Thành Lập Tân Giáo Họ Biệt Lập Chiêm Sơn -Giáo Phận Đà Nẵng

Tân Giáo họ biệt lập CHIÊM SƠN, gồm 03 giáo họ : Chiêm Sơn, La Tháp và Phú Nhuận, trước đậy là giáo họ của giáo xứ Trà Kiệu. Nhà thờ tọa lạc tại Thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trên đường tỉnh lộ 608 từ trung tâm hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu đi Thánh địa Mỹ Sơn. Khoảng 2Km đến nhà thờ Chiêm Sơn.

1. Nguồn gốc :

Theo cuốn sách : Việt nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, do Nhà Xuất Bản Khoa Học Và Xã Hội, trang 219. Năm 1470, sau khi vua Lê Thánh Tông đại thắng quân Chiêm đến núi Thạch Bi – Phú Yên. Toàn bộ đất Đồ Bàn ( Bình Định), Đại Chiêm ( Quảng Nam) và Cổ Lũy ( Quảng Ngãi) đã thuộc về nước Đại Việt. Nhà Vua lập Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam có 3 Phủ, 9 huyện. Trong Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.235 cho biết thêm có 97 làng xã. Điện Bàn và Duy Xuyên được Nguyễn Trãi ghi vào Dư địa chí, thuộc phủ Triệu Phong của lộ Thuận Hóa. Vua Ban hành chính sách chiêu dân lập ấp, cho quân binh đa phần gốc từ đồng bằng sông Hồng, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình …., được ở lại, hoặc đem gia đình vợ con vào định cư trong phần đất mới này.

Theo cuốn sách “Linh Địa Trà Kiệu” của Jos. Phạm Cảnh Đáng và Matheo Lưu Văn Thiên, trang 25. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà Vua, có 13 vị thuỷ tổ đến lập nên Trà Kiệu xã. Sau đó có nhiều đoàn di dân từ các tỉnh phía Bắc, cũng lần lượt kéo vào khai hoang vỡ hoá vùng đất Chiêm Thành bao la, theo bước chân nam tiến. Thời gian sau cũng có một số đoàn di dân khác từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, đã đến vùng đất Chiêm Sơn, La Tháp, Chợ Đũi (Vùng Điện Bàn và vùng bắc, nam sông Thu Bồn ) …. Và nhiều vùng khác nhau của Chiêm Động ( Quảng Nam và Đà Nẵng ngày nay).

Cũng theo cuốn sách “Linh Địa Trà Kiệu” trang 75, Giáo xứ Trà Kiệu có từ năm 1630. Đến năm 1741, dưới thời quản xứ Trà Kiệu của cha dòng Phan Sinh, Felipe de la Conception. Giáo xứ Trà Kiệu đã khai sinh ra giáo họ Chiêm Sơn, trực thuộc giáo xứ Trà Kiệu - giáo phận Qui Nhơn. Theo bảng thống kê chung, vào ngày 21-6-1747, do hội Thừa sai Truyền giáo Paris (MEP) đã ghi nhận: “tại giáo xứ Trà Kiệu có 300 giáo dân và họ lẻ Chiêm Sơn có 80 giáo dân”.

2. Thăng trầm, thử thách và phát triển:

Cả 3 giáo họ : Chiêm Sơn, La Tháp và Phú Nhuận, trước đây là giáo họ của Giáo xứ Trà Kiệu. Mọi biến cố thăng trầm của các Giáo họ, đều gắn liền với sự thăng trầm của Giáo xứ Trà Kiệu. Trong thời gian quân Văn Thân tấn Công Giáo xứ Trà Kiệu 1884 đến 1885, thì các giáo họ cũng bị bách hại tan tác. Sau thời kỳ Văn Thân, cuộc sống Đạo đang dần hồi phục thì gặp chiến tranh.

Anh Đaminh Nguyễn Phi Long, Giáo dân giáo xứ Trà Kiệu cho biết: ‘trong thời gian chiến tranh từ 1945 đến 1975, giáo dân các giáo họ của Trà Kiệu đi lánh nạn. Đa phần đến Trà Kiệu, Xuân Thạnh, ra Đà Nẵng.v.v.”. Anh Long còn cho biết : “trước chiến tranh, giáo họ La Tháp có đông giáo dân, nên có 2 nhà thờ tại La Tháp và giáo họ Lệ Bắc. Nhưng bị chiến tranh tàn phá, chỉ còn 2 nền nhà thờ. Nhưng trên nền đó, đã dùng vào mục đích khác, cho nên Giáo dân hiện nay cũng chưa có nhà thờ”.

