachim, “Chúa Thánh Thần” trên thực tế trở nên tách biệt khỏi Chúa Kitô và thúc đẩy các phong trào giả huyền nhiệm và không tưởng. Vì nếu không có thước đo và tham chiếu Kitô học khách quan, việc kêu cầu Chúa Thánh Thần dễ dàng trở thành mồi ngon cho các ý thức hệ và tưởng tượng chủ quan.

Ngay tại đây, de Lubac đã nhìn thoáng qua hậu duệ lâu dài và rắc rối của chủ nghĩa Joachim, bao gồm cả các xu hướng ly giáo của nó. Ngài bắt đầu khám phá nhiều phong trào khác nhau, cả thế tục và bán tôn giáo, những phong trào, giống như Joachim, đã mường tượng ra vòng cung của sự tiến bộ hướng tới việc hoàn thành “Thời đại thứ ba”, bất kể dưới hình thức Hegel, Marxist hay Nietzsche. Trong tất cả các phong trào này, Chúa Giêsu Kitô tốt nhất được coi là lời áp chót, và Giáo hội chỉ được coi là vết tích của một thời đại chưa được khai sáng.

De Lubac viết cuốn sách này vì ngài nhận thấy giai đoạn sau Công đồng có sự tái phát các dự án và nhạy cảm của Joachim. Những khuynh hướng giống như Joachim này vạch ra một con đường vượt ra ngoài não trạng địa phương của “Giáo Hội định chế”, hướng tới việc tôn vinh một nhân loại phổ quát, được giải phóng khỏi những ràng buộc của luật pháp và trật tự phẩm trật.

Trong cuốn hồi ký cảm động của mình, At the Service of the Church [phục vụ Giáo Hội], de Lubac cho hay cuốn sách ngài viết về Joachim được thúc đẩy không những bởi lợi ích học thuật đơn thuần, mà còn bởi ý thức của ngài về mối nguy hiểm hiện tại: nguy cơ phản bội Tin Mừng bằng cách biến việc tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa thành việc tìm kiếm những điều không tưởng của xã hội thế tục.

Ngài đã viết một nghìn trang trước khi sức khỏe suy yếu khiến ngài không thể đưa ra phần kết luận về mặt tín lý cho công trình mà ngài vốn dự định lúc ban đầu. Nhưng ngài nhận thấy ngài đã đưa ra một kết luận trong cuốn sách trước đó của ngài, cuốn Méditation sur l'Église [Suy tư về Giáo Hội]. Ngài hướng người đọc đến chương sáu của tác phẩm đó, “Bí tích của Chúa Giêsu Kitô.”

Chương này bắt đầu một cách nổi tiếng như sau: “Giáo hội là một mầu nhiệm” – và theo de Lubac, nội dung của mầu nhiệm này là: “Giáo hội ở trần gian là bí tích của Chúa Giêsu Kitô”....Viễn cảnh Kitô học và bí tích này cung cấp định hướng cho tầm nhìn và tuyên ngôn giáo hội học của Công đồng Vatican II, khi Hiến chế Lumen Gentium quả quyết: “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như một bí tích hay dấu chỉ và dụng cụ của việc kết hiệp thân mật với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”.

Cha Imbelli cho rằng tài liệu làm việc mới được phát hành gần đây cho Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra hai lần trích dẫn những lời này của Lumen Gentium. Tuy nhiên, cả hai lần nó đều bỏ qua cụm từ cực kỳ quan trọng “trong Chúa Kitô”. Sự thiếu sót này khó có thể được cho là do vội vàng hoặc cẩu thả, và làm dấy lên những lo ngại chính đáng về sự thiếu sót về Kitô học của tài liệu.

Từ sự nhấn mạnh của de Lubac đối với mầu nhiệm Giáo hội như là bí tích của Chúa Giêsu Kitô (một cách tiếp cận được Công đồng lặp lại và chấp nhận), ngài rút ra những hệ quả quan trọng về tín lý và mục vụ. Ngài viết: “Mục đích của Giáo hội là cho chúng ta thấy Chúa Kitô; để dẫn chúng ta đến với Người; để truyền đạt ân sủng của Người cho chúng ta. Tóm lại, Giáo Hội hiện hữu chỉ để đặt chúng ta vào mối liên hệ với Chúa Kitô”.

Do đó, bất cứ mưu kế nào nhằm thay thế triều đại thực sự của Chúa Kitô bằng một triều đại mơ hồ trong tương lai của Thần Khí đều du nhập “sự phân cách chết người” trong đời sống của Giáo hội. “Vì vậy, không có nghĩa gì khi chúng ta chờ đợi thời đại của Thần Khí; vì nó trùng khớp một cách chính xác với thời đại của Chúa Kitô.”

