1. Việt Nam hành động ngày càng giống Trung Quốc trong việc đàn áp tự do tôn giáo

Vào năm 1949, tại Hoa Lục có hơn 4 triệu người Công Giáo với 2,698 linh mục bản xứ và 3,015 linh mục truyền giáo đến từ các nước. Giáo Hội sở hữu 3,932 trường trung tiểu học, 2 đại học, 216 bệnh viện, 781 trạm y tế, 254 viện mồ côi và 29 nhà in.

Khi Mao lên nắm quyền, việc đầu tiên của Mao là trục xuất tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ Hoa Lục để dễ bịt mắt tây phương và lường gạt các thành phần “tiến bộ” trong giới “trí thức” phương tây vẫn còn mơ màng về chủ thuyết cộng sản. Số linh mục ngoại quốc đang từ con số 3,015 tụt xuống còn 172 vị trong đó 71 vị đang rũ tù. 101 vị còn lại trốn từ tỉnh này sang tỉnh khác. Sau này, nhiều vị như các cha dòng Trapp bị bắt đưa ra tòa án nhân dân, bị kết án là thực dân và xâm lược, bị tử hình bằng cách ghè đầu vào đá, bể sọ chết.

Một vài con số cho chúng ta thấy sự khủng bố của cộng sản Trung quốc tàn bạo đến mức nào. Số linh mục bản xứ đang từ 2698 vị tụt xuống còn 400 vị trong đó có 160 vị đã bị kết án tử hình hay chung thân. Một số nhỏ tham gia vào hội Công Giáo Yêu Nước, số lớn trốn tránh trong dân không dám hành đạo vì công an ruồng bắt ngày đêm. Tất cả tài sản Giáo Hội bị tịch thu. Tất cả chủng viện bị đóng cửa.

Ðời sống của các linh mục chui khó khăn và nguy hiểm đến độ nhiều người cho rằng nguy hiểm và khó khăn hơn các linh mục trong tù. Nhiều linh mục cho biết họ luôn luôn bị cám dỗ giữa việc ra đầu thú và việc tiếp tục hành đạo chui. Nếu đầu thú thì đi tù, mạng sống có thể bị nguy hiểm nhưng bớt cơ cực và lo lắng hơn. Tuy nhiên, giáo dân sẽ không ai coi sóc. Chính vì vậy, các vị đành phó thác trong tay Chúa.

Các linh mục chui không được phép làm việc vì các ngài thường không có hộ khẩu. Các ngài cũng không thể sống nhờ sự chu cấp của giáo dân vì giáo dân cũng nghèo rớt mồng tơi. Các vị thường làm những việc vặt vãnh để độ nhật và dâng lễ chui, làm các phép bí tích tại tư gia và lợi dụng các đám ma để dâng lễ rong đường.

Những nhân chứng sống sót chạy thoát sang Hương Cảng kể lại trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa từ 1966 đến 1976, bọn công an và hồng vệ binh họp dân bắt họ chứng kiến cảnh bọn ác ôn này moi tim các linh mục chui và anh chị em tín hữu Công Giáo để xem “linh hồn lìa khỏi xác” như thế nào.

Công tâm mà nói, cộng sản Việt Nam có lẽ vẫn không đến nỗi tàn bạo như cộng sản Trung Quốc. Thành ra, nhen nhóm trong lòng, chúng ta vẫn hy vọng người cộng sản Việt nhận ra xu thế thời đại, nhận thức nguy cơ đất nước lọt vào tay Tầu cộng mà hội nhập với thế giới để đời sống dân chúng ấm no, tín hữu các tôn giáo được tự do hành đạo, nhân dân yên tâm làm ăn, an hưởng thái bình.

Những diễn biến gần đây xem ra thật đáng thất vọng. Ảnh hưởng của Tầu cộng xem ra ngày càng rõ nét trong cung cách của nhà cầm quyền Việt Nam đối với các tôn giáo.

Trong diễn biến mới nhất, người Công Giáo đã phẫn nộ nhìn các quan chức xông vào một nhà thờ ở tỉnh Hòa Bình và làm gián đoạn Thánh lễ. Vụ việc được Tổng giáo phận Hà Nội đưa tin kèm theo đoạn video ngắn khiến dư luận lo ngại. Một Facebooker viết: “Thật là đối đầu và thực sự lo lắng khi thấy nghi lễ bị một số quan chức ngăn chặn.