Sau năm 1975, hòa bình lập lại, người dân trở về tái thiết quê hương. Giáo phận qua Các Cha quản xứ và phó xứ Trà Kiệu kế nhiệm, luôn quan tâm đời sống Đạo và và xây dựng các cơ sở cơ bản cho việc mục vụ và phụng vụ, một cách xứng hợp cho Giáo xứ Trà Kiệu và các giáo họ.

Nhà thờ Chiêm Sơn hiện nay do cha Phaolô Mai Văn Tôn xây dựng năm 1994, kiến trúc cổng và gian cung thánh gần giống nhà thờ đá của giáo phận Phát Diệm. Ngày 8-1-1995, Đức Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, cùng với các cha trong hạt Trà Kiệu, đã về giáo họ Chiêm Sơn dâng thánh lễ tạ ơn Chúa và khánh thành. Hiên nay giáo họ có 250 giáo dân.

Giáo họ Phú Nhuận cách Trà Kiệu 20Km về phía tây. Dựa vào gia phả tộc Huỳnh, ông Tổ theo Đạo khoảng năm 1840. Thời kỳ đó, các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris-MEP từ Trà Kiệu lên mua 120 mẫu đất tại vùng Phú Nhuận để trồng lúa và hoa màu. Để thuận lợi cho việc canh tác và trông giữ, nhiều gia đình giáo dân từ Trà Kiệu đã đi lên Phú Nhuận đem theo cả gia đình và dần lập nên một cộng đoàn giáo họ. Các Cố cho xây một nhà nguyện nhỏ để bà con lui tới đọc kinh và thỉnh thoảng có các cha lên dâng thánh lễ. Chiến tranh đã làm hư hỏng nhà nguyện.

Hiện nay có hơn 100 giáo dân tại đây, vẫn sinh hoạt hằng tuần tại nhà nguyện nhỏ nằm trên đất của một nhà giáo dân. Giáo họ Phú Nhuận vẫn chưa có một cơ sở chính thức để dâng thánh lễ cũng như các sinh hoạt khác.

Cũng giống như giáo họ Phú Nhuận, giáo họ La Tháp cũng được hình thành từ rất sớm, không rõ là năm nào nhưng chỉ biết là có 3 đời cố Tây làm cha sở và và 5 cha người Việt Nam từng phục vụ giáo xứ La Tháp. Khi ấy La Tháp là một giáo xứ lớn, lên đến 2000 giáo dân, bao gồm nhà thờ giáo xứ tại La Tháp và nhà thờ giáo họ tại Lệ Bắc. Trong chiến tranh, cả 2 ngôi nhà thờ đều bị tàn phá và chỉ còn lại nền móng, sổ sách bị mất hoàn toàn và giáo dân di tản gần hết. Sau 1975 người dân trở về quê tái thiết. Hiện nay, có khoảng 150 giáo dân còn giữ đạo và hằng tuần tham dự thánh lễ tại nhà của một giáo dân. Giáo họ La Tháp cũng chưa có một cơ sở chính thức để sinh hoạt tôn giáo.

3. Thành lập Giáo họ biệt lập Chiêm Sơn :

Trải qua bao thăng trầm và những biến động của lịch sử, giáo họ Chiêm Sơn, Phú Nhuận và La Tháp đã có những thời kỳ bị tàn phá nặng nề và có những khi tưởng như đã bị xóa sổ. Nhưng nhờ ơn Chúa và sự cầu bầu của Đức Mẹ Trà Kiệu, của thánh Cả Giuse quan thầy, các giáo họ vẫn âm thầm gìn giữ đức tin và phát triển cho đến ngày nay.

Cho đến ngày 16 tháng 6 năm 2023,Đức Giám Mục đã ký quyết định Số 12/2023/GM/QĐ. Quyết định tách giáo họ Chiêm Sơn, La Tháp và Phú Nhuận ra khỏi giáo xứ Trà Kiệu, để nhập chung thành giáo họ biệt lập Chiêm Sơn. Tương lai sẽ trở thành một giáo xứ mới.

Nếu tính cả 3 giáo họ, số giáo dân ở đây khoảng hơn 500 người. Sống trong địa bàn rộng lớn với 5 xã phía Tây của huyện Duy Xuyên. Đây sẽ là nơi thực sự đầy tiềm năng cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.