Dựa trên chương này của Méditation sur l’Église (một cuốn sách thường được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tán dương), Cha Imbelli có một đề xuất khiêm tốn lấy cảm hứng từ de Lubac cho Thượng hội đồng. Một bài tập tinh thần bổ ích cho các nhóm, được quy tụ mỗi ngày để chia sẻ “những cuộc đàm luận trong Thánh Thần,” là suy gẫm về đoạn cuối cùng mang tính quyết định của Phần Một của Gaudium et Spes. Nó sẽ cung cấp cho những người tham gia một anamnesis [kinh hồi niệm] sống động về việc họ cầu khẩn và trung thành tìm cách phục vụ Thần Khí của đấng nào.

Đây là lời tuyên xưng tín điều tuyệt vời về đức tin Kitô học từ Gaudium et Spes:

Chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, qua Người vạn vật được tạo thành, đã trở nên xác thịt để trong tư cách con người hoàn hảo, Người có thể cứu rỗi mọi người nam và nữ và tổng hợp vạn vật trong chính Người. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là tâm điểm của những khao khát của lịch sử và của nền văn minh, là trung tâm của loài người, là niềm vui của mọi tâm hồn và là câu trả lời cho mọi khao khát của nó. Chính Người là Đấng mà Chúa Cha đã làm sống lại từ cõi chết, nâng lên cao và ngự bên hữu Mình, biến Người thành quan án phán xét kẻ sống và kẻ chết. Được làm cho sống động và hiệp nhất trong Thánh thần của Người, chúng ta hành trình hướng tới sự kết thúc của lịch sử nhân loại, một lịch sử hoàn toàn phù hợp với lời khuyên của tình yêu thương của Thiên Chúa: “Tái lập vạn vật trong Chúa Kitô, cả vật trên trời lẫn vật dưới đất” (Êph 11:10).



Chúa Thánh Thần được dùng gây hỏa mù

Sandro Magister (http://magister.blogautore.espresso.repubblica.it/2023/07/11/church-up-in-smoke-a-theological-critique-of-the-guidelines-of-the-synod-on-synodality/?) thẳng thừng hơn khi cho rằng Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng kỳ này, với khẩu lệnh “đàm luận trong Chúa Thánh Thần”, là bằng chứng của diễn trình khinh suất “tái định hình Giáo Hội theo thần khí” được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cổ vũ. Một diễn trình trong đó, Chúa Thánh Thần được gán cho vai trò vừa to lớn vừa mơ hồ và gây hỏa mù, thiếu các tiêu chuẩn chứng thực cho tính chân chính và thành sự của những gì được nói và làm nhân danh Người.

Trên hết, có một thiếu sót hết sức lớn trong Tài liệu Làm việc đó là việc không nhắc tới Chúa Kitô, tới mầu nhiệm vượt qua, tới thập giá, đối với Kitô hữu vốn là “thước đo và tiêu chuẩn để phân biệt các thần khí” như Yves Congar từng viết.

Sandro cho đăng tải trên Blog của ông bài nhận định của Cha Imbelli, lần này, về “Các Bài học cho Thượng Hội Đồng từ Cha Congar”:

Yves Congar, O.P., là một trong những nhân vật chính vĩ đại của phong trào trở về nguồn và cập nhật hóa tại Công đồng Vatican II. Đáng chú ý là, sau Công đồng, bất chấp những bệnh tật nghiêm trọng về thể xác, Congar đã viết ba tập có tính huấn quyền về Chúa Thánh Thần. Đáng chú ý hơn nữa, sau đó ngài đã viết một tập nhỏ tiếp theo, “Ngôi Lời và Chúa Thánh thần,” tóm tắt những suy tư của ngài về Thánh thần học [pneumatology]. Và đây là kết luận của ngài. “Nếu tôi phải rút ra một kết luận từ toàn bộ công việc của mình về Chúa Thánh Thần, tôi sẽ diễn đạt nó bằng những lời này: không có Kitô học nào mà không có Thánh thần học và không có Thánh thần học nào mà không có Kitô học.”

Congar được truyền cảm hứng từ hình ảnh của Thánh Irênê, một hình ảnh diễn tả Thiên Chúa luôn hoạt động, trong việc tạo dựng và cứu độ, sử dụng hai bàn tay của Người: Ngôi Lời và Thần Khí. Dĩ nhiên, thách thức đang diễn ra, cả trong đời sống Kitô hữu lẫn trong thần học, là giữ cho Kitô học và Thánh thần học luôn trong tình trạng căng thẳng sáng tạo. Nếu trong quá khứ có thể có sự nhấn mạnh quá mức về khía cạnh Kitô học, thì xu hướng hiện nay dường như nhấn mạnh quá mức tới hoạt động của Chúa Thánh thần.

Congar đạt được sự cân bằng cần thiết khi ngài viết: “Chúa Thánh Thần biểu thị một điều gì đó mới mẻ, trong sự mới lạ của lịch sử và sự đa dạng của các nền văn hóa, nhưng đó là điều mới mẻ phát xuất từ sự viên mãn đã được Thiên Chúa ban cho một lần dứt khoát trong Chúa Kitô”.