Các quan chức địa phương mặc thường phục đã làm gián đoạn buổi lễ sáng Chúa Nhật tại giáo xứ Vụ Bản. Dẫn đầu là bí thư Đảng ủy địa phương, họ đã nhảy lên cung thánh, quát tháo Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Hà Nội và các linh mục khác, yêu cầu dừng ngay Thánh lễ, và cộng đoàn phải giải tán. Đức Tổng Giám Mục Giuse đã cùng với một số linh mục triều khác đồng tế Chúa nhật thứ bảy Mùa Quanh Năm tại giáo xứ Vụ Bản để đánh dấu “Ngày truyền giáo của Tổng giáo phận”.

Được xây dựng cách đây hàng chục năm, ngôi thánh đường là nhà thờ lớn nhất thị trấn Vụ Bản và có sức chứa hàng trăm người.

Các vị đồng tế và giáo dân đã cố gắng hết sức để bảo vệ Đức Tổng Giám Mục Giuse Thiên và loại bỏ những kẻ quấy rối cộng sản ra khỏi nhà thờ. Mặc dù trật tự đã được vãn hồi, và thánh lễ được tiếp tục sau đó, nhưng cuộc phục kích bất ngờ khiến giáo đoàn lặng người và chấn động.

Hơn nữa, biến cố xảy ra khi khói bụi của vụ án mạng kinh hoàng Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, nhà truyền giáo Đa Minh tỉnh Kon Tum thậm chí còn chưa lắng dịu. Nó đã gây sửng sốt cho cả người Công Giáo và tín hữu của các tôn giáo khác ở Việt Nam vì sự táo tợn và trắng trợn trong việc vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo.

“Chúng ta đã từng thấy hành vi này trước đây trong lịch sử bao giờ chưa? Đây là lần đầu tiên tôi thấy các quan chức chính quyền địa phương đến tận bàn thờ để phá rối Thánh lễ mà không đợi thánh lễ kết thúc trước khi quấy rối các linh mục như họ đã từng làm trong quá khứ. Đây là hành động vô văn hóa, vô pháp luật. Đó là một sự báng bổ hoặc phạm thánh trắng trợn,” Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải nói.

2. Chính quyền Israel từ bỏ kế hoạch công viên Núi Oliu

Cơ quan Công viên và Thiên nhiên của Israel hôm thứ Hai cho biết họ đã rút lại một kế hoạch gây tranh cãi nhằm bao gồm các thánh địa của Kitô giáo trên Núi Oliu của Giêrusalem trong một công viên quốc gia sau sự phản đối kịch liệt từ các tôn giáo lớn.

Núi Ô liu ở phía đông Giêrusalem nhô lên trên Thành phố Cổ của Giêrusalem và địa điểm này là thánh địa đối với ba tín ngưỡng độc thần. Các sườn dốc ở phía đông của Thành phố Cổ có các nhà thờ của nhiều giáo phái khác nhau đánh dấu những địa điểm truyền thống diễn ra các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu.

Các Giáo Hội Chính thống Armenia, Công Giáo và Hy Lạp đã kiến nghị với Bộ trưởng bảo vệ môi trường của Israel, bộ phận phụ trách Cơ quan Công viên, trong một lá thư vào tuần trước.

Các Giáo Hội bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc nhất và phản đối mạnh mẽ” đối với kế hoạch này, nói rằng nó sẽ phá vỡ tình trạng lâu đời và nhằm mục đích “tịch thu và quốc hữu hóa một trong những địa điểm linh thiêng nhất đối với Kitô giáo và thay đổi bản chất của khu vực.”

Farid Jubran, cố vấn chung của Cơ quan Giám sát Thánh Địa của Giáo Hội Công Giáo, nói rằng bằng cách biến một khu vực bao gồm tài sản Giáo Hội trở thành một phần của công viên quốc gia, là “đặt quyền kiểm soát vào tay những người không có chương trình nghị sự nào khác ngoài việc xóa sổ bất kỳ đặc điểm nào không phải của người Do Thái trên ngọn núi này”

Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Tamar Zandberg đã không trả lời các yêu cầu phỏng vấn.

