Tờ National Catholic Register vừa có bài viết nhan đề “Pontifical Academy for Life Members’ Support for Assisted Suicide Draws Criticism” nghĩa là “Sự ủng hộ của các thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống gây ra chỉ trích”.

Đức Hồng Y Willem Eijk, một bác sĩ y khoa và là một thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống, kiên quyết bác bỏ sự ủng hộ này, và cho rằng trợ tử và an tử đều chịu 'trách nhiệm đạo đức như nhau' trong việc thực hiện một vụ giết người.

Hai thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống của Vatican đã bị chỉ trích vì công khai kêu gọi ủng hộ việc trợ tử như một chiến thuật nhằm ngăn chặn việc hợp pháp hóa hành vi chết tự nguyện ở Ý.

Linh mục Dòng Tên Carlo Casalone, giáo sư thần học luân lý tại Đại học Giáo hoàng Gregôriô, đã đề xuất một đường lối, mà các nhà phê bình nhấn mạnh là hoàn toàn mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội, trong một bài báo ngày 15 tháng Giêng trên tờ La Civilta Cattolica, nghĩa là Văn Minh Kitô, của Dòng Tên - một tạp chí có các bài báo đã được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh duyệt xét.

Quan điểm của vị linh mục này được ủng hộ bởi thành viên học viện Marie-Jo Thiel, giáo sư đạo đức học tại Đại học Strasbourg, là người đã viết trên tờ Le Monde của Pháp vào ngày 31 tháng Giêng rằng gợi ý của Cha Casalone là một dấu hiệu của một sự thay đổi lớn hơn trong quan điểm của Giáo hội.

Cha Casalone, một bác sĩ cũng là người đứng đầu Tổ chức Hồng Y Carlo Martini, đã viết bài báo của mình trước khi Tòa án Hiến pháp Ý đưa ra quyết định về việc nước này có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về trợ tử tự nguyện hay không.

Tòa án đã hợp pháp hóa hỗ trợ tự tử trong những điều kiện rất cụ thể và được xác định rõ ràng vào năm 2019, nhưng điều đó đã dẫn đến việc các nhà vận động ủng hộ hành vi trợ tử thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc về trợ tử tự nguyện.

Chiến dịch vận động của họ đã kết thúc tại Tòa án Hiến pháp trong tháng này, với sự ủng hộ của 1.2 triệu chữ ký từ những người ủng hộ quyền trợ tử, vượt xa con số 500,000 cần thiết để tổ chức một cuộc phổ thông đầu phiếu sửa đổi các luật hiện hành.

Nhưng tòa án đã bác bỏ yêu sách này vào ngày 15 tháng 2, phán quyết rằng một cuộc trưng cầu dân ý là “không thể chấp nhận được” và cho rằng sự thay đổi trong luật hình sự của đất nước để cho phép trợ tử tự nguyện sẽ không bảo đảm “sự bảo vệ tối thiểu cần thiết theo hiến pháp đối với cuộc sống con người nói chung và cách riêng khi đề cập đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương”.

Tự sát được hỗ trợ về mặt y tế liên quan đến việc một người mắc bệnh gần kề cái chết hoặc bệnh nan y muốn kết thúc cuộc sống của họ theo yêu cầu của chính họ bằng một liều thuốc gây chết người; luật trợ tử tự nguyện cho phép các bác sĩ giết một cách hợp pháp một bệnh nhân mắc bệnh nan y và đau đớn hoặc trong tình trạng hôn mê không thể hồi phục, với sự đồng ý của bệnh nhân.

Cha Casalone lập luận trong bài báo của mình rằng việc đưa ra “đánh giá tiêu cực tổng thể” về luật kêu gọi cho phép trợ tử tự nguyện sẽ có nguy cơ “ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý” và mục đích hợp pháp hóa điều đó của cuộc trưng cầu dân ý.

Do đó, ông đề nghị viện dẫn nguyên tắc “luật không hoàn hảo”, theo đó, trong một số trường hợp, một chính trị gia Công Giáo có thể bỏ phiếu ủng hộ một đạo luật hạn chế một đạo luật đã được thông qua trái với giáo huấn của Giáo hội, chẳng hạn như bỏ phiếu để giảm thời gian cho phép phá thai từ 24 xuống còn 16 tuần.

