Phụ Trương THXT của ĐGH Gioan Phaolô II

TRẦN TRUỒNG MÀ KHÔNG XẤU HỔ:

Thiên Chúa, Dục Tính, và Ý Nghĩa Cuộc Đời

(tiếp theo)

NHÂN CÁCH BỊ PHÂN ĐÔI

Hữu thể nhân sinh là loài độc đáo nhất trong muôn loài. Con người là ngôi vị duy nhất được biểu lộ qua thế giới vật chất, qua một xác thân. Con người vừa giống thiên thần, vừa giống thú vật, nhưng đồng thời cũng lại khác xa. Thiên thần là ngôi vị, nhưng không là xác thể. Thú vật là xác thể, nhưng không là ngôi vị. Con người là một phối hợp lạ lùng: ngôi vị-xác thể. Thế nhưng, kể từ lúc phạm tội, con người phải chịu cảnh phân đôi nhân cách trầm trọng. Nếu không tháp nhập vào Chúa Kitô, con người không thể không nghiêng đổ bên này hay hướng ngả về bên kia, hoặc là ‘duy thiên thần,’ hay là ‘duy thú vật.’ Người theo hướng duy thiên thần thì sống một đời sống tâm linh nhưng thoát xác. Còn kẻ hướng theo ngả duy thú vật thì sống đời sống quá xác thịt, không ngó ngàng gì đến tâm linh. Người duy thiên thần, vì thoát xác, nên có lối tiếp cận với các vấn đề phái tính theo kiểu thanh giáo, tức kiểu cách đoan trang. Họ dồn nén nhục cảm và dục vọng. Họ sống như thể phái tính là một cái gì ‘xấu xa’ và ‘dơ bẩn’ cố hữu. Suốt dòng lịch sử nhân loại, không biết bao nhiêu Kitô hữu đã trở thành mồi ngon cho quan niệm lệch lạc này. Nói đâu xa, ngay bây giờ, vẫn còn có người cho rằng sống như thế mới thực sự ‘thánh thiện.’ Ngược lại, người duy thú vật chính là một kẻ duy vật. Kiến thức của họ về thân xác và những vấn đề về phái tính không hề dính dáng đến phẩm giá thiêng liêng của con người. Họ buông thả theo dòng xung động của nhục dục không chút dè dặt. Họ sống khiếm nhã và trơ trẽn. Chỉ cần mở TV lên hoặc đi ngang qua quầy trả tiền ở một cửa hàng là ta có thể nhìn thấy nhan nhản những hạng người này.

ĐI TÌM THẾ QUÂN BÌNH

Lịch sử nhân loại là một nhịp đong đưa từ thái cực này sang thái cực kia. Thế kỷ 20 chẳng hạn, khởi đi từ lối sống kiểu cách đoan trang thời Victoria, hễ cứ nhìn thấy mắt cá chân của người phụ nữ là đã thấy xúc phạm rồi. Thế mà nay, thiên hạ sống buông tuồng đến độ ‘bình thường hoá’ hết mọi thứ, kể cả những thói hư nhục dục đớn hèn nhất. Mục tiệu bây giờ không phải là trở ngược về thời Victoria, vì như vậy cũng chẳng lành mạnh gì. Một cách nào đó, có thể hiểu cuộc cách mạng phái tính như là phản xạ tự nhiên trước lối sống ‘kiểu cách đoan trang’ vừa nói. Nhưng nếu đu theo cái nhịp đong đưa về thái cực bên kia thì cũng sai lầm không kém. Mục tiêu nhắm tới phải là đưa quả lắc về chính giữa. Có nghĩa là đi tìm một vị thế quân bình, là tái khám phá ra kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa về dục tính con ngườì qua sự hoà điệu giữa hồn và xác, dục tính với linh thiêng tính. Đó chính là món quà quý giá mà ĐGH Gioan Phaolô II đã gửi lại cho ta qua nền THXT của ngài. Với sự minh bạch và tư kiến độc sáng chưa hề có, ĐGH đã đưa ta vào phía sau của những mảnh lá vả hầu tái khám phá ra kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa về dục tính con người, và mở rộng con đường cho ta thể hiện kế hoạch ấy trong Chúa Kitô.

