1. Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bất hạnh nhất của Hải quân Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Elite Russian Force 'Significantly Degraded' After High Casualties: U.K.”, nghĩa là “Vương quốc Anh cho biết lực lượng tinh nhuệ của Nga 'xuống cấp trầm trọng' sau thương vong cao”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá tình báo mới, một trong những lữ đoàn tinh nhuệ nhất của Nga đã bị “xuống cấp đáng kể” sau những đợt triển khai “khó khăn” ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh hôm Chúa Nhật cho biết, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 của Nga, “được coi là lực lượng bộ binh tinh nhuệ trong quân đội Nga”, đã hứng chịu tổn thất nặng nề tại các khu vực tranh chấp gay gắt ở phía đông Donetsk.

Bộ cho biết, Lữ Đoàn 155 có khả năng đã mất nhiều phương tiện quân sự xung quanh thị trấn Vuhledar của Donbas. Vuhledar, là một thị trấn mỏ gần chiến tuyến Donetsk, đã chứng kiến nhiều tuần giao tranh ác liệt nhất trong năm qua.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã “không thành công” trong các chiến dịch tấn công xung quanh Vuhledar, mặc dù khu định cư này đã bị “thiệt hại”.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã gây ra một “thất bại” cho lực lượng phòng thủ của Ukraine trong và xung quanh Vuhledar, mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Anh gợi ý rằng Mạc Tư Khoa có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới xung quanh Vuhledar “bất chấp các cuộc tấn công thất bại tốn kém vào đầu tháng 2 và cuối năm 2022”.

Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 của Nga đã “đi đầu trong các cuộc tấn công tốn kém gần đây”, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết hôm Chúa Nhật.

Các đơn vị của lữ đoàn đã được giao “một số nhiệm vụ chiến thuật khó khăn nhất” của cuộc xâm lược, và “chịu tỷ lệ thương vong cực kỳ cao”.

Tuy nhiên, “năng lực được cho là đã được nâng cao” của lữ đoàn tinh nhuệ đã bị tổn hại bởi các chiến binh thiếu kinh nghiệm gia nhập hàng ngũ của họ.

Bản đánh giá lập luận: “Việc thiếu kinh nghiệm này gần như chắc chắn làm trầm trọng thêm xu hướng quản lý vi mô của các sĩ quan Nga, mà đến lượt nó đã làm giảm sự nhanh nhẹn trong chiến đấu”.

Bộ Quốc phòng cho biết các đơn vị “xuống cấp” này có thể bị triển khai trở lại cho các cuộc tấn công mới gần Vuhledar. Trước đây đã có thông tin cho rằng các lữ đoàn “tinh nhuệ” đang chịu thương vong cao ở miền đông Ukraine, mặc dù Nga không đề cập đến tổn thất của họ trong các bản cập nhật chiến tranh gần đây.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

Vài nét về Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155

Được tạp chí Forbes mệnh danh là “Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bất hạnh nhất của hải quân Nga”, Ukraine cho biết “gần như toàn bộ lữ đoàn” đã bị xóa sổ gần thị trấn mỏ vào ngày 12 tháng 2.

“Lữ đoàn 155 đã phải tái biên chế ba lần,” theo Oleksiy Dmytrashkivskyi, người đứng đầu trung tâm báo chí cho quận Tavrisky của lực lượng phòng thủ Ukraine.

“Lần đầu tiên sau Irpin và Bucha; lần thứ hai họ bị đánh bại gần Donetsk – và họ đã hồi phục trở lại,” anh nói với Politico.

“Và bây giờ gần như toàn bộ lữ đoàn đã bị tiêu diệt gần Vuhledar,” anh ấy nói thêm.

Lữ Đoàn 155 đóng quân tại thành phố cảng Vladivostok của Nga, theo cơ quan điều tra độc lập của Nga Novaya Gazeta.

“Lữ Đoàn đã được tăng cường bảy lần rồi,” một binh nhì giấu tên từ Lữ Đoàn 155 nói với hãng tin này vào tháng 12. “Có rất ít binh lính hợp đồng, nguồn chính là tình nguyện viên và lính nghĩa vụ.”

Nhưng Lữ Đoàn 155 đã được biết đến với một bức thư ngỏ do lữ đoàn viết sau một cuộc tấn công bất thành vào làng Pavlivka của Ukraine vào tháng 11. Theo bức thư, khoảng 300 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong khoảng 4 ngày giao tranh.