Trong trường hợp này, ông tin rằng nguyên tắc đó có thể áp dụng cho việc ủng hộ trợ tử tự nguyện, với mục đích là giảm bớt tội ác, để ngăn chặn tệ nạn lớn hơn là an tử tự nguyện - một gợi ý dường như cũng nhận được sự đồng cảm nào đó từ chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, là Đức Ông Renzo Pegoraro.

“Chúng ta đang ở trong một bối cảnh cụ thể, với một sự lựa chọn được đưa ra giữa hai lựa chọn, cả hai lựa chọn – trợ tử hay an tử - đều không đại diện cho quan điểm của Công Giáo,” Đức Ông Pegoraro nói với tờ báo Công Giáo Pháp Le Croix, và nói thêm rằng ngài tin rằng một luật nào đó là một chung cuộc không thể tránh khỏi.

Đức Ông Pegoraro, cũng là một bác sĩ, nói rằng, trong hai khả năng, “trợ tử là phương pháp hạn chế lạm dụng nhất vì nó sẽ đi kèm với bốn điều kiện nghiêm ngặt: người yêu cầu giúp đỡ phải có ý thức và có thể tự do bày tỏ điều đó, phải mắc một căn bệnh không thể hồi phục, phải trải qua những đau khổ không thể chịu đựng được và phụ thuộc vào các phương pháp điều trị duy trì sự sống chẳng hạn như một chiếc máy thở”.

Nhưng Đức Hồng Y Willem Eijk, cũng là một bác sĩ y khoa có bằng cấp và là thành viên của học viện, đã kiên quyết bác bỏ đề nghị và lập luận của Cha Casalone.

Vị Hồng Y tổng giám mục của Utrecht ở Hà Lan lập luận rằng “không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức” giữa tự tử được hỗ trợ về mặt y tế và hành vi an tử, “không phải từ phía bệnh nhân cũng không phải từ phía bác sĩ,” vì cả hai đều chịu “trách nhiệm đạo đức giống nhau” trong việc thực hiện một vụ giết người.

Vị Hồng Y nói với National Catholic Register rằng, khi cho phép trợ tử, “người ta bị ràng buộc để cũng cho phép hành vi an tử,” và do đó lập luận rằng bằng cách cho phép luật trợ tử, người ta có thể ngăn cản luật an tử “không có ý nghĩa gì”.

“Người ta sẽ đơn giản và tự động mở đường cho việc hợp pháp hóa an tử, bởi vì sự khác biệt về đạo đức giữa cả hai là không đáng kể,” ngài nói.

Đức Hồng Y Eijk cũng bác bỏ lập luận “luật không hoàn hảo”, nói rằng nó đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu ra trong thông điệp Evangelium Vitae - Tin Mừng Sự Sống (số 73) của ngài trong bối cảnh hạn chế phá thai. Nhưng vị Hồng Y nói rằng “bỏ phiếu cho một đạo luật trợ tử bằng y khoa không hề dẫn đến hạn chế hợp pháp hóa an tử.”

Ngài nói: “Ngược lại, hợp pháp hóa trợ tử bằng y khoa tự động mở đường cho việc hợp pháp hóa an tử như một bước hợp lý tiếp theo, vì không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức giữa trợ tử bằng y khoa và an tử”.

Jacopo Coghe, phó chủ tịch của nhóm ủng hộ sự sống của Ý Pro Vita & Famiglia Onlus, đồng ý rằng “thật là vô luân khi ủng hộ luật về an tử hay trợ tử. Chấm hết.”

Ông nói thêm rằng những người nghĩ khác “đi ngược lại những cảnh báo được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha Phanxicô và Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.” Coghe cũng nói với tờ National Catholic Register rằng lập luận do Cha Casalone đưa ra là một “đường lối ảo tưởng” sẽ không thể “chịu được áp lực xã hội hoặc sự can thiệp của tư pháp”, như đã từng được chứng kiến với các đạo luật tương tự khác.

Coghe nói, đường lối hành động chính xác là “luôn luôn truyền giáo,” công bố tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới, “điều này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và luôn làm cho nó trở nên xứng đáng”. Ông nói thêm rằng “sự cấp bách của Giáo hội” không phải là “liệu có nên làm hay làm cách nào để thông qua luật hỗ trợ tự tử, mà là giúp hàng triệu người không có kiến thức, bị lừa dối và các tín hữu lầm đường lạc lối đương đầu với thời thế thay đổi và những khủng hoảng mà họ phải đối mặt”.