Trong khi đó, “Instrumentum laboris” trình bầy một viễn tượng Kitô học khá nhạt nhẽo. Nói cho ngay, Tài liệu Làm việc thiếu các chiều kích quan trọng của Kitô học, rất ít nhắc tới “mầu nhiệm vượt qua” của Chúa Kitô – một khái niệm rất quan trọng tại Công đồng Vatican II. Thật vậy, “thậm chí không hề đề cập đến Thập giá, đến nỗi người ta bắt đầu lo sợ rằng thập giá bị nằm trong số những điều “bị gạt ra bên lề xã hội” mà Tài liệu vốn lấy làm tiếc.

Cũng như trong bài viết về Henri de Lubac, Cha Imbelli cho rằng thiếu sót nghiêm trọng, cả quan trọng và có lẽ có dáng dấp triệu chứng là cả hai lần trích dẫn (xem #46 và 52) một khẳng định trọng tâm của “Lumen gentium”: “Giáo hội ở trong Chúa Kitô như một bí tích hoặc dấu chỉ công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG, 1), Tài liệu đã lược bỏ cụm từ “trong Chúa Kitô”. Cho dù đây là chủ ý hay vô ý, sự thiếu sót này nói lên nhiều điều và có tính giản lược. Vì chỉ trong Chúa Kitô, sự hiệp nhất đích thực và lâu dài mới được thực hiện.

Cha Imbelli cho rằng một tầm nhìn Kitô học mạnh mẽ là một điều tuyệt đối cần thiết, kẻo ba chủ đề đồng nghị về “hiệp thông, truyền giáo và tham gia” mất đi nội dung và hình thức đặc biệt của chúng. Tất cả đều diễn ra trong Chúa Kitô và phải thể hiện chiều sâu Kitô học độc đáo của chúng. Xin lặp lại với Congar: “Thánh Thần biểu lộ một điều gì đó mới mẻ, trong sự mới lạ của lịch sử và sự đa dạng của các nền văn hóa, nhưng đó là điều mới mẻ phát xuất từ sự viên mãn đã được Thiên Chúa ban cho một lần dứt khoát trong Chúa Kitô.”

Chỉ một niềm tin Kitô học đầy đặn mới có thể cung cấp sự định hướng và hướng dẫn đáng tin cậy cho “những cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần.” Thật vậy, “những cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần” như vậy đòi hỏi những tiêu chuẩn về tính xác thực, những thử nghiệm về tính giá trị của sự biện phân. Congar chỉ lặp lại Tân Ước và các Giáo phụ khi ngài viết: “Đối với Kitô hữu, Chúa Giêsu Kitô là thước đo và tiêu chuẩn để biện phân các thần khí.”

Như thế, điều kiện cho bất cứ việc “tái cấu hình Thánh thần học” nào đối với Giáo hội cũng là Giáo hội phải được “định hình” theo đầu của mình và ngày càng trở nên “hiển dung” hơn trong Người. Như Congar vốn nhấn mạnh: “Không có sự tự chủ của kinh nghiệm thần khí đối với Ngôi Lời và do đó đối với Chúa Kitô. Lời tuyên xưng: ‘Chúa Giêsu là Chúa’ là tiêu chuẩn cho thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động”. Và ngài khẳng định, “Chỉ có một thân thể được Chúa Thánh Thần xây dựng và làm cho sống động, đó là thân thể của Chúa Kitô.” Nói tóm lại, không có Thần Trí lơ lửng (untethered), không có Thân thể không đầu. Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Kitô; và Chúa Kitô là Đầu duy nhất của Thân Thể là Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với tính cụ thể đặc trưng của mình, đã khuyến khích các cử tri Hồng Y trong Thánh lễ ở Nhà nguyện Sistine sau cuộc bầu cử ngài: “Chúng ta có thể đi bao nhiêu tùy thích, chúng ta có thể xây dựng nhiều thứ, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thì mọi thứ sẽ sai lầm. Chúng ta có thể trở thành một tổ chức từ thiện phi chính phủ, nhưng không phải là Giáo hội, Hiền thê của Chúa… Khi chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, câu nói của Léon Bloy xuất hiện trong tâm trí tôi: 'Ai không cầu nguyện với Chúa là cầu nguyện với ma quỷ.' Khi chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, chúng ta tuyên xưng tính thế gian của ma quỷ, một tính thế gian ma quỷ.”

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình bằng những lời chắc chắn cũng liên quan đến những người tham dự Thượng hội đồng sắp tới: “Ước muốn của tôi là tất cả chúng ta, sau những ngày hồng ân này, sẽ có can đảm, vâng, can đảm, để bước đi trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của Chúa; xây dựng Giáo Hội trên máu Chúa đã đổ ra trên Thánh Giá; và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất: Chúa Kitô chịu đóng đinh. Và theo cách này, Giáo hội sẽ tiến lên.”