Nhưng ngay sau sự phản đối kịch liệt của các Giáo Hội, Cơ quan Quản lý Thiên nhiên và Công viên cho biết họ đã rút lại kế hoạch này, mà theo dự trù ban đầu sẽ được ủy ban quy hoạch của Giêrusalem phê duyệt vào ngày 2 tháng 3.

Chính quyền cho biết họ “không có ý định xúc tiến kế hoạch trong ủy ban kế hoạch và không sẵn sàng thảo luận nếu không có sự phối hợp và liên lạc với tất cả các quan chức liên quan, bao gồm cả các Giáo Hội, trong khu vực.”

Các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động vì hòa bình của Israel đã tố cáo kế hoạch này là một nỗ lực của chính quyền Israel nhằm loại người dân Palestine ra ngoài lề xã hội và tăng cường ý nghĩa tôn giáo và quốc gia của người Do Thái đối với Núi Ô-liu.

Trong một tuyên bố chung, các nhóm nhân quyền Bimkom, Emek Shaveh, Ir Amim và Peace Now cho biết kế hoạch mở rộng Vườn quốc gia Bức tường Jerusalem bao gồm các phần của Núi Ô liu là một phần của “nhiều thủ đoạn khác nhau được Israel sử dụng ở phía đông Giêrusalem để khai thác chủ quyền, để hạn chế sự hiện diện của những người không phải là người Do Thái và ngăn cản sự phát triển rất cần thiết của các khu dân cư Palestine, do đó làm tăng áp lực đẩy họ ra khỏi lưu vực Thành phố Cổ”.

Israel đã chiếm được đông Giêrusalem và các thánh địa của người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo trong cuộc chiến Bẩy Ngày vào năm 1967 và sáp nhập nó trong một động thái không được hầu hết cộng đồng quốc tế công nhận.

Thành phố thánh thiêng này là tâm chấn của cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hơn một thế kỷ, và ngay cả những thay đổi nhỏ đối với hiện trạng mong manh ở Giêrusalem cũng có khả năng bùng phát bạo lực. Người Palestine mong mỏi phía đông Giêrusalem là thủ đô của một quốc gia độc lập trong tương lai, trong khi Israel coi thành phố này là thủ đô thống nhất của mình.
Source:AP

3. Sự lạm dụng tai tiếng lạm dụng – thủ đoạn bất kể đạo lý của cấp tiến Đức

Tờ National Catholic Register có bài nhận định nhan đề “The Abuse of Abuse”, nghĩa là “Sự lạm dụng tai tiếng lạm dụng”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Sự tàn bạo của các cuộc tấn công nhắm vào Đức Bênêđíctô XVI sau khi báo cáo được công bố không được chứng minh bởi các bằng chứng thực tế trong báo cáo, và có vẻ đúng thời điểm một cách kỳ lạ khi chúng ta liên hệ đến Tiến Trình Công Nghị Đức gần đây.

Giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một tội ác kinh hoàng. Đó là một tai tiếng nghiêm trọng đến nỗi nó đã hoàn toàn làm suy yếu lòng tin của nhiều tín hữu nơi các nhà lãnh đạo Công Giáo của họ. Nó cũng đã làm tổn hại sâu sắc đến khả năng của Giáo hội trong việc thực hiện sứ mệnh truyền giáo căn bản của mình là cứu rỗi các linh hồn.

Đó là lý do tại sao thật đáng lo ngại khi thấy vấn đề này được lèo lái một cách bất kể đạo lý bởi một số người Công Giáo cấp tiến. Giáo hội phải tiếp tục cố gắng tìm ra các giải pháp đích thực để chống lại lạm dụng tình dục, hỗ trợ các nạn nhân bị lạm dụng, trừng phạt những kẻ lạm dụng tình dục, và học hỏi từ những sai lầm trước đây. Nhưng ngược lại, những người Công Giáo này khai thác nó như một công cụ để thúc đẩy các chương trình nghị sự mâu thuẫn với các giáo lý đã được thiết định của Giáo hội - như trong trường hợp bất đồng chính kiến về giáo lý hiện đang được vận động một cách công khai bởi “Tiến Trình Công Nghị” có quá nhiều vấn đề của Giáo hội Đức.