4. Thánh lễ Tạ ơn mừng Tân Giáo họ biệt lập Chiêm Sơn:

Lúc 8 giờ 30 ngày 14. 7. 2023, Đức Giám Mục Giáo phận đã Chủ sự thánh lễ tạ ơn Mừng Tân Giáo Họ Biệt Lập Chiêm Sơn. Cùng đồng tế có Cha Phê-rô Trần Văn Thủy- tân quản nhiệm, Cha Bonaventura – Tổng Đại diện, Cha Philipphe Trương Văn Long – Hạt trưởng hạt Trà Kiệu, quí Cha trong giáo hạt, và quí Cha thân quen của Cha tân quản nhiệm.

Trước Thánh lễ, Cha Phao-lô Phạm Thanh Thảo- Chưởng ấn Tòa giám mục đã tuyên đọc quyết định số 12/2023/GM/QĐ của Đức Giám Mục giáo phận ký ngày 16.6.2023. về việc nâng giáo họ Chiêm Sơn lên thành Giáo họ biệt lập, tách 02 giáo họ La Tháp và Phú Nhuận ra khỏi Giáo xứ Trà Kiệu, Sáp nhập vào Giáo họ Chiêm Sơn. Đồng thời Đức Cha bổ nhiệm Cha Phê-rô Trần Văn Thủy làm quản nhiệm tân Giáo họ biệt lập Chiêm Sơn.

Đức Giám Mục Giáo phận đã trao tận tay quyết định cho Cha tân quản nhiệm. đây là niềm vui của giáo dân giáo họ biệt lập Chiêm Sơn. Mổi người cảm nhận Tình yêu thương của Chúa thật cao vời, Chúa chăm sóc từng người, tình yêu đó lan tỏa đến anh chị em xung quanh. Quyết định đã đánh dấu sự lớn lên trong Đức tin, trong các sinh hoạt của các giáo họ, và cũng là niềm vui cho Giáo phận và Giáo Hội.

Trong lời cám ơn cuối Thánh lễ của Cha Phê-rô – tân quản nhiệm và của ông Tađêô Nguyễn Thọ - Trưởng Ban Đại diện Giáo họ. Cha và ông Trưởng ban đã tỏ niềm vui mừng, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tri ân tiền nhân, cám ơn Đức Giám Mục giáo phận đã tin tưởng trao tác vụ và nâng lên Giáo họ biệt lập, trực thuộc Tòa giám mục. các Vị còn cám ơn quí Cha của giáo xứ Trà Kiệu qua các thời kỳ đã chăm sóc đời sống Đạo cho giáo dân của các giáo họ, và cám ơn quí Cha trong giáo hat. Hai Vị cũng không quên các ơn Chính quyền, quí nam nữ tu sĩ, Ân nhân thân nhân … và tất cả những người đã yêu thương giúp đỡ các Giáo họ. Cách riêng là giáo xứ Trà Kiệu – giáo xứ Mẹ, trong thời gian qua, Ơn Chúa qua giáo xứ Mẹ ( Trà Kiệu) đã đến với cộng đoàn các giáo họ. Xin tiếp tục yêu thương nâng đỡ và cầu nguyện cho giáo họ biệt lập còn non trẻ, được ngày càng tốt hơn trong tình yêu thương của Chúa và tình người.

Cha tân quản nhiệm và ông Trưởng ban đại diện cũng rất trăn trở vì cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu mục vụ và các sinh hoạt đạo đức. Nhất là tại giáo họ La Tháp và giáo họ Phú Nhuận chưa có nhà thờ, đang còn mượn nhà riêng của giáo dân để cử hành phụng vụ.

Xin Thiên Chúa, ban nhiều ơn lành cho tân giáo họ biệt lập Chiêm Sơn. Ơn Chúa đến với Cộng đoàn Chiêm Sơn qua Giáo Hội, qua Chính quyền, qua Ân nhân thân nhân, qua Cộng đoàn và cá nhân gốc ở 03 giáo họ này …. Để mọi ước nguyện chính đáng của Giáo họ biệt lập được chóng thành hiện thưc. Để Giáo Hội có điều kiện hơn chăm sóc đời sống Đạo cho giáo dân và phục vụ cộng đồng nơi đây cách hữu hiệu tích cực. Nhằm thăng tiến con người trong xã hội hôm nay. Xin cho mỗi tín hữu loan báo Tin Mừng cho anh chị em, bằng chính đời sống của mình trong môi trường đang sống và làm việc, qua đối thoại, trình bày, cảm thông …. Và Yêu thương.

Tôma Trương Văn Ân

P/s : thông tin được trích từ nhiều nguồn và Lược sử Giáo họ do Cha Phê-rô Trần Văn Thủy cung cấp.