Bức thư ngỏ, được đăng trên kênh Telegram liên kết với nhóm lính đánh thuê Wagner hoạt động ở Ukraine, cho biết Lữ Đoàn 155 đã bị các chỉ huy của họ cử vào một “cuộc tấn công khó hiểu”.

Bức thư gửi cho thống đốc khu vực Primorsky, Oleg Kozhemyako, cho biết lữ đoàn đã mất một nửa số phương tiện của mình trong cuộc tấn công, đồng thời cho biết thêm: “Chỉ trong 4 ngày, chúng tôi đã mất khoảng 300 người thiệt mạng, bị thương và mất tích do hậu quả của cuộc tấn công này, một cuộc tấn công được 'lên kế hoạch cẩn thận' nhờ vào 'những chỉ huy vĩ đại' của chúng ta.”

2. Nga bày tỏ sự bất mãn trước cuộc triển lãm chọc quê của Estonia

Hôm thứ Hai, 27 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, đã lên tiếng phản đối một cuộc triển lãm chọc quê Nga do Estonia tổ chức ngay trước Tòa Đại Sứ Nga ở Riga, thủ đô của Estonia.

Thành phần chính trong cuộc triển lãm này là một chiếc xe tăng T-72B của Nga bị quân Ukraine bắt được tại làng Dmytrivka ở Chernihiv. Trong các tấm bảng giới thiệu về chiếc xe tăng, ban tổ chức cuộc triển lãm cho biết tổ lái của chiếc xe tăng này là các quân nhân thuộc Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một của Nga. Họ đã bỏ chạy trước sức tấn công vũ bão của quân Ukraine. Ban tổ chức cũng cho biết khẩu đại bác trên xe là một khẩu 152 ly, sẽ được quân đội Estonia tháo ra, quăng đi; và thay vào đó là một khẩu đại bác khác theo tiêu chuẩn 155 ly của NATO trước khi giao lại cho quân Ukraine sử dụng trên chiến trường. Thiết kế mới này sẽ giúp các xạ thủ bắn nhanh hơn và đạn pháo cũng sẵn sàng hơn vì các nước phương Tây ngày nay sử dụng tiêu chuẩn đạn pháo 155 ly.

Maria Zakharova cho rằng những luận điệu này của Estonia, cùng với việc trưng bày ngay trước Tòa Đại Sứ Nga là những tính toán mang tính chất khiêu khích.

Cuộc triển lãm đang gây tranh cãi là một phần trong các hoạt động mừng Ngày Độc lập, chính thức được gọi là Ngày kỷ niệm Cộng hòa Estonia. Đó là một ngày lễ quốc gia ở Estonia để kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập của Estonia được công bố tại thủ đô Tallinn vào ngày 24 tháng 2 năm 1918, thành lập Cộng hòa Estonia. Kể từ đó, ngày 24 tháng Hai, là ngày quốc khánh của Estonia. Năm nay, Ngày Độc lập của Estonia cũng trùng vào dịp kỷ niệm một năm ngày Putin xâm lược Ukraine.

Quan hệ giữa Nga và Estonia đã hết sức căng thẳng. Hồi đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã nói với Đại Sứ Estonia rằng ông phải ra đi chậm nhất là vào ngày 7 tháng Hai và cả hai nước sẽ được đại diện tại thủ đô của nhau bằng một đại biện lâm thời thay vì một đại sứ.

Giải thích quyết định trục xuất Đại Sứ Estonia, Maria Zakharova cho biết điều này là để đáp lại một động thái của Estonia nhằm giảm quy mô của đại sứ quán Nga ở Tallinn. Thực ra, Estonia cũng chỉ làm theo một số các quốc gia khác. Sau khi Putin ra lệnh xâm lược Ukraine, hàng loạt các quốc gia đã yêu cầu đại sứ quán Nga giảm số nhân viên sứ quán đông một cách kỳ lạ. Họ lo ngại rằng nhiều người trong số các nhân viên ngoại giao này không làm công việc ngoại giao nhưng tham gia vào các hoạt động gián điệp.

Maria Zakharova nói: “Trong những năm gần đây, giới lãnh đạo Estonia đã cố tình phá hủy toàn bộ các mối quan hệ với Nga. Tâm tình hoàn toàn bài Nga, việc nuôi dưỡng thái độ thù địch đối với đất nước của chúng ta đã được Tallinn nâng lên thành chính sách của nhà nước”.

Bà ta nói thêm: “Chế độ Estonia đã nhận những gì xứng đáng.”

