Tội trạng:

Theo tin UCAnews do phóng viên Joseph Peter Calleja viết ngày 16 tháng 8 năm 2022 thì một bản truy tố hình sự đã được đệ trình lên toà án, số bị cáo là 16 người, trong đó có nhiều nữ tu. Sự cáo buộc là họ tài trợ cho những kẻ khủng bố và vi phạm luật chống khủng bố của Philippines.

Bản truy tố đã được Bộ Tư pháp đệ trình ngày 15 tháng 8 lên tòa án cuả thành phố Iligan ở Mindanao, tố cáo rằng bị cáo tài trợ cho Đảng Cộng sản Philippines (CPP) và cho lực lượng vũ trang của nó có tên là Quân đội Nhân dân Mới (NPA), là những tổ chức khủng bố trong danh sách cuả chính phủ Philippines.

Cáo buộc chống các nữ tu, mà danh tính vẫn chưa được tiết lộ, được đưa ra vài ngày sau khi Ủy ban Ngôn ngữ Philippines ra lệnh cấm năm cuốn sách giáo khoa vì có nội dung khuyến khích khủng bố. Như vậy vụ truy tố này có thể là phần khởi đầu cuả một chiến dịch trấn áp mới của tân chính quyền ở Philippines.

"Luật chống khủng bố cuả Philippines định nghĩa và xử phạt hành vi tài trợ khủng bố là: hỗ trợ tài chính chẳng hạn như quyên góp, bao gồm mọi việc chuyển giao bất kỳ loại tài sản hoặc ngân quỹ nào, hoặc bằng các dịch vụ tài chính và các dịch vụ liên quan khác, cho một cá nhân hoặc cho một nhóm bị chính phủ chỉ định là khủng bố,” theo lời luật sư cuả Bộ Tư pháp là Mico Clavano nói với các phóng viên vào ngày 15 tháng 8.

Luật sư Clavano nói rằng nếu tòa án đồng ý, thì toà có thể phát lệnh bắt giam các bị cáo, bao gồm cả các nữ tu.

“Cáo buộc là tài trợ khủng bố, và luật quy định rằng hành vi phạm tội không thể cho tại ngoại hầu tra được, họ sẽ phải ngồi tù trong khi phiên tòa diễn ra… Đó là những gì luật pháp quy định,” Clavano nói thêm.

Không có cơ hội để tự vệ:

Nếu bị kết tội, các nữ tu sẽ bị giam tù 40 năm và tiền phạt từ 500.000 đến 1 triệu peso (10.000-20.000 USD).

Bộ Tư pháp nói rằng cáo buộc dựa vào lời khai của nhân chứng, là hai cựu thành viên của Quân đội Nhân dân Mới.

“Theo lời khai, các nữ tu đã... soạn thảo lời kêu gọi đến các nhà tài trợ ở nước ngoài." Bộ Tư pháp tuyên bố.

Tuy nhiên, nhiều nhóm nhân quyền cho biết Bộ Tư pháp đã giữ bí mật việc nộp hồ sơ vụ án trước khi các bị cáo có thể giải thích.

“Một số trường hợp truy tố phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm, nhưng trường hợp cuả các nữ tu chỉ có vài tuần. Họ không được cho cơ hội để tự bào chữa vì nhà chức trách không chứng minh được là họ có liên quan”, theo hội 'Samahang Layko ng Pilipinas,' một hiệp hội giáo dân Công Giáo ở Philippines, cho biết.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nói rằng các nữ tu đã được trao cơ hội nhưng đã không làm như vậy.

"Bộ Tư pháp và bộ trưởng [Jonvic] Remulla đã hành động giống như một tòa án của Philatô" là lời cuả nhóm 'Student Christian Movement' của Philippines, một nhóm sinh viên đại kết. "Bộ Tư pháp nên đưa ra bằng chứng về việc cơ hội khiếu nại đã bị các nữ tu “cố tình” không làm, hay phải chăng cơ hội đó đã bị che giấu để chính phủ có thể nhanh chóng kết thúc hồ sơ?"

Gắn thẻ đỏ:

“Bộ Tư pháp và bộ trưởng [Jonvic] Remulla đã hành động giống như Philatô khi cáo buộc những người của Giáo hội có thành tích giúp đỡ nông dân ở vùng nông thôn,” nhóm sinh viên tuyên bố.

Nhiều thành viên của Giáo hội thường bị chính phủ buộc tội giúp đỡ người cộng sản khi họ đi truyền giáo.

Hội 'Nhà Truyền giáo Nông thôn của Philippines' là một tổ chức quốc gia cuả Giáo hội, bao gồm nhiều linh mục và giáo dân. Hội thúc đẩy việc thăng tiến các quyền cuả người nông dân, ngư dân và dân bản địa, đồng thời giáo dục họ về các quyền của họ.

Vì vận động như thế nên họ thường bị chính phủ Philippines “gắn thẻ đỏ”.

"Gắn thẻ đỏ" (Red-tag,) còn được gọi là "Gài bẫy thẻ đỏ" (red-baiting,) là việc gắn nhãn độc cho một cá nhân hoặc một nhóm là "khủng bố" hoặc "cộng sản" vì họ chỉ trích chính phủ.

Nó giống như việc 'Ghi Sổ Đen Phòng Nhì' thời Pháp thuộc ở VN ngày xưa, tức là bị ghi tên vào cuốn sổ bìa đen ở phòng An Ninh, phòng 2, để bị theo dõi và thường là bị thủ tiêu sau đó.

Sự tàn ác này đã được nhiều chính phủ liên tiếp ở Philippines sử dụng để trấn áp đối lập kể từ năm 1969.



Nhiều nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, chính trị gia và nhiều tổ chức đã là những nạn nhân cuả việc gắn thẻ đỏ.

Chính phủ vẫn biện hộ cho việc gắn thẻ đỏ là một chiến thuật để chống nổi dậy.