THÂN XÁC HIỂN LINH

Do bởi sự ‘phân rẽ trầm trọng’ giữa xác và hồn, linh thiêng tính và dục tính, tất cả chúng ta đều có cái nhìn mù mờ khi đọc ngôn ngữ xác thân. Ta biết thân xác luôn nhắn gửi một điều gì đó, điều ta hằng khao khát nhận biết, thấu hiểu, và kinh nghiệm. Nhưng ta cần một sự hiển linh. Điều này tựa như khi ta đi thăm viếng một ngôi thánh đường, được người hướng dẫn giải thích về các biểu tượng phong phú trong lối kiến trúc của nó. Mỗi chi tiết đều mang một ý nghĩa. Mỗi đường nét, mỗi khúc lượn cong của gạch đá đều như đang công bố mầu nhiệm của Chúa Kitô. Có thể đã có lần ta thăm viếng những ngôi giáo đường như thế, nhưng phải đến lúc có một ai đó thấu hiểu chi tiết và am tường các biểu tượng trong lối kiến trúc giải thích cho ta thì mắt ta mới mở ra, y như là được đeo một cặp kính mới. Hiển linh là như thế. Cũng vậy, nhìn một thân thể trần truồng, ai trong chúng ta cũng ít nhiều bị lôi cuốn. Ta có cảm giác khuấy động sâu xa trước mầu nhiệm của vẻ đẹp người nam và người nữ. Điều này ngay cả những kẻ chủ trương ‘duy thiên thần’ (như ta vừa nói ở trên) cũng phải công nhận. Lôi loại suy áp dụng cho ngôi thánh đường thì hàm ý sâu xa hơn ta vẫn tuởng. Thân xác ta chính là đền thờ Chúa Thánh Thần (xem 1 Cor 6:19). Và vị Kiến Trúc Sư Đệ Nhất đã vẽ kiểu thân xác ta bằng những đường thẳng và những nét cong tuyệt vời của thân thể và xương cốt, ngõ hầu công bố mầu nhiệm của Chúa Kitô. Nhưng tội lỗi đã làm mù mờ cái nhìn của ta. Ta như cần đến một cặp kính mới. THXT của ĐGH Gioan Phaolô II đã cống hiến cho ta cái gọng kính. Còn Chúa Kitô chính là đôi tròng. Khi đeo cặp kính này vào, cuộc hiển linh được thực hiện.

HÀN GẮN VẾT RẠN NỨT

Người ta chú ý rất nhiều đến dòng chữ đầu tiên trong luân thư đầu tay của một vị tân giáo hoàng. Theo một nghĩa nào đó, nó được coi như lời công bố chính thức của vị giáo hoàng gửi cho Giáo Hội và cho toàn thế giới, vì những dòng chữ đó xác định đường hướng cho cả một triều giáo hoàng. Dòng đầu tiên trong luân thư đầu tay của Gioan Phaolô II mang đậm nét mạc khải: “Đấng Cứu Chuộc nhân loại, Chúa Giêsu Kitô, chính là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử (Redemptor Hominis, số 1). Ta không thể nào hiểu được ý nghĩa của vũ trụ, của lịch sử, của nhân loại nếu không nhờ cậy vào Ngôi Lời mặc xác phàm. Chúa Kitô là Đấng mạc khải trọn vẹn con người cho Chính Ngài, và làm tiếng gọi cao cả của Ngài vang xa (xem Gaudium et Spes, số 22). Lời công bố này của Công Đồng Vaticanô II chính là khúc ngợi ca của Gioan Phaolô. Qua năng động tính của Mầu Nhiệm Nhập Thể, Chúa Kitô đã hàn gắn mối rạn nứt mà nguyên tổ đã gây ra trong chúng ta. Ngôi Lời mặc xác phàm trở thành giềng mối hòa giải cho cuộc ‘phân rẽ trầm trọng’ giữa Thiên Chúa và Con Người, thiên đàng và trần gian, hồn và xác, linh thiêng tính và dục tính, người nam và người nữ. Muốn tìm sự hiển linh của thân xác, không thể thiếu được sự hiển linh của Chúa Kitô như là “Trung Tâm của vũ trụ và của lịch sử.” Chính nhờ quan niệm Kitô-trọng-tâm triệt để này mà Gioan Phaolô đã dọi chiếu một tia sáng mới trên sự hiểu biết của Giáo Hội về dục tính.