Trước diễn biến này, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs cho biết, Latvia sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Nga và thông báo cho đại sứ Nga của nước này rời khỏi nước này trước ngày 24 tháng 2.

Ông cho biết quyết định này được đưa ra để thể hiện “tình đoàn kết” với Estonia, quốc gia mà Nga trước đó đã cáo buộc “hoàn toàn bài Nga”.

3. Ngoại trưởng Saudi Arabia thăm Kyiv lần đầu sau 30 năm, ký gói viện trợ 400 triệu USD

Lần đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm, một Ngoại trưởng Saudi Arabia đã đến thăm Ukraine.

Văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã công bố một đoạn video quay cảnh ông gặp Hoàng tử Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan Al Saud vào hôm Chúa Nhật.

Zelenskiy cho biết ông kỳ vọng cuộc gặp sẽ “cung cấp một động lực mới để tăng cường hơn nữa đối thoại cùng có lợi của chúng ta.”

“Cảm ơn các bạn đã ủng hộ hòa bình ở Ukraine, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi và xã hội của chúng tôi.”

Ả Rập Saudi đã theo đuổi một quá trình trung lập trong cuộc xung đột. Vương quốc này đã làm trung gian cho một cuộc trao đổi tù nhân vào năm ngoái, trong đó hai công dân Mỹ và năm người Anh đã được trả tự do khỏi sự giam giữ của Nga.

Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, đã cho biết như sau:

“Ukraine sẽ nhận được sự giúp đỡ thực sự từ Saudi Arabia. Văn phòng Tổng thống đã ký hai văn bản chính thức hóa gói viện trợ trị giá 400 triệu đô la cho Ukraine: 100 triệu đô la viện trợ nhân đạo và 300 triệu đô la cho các sản phẩm dầu mỏ.”

“Ukraine và Saudi Arabia có những thách thức và kinh nghiệm chung trong việc giải quyết chúng. Chúng ta đang nói về máy bay không người lái của Iran đã được cung cấp cho một số 'phiến quân' nhất định và tấn công các cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út,” Yermak nói, ám chỉ việc sử dụng máy bay không người lái của Iran bởi lực lượng Houthi ở Yemen.

“Kể từ năm ngoái, những chiếc máy bay không người lái tương tự của Iran đã thuộc sở hữu của những kẻ khủng bố Nga và đã tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.”

4. Giám đốc CIA nói Mỹ “tin tưởng” rằng Trung Quốc đang cân nhắc viện trợ vũ khí sát thương cho Nga

Giám đốc CIA cho biết Mỹ “tin tưởng” rằng Trung Quốc đang “cân nhắc” gửi viện trợ sát thương cho Nga nhưng thông tin tình báo cho thấy Bắc Kinh chưa có quyết định cuối cùng.

Giám đốc CIA William Burns nói với CBS News: “Chúng ta tin tưởng rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét việc cung cấp thiết bị sát thương”.

“Chúng ta cũng chưa thấy rằng quyết định cuối cùng đã được đưa ra và chúng ta không thấy bằng chứng về việc vận chuyển thiết bị sát thương trên thực tế,” Burns nói thêm.

Một số bối cảnh: CNN đã báo cáo hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ có thông tin tình báo rằng chính phủ Trung Quốc đang xem xét cung cấp cho Nga máy bay không người lái và đạn dược để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, ba nguồn tin tình báo nói với CNN.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang, 秦刚) cho biết nhà độc tài Alexander Lukashenko của Belarus, đồng minh của Putin sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3. Giải thích về chuyến viếng thăm này, Tần Cương nói rằng Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường quan hệ chính trị với Minsk. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng chuyến viếng thăm là để sắp xếp một kế hoạch gởi vũ khí sát thương của Trung Quốc cho Nga dưới chiêu bài viện trợ quân sự cho Belarus.

5. Putin có thể xâm lược Moldova để kéo dài tuổi thọ

Căng thẳng đang gia tăng ở Moldova, một quốc gia nhỏ ở biên giới phía tây nam Ukraine, nơi Nga bị cáo buộc đặt nền móng cho một cuộc đảo chính có thể kéo cả nước vào cuộc chiến của Điện Cẩm Linh.

Tổng thống Moldova Maia Sandu đã cáo buộc Nga sử dụng “những kẻ phá hoại” cải trang thành dân thường để gây bất ổn chính trị, lặp lại những cảnh báo tương tự từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Kyiv lên kế hoạch tấn công một cách vô căn cứ vào lãnh thổ thân Nga ở Moldova, nơi Mạc Tư Khoa có căn cứ quân sự.