Jean-Marie Le Méné, chủ tịch của Lejeune Foundation, cho biết những tuyên bố công khai của Cha Casalone và Thiel ủng hộ việc lập pháp cho việc hỗ trợ tự tử đã “làm phiền” các thành viên khác của học viện. Tổ chức được đặt theo tên của Jérôme Lejeune, chủ tịch sáng lập của học viện.

Le Méné, cũng là một thành viên của viện hàn lâm, đã chỉ trích hai thành viên đồng nghiệp của mình trong một bài bình luận trên nhật báo Le Figaro của Pháp, nói rằng “mọi người bày tỏ quan điểm cá nhân là một việc; hoàn toàn khác là sử dụng các vị trí của họ để chính thức liên lụy Học viện Giáo hoàng về Sự sống”. Hơn nữa, ông nói rằng các thành viên khác cũng không hề được hỏi ý kiến, vì học viện không thể ủng hộ những quan điểm trái với huấn quyền của Giáo Hội.

Ông cũng lặp lại việc Hồng Y Eijk bác bỏ việc áp dụng số 73 của thông điệp Tin Mừng Sự Sống trong trường hợp này, vì ông nói rằng đó sẽ là vấn đề “cố tình ban hành một luật độc ác để tránh một điều luật khác trong tương lai, có thể tệ hơn.”

Ông cảnh báo: “Luật mà họ có ý định tránh sẽ được thông qua nhanh hơn. “Không có gì và sẽ không ai ngăn cản việc kéo dài sự vi phạm ban đầu, điều này khiến cho y khoa dẫn đến cái chết”.

Trong những bình luận với tờ Register, Le Méné nói rằng “không có lý do gì để nghĩ rằng giáo lý này có thể được thay đổi” và rằng việc cấm giết người “phần lớn có từ trước Kitô giáo; là một vấn đề của đạo đức tự nhiên”. Ông nói, bỏ phiếu cho một đạo luật vô luân, “không bao giờ có thể là sự lựa chọn của một Kitô hữu,” và nếu học viện “rơi vào bẫy của sự ác ít hơn [điều đó] sẽ khiến nó mất đi lý lẽ của mình.”

Le Méné cũng chỉ trích Thiel vì đã tuyên bố công khai trong bài báo của mình rằng cô là thành viên của học viện. Các thành viên của Học viện bị ràng buộc bởi các quy chế của nó, cụ thể là điều 5 §5 (b), trong đó quy định rằng các viện sĩ phải “cam kết thúc đẩy và bảo vệ các nguyên tắc liên quan đến giá trị cuộc sống và phẩm giá của con người, được giải thích theo cách phù hợp với huấn quyền của Giáo hội”.

Le Méné cho biết ủng hộ luật trợ tử “là một sự rời bỏ” khỏi tập quán đó.

Le Méné nói rằng những sự cố như vậy có thể tránh được nếu có sự cộng tác nhiều hơn giữa các viện sĩ và các quyết định cùng nhau đưa ra quyết định về tác phẩm nào là “đáng được xuất bản và tác phẩm nào không”.

National Catholic Register đã hỏi Học viện Giáo hoàng về Sự sống nếu họ muốn bình luận về sự vi phạm rõ ràng các quy chế của học viện và liệu có hành động nào để ngăn chặn những tuyên bố đó trong tương lai hay không, nhưng họ đã không trả lời.

Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 2, học viện “nhiệt liệt hoan nghênh [d]” quyết định của Tòa án Hiến pháp vào ngày 15 tháng 2, nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý “sẽ mở ra con đường cho an tử.” Học viện cũng nêu rõ quan điểm “nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, tái khẳng định giá trị và sự tôn trọng đối với cuộc sống của mỗi con người, phản đối tự sát, do đó cũng phản đối trợ tử, như được nhắc lại nhiều lần bởi Đức Giáo Hoàng.”

Le Méné nói với tờ Register ngày 18 tháng 2 rằng ông ca ngợi quyết định của thẩm phán, và nói thêm rằng ông không nghĩ rằng tòa án “cần bài báo của Cha Casalone để hiểu rằng cuộc trưng cầu dân ý về vụ giết người muốn chết là điên rồ và nó nên bị bác bỏ.”

Nhưng ông nói thêm rằng, trong trường hợp không có cuộc trưng cầu dân ý, quốc hội vẫn sẽ cố gắng thông qua luật này, và bài báo của Cha Casalone “đưa ra lời biện minh để nó được thông qua”.
Source:National Catholic Register