KHUNG CẢNH LỊCH SỬ

Chúa Thánh Thần thường ban cho Giáo Hội điều cần có và vào lúc cần thiết. Chưa hề bao giờ Giáo Hội lại có nhu cầu phải bảo vệ phẩm giá của thân xác và ý nghĩa của dục tính như ngày nay. Có thể nói không quá đáng rằng ‘mật vụ’ của thế kỷ hai mươi này là xóa tan đi dấu vết của nền đạo đức Kitô giáo về dục tính. Những định thức không thỏa đáng và duy luật trong nền thần học luân lý, cộng với cách thức xử lý các vấn đề tính dục một cách tai tiếng của một số tác giả kitô giáo trong lịch sử đã khiến cho thế giới ‘tỏa sáng’ này càng dễ chối bỏ giáo huấn của Giáo Hội. Cuộc va chạm nẩy lửa giữa cái thế giới quan tai tiếng này với luân thư Humanae Vitae (HV), tức Mạng Sống Con Người (MSCN)--vốn tái xác nhận giáo huấn kiên định của Giáo Hội về tính vô luân của việc ngừa thai-đã nổ lớn như một trái bom trong Giáo Hội vào năm 1968. ĐGH Gioan Phaolô II đã nhìn thấy nhu cầu cần có một cuộc luận bàn mới. Ngài hiểu rằng giáo huấn của Giáo Hội trong MSCN không phải là ‘vấn đề bên lề.’ Chỉ hai tháng rưỡi trước khi bước lên ngai tòa Thánh Phêrô, trong lần kỷ niệm mười năm khai sinh bức luân thư của ĐGH Phaolô VI, vị Giáo Hoàng (Gioan Phaolô II) tương lai đã công bố rằng vấn đề ngừa thai là một cuộc “tranh đấu cho giá trị và cho ý nghĩa của chính nhân loại” (Lateranum 44, 1978).

LỐI CHỮA BỆNH UNG THƯ CỦA KAROL WOJTYLA

Làm thế nào để chữa trị căn bệnh trầm kha thời đại? Từ những thiếu tử tế hàng ngày cho đến những tàn bạo gây chấn động thế giới, con người cho thấy dường như đã bị nhiễm mầm bệnh trong cung cách xử đối với nhau. Đồng thời, dường như không thể nào giải quyết được những vấn đền này, hay tìm ra mầm mống manh mối của chúng. Trong khi đó, ĐGH Gioan Phaolô II lại tuyên bố rằng việc ấy không những có thể làm được, mà ngài lại còn lần ra được manh mối duy nhất cũng như khám phá ra phương cách chữa trị độc nhất, đó là tìm hiểu và sống sự thật về tính dục của con người chúng ta.

Điều rất thường xẩy ra là, khi chứng kiến một ngưòi thân nằm xuống vì chứng ung thư, hoặc giả như chính mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, ta dễ trở thành những người ủng hộ nồng nhiệt nhất cho việc nghiên cứu để tìm ra phương pháp trị liệu. Có khi ta còn dám tận hiến cả đời mình cho nền y khoa nhằm mục tiêu rõ ràng là giúp người khác thoát khỏi cái hiểm hoạ mà mình đã hoặc đang trải qua. Karol Wojtyla chính là một người như thế. Ngài đích thân chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng ghê tởm nhất thế kỷ khi nhân loại đang bị hoành hành bởi một căn bệnh ung thư tệ hại nhất. Quê hương Ba Lan của ngài bị Đức Quốc Xã chiếm đóng khi ngài vừa tròn 19. Nhìn quanh đâu cũng thấy chết chóc. Mùi tanh tưởi và khét lẹt của xác người bè bạn và đồng bào bị thiêu đốt phủ trùm bầu trời bao quanh khu vực Auschwitz. Ngài cũng có thể đã bị lùa vào nơi đó hoặc bị bắn bỏ, nếu chủng viện ‘chui’ của ngài bị lộ tẩy.

Sáu năm sau, khi Hồng Quân bỏ đi thì quê hương ngài lại rơi vào nanh vuốt của một thế lực độc tài khác. Là một thanh niên, Wojtyla đã đứng lên như một chiến sĩ văn hoá chống lại chế độ Cộng Sản, và việc này kéo dài suốt cả cuộc đời ngài, trải qua từng nếp đời linh mục, giám mục, hồng y, rồi giáo hoàng.

(còn một kỳ)