Nga đang có âm mưu gì? Bất chấp lời biện hộ vô tội của Mạc Tư Khoa, các hành động của họ liên quan đến Moldova rất giống với các động thái mà họ đã thực hiện trước khi sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm ngoái.

Hôm thứ Ba, Putin đã thu hồi một sắc lệnh về chính sách đối ngoại năm 2012, trong đó công nhận một phần nền độc lập của Moldova.

Sau đó, hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine “chuẩn bị khiêu khích vũ trang” chống lại khu vực ly khai thân Nga của Moldova ở Transnistria “trong tương lai gần”.

Không có bằng chứng hoặc chi tiết nào khác được đưa ra để hỗ trợ cho lời buộc tội của Bộ Quốc Phòng Nga, và nó đã bị Moldova bác bỏ.

Tuy nhiên, tuyên bố này đã khiến các nhà lãnh đạo phương Tây cảnh giác, vì nó diễn ra gần đúng một năm sau khi Putin đưa ra tuyên bố tương tự, không có căn cứ rằng người Nga đang bị tấn công ở Donbas - sườn phía đông của Ukraine, nơi Mạc Tư Khoa đã hỗ trợ lực lượng ly khai dân quân kể từ năm 2014. Putin đã lấy lý do đó để xâm lược Ukraine như một biện pháp tự vệ.

Trung tâm lợi ích của Nga ở Moldova là Transnistria, một lãnh thổ ly khai ở sườn phía đông của đất nước, nơi đóng quân của quân đội Nga trong nhiều thập kỷ.

Transnistria là 1 lãnh thổ rộng 1.300 dặm vuông trên sông Dniester - tuyên bố mình là một nước cộng hòa Xô viết vào năm 1990, phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Moldova để trở thành một quốc gia độc lập hoặc sáp nhập với Rumani sau khi Liên Xô tan rã.

Khi Moldova giành được độc lập vào năm sau, Nga nhanh chóng đưa cái gọi là “lực lượng gìn giữ hòa bình” vào Transnistria, để hỗ trợ phe ly khai thân Mạc Tư Khoa ở đó.

Chiến tranh với các lực lượng Moldova xảy ra sau đó, và cuộc xung đột kết thúc trong bế tắc vào năm 1992. Transnistria không được quốc tế công nhận, kể cả Nga, nhưng vì không có khả năng quân sự, Moldova đã để nó trở thành một quốc gia ly khai trên thực tế. Bế tắc đó đã khiến lãnh thổ với ước tính 500.000 cư dân của nó bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng. Chính phủ ở Chișinău hầu như không kiểm soát được nó cho đến ngày nay.

6. Bộ trưởng Nội vụ Đức cảnh báo về những mối nguy hiểm lớn từ Nga

Bộ trưởng Nội vụ Đức đã cảnh báo về “mối nguy hiểm lớn” mà Đức phải đối mặt từ các cuộc tấn công phá hoại, thông tin sai lệch và gián điệp của Nga.

Nancy Faeser cho biết Vladimir Putin đang dồn nguồn lực khổng lồ vào các cuộc tấn công mạng như một phần quan trọng trong cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta.

“Những lo ngại về an ninh mạng đã trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh. Các cuộc tấn công của các tin tặc thân Nga đã gia tăng,” cô nói với các phóng viên báo chí.

Kể từ khi Đức bắt đầu hỗ trợ Ukraine bằng việc cung cấp vũ khí và đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, các cuộc tấn công mạng đã gia tăng, đặc biệt là nhằm vào các nhà cung cấp năng lượng và các tổ chức quân sự. Các chuyên gia bảo mật đã cảnh báo về mối nguy hiểm đáng kể mà những điều này gây ra đối với an ninh nội địa của Đức, cụ thể là khả năng của những kẻ tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như các hoạt động chính trị như tại Bundestag.

7. Bộ trưởng Quốc phòng Đức: Đánh giá Trung Quốc “bằng hành động chứ không phải lời nói” khi nước này kêu gọi hòa đàm Ukraine

Chỉ sau hơn một tháng nhậm chức, tân Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đã trở thành chính trị gia Đức được đánh giá cao nhất, theo kết quả một cuộc thăm dò.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của Trung Quốc về cách chấm dứt xung đột Ukraine.