Đáng lo ngại không kém là việc những người Công Giáo này sẵn sàng lợi dụng tai tiếng lạm dụng để miệt thị một số nhà lãnh đạo của Giáo hội, nặng nề hơn những người khác có những thế giới quan nhất định phù hợp hơn với họ.

Ví dụ rõ ràng nhất là lời chỉ trích nhắm vào Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 - của một số quan chức trong Giáo hội Đức và từ nhiều phương tiện truyền thông – gây ra bởi báo cáo do công ty luật Westpfahl Spilker của Đức công bố vào tháng trước sau khi điều tra việc giải quyết các vụ lạm dụng tình dục của Tổng giáo phận Munich. Báo cáo của họ kết luận rằng Đức Bênêđíctô XVI “có thể bị buộc tội có hành vi sai trái” vì đã giải quyết bốn vụ ở Tổng giáo phận Munich và Freising từ năm 1977 đến năm 1982, khi ngài đang phục vụ ở đó với tư cách là tổng giám mục của tổng giáo phận này.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của EWTN News nhằm bảo vệ Đức Bênêđíctô XVI, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng lâu năm của Đức nguyên Giáo hoàng, đã đề cập đến một câu nói mà một số người Công Giáo Đức đã đặt ra để mô tả những gì đang diễn ra khi vấn đề lạm dụng tình dục bị khai thác để tạo ra những thay đổi giáo lý rộng lớn, và để phỉ báng các nhà lãnh đạo Giáo hội có quan điểm không phù hợp với các chương trình nghị sự cấp tiến: Họ mô tả chính xác đó là “sự lạm dụng tai tiếng lạm dụng”.

Như Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng đã chỉ ra, mức độ tàn bạo của các cuộc tấn công nhắm vào Đức Bênêđíctô sau khi báo cáo được công bố không được chứng minh bằng các bằng chứng thực tế trong báo cáo, liên quan đến cáo buộc cho rằng ngài đã giải quyết sai.

Tuy nhiên, việc sửa sai các cáo buộc này chẳng giúp ích được gì nhiều về mặt giảm thiểu tác hại gây ra do những cáo buộc bị phóng đại quá lớn của báo cáo này.

Các sự kiện chính xác dường như không quan trọng đối với những người “lạm dụng tai tiếng lạm dụng”, họ sẵn sàng chà đạp sự thật nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự về tín lý của họ khi một số người trong Giáo hội ở Đức thực hiện một chiến dịch phóng đại tương tự nhằm chống lại Đức Hồng Y Rainer Woelki của Köln sau cuộc điều tra về lịch sử của tổng giáo phận trong việc giải quyết các hành vi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Ngược lại, những nhân vật như Hồng Y Reinhard Marx, tổng giám mục đương nhiệm của Munich, đã được tránh khỏi những phản ứng gay gắt tương tự từ những người cấp tiến bất kể mức độ dính líu của những nhân vật này trong các trường hợp lạm dụng giáo sĩ đã bị giải quyết sai.

Sự đối xử hoàn toàn khác biệt này dường như không liên quan gì đến việc các giám mục Đức này đã giám sát các hồ sơ lạm dụng tình dục của giáo sĩ trong giáo phận của họ một cách tương đối tốt hay kém cỏi.

Thay vào đó, nó có vẻ liên quan trực tiếp đến việc họ được đánh giá là đang ở phía bên nào, phản đối hay ủng hộ các chương trình nghị sự có khả năng ly giáo mà “Tiến Trình Công Nghị” của Đức hiện đang trong quá trình chính thức tán thành.

Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù những người ủng hộ Tiến Trình Công Nghị khẳng định tiến trình của họ được khởi xướng đặc biệt nhằm tìm ra những con đường mới để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục và khôi phục lòng tin trong Giáo hội, nhưng các ưu tiên hàng đầu của nó - chẳng hạn như việc phong chức cho phụ nữ, chấp thuận đồng tính luyến ái và bãi bỏ luật độc thân linh mục - đã đứng đầu danh sách các thèm khát cấp tiến được ấp ủ trong nhiều thập kỷ trước khi có bất cứ ai đó tuyên bố rằng bằng cách này cách khác các thay đổi đó có thể phục vụ như một biện pháp sửa chữa cho sự lạm dụng.

Ngày càng có nhiều sự phản đối chống lại những trình bày sai lệch này.

Trong các bình luận trên tờ National Catholic Register, Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ về “các cuộc tấn công và phỉ báng cá nhân” do các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức bất đồng chính kiến gây ra, và ngài kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Hồng Y đoàn” phải kiềm chế “Tiến Trình Công Nghị.”

Về phần mình, Vatican đã công khai bảo vệ thành tích của Đức Bênêđíctô với tư cách là nhà lãnh đạo đã được chứng minh trong cuộc chiến chống lạm dụng, và Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã tiết lộ trong cuộc phỏng vấn trên EWTN rằng Đức Thánh Cha đã gọi cho Đức Giáo Hoàng danh dự để bày tỏ sự kinh hoàng về những tuyên bố chống lại Đức Bênêđíctô và sau đó đã viết một lá thư cá nhân cảm động để hỗ trợ.

Xin nhắc lại những gì đã nêu ở phần đầu của bài bình luận này: Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên do các giáo sĩ gây ra là một tội ác kinh hoàng đòi hỏi sự cảnh giác và những cải cách liên tục.

Việc nhận ra đặc điểm ý thức hệ của vụ phỉ báng nhắm vào Đức Bênêđíctô sau khi công bố kết quả điều tra của Munich, không cách nào giảm thiểu được những tổn thất mà sự lạm dụng của hàng giáo sĩ và sự che đậy những tội lỗi này gây ra cho những đứa trẻ là nạn nhân.

Và với sự rõ ràng của nhận thức muộn màng sau khi mọi sự đã xảy ra, chắc chắn là Đức Bênêđíctô, cũng như hầu hết tất cả các nhà lãnh đạo Giáo hội cùng thế hệ với ngài, có thể và lẽ ra phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ trong thời gian làm Tổng giám mục Munich và sau đó.

Thật vậy, đây là trọng tâm cá nhân của Đức Bênêđíctô ngay cả bây giờ.

Trong khi phần phụ lục đính kèm lá thư phúc đáp của Đức Bênêđíctô đối với báo cáo ở Munich bác bỏ kết luận của các nhà điều tra về hành động của ngài và các cáo buộc chống lại ngài, vị giáo hoàng danh dự đã tập trung nhận xét của riêng mình về nỗi buồn và sự xấu hổ của ngài với tư cách là một nhà lãnh đạo Giáo hội vì tác hại sâu sắc và khó giải trừ do tội lỗi lạm dụng tính dục và thậm chí vì đã không nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc thanh trừng tệ nạn sâu xa này khỏi đời sống của Giáo hội. Ngài than thở: “Trong tất cả các cuộc họp của tôi, đặc biệt là trong nhiều chuyến tông du của mình, với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục, trước hết tôi đã thấy những hậu quả của một lỗi lầm đau buồn nhất”.

“Và tôi hiểu rằng bản thân chúng ta bị cuốn vào lỗi nghiêm trọng này bất cứ khi nào chúng ta bỏ qua nó hoặc không đối diện với nó với quyết tâm và trách nhiệm cần thiết, là điều quá thường xuyên đã xảy ra và tiếp tục xảy ra. Trong những cuộc gặp gỡ đó, một lần nữa tôi chỉ có thể bày tỏ với tất cả những nạn nhân bị lạm dụng tình dục sự xấu hổ sâu sắc, nỗi buồn sâu sắc và lời cầu xin tha thứ chân thành của tôi.”

Một kết luận tinh thần và thực tế về tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ phải hướng dẫn những cải cách tiếp tục trong Giáo hội, chứ không phải là một tinh thần bất đồng chính kiến được che đậy mỏng manh nhằm phá bỏ niềm tin cơ bản của đức tin Công Giáo của chúng ta.
Source:National Catholic Register