“Khi tôi nghe báo cáo – và tôi không biết liệu chúng có đúng không – theo đó Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch cung cấp máy bay không người lái kamikaze cho Nga đồng thời trình bày một kế hoạch hòa bình, thì tôi đề nghị chúng ta đánh giá Trung Quốc qua các hành động của họ chứ không phải qua lời nói của họ,” ông nói với các phóng viên báo chí.

Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương, đồng thời nhấn mạnh sự phản đối của nước này đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhưng tuyên bố trung lập của Bắc Kinh đã không được đánh giá cao do họ từ chối thừa nhận bản chất của cuộc xung đột. Cho đến nay họ vẫn tránh gọi đó là một “cuộc xâm lược” – và tiếp tục hỗ trợ kinh tế và ngoại giao cho Mạc Tư Khoa.

Các quan chức phương Tây cũng đưa ra quan ngại rằng Trung Quốc có thể đang xem xét cung cấp cho Nga sự hỗ trợ quân sự sát thương, một cáo buộc bị Bắc Kinh bác bỏ.

Mykhailo Podolyak, một chính trị gia Ukraine, người cố vấn cho Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, hôm thứ Bảy đã chỉ trích Trung Quốc vì “đặt cược vào một kẻ xâm lược” sau khi Bắc Kinh lặp lại lời kêu gọi giải quyết chính trị cho cuộc chiến Ukraine.

“ Nếu bạn tuyên bố là một nhân tố toàn cầu, bạn không nên đưa ra một kế hoạch phi thực tế. Bạn không đặt cược vào một kẻ xâm lược đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ thua cuộc chiến.”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng việc Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực hòa bình là một “điều tốt”, khi ông công bố kế hoạch thăm Bắc Kinh vào tháng Tư.

8. Giám đốc CIA cho biết có bằng chứng Nga đề nghị giúp đỡ chương trình hỏa tiễn của Iran để đổi lấy viện trợ quân sự

Giám đốc CIA Hoa Kỳ William Burns cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm Chúa Nhật rằng liên minh giữa Nga và Iran đang phát triển nhanh chóng, một câu chuyện đang nổi lên mà ông gọi là “đáng lo ngại”.

“Hiện tại nó đang di chuyển với tốc độ khá nhanh theo hướng rất nguy hiểm, theo nghĩa mà chúng ta biết rằng người Iran đã cung cấp hàng trăm máy bay không người lái có vũ trang cho người Nga, thứ mà họ đang sử dụng để gây đau đớn cho thường dân Ukraine và các cơ sở hạ tầng dân sự. Chúng ta biết rằng họ đã cung cấp đạn dược cho pháo binh và cả xe tăng,” Burns nói trên “Face the Nation” của CBS.

Burns cho biết CIA cũng nhận thấy những dấu hiệu cho thấy Nga đang đề xuất giúp đỡ Iran trong chương trình hỏa tiễn của họ, và ít nhất là xem xét khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Iran, để đổi lấy viện trợ quân sự trong cuộc xâm lược đang diễn ra của họ.

Burns cũng mô tả cuộc trò chuyện của ông với giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga, và nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “quá tự tin” vào khả năng của ông ta trong việc triệt hạ Ukraine.

Ông mô tả cuộc thảo luận với Naryshkin là “khá chán nản,” nhưng nói rằng từ đó ông đã hiểu được một số điểm chính.

“Mục tiêu của tôi không phải là nói về các cuộc đàm phán. Đó là điều mà người Ukraine sẽ làm với người Nga khi họ thấy phù hợp. Vấn đề là để nói rõ với Naryshkin - và thông qua ông, với Tổng thống Putin - những hậu quả nghiêm trọng nếu Nga cũng chọn sử dụng vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào. Và tôi nghĩ Naryshkin đã hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề đó, và tôi nghĩ Tổng thống Putin cũng hiểu điều đó,” Burns nói.

Khi được hỏi tại sao cuộc trò chuyện lại trở nên chán nản, Burns nói thêm: “Ông Naryshkin cũng có một thái độ rất thách thức, một cảm giác tự phụ và ngạo mạn, phản ánh quan điểm của chính Putin - niềm tin của chính ông ấy ngày nay rằng ông ấy có thể dành thời gian cho việc nghiền nát người Ukraine, rằng ông ấy có thể làm suy yếu các đồng minh Âu Châu của chúng ta, rằng sự mệt mỏi chính trị cuối cùng sẽ bắt đầu”.